Saturday, May 22, 2021

CON MÈO ĐI HIA: MỘT CÂU CHUYỆN ĐẠO ĐỨC ĐÁNG NGỜ

Câu chuyện chú mèo đi hia của Charles Perrault có lẽ là câu chuyện cổ tích nổi tiếng nhất với chủ đề nói về một con vật. Nhưng vấn đề đạo đức xung quanh câu chuyện lại khiến nhiều người bối rối, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải thích được những nghi vấn này.

Chú mèo đi hia trong phim hoạt hình cùng tên của Hollywood. (Ảnh qua Hollywood Reporter)

Tóm tắt câu chuyện Chú mèo đi hia

Câu chuyện Chú mèo đi hia bắt đầu với một bác thợ xay có ba người con trai. Gia tài của bác cũng có ba thứ: một cối xay gió, một con lừa và một con mèo. Khi người thợ xay qua đời, anh con trai lớn nhất nhận được chiếc cối xay gió, người con trai thứ hai được chia con lừa và đứa con trai út nhận được con mèo .

Lúc này người con trai út không hài lòng với tài sản được chia và muốn giết con mèo, nhưng con mèo đã cầu xin anh tha mạng, đổi lại nó sẽ giúp cho ông chủ trẻ của mình trở nên giàu có. Sau khi người con trai út đồng ý, con mèo yêu cầu mình được mang một đôi hia.

Sau đó nó bắt đầu cuộc phiêu lưu bằng cách bắt những chú thỏ và chim chóc để tặng cho nhà vua. Mỗi lần như thế nó đều nói với đức vua rằng tất cả những món quà này đều do chủ nhân của mình gửi tặng, và rồi nó bịa ra một cái tên quý phái nghe thật kêu – Marquis de Carabas (Hầu tước Carabas). Nhiều lần như thế nhà vua bắt đầu trở nên tò mò về người quý tộc hào phóng này.

Một ngày nọ, chú mèo nghe tin nhà vua và công chúa sẽ ngồi xe ngựa đi ngang qua bờ sông, nó bèn nói chủ nhân cởi quần áo và bơi trên sông. Khi xe ngựa của nhà vua chạy tới, con mèo liền chặn xe và tiếp tục nói dối rằng chủ nhân Marquis de Carabas đang tắm dưới sông thì bị trộm lấy cắp tất cả quần áo để trên bờ. Nhà vua lập tức sai người hầu đưa đồ cho con trai người thợ xay thay và mời anh ta lên xe. Khi nhìn thấy “Hầu tước”, công chúa ngay lập tức rơi vào lưới tình.

Con mèo đi trước và lại lừa dối nông dân, người đốn củi và người chăn cừu để tất cả nói rằng tài sản xung quanh đây đều thuộc về Hầu tước Carabas. Con mèo tinh ranh cảnh báo mọi người nếu không nói theo lời nó thì những điều tồi tệ sẽ xảy ra với họ. Do đó khi đức vua đi qua các vùng đất này, người dân đều nói rằng đó là tài sản của Hầu tước Carabas.

Kế đến con mèo đi tới một tòa lâu đài, đó là nơi sinh sống của một phù thủy có khả năng biến thành tất cả các loài vật. Với sự tinh ranh của mình, chú mèo đi hia đã lừa phù thủy biến thành một con chuột và ăn thịt nó ngay lập tức. Nhờ vậy mà tòa lâu đài và tài sản xung quanh đều thuộc về chủ nhân của con mèo.

Khi nhà vua, công chúa và đoàn tùy tùng đến nơi, nhà vua đã rất ấn tượng với tòa lâu đài và chấp nhận gả con gái cho chàng trai trẻ. Từ đó người con trai út trở thành hoàng tử và lời hứa của con mèo đã được thực hiện.

Mèo đi hia đã giúp cậu con trai út lấy được công chúa. (Ảnh qua Pinterest)

Câu chuyện này có hội tụ đủ các yếu tố như một câu chuyện cổ tích hay không?

Nói chắc chắn có đầy đủ các yếu tố của một câu chuyện cổ tích như: nhân vật chính, nhân vật phản diện, nhiệm vụ cần thực hiện, các chướng ngại vật, phép thuật, sự biến đổi, công chúa… và một bài học đạo đức.

Có thể thấy con mèo đã làm được tất cả mọi thứ bằng cách gian lận, đe dọa và nói dối. Còn chủ nhân của nó thì sao? Anh không làm gì cả. Việc duy nhất mà anh làm là định giết chết con mèo của mình. Anh ta không quá thông minh và cũng không phải là người tốt.

Đó là lý do “Chú mèo đi hia” khiến nhiều người bối rối. Nhưng tại sao câu chuyện này lại trở nên phổ biến trong hơn 300 năm qua và được xuất bản nhiều lần?

Để trả lời cho câu hỏi này chúng ta hãy xem xét một số yếu tố cơ bản của câu chuyện. Nó có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về giá trị đạo đức của câu chuyện cổ tích này.

Quyền con trưởng là gì?

