Sunday, June 30, 2024

THỜI BUỔI NÀY THẮT LƯNG BUỘC BỤNG LÀ TỐT NHƯNG 5 LOẠI TIỀN NÀY LÀ THỨ BẠN KHÔNG BAO GIỜ NÊN TIẾT KIỆM

3 năm sau đại dịch, sự bất ổn đột ngột của thu nhập đã khiến nhiều người nhận ra tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền.


Tiết kiệm tiền thực sự rất quan trọng. Chấm dứt tình trạng tiêu dùng phi lý để từ đó xây dựng được một khoản tiết kiệm nhất định làm tấm đệm an toàn cho gia đình và cá nhân bạn chính là việc bạn phải luôn ghi nhớ. Tuy nhiên, để tiết kiệm tiền cũng cần có nguyên tắc của nó. Theo đó, một số khoản bạn có thể tiết kiệm được, nhưng số khác thì lại không.

1. Tiền liên quan đến sức khỏe

Hầu hết những người tiết kiệm loại tiền này đều là những người già có tư tưởng truyền thống. Ví dụ, bạn có thể miễn cưỡng chia tay món đồ đã mua hoặc có thể không ăn kịp nhưng sau đó bạn vẫn cắn răng ăn để không lãng phí.

Một cư dân mạng từng chia sẻ một câu chuyện như thế này: "Mẹ mình từng làm một bát thịt lợn chua ngọt cho cả nhà. Ăn được 2 miếng thì mình cảm thấy có gì đó không ổn cùng chút mùi hôi. Mình gặng hỏi nhiều lần thì mẹ mới thừa nhận đó là thịt lợn bà mua đã lâu nên có thể bị tình trạng như vậy. Ngay buổi tối hôm đó, tôi không may phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm. Vậy là phải nằm viện điều trị mất 3 ngày".


Ngay bên dưới bài viết, nhiều người nhanh chóng bày tỏ sự lo lắng cũng như đồng cảm khi xung quanh có không ít người thường xuyên sử dụng đồ ăn đã được lưu trữ quá lâu như vậy.

Nhìn chung, tiền liên quan đến sức khỏe nên không được phép tiết kiệm.

2. Tiền liên quan đến an toàn

Liên quan đến vấn đề an toàn bao gồm nhiều thứ. Ví dụ, khi nói đến các thiết bị điện khác nhau trong nhà, bao gồm ổ cắm và các thiết bị điện khác, hãy từ chối không mua những thiết bị không có thương hiệu vì chúng gây ra rủi ro lớn về an toàn. Hoặc như khi bạn có con thì ghế an toàn cho trẻ cũng là thứ không thể thiếu...


Đây cũng là 1 khoản không thể tiết kiệm. Bạn nên biết rằng, nếu chi tiền để sắm sửa những thứ an toàn cho mình có thể là một khoản tiền nhỏ nhưng đến một thời điểm nào đó trong tương lai, lỡ may xảy ra vấn đề gì đó, có thể bạn sẽ phải trả gấp đôi, thậm chí là cả tính mạng.

3. Đầu tư tiền vào bản thân

Chúng ta phải thừa nhận rằng trong xã hội ngày nay, vốn con người là vốn quan trọng nhất. Nhưng thật không may, nhiều người hoàn toàn ngừng đầu tư vào bản thân sau khi rời ghế nhà trường.

Xã hội càng hiện đại, bạn càng cần biết rằng, chi trả tiền để học, thi, mua sách, tiếp tục học, v.v. là những khoản chi không thể tiết kiệm được. Nếu bạn cho rằng điều đó là cần thiết, bạn có thể cải thiện khả năng của mình, khiến bản thân trở nên tự tin hơn, có thể giành được ưu thế ở nơi làm việc và tất cả mọi nơi. Do đó, cải thiện khả năng của mình và thậm chí đầu tư thêm.

Trong cuốn sách "7 thói quen để thành đạt", có một tập hợp các khái niệm gọi là năng suất và sản lượng. Khi nói đến cá nhân, năng suất là năng lực sản xuất, tức là khả năng của cá nhân. Còn sản lượng là nội dung chúng ta sản xuất ra, tương ứng với việc kiếm tiền.

Chìa khóa để nâng cao hiệu quả nằm ở sự cân bằng năng động giữa công suất và sản lượng. Chỉ tập trung vào sản lượng mà không duy trì năng lực sản xuất cũng giống như giết con gà đẻ trứng vàng nhằm lấy hết trứng vàng ra khỏi bụng.


Cách tiếp cận đúng là chú ý đến việc trau dồi năng lực sản xuất đồng thời định giá sản lượng - tức là đầu tư vào năng lực cá nhân. Chỉ bằng cách sẵn sàng chi tiền cho nguồn nhân lực, bạn mới có thể cải thiện khả năng kiếm tiền của mình và kiếm tiền liên tục.

4. Tiền cho trải nghiệm

Trải nghiệm có lẽ là thứ bị nhiều người sẵn sàng gạt sang 1 bên khi tài chính còn bấp bênh. Bạn đã bao giờ nghĩ rằng ngay lúc này bạn cũng có một số điều đặc biệt mà bạn mong muốn, chẳng hạn như được ăn những món ăn ngon ở một nhà hàng nào đó, đi du lịch đâu đó và dành thời gian cho người bạn yêu thương?

Nếu bây giờ bạn cố tình kìm nén ham muốn của mình để tiết kiệm tiền thì kết quả rất có thể là khi về già và có số tiền này, bạn sẽ không còn cảm giác thôi thúc tiêu tiền nữa.


Vì vậy, nếu có điều gì đó mà bạn cảm thấy quan trọng để tận hưởng ngay bây giờ, bạn cũng có thể dành cho mình một khoản ngân sách để thực hiện điều đó. Bằng cách này bạn sẽ không hối tiếc khi nhìn lại khi về già.

5. Chi tiền mua bảo hiểm

Mua bảo hiểm hay không từ lâu vốn đã là vấn đề quan điểm. Nhưng trên thực tế, bạn sẽ khó nhận ra lợi ích của nó khi phải đối đầu với các vấn đề không may xảy ra trong cuộc sống, ví dụ ốm đau, tai nạn, bệnh tật... Việc bạn chi tiền để mua bảo hiểm tương đương với việc mua cho bản thân sự an tâm và tránh cho bản thân phải sống trong nỗi sợ hãi trước những sự việc bất ngờ. Theo đó, bảo hiểm được nhiều người liệt vào danh sách khoản chi rất đáng giá và đó sẽ là số tiền không bao giờ nên tiết kiệm.


Cuối cùng, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, số tiền bạn chi tiêu thể hiện thế giới quan của bạn. Hãy tiêu từng xu vào một nơi xứng đáng, và mọi nỗ lực kiếm tiền của bạn sẽ không trở nên vô ích.

