Monday, January 1, 2024

TẢN MẠN VỀ NGÀY LỄ GIÁNG SINH

Năm nay, hang đá Giáng Sinh trên quảng trường thánh Phê-rô ở Vatican, tái hiện lại nơi vào năm 1223 thánh Phanxicô theo truyền thuyết đã làm hang đá giáng sinh đầu tiên. Bức tranh diễn tả cảnh các thiên thần hát mừng khi hài nhi Giê-su chào đời, được vẽ trên tường của hang Greccio làm nền cho máng cỏ Giáng sinh ở Roma.

Hang đá ở Quảng trường Thánh Phê-rô

Greccio, một thị trấn cách Roma 95 cây số vẫn còn lưu giữ những gì từ thời của thánh Phanxicô và là bảo tàng của những hang đá máng cỏ Giáng Sinh. Cũng có lẽ vì ngày xưa thánh nhân đã đào vào hang núi, vì thị trấn này là vùng đồi núi nằm ở độ cao 750m, để làm nơi sinh sống và tu trì, mà mô hình Giáng Sinh có hình hang đá như trong lời của những bài thánh ca mà chúng ta nghe được trong mùa lễ này, chẳng hạn như bài thánh ca « Hang Belem » của nhạc sĩ Hải Linh có những lời như “Đêm đông lạnh lẽo Chúa Sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa…”

Thực sự, theo Kinh Thánh thì Chúa Giê-su sinh ra tại nơi người ta dùng nhốt gia súc qua đêm trên cánh đồng. Nhưng mà sự sáng tạo và lòng đạo đức đâu có giới hạn được người ta. Trải qua thời gian và không gian, sự sáng tạo trưng bày hang đá máng cỏ Giáng sinh trở thành một truyền thống và tùy theo mỗi vùng miền mà các nhân vật trong câu chuyện giáng sinh của gia đình Hài nhi Giê-su và khung cảnh hang Belem trở thành cả một thành phố như Hang đá theo phong cách vùng Provence ở Pháp hay Napoli, Sicilia, Firenze ở Ý.

Câu chuyện về sự sinh ra của Chúa Giê-su không chỉ được diễn tả bằng hình ảnh. Mà ngay cả câu chuyện về sự ra đời và gia đình, cha mẹ của Chúa Giê-su cũng được lưu giữ qua truyền khẩu và các ghi chép trên giấy cói papyrus hay các cuộn da. Năm nay, trên các kệ sách dùng làm quà Giáng Sinh, người ta có thể tìm thấy giữa muôn vàn cuốn sách thuộc thể loại sách nghệ thuật thánh, có cuốn « Évangiles canonique et apocryphes – Các Sách Phúc Âm quy điển và ngụy thư » của nhà xuất bản uy tín Gallimard trong tủ sách « La Pléiade » quy tụ tất cả những tác giả và các trước tác kinh điển của văn học thế giới.

Trung tâm thành phố Debrecen, phía bắc Hungary mùa Giáng Sinh năm 2023. AP - Zsolt Czegledi

Sách Phúc Âm Ngụy Thư

Cuốn sách này, đúng hơn là bộ sưu tập những Phúc Âm của các tác giả không được công nhận về mặt đạo lý trong giáo hội công giáo. Các sách này hoàn toàn không mang tính lạc giáo hay xuyên tạc giáo lý chân truyền, mà chỉ vì chúng được viết ra với một thể văn hơi cường điệu làm người đọc dễ hiểu sai về đạo lý. Chẳng hạn, Phúc Âm Tô-ma kể về thời thơ ấu của Chúa Giê-su, như chuyện trẻ Giê-su nắn ra hình con cò rồi thổi hơi vào thì chúng liền hoá thành chim thật và bay lên trời. Hay chuyện thánh Giu-se phải chạy đi tìm bà đỡ trong khi Đức Maria đã mau chóng sinh con trước khi bà đỡ đến nơi. Khi nghe những câu truyện như thế được đọc trong khi cử hành lễ Giáng Sinh chắc cũng không thích hợp !

