Wednesday, May 19, 2021

CHẤP VÀ VÔ CHẤP LÀ GÌ?


“Chấp” là một trong những khái niệm trung tâm của Phật triết. “Vô Chấp” thì giác ngộ.

Kinh Kim Cang nói: Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm – Nên không có chỗ trụ mà sinh tâm thanh tịnh (tâm bồ đề). (Đoạn 10: Trang Nghiêm Tịnh Độ).

Vô trụ, cũng chính là vô chấp – không đứng cứng vào đâu, không dính cứng vào đâu, không bám cứng vào đâu. Chú chim kia, đậu khắp nơi, đứng khắp nơi, nhưng không trụ, không chấp, không dính cứng vào đâu, cho nên chú mới có tự do bay lượn khắp bầu trời. Dính cứng vào đâu thì thành tượng đá.

“Chấp/trụ” là bám cứng, dính cứng, vướng mắc… Vô trụ, vô chấp là không bám cứng vào đâu, không dính cứng vào đâu.

Bám cứng vào tiền là chấp vào tiền. Có tiền trong túi để chi dụng việc cần thiết và để giúp người giúp đời, đó là có tiền nhưng không chấp vào tiền. Mất tiền mà lòng vẫn bình thản vì tiền đến được thì tiền đi được, đó là không chấp vào tiền.


Có tiền và ham có thêm, có thêm, có thêm chỉ để đếm tiền và nhìn các con số lớn trong tài khoản của mình, đó là chấp vào tiền.

Nhất định không cầm tiền, lên núi ở một mình, thấy tiền là vứt đi, đó là “chấp không”. Bám vào có (tiền) là cực đoan “chấp có”, chấp vào “phải không có tiền” là cực đoan “chấp không”. Cả hai cực đoan này đều là tội lỗi trong Phật triết. Phật đạo là trung đạo, con đường ở giữa, không cực đoan.

Trung đạo thực sự là có thể đứng ở mọi nơi, có thể có mọi thứ, nhưng không dính cứng vào nơi đâu và không dính cứng vào thứ gì. Đó là con đường loại bỏ mọi cực đoan. Dính cứng là cực đoan, không dính cứng là trung đạo.

Dính vào điều gì cũng là cực đoan, cũng là chấp. Ngay cả dính vào giáo pháp cũng là chấp – giáo pháp là để học và thực hành, và vất đi khi đã thuần thục. Như nhà văn học ngữ pháp để biết viết, nhưng đến lúc thành tài thì nhà văn sẽ dùng ngữ pháp khi cần và bỏ ngữ pháp khi cần, không còn kè kè dính cứng vào ngữ pháp như học trò lớp 5 nữa.


Như sư trẻ nhập môn thì “Nam nữ thọ thọ bất thân”. Nhưng thầy đã giác ngộ như Tenzen thì bồng kỹ nữ qua đường cũng là điều đứng đắn.

Qua sông vất bè, không phải vác bè trên vai đi khắp nơi.

Có thể có mọi thứ trong tay – tiền bạc, bằng cấp, địa vị, quyền lực – nhưng dùng chúng để phục vụ đời và phục vụ người, và không hề dính cứng vào chúng, chúng tới hay chúng đi thì mình cũng bình thản, đó là vô chấp.

Chối từ mọi thứ và lên núi sống một mình với một vườn rau, cũng tốt nếu bạn thích sống như thế. Nhưng nếu bạn cho đó là đường giải thoát cho bạn và cho mọi người thì đó là chấp không – chối bỏ mọi thứ, chạy trốn mọi thứ. Đó là cực đoan “chấp không”, tội lỗi chẳng thua gì “chấp có.”


Chấp là dính cứng. Vô chấp là không dính cứng.

Bạn có thể có mọi thứ bạn cần để sống và phục vụ đời, miễn là đừng bị dính cứng vào điều gì là được.

Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.

Chúc các bạn luôn vô chấp

Trần Đình Hoành