Lam Anh / Theo: phunuso

HỒI KÝ CHUYẾN ĐI TÂY AN VÀ CON ĐƯỜNG TƠ LỤA THÁNG 5/2024 (NGÀY 4)


Ăn sáng xong là phải vội về phòng để thu xếp hành lý rồi kéo xuống lobby, ai cũng xuống gần hết rồi. Thằng anh em cột chèo nói với tôi bên kia đường có một tiệm thuốc lớn lắm, nó mới qua bển mua mấy bao nước mát. Bà xã nói muốn qua mua thuốc nhỏ mắt, vì mắt khô mà quên đem theo. Vậy là tôi cùng bà xã qua đường đến tiệm thuốc. Vào tiệm mới thấy có mấy người cùng đoàn cũng đang ở đây. Tiệm thuốc thật lớn, tôi cứ tưởng là tiệm thuốc bắc nhưng không phải, nó lớn như một siêu thị và rất nhiều người bán hàng và y sĩ. Các loại thuốc ở đây đều đóng hộp như thuốc tây và gần như ở Trung Quốc bây giờ chắc không có người nấu và uống thuốc bắc như ngày xưa.

Bà xã tôi mua hộp thuốc nhỏ mắt, tôi hỏi cô bán hàng có thuốc trị gout hay không, họ không hiểu nhưng khi tôi dùng app thông dịch thì họ hiểu ngay và vẫn tôi đì tìm. Còn 1 hộp, tôi muốn mua thêm họ nói chờ họ vào kho lấy. Đợi một hồi thấy lâu nên tôi không chờ nữa vì trể quá nên vội chạy về khách sạn. Không thấy ai chỉ còn thằng anh em cột chèo đứng chờ nói ai cũng đã lên xe, còn hành lý của tôi nó cũng đem lên xe rồi.


Cô May cho biết hôm nay sẽ tham quan trọn buổi sáng ở Tây An rồi trưa sẽ qua Lan Châu và với một tin vui là sẽ cho chúng tôi mặc đồ cổ trang chụp hình miễn phí. Khi xe đến nơi, chúng tôi từ bãi đậu xe đi bộ vào, một tòa cổ tháp cao sừng sững trước mặt, ai cũng đứng lại chụp hình. Tôi đi đến một tảng đá to có khắc mấy chữ Hán Thành Hồ (漢城湖). Cô May kêu chúng tôi đi vào trong tháp. Bên trong ngay giữa có pho tượng Hán Vũ Đế thật to, một khu trưng bày các cổ vật và bên cạnh là một nơi chiếu phim giới thiệu về triều đại nhà Hán trước khi chúng tôi lên lầu bằng thang máy tham quan các bộ trang phục cổ và nhất là trên tầng cao nhất có thể nhìn thật xa bao quát cả một khu vực sông nước, các cao tốc với thành phố rất nhiều nhà cao tầng ở xa xa.

Sau đó chúng tôi trở xuống tầng dưới vào một khu vực trưng bày và bán các loại ngọc trang sức và đồ kỷ niệm. Ở đây có rất nhiều giá treo các bộ đồ cổ trang triều Hán mà cô May nói chúng tôi có thể mặc để chụp hình nếu muốn và hoàn toàn miễn phí. Nói thật tôi qua Trung Quốc rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ mặc đồ cổ trang, duy nhất một lần tôi mặc là ở Úc. Hôm đó là chúng tôi đi ăn vịt quay Bắc Kinh ở nhà hàng Toàn Tụ Đức (全聚德) Melbourne. Lúc chờ đợi thì nhà hàng này có một khu trưng bày áo long bào cho vua, áo phụng bào cho hoàng hậu, có cả hia, mũ,... tôi mới mặc chụp mấy tấm hình.

 Thằng anh em cột chèo với mấy bà chị vợ.

Cả đoàn thích lắm, hầu như tất cả phụ nữ đều mặc, phe đàn ông thì vài người, tôi cũng thử mặc nhưng không thích mấy nên cởi ra. Cả đám chụp hình xong thì cô May nói chúng tôi đi đến điểm tiếp ở phía sau nhưng cũng phải ngồi xe điện chạy loanh quanh trong khu công viên này để ra bờ sông lên thuyền ngắm cảnh sông nước mà lúc nãy trên đỉnh tháp đã thấy bao quát phía dưới này.

Thuyền chạy trên sông nhưng theo tôi có lẽ là một con kinh đào vì nó rất thẳng. Chừng khoảng nửa tiếng thì cập bến cho chúng tôi lên bờ ở một khúc quanh sông chụp ảnh rồi đi dạo trong khu công viên trước khi ra bãi đậu xe. Chúng tôi được đưa đến một nhà hàng bên ven bờ hồ để ăn trưa. Lúc ăn thì ông chủ nhà hàng có đem ra mời chúng tôi ăn thử mấy món nước chấm giống như sa tế và loại mức trái việt quất mà ông ta nói là được làm tại nhà hàng nhưng chẳng được bao nhiêu người ủng hộ vì hành trình còn dài mà chẳng ai muốn xách thêm hàng cho nặng.


Cuối cùng thì cũng phải chia tay với Tây An, cơm nước xong thì xe đưa chúng tôi đến trạm xe lửa Tây An để ngồi xe lửa cao tốc qua Lan Châu. Vào trạm thì thủ tục cũng như vào phi trường. Hành lý phải được scan, người thì qua cổng rà kim loại nhưng đơn giản hơn nhiều. Không riêng vì trạm xe lửa Tây An mà gần như tất cả các trạm ở thành phố thì rất rộng và có nhiều cổng lên xe như một phi trường lớn. Cô May đưa chúng tôi đến ngay cổng lên xe rồi chào tạm biệt.

Gần đến giờ, chúng tôi sắp hàng trước chờ vào. Đúng là không nói cũng biết chúng tôi là du khách ngoại quốc vì ai cũng va-li lớn thêm va-li nhỏ còn khách Trung Quốc thì họ mang rất ít hành lý hoặc một cái xách tay hay ba lô vì trên xe không có nhiều chổ để hành lý và mỗi trạm đều dừng lại với thời gian rất ngắn cho khách lên xuống.


Chúng tôi đều đã có đi qua xe lửa rồi nên đã xếp đặt cho mấy anh mạnh sẽ thảy hành lý xuống thật nhanh khi xe dừng lại chứ không mạnh ai nấy xách vì như thế sẽ không đủ thời gian. Hành trình từ Tây An qua Lan Châu mất khoảng 3 tiếng, xe chạy rất nhanh hơn 250 km/giờ. Tôi có làm cái trắc nghiệm là lấy một chai nước để trên thành cửa sổ xe để xem mặt nước trong chai dao động như thế nào. Nó cũng lắc nhưng rất nhẹ để chứng tỏ xe chạy với cận tốc cao như thế mà vẫn rất êm.


Xe đến Lan Châu khoảng hơn 6:00 giờ chiều. Mọi việc đều thuận lợi vì có lẽ Lan Châu là trạm lớn nên xe đậu lại cũng khá lâu. Chúng tôi ra ngoài thì anh hướng dẫn viên đã đứng ngay cửa chánh đón với tấm bảng K & R Travel trên tay. Chúng tôi cũng phải đi một đoạn khá xa mới đến được chiếc xe bus đang chờ ngoài bãi.