Khi các phiên bản đầu tiên của “Chú mèo đi hia” ra đời, một hệ thống được gọi là “quyền con trưởng” được sử dụng rộng rãi. Nó ám chỉ đến việc người con trai cả sẽ được hưởng tất cả tài sản khi người cha qua đời. Vào thời đó, mọi người không có nhiều tài sản để phân chia. Vì vậy, việc để người con trai trưởng hưởng một mảnh đất nhỏ và một số tài sản khác được xem là điều hợp lý, bởi anh ta chính là người góp nhiều công sức nhất cho gia đình nên người dân thời đó tin rằng con trai trưởng sẽ sử dụng mảnh đất thật tốt. Riêng những người con nhỏ hơn sẽ phải tự tìm ra con đường riêng cho mình.

Đối chiếu vào câu chuyện cổ tích, ta có thể thấy rằng người con trai lớn nhất nhận được cối xay. Người con trai thứ hai nhận được một con lừa, một phương tiện vận chuyển rất hữu ích cho người thợ xây. Đứa con út nhận được một con mèo, và con vật này cũng là trợ thủ đắc lực vì chuột là vấn đề với các thợ xay. Vậy là cả 3 người còn đều được thừa kế những thứ có ích, điều này mâu thuẫn với quyền con trưởng. Vì thế, việc tác giả để người cha phân chia tài sản như trên mới là vấn đề.

Số 3 trong câu chuyện Chú mèo đi hia

  • Người thợ xây có 3 người con trai

  • Chú mèo chia kế hoạch của mình thành 3 phần (nhận được sự cảm thông của nhà vua, giới thiệu chủ nhân của mình và chiếm lấy lâu đài)

  • Có 3 nhóm người giúp đỡ con mèo truyền bá sự giàu có của chủ nhân

  • Phù thủy biến thành 3 con vật

Có thể thấy có rất nhiều lý do để số 3 trở thành một yếu tố phổ biến trong câu chuyện. Lời giải thích cho điều này chính là thực tế hầu hết mọi đứa trẻ trong tiềm thức tự nhận diện mình bằng số 3.

Nếu chúng ta kiểm tra mối quan hệ gia đình của một đứa trẻ, thì số 1 và số 2 luôn là đại diện cho người cha và người mẹ, và đứa trẻ luôn cảm thấy rằng mình chính là số 3. Ngay cả khi có thêm anh chị em, thì mối liên hệ với cha mẹ của nó cũng mạnh mẽ đến mức đứa trẻ vẫn tin rằng mình chính là số 3

Sức mạnh của đôi hia

Đôi hia là một phần quan trọng của câu chuyện này. Trong nhiều thập niên, Charles Perrault có ảnh hưởng rất lớn trong triều đình của vua Louis XIV, khi thời trang luôn đóng một vai trò quan trọng.

Trong quá khứ có nhiều câu chuyện kể về những người trở thành người vô gia cư chỉ vì họ đã bán đi tất cả của cải, nhà cửa để mua quần áo hợp thời.

Theo đó, con mèo đã giành được lòng tin của đức vua khi nó mang đôi hia hợp thời trang. Và ta có thể nhìn thấy sự hài hước của tác giả ở phần cuối câu chuyện khi nói về vấn đề đạo đức: “Vẻ đẹp, cách cư xử tốt và sự hỗ trợ đắc lực từ trang phục” thực sự là chìa khóa dẫn đến thành công.

Bức tranh “Chú mèo đi hia” của Elena Makarova. (Ảnh qua Natblog.ru)

Tại sao tác giả lại thêm đôi hia?

Đôi hia là thứ không tồn tại trong các phiên bản cũ của câu chuyện “Chú mèo đi hia” cho đến khi nó được Charles Perrault viết lại.

Thông thường đôi giày là hình ảnh tượng trưng cho việc leo lên nấc thang xã hội. Và ngày nay đôi giày vẫn là biểu tượng trạng thái phát triển của thế giới.

Vì trẻ em lớn lên từng ngày khiến những đôi giày nhanh chóng bị chật đi, và những gia đình nghèo không có khả năng mua giày thường xuyên cho chúng. Nên vào thời đó, khi một đứa trẻ đến tuổi trưởng thành, chúng sẽ nhận được một đôi giày đại diện cho mốc thời gian quan trọng của đời người, khi anh ấy / cô ấy bắt tay vào một cuộc hành trình để tìm kiếm vị trí của mình trong xã hội.

Riêng Charles Perrault là một người rất giàu có, nhưng ông không phải là thành viên của một gia đình quý tộc. Vì vậy, ông biết rõ để có được tiền bạc và của cải thì điều đầu tiên cần làm chính là leo lên nấc thang xã hội.

Đó cũng là lý do vì sao đôi hia là thứ rất thích hợp làm biểu tượng cho xã hội mà ông Perrault đang sống.

Mèo đi hia được tiếp đãi. (Ảnh qua Oh My Ribbon! – Blogger)

Các phiên bản cũ nhất không có sự tồn tại của con mèo

Trong các phiên bản cũ hơn, con vật trong câu chuyện là một con cáo trong vai trò trợ thủ đắc lực. Tiêu biểu nhất là câu chuyện dân gian nước Ý “Don Joseph Pear”. Nội dung câu chuyện kể về một con cáo bị bắt vì tội ăn trộm lê vào ban đêm.

