Wednesday, May 12, 2021

TẠI SAO CON NGƯỜI TA LUÔN MIỆNG NÓI "TÔI ỔN" NHƯNG THỰC LÒNG CHẴNG HỀ NHƯ THẾ?

Bạn vẫn hay nói với người khác rằng mình "ổn" khi gặp sự cố hay khó khăn nào đó. Nhưng câu nói đó có thực sự giúp bạn giải quyết vấn đề?


Con người ngày nay thường sử dụng những câu “cửa miệng” như: “Tôi ổn mà”, “Mọi thứ đều ổn cả” để kết thúc một cuộc trò chuyện với người quen, còn với những mối quan hệ không quá thân thiết, chúng ta dùng nó để trấn an họ rằng họ không cần phải lo lắng về vấn đề mà chúng ta đang đề cập.

Thực tế thì mọi chuyện có thật sự ổn không hay câu nói ấy chỉ là một cách để bạn “ngụy trang” cảm xúc thật của bản thân?

Tại sao câu nói “mọi thứ đều ổn” lại không thực sự ổn?

Bạn nghĩ thế nào, câu nói ấy tốt hay không tốt? Trước khi bạn cho mình một câu trả lời, tôi sẽ đưa ra một ví dụ nho nhỏ: bạn để quên chìa khóa trong ô tô và vì thế mà bạn muộn làm. Bạn phải gọi cho bên công ty dịch vụ để mở khóa chiếc xe. Sau đó, bạn tới chỗ làm, than thở với đồng nghiệp về sự cố vừa rồi và cuối cùng kết thúc cuộc trò chuyện bằng câu “Mọi thứ đều ổn cả”.

Hành động này của bạn rõ ràng mang một ý nghĩa tích cực, nó là cách thức hoàn hảo để chuyển rời sự chú ý của bạn lên những điều tốt đẹp hơn. Thế nhưng, bạn cần xác định rõ một vấn đề: những cảm xúc tiêu cực mà bạn cố lờ chúng đi ấy, chúng sẽ ra sao? Chúng sẽ thực sự biến mất chứ? Câu trả lời cho bạn là điều ấy còn phụ thuộc vào mức độ phản ứng của bạn khi sự cố xảy ra.

Nếu bạn để quên chìa khóa trong xe và rồi bắt đầu làu bàu một cách cáu kỉnh, dậm những bước vô cùng nặng nề vì bực bội thì những cảm xúc không hề biến mất. Chúng chỉ bị bạn ném sang một bên mà thôi. Ngược lại, nếu bạn giữ được bình tĩnh khi sự cố xảy ra, bạn cảm thấy mọi chuyện không quá to tát, bạn vẫn đi đứng, nói năng và làm việc bình thường; vậy thì mọi thứ thực sự ổn, bạn đã xử lý tốt vấn đề và cảm xúc của chính mình.

Không phải lời nói, chính nhận thức của bạn mới giúp bạn biết mọi chuyện có thực sự ổn

Mấu chốt của vấn đề chính là: Bản thân lời nói của bạn vô hại nhưng yếu tố quyết định sức ảnh hưởng của nó chính là mục đích và nguồn năng lượng tiêu cực hoặc tích cực mà nó mang tới. Khi những câu từ đã ăn sâu vào tiềm thức của bạn, dần dần chúng sẽ trở thành phản xạ tự nhiên của bạn. Như một phản ứng tức thời, chúng sẽ bật ra khỏi miệng bạn ngay cả khi bạn không hoàn toàn ý thức được điều đó.

Chính nhận thức của chúng ta (chứ không phải lời nói) mới quyết định tình huống ta trải qua là xấu hay tốt. Nếu bạn không nhận thức vấn đề theo một cách đúng đắn thì những cảm xúc ấy sẽ trở lại vào một thời điểm khác, giống như chiếc boomerang vậy. Và chúng thường xuất hiện vào thời điểm tồi tệ nhất, ví dụ như lúc nửa đêm khi bạn chuẩn bị tiến vào mộng đẹp, trong bữa tiệc lớn của công ty hay khi bạn đang nấu bữa tối cho cả nhà chẳng hạn. Cảm xúc tiêu cực xuất hiện vào những thời điểm ấy sẽ khiến mọi điều tốt đẹp tan thành mây khói và nó hiển nhiên chỉ có hại chứ không giúp ích gì cho bạn.

Sử dụng câu nói ấy một cách đúng đắn và hợp lý

Bài viết này hoàn toàn không ngăn cấm bạn sử dụng câu nói “Mọi việc đều ổn”, tôi chỉ muốn nhắc nhở bạn đừng nói những lời ấy quá vội vàng. Hãy hít một hơi thật sâu trước khi nói, khi câu nói ấy được thốt ra quá nhanh thì cảm xúc của bạn sẽ bị kìm nén. Và khi cảm xúc bị lãng quên thì nhu cầu của bạn cũng theo đó mà tiêu biến.

Cảm xúc là chìa khóa của tâm hồn, đừng phớt lờ để làm những điều bạn cho là đúng

Nhiều người trong chúng ta coi nhu cầu giống như là điểm yếu. Họ cho rằng lờ chúng đi và hướng bản thân tới một hướng khác là biểu hiện của sự mạnh mẽ. Điều này không thực sự đúng. Cảm xúc đại diện cho tâm hồn bạn, cho những gì đang diễn ra bên trong con người bạn. Những nhu cầu sẽ giúp bạn kết nối và đóng góp một phần nào đó cho thế giới này.

Điều đó luôn đúng dù bạn là ai hay bạn đến từ đâu, bạn làm những gì. Bạn là một chuyên viên cao cấp của một tập đoàn lớn hay là một bà nội trợ ở nhà để quán xuyến việc gia đình thì bạn đều cần có nhu cầu để tồn tại trên đời. Bạn cứ lờ đi cảm xúc của chính mình bằng những câu nói vội vàng thì bạn đang bỏ lỡ những trải nghiệm cần thiết để rèn luyện sự khôn ngoan trong cuộc sống.

Lời kết

Lần tới khi bạn muốn thốt ra câu “Mọi thứ đều ổn” thì dừng lại để điều chỉnh cảm xúc cho tốt đã. Hãy nhớ điều bạn cần là đối mặt với những gì bản thân thực sự muốn chứ không phải phớt lờ nó để tiếp tục làm những gì bạn nghĩ mình nên làm.

Hãy hít một hơi thật sâu như tôi đã nói ở trên, hành động này sẽ giúp bạn bình tĩnh lại và đánh giá đúng tình huống của bản thân. Nếu bạn đang ở bên ngoài thì đừng cau mày hay nhăn nhó nữa nhé, hãy thả lỏng đôi vai đang căng cứng, vươn rộng cánh tay ra và để cho trái tim cảm nhận được bầu không khí dễ chịu xung quanh. Hãy để gió thổi bay mọi căng thẳng, vướng mắc trong lòng bạn đi. Và khi đó, mọi thứ đã thực sự ổn!

Hồng Ngọc/Theo Thethaovaxahoi