Trên đường, anh hướng dẫn nói tiếng Anh rất tốt, anh giới thiệu tên anh là Larry và là tour guide cho chúng tôi trong suốt thời gian du lịch trong tỉnh Cam Túc này và việc đầu tiên trong hôm nay là đi ăn tối.

Ăn tối xong là chúng tôi được đưa về khách sạn nhận phòng. Chúng tôi sẽ ở đây 2 đêm. Khách sạn ngay trung tâm thành phố nên tắm rửa xong là rủ nhau đi shopping vì ngay bên cạnh lả một shopping centre bán toàn là hàng hiệu, chúng tôi chỉ nhìn mà không mua, rồi qua một supper market khác để mua ít trái cây. Còn tôi thì phải có mấy lon bia để có sức lên mạng post bài và copy lại mấy clip video vào máy tính. 

(còn tiếp)
LKH



QUÂN MỸ TỪNG THẢM BẠI TRÊN ĐẤT NGA NHƯ THẾ NÀO?

Quân đội Mỹ cùng đồng minh từng điều lực lượng đến Nga nhằm hỗ trợ phong trào nổi dậy chống lại chính quyền Bolshevik.

Binh lính và thủy thủ từ nhiều quốc gia xếp hàng trước Tòa nhà Tổng hành dinh quân Đồng minh. Hoa Kỳ được đại diện. Tháng 9 năm 1918.

Quân Mỹ từng thảm bại trên đất Nga như thế nào?

Ngày nay, có lẽ không còn nhiều người Nga biết đến lần duy nhất Mỹ đưa hàng ngàn binh sĩ đến tham chiến trên đất Nga.

Trả lời phỏng vấn trên tờ La Times những năm 1980, người đàn ông tên Fyodor Kobuishev nhớ về những ngày tháng ban đầu Mỹ muốn can thiệp vào tình hình nội bộ ở Nga.

"Lính Mỹ rất thích Vodka", ông Kobuishev nói. "Họ thường uống cho đến khi say mèm".

Một người khác tên V. T. Pachetsky nhớ về thời điểm "cả trung đội Mỹ nhảy dù từ máy bay và đi bộ trên các con phố ở Vladivostok.

Đó là vào mùa hè năm 1918. Một năm sau khi Cách mạng tháng Mười Nga thành công, chính quyền Bolshevik mới được thành lập. Hồng quân Liên Xô thuở ban đầu vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của phong trào Bạch Vệ.

Phong trào này bao gồm những người theo trường phái bảo thủ, muốn khôi phục Sa Hoàng và Đế quốc Nga. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm kéo theo cuộc nội chiến bùng nổ không lâu sau đó.

Theo War History Online, lo sợ ảnh hưởng của Nga lan rộng khắp châu Âu, phe Hiệp ước với 4 nước chủ yếu là Mỹ, Anh, Pháp, Nhật quyết định hỗ trợ phong trào Bạch Vệ.

Thế chiến 1 khi đó đang dần đi đến hồi kết nên các nước đồng minh có thêm nguồn lực để tập trung giải quyết mâu thuẫn với Nga.

Quân đội Mỹ ở Vladivostok, tháng 8 năm 1918.

Tháng 8/1918, một trung đoàn bộ binh Anh đổ bộ lên Arkhangelsk ở phía bắc nước Nga, chiếm thành phố này, làm bàn đạp để mở rộng các chiến dịch quân sự.

Mỹ cũng đưa khoảng 10.000 lính thuộc "Đội viễn chinh Gấu Bắc Cực" đến đóng quân tại Murmansk, Arkhangelsk và Vladivostok.

Mục tiêu của "Đội viễn chinh Gấu Bắc Cực" Mỹ là hội quân với quân đoàn Tiệp Khắc 40.000 người đang kiểm soát tuyến đường sắt xuyên Siberia. Trong khi đó, hai trung đoàn Mỹ đóng quân thường trực ở Vladivostok.

Andrei I. Krushanov, một học giả người Nga nói Mỹ đã đem đến đây 800.000 khẩu súng và các vũ khí khác, cùng hàng triệu quân trang cho lực lượng phiến quân chống chính quyền Bolshevik.

Nhắc đến nhiệm vụ tham chiến ở Nga, Thiếu tướng William S. Graves, chỉ huy lực lượng viễn chinh Mỹ từng nói: "Tôi phải thừa nhận là mình không hiểu giới lãnh đạo Mỹ mong muốn điều gì khi can thiệp quân sự vào Nga".

Tướng Graves ám chỉ chiến dịch quân sự ở Nga do Tổng thống Mỹ khi đó là Woodrow Wilson phát động.

Tại mặt trận phía bắc, đợt tiến công vào mùa thu của liên quân Anh-Mỹ trước Hồng quân ở Siberia khởi đầu với những chiến thắng vang đội. Cuộc chiến diễn ra trên hai mặt trận dọc sông Dvina và đường sắt Vologda khiến Hồng quân bị đẩy lùi.

Không chịu nổi giá lạnh, Mỹ đã rút quân khỏi Nga vào năm 1920.

Nhưng đội quân của chính quyền Bolshevik nhanh chóng củng cố lực lượng, chuyển sang chiến thuật đánh du kích, khiến quân Mỹ khó giữ vững được chiến tuyến.

Địa hình đồng bằng rộng lớn của Nga khác xa với chiến tranh chiến hào mà quân đồng minh vốn quen thuộc ở châu Âu.

Mùa đông khắc nghiệt đến cũng là lúc mà liên quân Mỹ-Anh bị đẩy vào thế phòng thủ, trong khi gần như không thể kết nối được với quân đoàn Tiệp Khắc.

Trong khi đó, Hồng quân tiếp tục phát động tiến công trong những tháng đầu mùa đông ở mặt trận sông Dvina, buộc liên quân Mỹ-Anh phải rút lui, củng cố lại lực lượng.

Vào thời điểm đó, tin tức về Thế chiến 1 kết thúc, Đức đầu hàng đồng minh lan rộng khiến các binh sĩ thuộc "Đội viễn chinh Gấu Bắc Cực" Mỹ cảm thấy nhớ nhà.

Trước tình trạng thương vong ngày càng lớn, tâm lý nổi loạn trong lực lượng viễn chinh bắt đầu diễn ra khi binh sĩ yêu cầu được trở về Mỹ. Cảng Arkhangelsk bị đóng băng trong những tháng mùa đông đầu năm 1919, khiến hầu hết lính Mỹ thuộc rơi vào cảnh tuyệt vọng.

Tháng 5/1919, Anh triển khai 4.000 quân tình nguyện giải nguy cho quân Mỹ ở Arkhangelsk. Lực lượng Mỹ được sơ tán cùng hầu hết quân đồng minh đồn trú ở miền bắc nước Nga. Binh sĩ Mỹ đóng quân tại Vladivostok và Murmansk cũng rời đi sau đó một năm.