Những diễn biến tiếp theo của câu chuyện cũng tương tự như “Chú mèo đi hia”, con cáo cũng đem đến cho chủ nhân Don Joseph sự giàu có, thành công và kể cả việc kết hôn với công chúa. Tuy nhiên, kết thúc của câu chuyện lại rẽ sang một hướng khác. Thay vì tận hưởng cuộc sống giàu sang của mình, Don Joseph đã giết chết con cáo để ngăn chặn bất cứ ai phát hiện ra xuất thân thật sự của mình.

“Lãnh chúa Peter” – Phiên bản “Chú mèo đi hia” ở Na Uy

Phiên bản ở Na Uy có một khởi đầu tương tự câu chuyện “Chú mèo đi hia”, nhưng cũng có một sự thay đổi quan trọng đó là: Khi cha mẹ chết, tất cả các người con trai mang đồ đạc của họ rời đi và từ bỏ gia đình.

Trong câu chuyện này, người con trai út Peter mang theo con mèo vì anh sợ nó bị bỏ đói đến chết. Vì vậy, phiên bản này mang ý nghĩa về tình bạn giữa con người và động vật.

Sau đó câu chuyện phát triển theo mô hình quen thuộc là con mèo giúp đỡ Peter và mang đến sự giàu có cho anh. Nhưng cuối cùng, thay vì đôi hia thì con mèo lại đòi hỏi một thứ khác ở Lãnh chúa Peter.

Nó yêu cầu anh hãy giết chết mình và sau đó con mèo đã biến thành một nàng công chúa xinh đẹp.

Thật không khó để nhận ra sự tương đồng giữa câu chuyện này với câu chuyện Người đẹp và Quái vật, Hoàng tử Ếch.

Mặt khác, “Lãnh chúa Peter” có lẽ là câu chuyện mà nhà văn George Cruikshank dựa vào để tạo ra một phiên bản mới là “Chú mèo đi hia”.

Câu chuyện “Gagliuso” của Basile

Nếu muốn hiểu rõ hơn nội dung câu chuyện “Chú mèo đi hia” theo cách cổ điển, chúng ta chắc chắn không thể bỏ qua câu chuyện “Gagliuso” của Basile.

Trong phiên bản tiếng Ý đầu tiên của nó, một con mèo cái đã giúp đỡ chủ nhân của mình bằng mọi cách, thậm chí nó còn dạy cho anh ta cách cư xử.

Không có bất kỳ sự lừa dối nào trong câu chuyện này và tài sản của Gagliuso được mua bán sòng phẳng với nhà vua.

Kết thúc câu chuyện vẫn là một ý nghĩa mang tính giáo dục. Cụ thể, khi Gagliuso nhận được những thứ có thể mang đến cho anh ta một cuộc sống hạnh phúc mãi mãi, con mèo đã xin anh một ân huệ rằng: Hãy chôn cất nó đàng hoàng.

Nhưng khi con mèo chết đi, Gagliuso đã ra lệnh ném thi thể của nó qua cửa sổ. Câu chuyện kết thúc với bài học rằng: Một lần ăn xin, muôn đời là kẻ ăn xin.

Gagliuso and His Cat, A Fairy Tale From The Pentameron

“Pentamerone” của Basile – Nguồn cảm hứng cho Perrault

Các học giả đồng ý rằng, câu chuyện “Pentamerone” của Basile là nguồn cảm hứng lớn nhất cho nhà văn Perrault trong việc sáng tạo ra những câu chuyện của ông trong tập truyện “Tales of Mother Goose” (Chuyện mẹ ngỗng), bao gồm cả “Chú mèo đi hia”.

Trong câu chuyện của Perrault, ông nói về một phù thủy và con mèo cái bị đổi thành con mèo đực.

Nhưng sự thay đổi quan trọng nhất chắc chắn là giá trị đạo đức của câu chuyện, Perrault đưa ra thông điệp đối lập với Basile. Nói cách khác, nếu như Basile cho rằng “quần áo không làm nên người đàn ông”, thì Perrault lại tuyên bố: “Quần áo có thể làm nên người đàn ông”.

Vì vậy câu chuyện của Perrault đứng trước sự thử thách của thời gian. Và cho đến hiện tại có thể khẳng định rằng “Chú mèo đi hia” của nhà văn này là phiên bản phổ biến nhất.

Nó đã truyền cảm hứng cho nhiều phiên bản hiện đại khác. Nhưng thông điệp mà nói gửi gắm có thể sẽ không phù hợp với trẻ em.

Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ, chúng ta có thể tìm thấy một số bài học đạo đức có giá trị ở đây như:

  • Không lãng phí thời gian của bạn để than phiền về hoàn cảnh của bản thân.

  • Các lá bài đang nằm trong tay bạn. Hãy chơi nó theo cách tốt nhất có thể, và bạn sẽ nhận được phần thưởng!
Tú Văn, theo OC