Ba Thánh Lễ âm thầm - Anphonse Daudet

Nhưng khung cảnh Giáng Sinh đem lại biết bao hứng khởi cho các nhà văn viết lên những câu truyện kinh điển. « Les trois messes basses », là truyện ngắn của nhà văn Anphonse Daudet viết trong tập « Lettre de mon moulin » (1869) được Nhà xuất bản Văn Học ở Việt Nam in trong cuốn « Những Vì Sao ».

Lấy bối cảnh vùng Provence xinh đẹp, Anphonse Daudet kể lại những phong tục của những ngày Lễ Giáng Sinh và phong cảnh tuyệt vời của mùa Đông ở miền Nam nước Pháp. Vào đêm Giáng Sinh, người dân trong làng đi lễ nhà thờ phải băng qua cánh đồng tuyết trắng xóa dưới bầu trời trong xanh lấp lánh những vì sao. Nhưng ông cha xứ, Don Balaguère, lại là người ham ăn. Cộng thêm chú giúp lễ Garrigou láu cá như thằng quỷ nhỏ cám dỗ ông cha xứ khi kể những món ăn thơm ngon đang được nấu nướng trong nhà bếp cho bữa tiệc « réveillon » sau thánh lễ. Nhưng đêm nay, cha xứ Balaguère, theo luật, phải làm tới ba thánh lễ. Vậy thì còn lâu quá mới có thể nhập tiệc !

Thế là cha bèn tăng tốc đọc cho nhanh khiến các bà quý tộc đạo đức xì xầm không hiểu cha xứ đang xì xồ tiếng La – tinh gì khiến họ không thể thưa kinh trong khi chú giúp lễ cũng lắc chuông với tốc độ ngày càng tăng. Và khi thánh lễ đêm kết thúc, Don Balaguère vội vã nhập tiệc và nhồm nhoàm ăn uống đến nỗi mà đêm đó ngài lên cơn bội thực và qua đời.

Linh hồn của cha lên trước tòa thánh Phê-rô chịu phán xét. Thánh Phê-rô nguyền rủa : « Biến đi cho khuất mắt ta, đồ tín hữu tồi tệ ! Tội lỗi của ngươi đủ lớn để xóa sạch đi cả một đời đức hạnh... À ! người đã đánh cắp của ta một thánh lễ đêm... Nên ngươi sẽ phải đền trả cho ta ba trăm lễ khác, và ngươi sẽ chỉ được vào nước thiên đàng sau khi ngươi đã cử hành xong ba trăm thánh lễ Giáng sinh này trước sự chứng kiến ​​của tất cả những người đã phạm tội vì ngươi và với ngươi… »


Và từ đó, thỉnh thoảng, người ta nghe được tiếng xì xào như ai đang cầu kinh và tiếng chuông leng keng trên đỉnh Ventoux dưới bóng cây sồi, đó là tiếng của Don Balaguère đang đền tội cho đủ 300 lễ Đêm Giáng Sinh.

Tên mới cho lễ Giáng Sinh – Un nouveau nom pour Noel

Đến với thời buổi công nghệ tiên tiến, và nhất là trong giai đoạn nhân loại đang vất vả chống biến đổi khí hậu, nhà văn Micheline Duff, người Canada, có tập truyện « Contes de Noel pour les grands au coeur d’enfant – Câu chuyện Giáng Sinh giành cho người lớn với trái tim trẻ thơ ».

