Hầu hết mọi người không nghĩ quá nhiều về ý nghĩa của tên các quốc gia và thành phố trên thế giới, nhưng cũng có người đã đưa ra những câu trả lời căn cứ trên lịch sử, văn hóa hoặc từ một câu chuyện thần thoại xa xưa.
Ai cũng biết, thủ đô của Sudan là Khartoum – dải đất hẹp nằm giữa sông Nile Xanh và sông Nile Trắng. Cái tên “Khartoum” xuất phát từ từ “al-kartoüm” trong tiếng Ả Rập, có nghĩa là “phần cuối của vòi voi”.
Các học giả nghi ngờ Toronto (thành phố đông dân nhất Canada) xuất xứ từ từ “tkaronto” trong tiếng Mohawk, có nghĩa: “nơi có những cây đứng dưới nước”. Tỉnh Québec của quốc gia này được đặt theo từ “kébec” của thổ dân châu Mỹ, có nghĩa là “nơi con sông thu hẹp lại”. Một thành phố khác của Canada là Winnipeg được thành lập tại ngã ba của sông Red và sông Assiniboine. Từ này có nghĩa là “nước bùn” trong phương ngữ Cree.
Trong khi đó, Accra – thủ đô của Ghana có nghĩa là “kiến” trong tiếng địa phương Akan. "New Zealand" được đặt ra bởi nhà thám hiểm Abel Tasman theo tên tỉnh Zeeland của Hà Lan, có nghĩa là “đất biển” hoặc “đất khai hoang từ biển”. Một tên gọi khác của New Zealand là Aotearoa, trong tiếng Maori có nghĩa là "vùng đất của đám mây trắng dài".
Tên gọi khác của New Zealand là Aotearoa, trong tiếng Maori có nghĩa là "vùng đất của đám mây trắng dài". Ảnh: Getty Images
Năm 1984, Thượng Volta – quốc gia ở Tây Phi đổi tên thành Burkina Faso hay “vùng đất của những người lương thiện”. Thủ đô của Burkina Faso là Ouagadougou, có nghĩa là “bạn được chào đón tại nhà của chúng tôi” trong phương ngữ Mòoré.
Về Chicago – thành phố đông dân thứ ba của Mỹ, có nhiều bất đồng về ý nghĩa của cái tên này. Nhiều nhà sử học tin rằng, cái tên này xuất phát từ từ “shikaakwa” của người Mỹ bản địa, để chỉ các loại hành và tỏi hoang dã mọc trong khu vực. Các nhà thám hiểm người Pháp đã phát âm nó là “Checagou”, sau đó phát triển thành Chicago. Malibu, California (Mỹ), từng là quê hương của các bộ lạc Chumash. Họ đã đặt tên cho khu định cư ven biển là Humaliwo, có nghĩa là "tiếng lướt sóng lớn".
Được xây dựng vào thế kỷ 19 gần làng Mzizima (tiếng Swahili có nghĩa là "thị trấn lành mạnh"), tên của thủ đô của Tanzania ngày nay, Dar es Salaam, có nghĩa là "ngôi nhà của hòa bình" trong tiếng Ả Rập. Thật trùng hợp, Tanzania hiện được xếp hạng là quốc gia yên bình nhất ở Đông Phi.
Ethiopia bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “aethiop”, có nghĩa là “vùng đất của những khuôn mặt bị bỏng”. Nairobi, thủ đô của Kenya, lấy tên từ cụm từ “Maasai enkare Nairobi”, có nghĩa là "nơi có dòng nước mát", ám chỉ sông Nairobi chảy qua thành phố. Papua (New Guinea) được dịch là "những người đàn ông có mái tóc xoăn" theo từ “papuah” trong tiếng Mã Lai.
Ngày 1/1/1502, các nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha lần đầu tiên nhìn thấy Vịnh Guanabara, Brazil. Do nhầm tưởng đó là cửa một con sông lớn, họ đặt tên cho nó là Rio de Janeiro, hay "sông Tháng Giêng". Ipanema, vùng ngoại ô của Rio de Janeiro, nổi danh với những cô gái xinh đẹp và bãi biển ấn tượng. Tuy nhiên, nghĩa của tên này là “ao hôi thối” trong ngôn ngữ bản địa của người Tupi.