Tượng đài Gấu Bắc Cực tại Nghĩa trang White Chapel, Troy, Michigan, của nhà điêu khắc Leon Hermant. Bolandera – CC BY-SA 3.0

Bản báo cáo tháng 10/1919 ghi nhận 210 lính Mỹ thương vong, bao gồm 110 người chết, 30 người mất tích và những người khác chết vì bệnh tật trong cuộc đối đầu duy nhất với Hồng quân Liên Xô ở vùng Sibera lạnh giá.

Đăng Nguyễn / Theo: Dân Việt
Link tham khảo:



CẬN CẢNH LÂU ĐÀI LỚN NHẤT THẾ GIỚI, RỘNG GẤP ĐÔI CUNG ĐIỆN BUCKINGHAM: MẤT 132 NĂM ĐỂ XÂY DỰNG, TỐN 30 TRIỆU VIÊN GẠCH

Lâu đài Malbork của Ba Lan là một công trình khổng lồ theo phong cách Gothic có niên đại từ thế kỷ 13, trải rộng trên diện tích 52 mẫu Anh.


Người ta ví lâu đài này giống như một vương quốc thu nhỏ. Đó chính là lâu đài Malbork, một công trình kiến trúc khổng lồ mang phong cách Gothic trải rộng trên diện tích 52 mẫu Anh, tọa lạc ở khu vực bờ phía Đông của Sông Nogat ở thị trấn Malbork, tỉnh Pomeranian Voivodeship, Ba lan.

Công trình này là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Nó mất 132 năm để xây dựng, tốn 30 triệu viên gạch và có diện tích gấp đôi tổng diện tích Cung điện Buckingham và lớn hơn gấp 4 lần so với Lâu đài Windsor.

Chiêm ngưỡng lâu đài lớn nhất thế giới - Lâu đài Malbork của Ba Lan. Tòa lâu đài nguy nga được xây dựng theo phong cách Gothic trải rộng trên diện tích 52 mẫu Anh.

Theo Daily Mail, về mặt cấu trúc, Malbork có 3 lâu đài kiên cố trong 2 vòng tường phòng thủ; vài trăm ngôi nhà; kho thóc và một mê cung gồm hào nước, cầu thang, tháp pháo, tháp và đại sảnh. Đủ cho một chuyến trải nghiệm như trong thế giới cổ tích.

Lâu đài Malbork nằm ở bờ Đông của sông Nogat ở Malbork.

Công trình nổi tiếng thời Trung cổ phải mất 132 năm để xây dựng, tốn 30 triệu viên gạch và có kích thước gấp đôi Cung điện Buckingham, lớn hơn Lâu đài Windsor gấp 4 lần.

Cảnh đẹp tựa cổ tích.

Trang web Britannica.com giải thích rằng những viên gạch đầu tiên của Lâu đài Malbork được đặt vào năm 1274 bởi các hiệp sĩ của Dòng Teutonic - một phong trào tôn giáo lớn ở Đông Âu vào cuối thời Trung cổ.

Theo từ điển bách khoa toàn thư trực tuyến, Lâu đài Malbork được xây dựng theo từng giai đoạn và được coi là trụ sở của Dòng Teutonic trong khoảng 150 năm.

Pháo đài trong tòa lâu đài này có thể dự trữ đủ lương thực cho 400 người trong 2 năm và là nơi sinh sống của 3.000 hiệp sĩ và giáo dân.


Tòa lâu đài đầu tiên trong số 3 lâu đài được xây dựng là Lâu đài Cao (High Castle), được tạp chí Lonely Planet mô tả là "pháo đài trung tâm đáng gờm được bắt tay xây dựng vào khoảng năm 1276".

Trong những thập kỷ tiếp theo, địa điểm này "được mở rộng đáng kể", với việc bổ sung thêm Lâu đài Trung (Middle Castle) ngay bên cạnh và Lâu đài Hạ (Lower Castle) nằm ở vị trí xa hơn một chút.


Năm 1457, nó bị quân đội Ba Lan chiếm giữ trong suốt cuộc chiến tranh Mười ba năm (Thirteen Years' War).

Lonely Planet cho biết thêm, lâu đài sau đó trở thành nơi ở của các vị vua Ba Lan, nhưng các cuộc xâm lược sau đó khiến nó rơi vào tình trạng suy tàn và cuối cùng được chính phủ bảo vệ vào những năm 1800.

Du khách có thể tham quan các cấu trúc của cả 3 tòa lâu đài bao gồm Nhà thờ St Mary (phải) và hành lang theo phong cách Gothic (trái).

Ngày nay lâu đài này được sử dụng như một bảo tàng. Trang web Britannica mô tả nó đã "được khôi phục một cách đẹp đẽ".

Theo trang web chính thức của lâu đài, hàng năm, hơn 300.000 khách du lịch từ 84 quốc gia đã đến thăm địa điểm ví như "kho báu lịch sử" này. Nó bao gồm cả Nhà ăn Mùa hè (Summer Refectory), nơi từng là phòng tổ chức các nghi lễ quan trọng và các cuộc họp vào thời Trung Cổ.

Hàng năm có hơn 300.000 khách du lịch từ 84 quốc gia đến thăm lâu đài này.

"Nó đóng vai trò như một hội trường tiếp kiến, nơi đại sứ ngoại giao tiếp nhận các thông điệp từ nước ngoài và tiếp đón các vị khách quý", trang web cho biết thêm.

Nơi đây cũng là nơi tổ chức một số triển lãm trưng bày khoảng 2.000 hiện vật, bao gồm hổ phách, vũ khí, nghệ thuật thời kỳ đồ đá mới và đương đại.

Du khách có thể khám phá Summer Refectory (trong ảnh), nơi từng là phòng tổ chức các buổi lễ và cuộc họp quan trọng.


"Tầm nhìn đẹp nhất để ngắm lâu đài là từ phía đối diện con sông - bạn có thể đến đó qua cầu đi bộ - đặc biệt là vào buổi chiều muộn khi màu gạch chuyển sang màu nâu đỏ đậm dưới ánh Mặt trời của buổi hoàng hôn", tạp chí Lonely Planet miêu tả.

Minh Nhật / Nguồn: Daily Mail
Link tham khảo:



Saturday, June 29, 2024

LHQ: MỖI NGÀY CÓ 1 TỶ BỮA ĂN BỊ VỨT BỎ TRONG KHI 800 TRIỆU NGƯỜI BỊ ĐÓI

Trong năm 2022, mỗi ngày, các hộ gia đình trên thế giới đã vứt bỏ 1 tỷ bữa ăn. Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra thông tin trên ngày 27/3 cùng lời cảnh báo về "thảm kịch toàn cầu" lãng phí thực phẩm.

