“Lợi danh như bóng mây chìm nổi,
Chỉ có tình thương để lại đời.”
Tết năm nay, tại một Hội hoa xuân, ở gian hàng Thư pháp thấy có một tảng đá khá lớn khắc hai câu thơ bằng những chữ rất đẹp “Lợi danh như bóng mây chìm nổi/ Chỉ có tình thương để lại đời” mà không thấy ghi tên tác giả. Hỏi, người ta nói ai cũng biết là của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương rồi, còn ghi tên tuổi nữa làm chi!
Nhớ Tết năm ngoái, tôi cũng nhận được một tấm thiếp Xuân của một bạn đồng nghiệp, trên thiếp có mấy câu thơ in sẵn, viết kiểu thư pháp, cũng không ghi tên tác giả: Còn gặp nhau thì hãy cứ vui/ Chuyện đời như nước chảy hoa trôi/ Lợi danh như bóng mây chìm nổi/ Chỉ có tình thương để lại đời. Tự dưng trong lòng bỗng có chút rộn ràng, có chút hân hoan mà không rõ vì đâu.
Lẽ nào thơ Hỷ Khương đã sớm thành ca dao, tục ngữ, đã sớm đi vào những cánh thiệp mừng Xuân, mang lời chúc tốt đẹp đầu năm đến cho mọi người, rồi bây giờ thơ Hỷ Khương còn được viết lên đá như nhắc nhở nhau một lẽ sống?
Lẽ nào thơ Hỷ Khương đã sớm được người ta không còn biết là của ai mà ai cũng nhớ, cũng thuộc đôi câu như vẫn nhớ vẫn thuộc câu hò: “Chiều chiều trước bến Văn Lâu, ai ngồi ai câu, ai sầu ai thảm, ai thương ai cảm, ai nhớ ai mong…” của nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị mà ai cũng tưởng là một khúc hát dân gian đã đi vào lòng người đâu như từ muôn năm cũ, mà mỗi lần nghe hò lại thấy rợn người với nỗi “chạnh lòng nước non” của người xưa. Thì ra con giòng cháu giống!
Tôn Nữ Hỷ Khương là con út của nhà thơ Thúc Giạ Thị. Thơ mà đến được chỗ ai cũng tưởng là của chung, là ca dao, là khúc hát dân gian thì thật là tuyệt vời! Thì ra thơ là tiếng nói của lòng phát ra thành lời nên hẳn đã động đến “thốn tâm thiên cổ”! Kinh Thi từ ngàn năm trước đã chẳng nói “Thi giả, nhân tâm chi cảm vật nhi hình ư ngôn chi dư dã”. (Thơ đã là lòng người ta cảm vật ngoài mà hiện ra ở khi nói – Tản Đà dịch).
Thơ Hỷ Khương giản dị, chân thật, như là những tiếng nói tự đáy lòng thành vần thành điệu, không cầu kỳ, trau chuốt, làm duyên làm dáng dẫu “lá ngọc cành vàng”. Bốn mươi năm trước, nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã viết về Hỷ Khương: “Ngai vàng chót vót năm đời trước/ Tiếng ngọc bâng khuâng một kiếp này…” (VHC, 1964). Nhờ chân thật, giản dị mà thơ Hỷ Khương dễ truyền cảm, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người. Rồi tên tuổi nhà thơ tan biến. Còn lại những câu thơ cho mọi người, của mọi người. “Quý bạn thường mong tìm gặp bạn/ Thương người nên nguyện sống vì người”. Thơ Hỷ Khương vậy đó.
Nhắc đến Hỷ Khương người ta luôn nhắc đến nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, phụ thân của chị. Thực ra thơ Hỷ Khương vốn có sắc thái riêng, không bị che khuất, không bị ngộp trong bóng cả của thơ Thúc Giạ, dù không thể không ít nhiều ảnh hưởng, bởi đối với phụ thân, hình như Hỷ Khương vừa là con, vừa là học trò mà cũng lại vừa là bằng hữu, là tri âm tri kỷ.
Chị làm thơ cho cha như cho một người xưa, một “cố nhân”: “Sông núi vẫn là sông núi cũ/ Mà người xưa lạc dấu ngàn phương!” (Trở về). Lớn lên trong cái nôi văn học, ngày ngày bên người cha nghe bình thơ, ngâm nga, xướng họa, cộng với cái gène dòng dõi Tùng Tuy (Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường) nên hình như Hỷ Khương không dụng công làm thơ mà những vần điệu cứ đến với chị tự nhiên vậy: “Con đến Già Lam nắng tràn cây cỏ/ Nhớ thương thầy trong tiếng mõ hồi kinh” (Nhớ Thầy Trí Thủ); rồi “Phong thái cao thanh tính tình hoạt bát/ Tài ba lỗi lạc tiếng nổi gần xa…” (Nhớ nhạc sĩ Bửu Lộc) vẫn nghe loáng thoáng tiếng hò trên sóng nước của người cha ngày nào. Cho nên nhớ nghĩ về cha là chị nhớ nghĩ đến nghĩa nặng ân sâu:
Bốn mươi năm thấm thoắt qua mau
Con nước thời gian biến chuyển màu
Ngoảnh lại thấy đầu hai thứ tóc
Nhớ về cha thấm nghĩa ân sâu…
(Vẫn ngời hương sắc áng thi ca)
Chị cũng có những vần thơ cảm động về mẹ, người mẹ nay đã ở tuổi đời gần trăm năm: Mỗi ngày thương mẹ nhiều hơn/ Nghĩ xa xôi nỗi tủi buồn càng sâu (Trái gió trở trời)…Và không thiếu những bài cho anh, cho chị, cho thầy cô, cho bạn bè…
Những ai quen biết Hỷ Khương đều thấy một điều dễ mến ở chị: Gặp chị ai cũng vui. Nhà thơ sống như đã nghĩ, đã nói: Còn gặp nhau thì hãy cứ vui…; Còn gặp nhau thì hãy cứ say/ Say tình say nghĩa bấy lâu nay/ Say thơ say nhạc say bè bạn/ Quên cả không gian lẫn tháng ngày… (Còn gặp nhau).
Những nhóm bạn bè có tuổi, từ bốn phương trời nay có dịp gặp lại nhau, ôm nhau mừng mừng tủi tủi, khi có người chợt kêu lên: Còn gặp nhau…Thì đã nghe người kia kêu tiếp: Thì hãy cứ vui…
Rồi không nói ra, mà hình như cùng ngẫm ngợi: Lợi danh như bóng mây chìm nổi/ Chỉ có tình thương để lại đời, như câu thơ của Hỷ Khương được khắc trên đá trong một cửa hàng Thư pháp tại Hội hoa xuân.
BS. Đỗ Hồng Ngọc