Câu truyện thuật lại cuộc gặp gỡ giữa ông Già Noel và Chúa Cha. Gần đến lễ Giáng Sinh, Ông Già Noel lên thiên đàng gặp Chúa Cha để than vãn việc các đại biểu dân cử không chịu phê duyệt ngân sách cho việc lắp đặt hệ thống quạt gió sản xuất điện gió vì nơi ông ở cần phải gắn máy lạnh chống tan băng. Chúa Cha cũng chia sẻ với ông là vì ngày nay người ta không đến nhà thờ nữa nên rượu lễ dư thừa và gởi trả lại Thiên Đàng. Thế là, Chúa Cha mời ông Già Noel cùng uống vài ly từ thùng rượu vừa được gởi trả lại Thiên Đàng hôm qua và tiếp tục hàn huyên tâm sự.

Ông Già Noel than thở rằng trẻ em ngày nay không còn hứng thú với búp bê chớp mắt hay xe lửa chạy lòng vòng, mà chúng thích thú hơn với trò chơi điện tử trên Ipad hay điện thoại thông minh, hay nghe nhạc trên Ipod. Những thứ này được sản xuất nhanh chóng hiệu quả hơn cả đám yêu tinh trong các phân xưởng ở Bắc Cực, với đủ loại giá cả từ Trung Quốc và được bán từ tháng Mười nên cũng là nguyên nhân mà trẻ em không còn mong quà Giáng Sinh từ ông Già Noel.

Thấy vậy, Chúa Cha cho gọi Chúa Con và Chúa Thánh Thần vào để tìm giải pháp từ giới trẻ. Chúa Con vốn cũng là một ngôi sao giảng thuyết trong sa mạc hơn 2000 năm trước nay cũng chẳng mấy ai biết đến. Người đang tìm cách đến với con người hiện đại qua các công nghệ mới như làm marketing qua các mạng xã hội Facebook, Twitter (nay là mạng X) và mở cả trang web. Nghe Chúa Con nói thế thì ai ông già râu tóc bạc phơ xồm xoàm thở dài… lại là công nghệ.

Chúa Thánh Thần tiếp lời : Chúng con đang thực hiện chiến dịch quảng cáo đổi tên lễ Giáng Sinh thành lễ Tình Yêu, vì chỉ có tình yêu thì con người mới xích lại gần nhau. Người ta chi tiêu mua sắm đến nỗi đổ nợ vào dịp lễ Giáng Sinh cũng nhằm mục đích nhìn thấy được nụ cười của những người họ thương mến. Hay mệt mỏi vì chuẩn bị nhà cửa, các món ăn, và vô số chuyện khác để nhìn thấy niềm vui trên khuôn mặt của những người thân xung quanh bàn ăn của ngày Giáng Sinh.


Bốn người khui thêm chai rượu nữa để tiếp tục cuộc tranh luận đang vào giai đoạn cao trào. Bất chợt có tiếng gõ cửa, thánh Phê-rô bước vào và lên tiếng : « Xin lỗi Chúa Cha, các thánh dưới trần gian đang xếp hàng dài quá lâu để chờ đến lượt vào Thiên Đàng. Xin Chúa Cha ra tiếp đón họ. » Và thế là Ông Già Noel chào tạm biệt Chúa Cha để trở về Bắc Cực với lời hứa của Chúa Con là ngay ngày mai Chúa Thánh Thần sẽ đích thân lên Bắc Cực xem xét tình hình nóng lên của việc biến đổi khí hậu cùng với việc đào tạo đám yêu tinh thích ứng với công nghệ mới để làm việc hiệu quả hơn.

Một câu truyện Giáng Sinh hiện đại chuyển tải những mối âu lo của con người ngày hôm nay nhưng vẫn mang thông điệp muôn thủa của ngày Lễ Giáng Sinh : Niềm Vui và Bình An trong lòng mỗi người, mỗi gia đình. Như lời các thiên thần hát mừng « Bình an dưới thế cho người thiện tâm. »

Kính chúc quý độc giả Mùa Giáng Sinh an lành.

(Tác giả Linh mục Phạm Hoàng Dũng, Liège, Bỉ)
Nguồn: RFI Tiếng Việt