Ảnh: The New York Times

Theo báo cáo Chỉ số Lãng phí thực phẩm mới nhất do LHQ phối hợp thực hiện với tổ chức phi lợi nhuận WRAP, hơn 1 tỷ tấn thực phẩm - tương đương gần 20% tổng số thực phẩm hiện có trên thị trường - đã bị vứt bỏ trong năm 2022, phần lớn là do các hộ gia đình, trong khi thế giới vẫn còn gần 800 triệu người đang đói. Lượng thực phẩm này trị giá hơn 1.000 tỷ USD.

Tỷ lệ thực phẩm bị vứt bỏ tại các cơ sở dịch vụ như nhà hàng, căng tin và khách sạn chiếm 28% tổng lượng thực phẩm bị lãng phí trong năm 2022. Con số này ở các cửa hàng bán lẻ như cửa hàng thịt, rau củ 12%. Tỷ lệ ở các hộ gia đình là lớn nhất với 60% - khoảng 631 triệu tấn.


Trong một tuyên bố, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) Inger Andersen nhấn mạnh: "Lãng phí thực phẩm là một thảm kịch toàn cầu. Ngày hôm nay, hàng triệu người đói vì thực phẩm bị lãng phí trên toàn thế giới".

Báo cáo cho rằng việc lãng phí như vậy không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn gây hại cho môi trường. Lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính từ rác thải thực phẩm cao gấp 5 lần so với khí thải của ngành hàng không.

Đây là báo cáo thứ hai về tình trạng lãng phí thực phẩm toàn cầu do LHQ biên soạn, cung cấp bức tranh toàn diện nhất từ trước đến nay về tình trạng này. Theo bà Clementine O'Connor, nhân viên của UNEP, quy mô thực sự của vấn đề lãng phí thực phẩm toàn cầu đã trở nên rõ ràng hơn nhiều nhờ những cải thiện trong thu thập số liệu phân tích.


Trong khi đó, ông Richard Swannell thuộc tổ chức WRAP nêu rõ, con số 1 tỷ bữa ăn là một ước tính rất thận trọng. Trên thực tế, có thể còn cao hơn nhiều. Ông cho rằng việc có sự phối hợp giữa các nhà sản xuất và các nhà bán lẻ đã giúp giảm lãng phí, chuyển thực phẩm tới cho những người cần và thế giới hiện cần nhiều hơn nữa những hành động như vậy.

Theo: Báo Tin Tức
Link tham khảo:



12 LOẠI THỰC PHẨM GIÚP CÂN BẰNG ĐỘ pH CHO CƠ THỂ

Muốn cân bằng độ pH cho cơ thể, bạn cần bổ sung các loại thực phẩm mang tính kiềm. Tin vui cho bạn là những nguyên liệu này rất dễ tìm và gần như luôn có mặt trong căn bếp của các gia đình Việt.


Phạm vi bình thường của độ pH trong máu là từ 7.35 đến 7.45 – nghĩa là nó phải ở mức cơ bản hoặc có tính kiềm. Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có xu hướng ăn nhiều thực phẩm mang tính axit hơn, dễ dẫn đến các vấn đề sức khỏe như sỏi thận, suy giảm xương và cơ, ung thư, bệnh gan, bệnh tim.

Dưới đây là những thực phẩm có tính kiềm bạn nên bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày để cân bằng lại độ pH cho cơ thể.

Các loại rau

(Ảnh: Shutterstock)

1. Bông cải xanh nấu chín (độ pH: 6,30-6,85) chứa nhiều vitamin C, vitamin A, chất xơ, axit folic và các chất dinh dưỡng thực vật. Món ăn này sẽ giúp cơ thể giải độc tự nhiên và bảo vệ bạn khỏi nhiều căn bệnh mãn tính.

2. Súp lơ nấu chín (6,45-6,80) chứa nhiều nguyên tố vi lượng và vitamin giúp tăng cường sức khỏe, chống viêm, giúp ngăn ngừa ung thư, các bệnh về tim và não, hạn chế tăng cân.

3. Bắp cải xanh (5,20-6,75) giàu axit folic, magiê, vitamin C và K. Nó có thể bảo vệ bạn chống lại các tác động tiêu cực của bức xạ, ngăn ngừa ung thư, cải thiện hệ tiêu hóa.

4. Cà rốt sống (5,88-6,40) chứa các thành phần kiềm tự nhiên có thể giúp trung hòa axit dạ dày dư thừa, giảm cholesterol, cải thiện thị lực và giảm các dấu hiệu lão hóa sớm.

(Ảnh: Pixabay)

5. Củ dền nấu chín (5,23-6,50) chứa nhiều nguyên tố vi lượng như mangan, kali và đồng có tác dụng chống lão hóa cơ thể, giảm viêm và hỗ trợ giảm cân.

6. Rau chân vịt nấu chín (6,60-7,18) chứa nhiều vitamin A, C, K và canxi, có tác dụng chống ung thư, làm sạch cơ, giữ cho xương, da và tóc của bạn khỏe mạnh.

Trái cây

7. Quả bơ (6.27-6.58) chứa một lượng chất xơ không hòa tan và hòa tan cân bằng tuyệt vời có thể giúp bạn giảm tổn thương gan, ngăn ngừa ung thư miệng, duy trì làn da khỏe mạnh và nuôi dưỡng tóc khô hoặc hư tổn.

8. Dưa lê Honeydew (6.00-6.67) rất giàu kali, chất xơ và nhiều chất dinh dưỡng khác. Những thành phần này có thể làm cho xương và răng của bạn chắc khỏe hơn, tăng cường hệ thống miễn dịch và cải thiện thị lực.

(Ảnh: Shutterstock)

Cây họ đậu

9. Đậu nành (6,00-6,60) chứa nhiều protein, vitamin, khoáng chất và chất xơ không hòa tan giúp bạn giảm mức cholesterol, giảm các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh và giảm nguy cơ ung thư vú.

10. Đậu lăng nấu chín (6,30-6,83) là một trong những nguồn thực vật cung cấp protein tốt nhất, chất xơ, sắt, folate, vitamin B1 và khoáng chất. Chúng sẽ thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn lành mạnh, quản lý lượng đường trong máu và cải thiện hệ thống miễn dịch của bạn.

11. Đậu Hà Lan nấu chín (6.22-6.88) chứa nhiều protein, chất xơ và vi chất dinh dưỡng. Bạn nên ăn món này nếu muốn giảm cân, tăng cường hệ miễn dịch, giữ cho xương khỏe mạnh và ngăn ngừa lão hóa sớm.

(Ảnh: Shutterstock)

Ô liu

12. Ô liu chín (6,00-7,50) là một nguồn dồi dào vitamin E và chất béo không bão hòa. Chúng đóng vai trò như một chất chống oxy hóa tự nhiên, có tác dụng giảm nguy cơ béo phì, ngăn ngừa đông máu và loại bỏ cholesterol dư thừa ra khỏi máu của bạn.