Bãi biển tuyệt đẹp với vô số cô gái nóng bỏng ở Ipanema (ao hôi thối). Ảnh: Getty Images
Đảo Java của Indonesia nhiều khả năng đặt theo từ “yavadvipa”, trong tiếng Phạn có nghĩa là “đảo lúa mạch”. Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia nằm ở điểm hai con sông gặp nhau và có nghĩa là "hợp lưu bùn". Cũng ở Malaysia, nhóm đảo Langkawi là sự kết hợp giữa “helang” (viết tắt là lang) chỉ con đại bàng màu nâu đỏ và “kawi” – trong tiếng Phạn có nghĩa “đá cẩm thạch”.
Trong khi đó, lý do Singapore được gọi với biệt danh “đảo quốc sư tử được cho là bắt nguồn từ một câu chuyện xa xưa. Theo truyền thuyết, một hoàng tử từ Palembang (Indonesia ngày nay) đã bắt được sư tử trong chuyến đi săn. Người này ra lệnh đặt cho khu vực săn được sư tử cái tên là Singapura, tiếng Phạn có nghĩa là "thành phố sư tử". Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy sư tử từng tồn tại trên đảo Singapore, dĩ nhiên trừ ngoài sở thú. Nhiều người cho rằng, nguyên nhân thực sự do bản đồ Singapore có hình dạng giống con sư tử.
Trong lịch sử, Thái Lan trước đây được gọi là nước Xiêm. Nhờ ngoại giao và tinh thần sẵn sàng tiếp nhận các giá trị từ phương Tây giúp Vua Chulalongkorn tạo ra “phép lạ” giúp Xiêm thoát khỏi ách thống trị của thực dân. Năm 1932, đất nước đổi tên thành Thái Lan, có nghĩa là “vùng đất của tự do”.
Năm 1924, thủ đô của Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ gần như đã được đặt là Baatar Khot (thành phố anh hùng). Tuy nhiên, sau đó cái tên được chọn là Ulan Bator (anh hùng đỏ) để tưởng nhớ những thành tựu của nhà cách mạng Damdin Sükhbaatar.
Tên thủ đô của Mông Cổ, Ulan Bator, có nghĩa là "anh hùng đỏ". Ảnh: Getty Images
Năm 1980, New Hebrides, vốn là thuộc địa của Anh và Pháp ở Nam Thái Bình Dương, trở thành quốc gia độc lập với tên gọi Vanuatu. Trong ngôn ngữ địa phương của người Melanesia, cái tên này có nghĩa là “vùng đất của chúng ta vĩnh cửu”.
Theo lịch sử, Trường An là kinh đô của 13 triều đại của Trung Quốc, với ý nghĩa “thành phố của hòa bình lâu dài”. Năm 1369, nói được đổi tên thành Tây An (hòa bình phương Tây) để củng cố thêm vị thế như một tuyến đường thương mại an toàn. Hong Kong (Trung Quốc) thường được gọi là xứ Cảng Thơm để ám chỉ vai trò của nơi đây như một trung tâm sản xuất và buôn bán trầm hương.
Năm 1755, vua Miến Điện Alaungpaya chiếm được làng Dagon, rồi đổi tên thành Yangon, với ý nghĩa “kết thúc xung đột” – liên hệ đến hàng thế kỷ xung đột vũ trang, chiến tranh và chinh phạt. Nơi đây từng là thủ đô của Myanmar. Thật không may, thành phố sau đó vẫn tiếp tục bị căng thẳng và bất ổn.
Zihuatanejo là thành phố lớn thứ tư ở bang Guerrero của Mexico. Cái tên này bắt nguồn từ từ “zihuatlan” trong tiếng Náhuatl, hay “nơi ở của phụ nữ”. Theo một số tài liệu, những người chinh phục từ Tây Ban Nha đã lấy tên này vì phát hiện ra một xã hội mẫu hệ khi đến nơi đây.
TÚ OANH
Theo SCMP
No comments:
Post a Comment