(Ảnh: Shutterstock)

Minh Khuê (Theo Bright Side) / Theo: trithucvn
Link tham khảo:


MẠI HOA DAO - LAI HỘC


MẠI HOA DAO - LAI HỘC

Tử diễm hồng bao giá bất đồng,
Tạp nhai la liệt khởi hương phong.
Vô ngôn vô ngữ trình nhan sắc,
Tri lạc thuỳ gia trì quán trung?


賣花謠 - 來鵠

紫艷紅苞價不同,
匝街羅列起香風。
無言無語呈顏色,
知落誰家池館中?


Bài hát bán hoa (Dịch thơ: Nguyễn Minh)

Hoa đã nở, nụ non, giá khác
Thơm lừng bay khắp các phố phường
Lặng thinh trình sắc khoe hương
Bán vào nhà nhỏ, từ đường giàu sang ?


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Lai Hộc 來鵠 tức Lai Bằng, là thi nhân triều Đường, không rõ năm sinh, mất năm 883. Người Dự Chương (nay là Nam Xương, Giang Tây). Khoảng năm Hàm Thông thi tiến sĩ không đỗ, về ẩn ở Sơn Trạch. Thường qua lại các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, An Huy... Thơ ông thường viết về cảnh đời phiêu bạt, cùng khốn, cũng có một số bài quan tâm đến nỗi đau khổ của nhân dân. "Toàn Đường thi" còn 29 bài.

Nguồn: Thi Viện

TRÊN ĐỜI CÓ 4 ĐIỀU KHÔNG THỂ, DÙ ĐỨC PHẬT TỪ BI NHƯNG KHÔNG THỂ AN BÀI

Chuyện kể rằng, một hôm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dẫn các đệ tử của mình đi đến một vùng quê nhỏ. Sáng sớm hôm ấy, ánh nắng chan hòa, chim muông hót vang, hương thơm dìu dịu. Đức Phật cùng các đệ tử ngồi lại trên thảm cỏ bên bờ sông, cùng ngắm vạn vật đua chen sức sống.


Bỗng có một đệ tử cất tiếng hỏi Đức Phật: “Thưa Đức Thế Tôn, ngài có đầy thần thông và từ bi, cớ sao trên đời vẫn còn quá nhiều chúng sinh chịu khổ vậy?”.

Đức Phật thoáng nhìn người đệ tử, mỉm cười đầy từ bi rồi ôn tồn giảng: “Ta dẫu có thần thông lớn ngần nào nhưng cũng có bốn điều vẫn là không thể làm được”.

Các đệ tử vô cùng băn khoăn: “Thưa Đức Thế Tôn, đó là những việc gì ạ?”.

Đức Phật trầm ngâm một hồi, đoạn nói: “Bốn điều ấy chính là:

NHÂN QUẢ không thể đổi thay, người gieo nhân nào thì gặt quả ấy, không ai có thể nhận thay.

TRÍ TUỆ không thể cho, ai muốn có đều phải tự mình tu học.

PHẬT PHÁP không thể diễn tả, chỉ có thể dựa vào ngộ mà đắc được.

KHÔNG CÓ NHÂN DUYÊN thì không thể độ, người không có duyên thì không bao giờ nghe được những lời ta giảng”.

Các đệ tử nghe xong ai nấy đều bừng ngộ.


Trên đời, có rất nhiều việc là không thể cưỡng cầu. Tất cả chỉ có thể dựa vào một chữ duyên mà thôi. Duyên chưa đủ thì không thể gặp, phận không có thì sao có thể ép buộc được đây?

Đời người ôi chỉ là giấc mộng, mộng tàn rồi thì ảo ảnh cũng vụt tan. Nhân sinh chẳng qua chỉ là một trường mộng ảo, người với người gặp gỡ chẳng phải cũng chỉ vì kết duyên từ muôn vạn kiếp đó sao?

Duyên phận không phải cầu là đến, không phải muốn là được. Chỉ là bạn có đủ thành tín hay không, có đủ thiện lương hay không, có đủ phúc phận hay không mà thôi.


Cũng giống như mưa trời tuy lớn nhưng cây không có rễ thì khó mà thấm nước.

Cửa Phật tuy rộng nhưng chẳng thể nào độ được người vô duyên.

An Nhiên / Theo: vandieuhay



TẠI SAO MAO TRẠCH ĐÔNG ĐẾN CHẾT VẪN KHÔNG DÁM BƯỚC NỬA BƯỚC VÀO CỐ CUNG?

Bảo tàng Cố Cung là biểu tượng của văn hóa Trung Hoa, nhưng Mao Trạch Đông đến chết vẫn không dám bước vào.

Thần Ngọ Môn, Bắc môn. Bảng tên ở dưới ghi "Bảo tàng Cố cung" (故宫博物院). (wikipedia/ CC BY SA 3.0)

Khoảng 14:40 chiều ngày mùng 8 tháng 11 năm 2017, tổng thống Mỹ Donal Trump trên chuyên cơ Không lực số 1 đã đáp xuống sân bay quốc tế của thủ đô Bắc Kinh, trong chuyến đi ba ngày thăm Trung Quốc.

Nhà chức trách Bắc Kinh cho cử hành nghi lễ long trọng đón tiếp. Sau đó, vợ chồng tổng thống được vợ chồng chủ tịch Tập Cận Bình đưa tới thăm bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh (tên cũ là Tử Cấm Thành), đồng thời mời dùng trà và tiệc gia đình vào buổi tối. Ông Tập Cận Bình cho bày tiệc ở cung Kiến Phúc là nơi mà Hoàng đế Càn Long từng ở, để khoản đãi vợ chồng tổng thống Mỹ. Vợ chồng ông Trump được đích thân trải nghiệm một không gian chứa đựng lịch sử xa xưa, phú lệ đường hoàng của hoàng cung Trung Quốc, tinh thần hết sức thoải mái, trên mặt rạng rỡ nụ cười, thật mãn ý với cuộc hành trình này.

Bảo tàng Cố Cung là biểu tượng của văn hóa Trung Hoa, là nơi kết tập những tinh túy văn vật của lịch sử, khi các lãnh tụ ngoại quốc đến thăm đều hết lời khen ngợi, nhưng các vị biết chăng? Cố Cung là nơi mà lãnh tụ độc tài của Trung Cộng-Mao Trạch Đông đến chết cũng không dám bước chân vào!

Vợ chồng tổng thống Trump được vợ chồng chủ tịch Tập Cận Bình đưa tới thăm bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh. (Ảnh: getty)

Rời Diên An chớ quay lại

Trung Quốc có hai địa danh, mà Mao Trạch Đông cả đời không dám thò chân đến.

Một là Diên An, là nơi mà sau khi Mao tiến vào Bắc Kinh vẫn chưa một lần quay lại. Có người phá giải nguyên do: Năm đó Tưởng Giới Thạch tấn công Thiểm Bắc, 20 vạn đại quân Hồ Tông Nam tiến công Diên An. ĐCSTQ chia hai lộ, một lộ quân trấn thủ Thiểm Bắc (phía bắc tỉnh Thiểm Tây), một lộ vượt sông Hoàng Hà tiến vào Hoa Bắc. Mao do dự không biết nên đi hay ở, nên nhờ người bói cho một quẻ.

Quẻ viết: “Lúc này là đầu xuân, nước sông khô cạn, không thuận vượt sông. Nếu vượt sông, thì chớ quay lại!”

Do quẻ bói này mà Mao sau khi rời Diên An không bao giờ quay lại thăm nơi đây.

Không vào Cố Cung, sợ vương vị gặp nguy

Địa danh thứ hai là Cố Cung Bắc Kinh. Cố Cung chỉ cách Trung Nam Hải một dãy tường, quan khách quốc tế đều tới tham quan. Cứ theo như địa vị quyền lực và sở thích đàm luận kim cổ, rồi làm thơ tác phú, trong Cố Cung có chứa cả trăm vạn bảo vật trân quý của 500 năm hai triều đại Minh – Thanh, thì đó phải là nơi ông ta thường tới thăm thú mới phải. Nhưng tai sao Mao Trạch Đông đến chết cũng không dám bước vào? Nguyên nhân sẽ làm người ta kinh ngạc!

Đó là do có cao nhân chỉ bảo, nói cho ông ta rằng: “Không được vào, vào thì vương vị sẽ gặp nguy.”

Có bài viết nói rằng, Mao thừa nhận có lực lượng siêu tự nhiên, có cao nhân, dự đoán chuẩn xác, khiến Mao tin tưởng nghe theo. Cả đời ông ta là những cuộc mưu toan lừa lọc “Soán đảng đoạt quyền”. Ngoài sự hấp thụ những thứ xấu xa phụ diện trong lịch sử tranh chấp cung đình, cùng những quỷ kế quyền mưu, đào tạo sử dụng đặc vụ, gián điệp tình báo, thì ông ta còn rút thẻ xem bói, tin vào các loại Bát quái liên quan đến quyền lợi được mất của mình.

Lành có điềm lành, dữ có điềm dữ

Năm 1976, Cát Lâm giáng mưa thiên thạch, Mao sợ chết khiếp. Ông ta nói với thư ký là Mạnh Cẩm Vân rằng: “Lành có điềm lành, dữ có điềm dữ. Trời rung Đất động, trên trời rơi xuống đá to, vậy là muốn người chết rồi!”

Quả thực trong năm đó, Mao chết.

Đăng Dũng / Theo: vandieuhay

Friday, June 28, 2024

HOÀNG HẬU ĐẸP NHẤT ẤN ĐỘ VÀ NỖI ĐAU ĐẾN KHI QUA ĐỜI CŨNG KHÔNG NGUÔI

Hoàng hậu Gayatri Devi nổi tiếng với vẻ đẹp hoàn hảo và là biểu tượng thời trang của Ấn Độ. Sau cái chết của bà vào năm 2009, công chúng được phen bàn tán xôn xao trước những lùm xùm về vấn đề thừa kế.


Cuộc sống vương giả kiểu mẫu

Gayatri Devi sinh năm 1919 tại thành phố London (Anh Quốc) và lớn lên ở Jaipur, thủ phủ Tiểu vương quốc Rajasthan ở phía Bắc Ấn Độ, trong một gia đình dòng dõi hoàng tộc.

Cha bà là Hoàng tử Jitendra Narayan xứ Cooch Behar, Tây Bengal, và mẹ bà là Công chúa Indira Raje nổi tiếng xinh đẹp.

Devi thừa hưởng tính cách độc lập, mạnh mẽ từ mẹ và được nuôi dạy theo chủ nghĩa nữ quyền.

Hoàng hậu Gayatri Devi vốn nổi tiếng với vẻ đẹp hoàn hảo và là biểu tượng thời trang của Ấn Độ

Ngay từ nhỏ, Devi là một cầu thủ Polo giỏi và cũng là một tay đua xuất sắc. Bà bắn hạ con báo đầu tiên trong đời khi chỉ mới 12 tuổi. Đó cũng là lúc bà gặp được người chồng tương lai, hoàng tử Sawai Man Singh II.

Sau khi kết hôn với Sawai Man Singh vào năm 1940, Gayatri Devi trở thành hoàng hậu ở Jaipur và giữ cương vị này đến năm 1970.

Đám cưới của bà được tổ chức trong suốt một tuần lễ, trở thành đại hôn lễ xa hoa nhất trong lịch sử Ấn Độ với những món quà mừng cưới trị giá hàng triệu USD như xe Bentley, ô tô thể thao hạng sang hiệu Packard hay cả một dinh thự nghỉ mát…

Một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn

Vốn là người ủng hộ nữ quyền, năm 1943, Devi thành lập một trường học dành cho nữ sinh mang tên mình. Hiện nay, đây là trường học danh giá nhất Ấn Độ.

Gayatri Devi và hoàng tử Sawai Man Singh II.

Năm 1947, Hoàng gia Ấn Độ chính thức mất toàn bộ quyền lực khi chính quyền tư bản giành được độc lập, bà Devi tham gia chính trường và là một nữ chính trị gia kiệt xuất.

Một trong những cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời bà là vào năm 1962, lần đầu tiên, bà đã tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử Hạ viện Ấn Độ.

Bà Devi đã giành chiến thắng áp đảo với số phiếu đồng thuận cao nhất thế giới, cũng chính là kỷ lục Guinness được thiết lập và giữ vững đến hiện nay.

Gayatri Devi được xem là nữ hoàng sắc đẹp của Ấn Độ thế kỷ trước. Bà có tên trong danh sách 10 người phụ nữ đẹp nhất thế giới do tạp chí Vogue bình chọn.

Cuộc đời bà pha trộn giữa lối sống cung đình hết sức tôn nghiêm ở Jaipur và phong cách hiện đại theo phương Tây với những chiếc máy bay riêng, các bữa tiệc cocktail linh đình và nhiều chuyến đi mua sắm thỏa sức ở trung tâm London (Anh).

Devi mang vẻ đẹp cổ điển song cũng là một biểu tượng thời trang của đất nước Ấn Độ hiện đại.

Trả lời tờ Thời báo Ấn Độ, Devi cho biết, bà tự tạo phong cách thời trang cho riêng bản thân và lấy một phần cảm hứng từ cách ăn mặc của mẫu thân của bà - người đầu tiên mặc áo sari bằng vải chiffons.

Devi tham gia chính trường và là một nữ chính trị gia kiệt xuất.

Cuộc tranh chấp tài sản ly kỳ

Báo chí địa phương cho biết, sau khi Devi mất, cánh cửa thông giữa hai tòa nhà đã được xây gạch bít kín. Đây là bằng chứng cho thấy, đại gia đình hoàng tộc đã bắt đầu nảy sinh những tranh chấp pháp lý phức tạp.

Đài BBC ước tính số tài sản bà Devi để lại có giá trị từ 200-400 triệu USD, trong đó có một số cung điện đã được chuyển thành khách sạn hạng sang.

Theo di chúc, hai người cháu nội của bà Devi sẽ là những người thừa kế số tài sản khổng lồ này, do người con trai duy nhất của bà đã mất từ năm 1997.

Vì thế, cái chết của hoàng hậu Ấn Độ đã châm ngòi cho vụ tranh chấp tài sản quyết liệt giữa 2 người cháu Devraj Singh, Lalitya Kumari với các hậu duệ khác của chồng bà.

Những người con riêng của Quốc vương Man Singh II cho rằng, di chúc được viết lúc người mẹ kế đã già yếu, đầu óc không minh mẫn và họ muốn được hưởng một phần tài sản.

Gayatri Devi được xem là nữ hoàng sắc đẹp của Ấn Độ thế kỷ trước, có tên trong danh sách 10 người phụ nữ đẹp nhất thế giới do tạp chí Vogue bình chọn.

Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã giữ nguyên phán quyết ủng hộ quyền thừa kế của hai người cháu.

Sau phán quyết, ông Devraj Singh cho biết, trong những năm qua, ông và em gái chỉ muốn đòi lại số tài sản của cha mình và không cần gì hơn.

Sự thật về "hoàng gia kiểu mẫu"

Gayatri Devi thực ra là người vợ thứ ba của Man Singh. Tước vị nhà vua Jaipur được truyền cho Bhawani Singh, con trai của bà vợ cả. Những chi khác trong dòng tộc này vẫn kiểm soát các hoạt động bất động sản ở Jaipur.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí trước đây, Devi tiết lộ rằng, Bhawani Singh đối xử với mình rất lạnh nhạt, đúng kiểu "mẹ ghẻ, con chồng".

Những thông tin này đối nghịch hoàn toàn với hình ảnh mà công chúng biết tới về gia đình hoàng tộc Jaipur.

Ảnh chụp Devi đang tập luyện bộ môn Polo.

Người ta luôn xem đó như một gia đình lý tưởng, không bao giờ tỏ ra trịch thượng hay phân biệt đối xử giữa người giàu và người nghèo.

Đối với gia đình này, dường như không có sự phân biệt giữa các tầng lớp trong xã hội, rất khác so với gia đình Hoàng gia Anh hay gia tộc Kennedy đến từ Mỹ.

Thế nhưng trên thực tế, bất đồng và tranh chấp mang tính pháp lý đã liên tục xảy ra trong những năm cuối đời của Devi. Con trai bà từng xung đột với Bhawani Singh về quyền sở hữu một số tài sản và vụ việc phải đưa ra phân xử tại Tòa án tối cao.

Ngoài ra, vào năm 2006, người cháu trai Devraj đâm đơn kiện cho rằng, cổ phần của hai khách sạn lớn tại Jaipur của cha mình đã bị người chú Prithviraj thao túng.

Bất đồng và tranh chấp mang tính pháp lý đã liên tục xảy ra trong những năm cuối đời của Devi.

Cụ thể, cổ phần khách sạn cung điện Jai Mahal đã giảm từ 99% xuống còn 7%, trong khi cổ phần của ông Prithviraj đã tăng đến 93%.

Bản thân bà Devi cũng bất hòa với nàng dâu người Thái và bị cáo buộc là đã tìm cách giành lại số tài sản mà cô này được hưởng.

Tờ Deccan Herald từng có bài mô tả chi tiết cái chết của Jagat Singh và cho biết Devi, dù khi đó bị suy sụp hoàn toàn, đã tìm mọi cách ngăn không để con dâu và cháu nội được hưởng khối tài sản thừa kế.

Cái chết của hoàng hậu Ấn Độ Gayatri Devi đã vạch trần sự thật ít người biết về hoàng cung Ấn Độ, đằng sau sự xa hoa, lộng lẫy đó là một gia tộc đầy xung đột, mâu thuẫn, tính toán và tranh chấp.

PV (Theo Gia Đình)



GIAI NHÂN - ĐỖ PHỦ


Giai nhân - Đỗ Phủ

Tuyệt đại hữu giai nhân,
U cư tại không cốc.
Tự vân lương gia tử,
Linh lạc y thảo mộc.
Quan Trung tích táng loạn,
Huynh đệ tao sát lục.
Quan cao hà túc luận,
Bất đắc thu cốt nhục.
Thế tình ố suy yết,
Vạn sự tuỳ chuyển chúc.
Phu tế khinh bạc nhi,
Tân nhân mỹ như ngọc.
Hợp hôn thướng tri thời,
Uyên ương bất độc túc.
Ðãn kiến tân nhân tiếu,
Ná văn cựu nhân khốc.
Tại sơn tuyền thuỷ thanh,
Xuất sơn tuyền thuỷ trọc.
Thị tỳ mãi châu hồi,
Khiên la bổ mao ốc.
Trích hoa bất sáp phát,
Thái bách động doanh cúc.
Thiên hàn thuý tụ bạc,
Nhật mộ ỷ tu trúc.


佳人 - 杜甫

絕代有佳人
幽居在空谷
自云良家子
零落依草木
關中昔喪亂
兄弟遭殺戮
官高何足論
不得收骨肉
世情惡衰歇
萬事隨轉燭
夫婿輕薄兒
新人美如玉
合昏尚知時
鴛鴦不獨宿
但見新人笑
那聞舊人哭
在山泉水清
出山泉水濁
侍婢賣珠迴
牽蘿補茅屋
摘花不插髮
采柏動盈掬
天寒翠袖薄
日暮倚修竹


Người đẹp (Dịch thơ: Trần Trọng Kim.)

Một trang quốc sắc tuyệt đời
Náu thân hiu quạnh ở nơi hang cùng
Kể rằng con cái nhà tông
Sa cơ phải lạc loài cùng cỏ cây
Quan trung loạn lạc những ngày
Anh em bị hại bởi tay hung tàn
Kể chi hiển trật cao quan
Thảm thay đến nổi xương tàn không thu
Tình đời suy có ai phù
Việc đời chi khác đèn cù xoay quanh
Lang quân cũng thói bạc tình
Coi người mới đẹp như hình tiên sa
Biết thời kia dạ hợp hoa
Cặp uyên ương nọ thường là ngủ đôi
Chỉ trông người mới vui cười
Nghe đau tiếng khóc của ai cô phòng
Suối còn trong núi suối trong
Suối ra khỏi núi, suối trông đục ngàu
Sai tì đi bán hạt châu
Lều tranh rác nát phải khâu dây lài
Ngắt hoa mái tóc không cài
Vốc đầy lá Bách, hái hoài không thôi
Lạnh lùng tay áo mỏng tơi
Trời hôm dựa khóm trúc dài thẩn thơ.


Ghi chú: 

Bài này làm năm 759 khi tác giả qua Tần Châu, tả một người đàn bà trong loạn ly, anh em bị giết, chồng bỏ, ở một thân nghèo khổ. Theo các chú giải về thơ Đỗ Phủ, đây là một bài thơ ký thác, như "Tỳ bà hành" của Bạch Cư Dị.

Nguồn: Thi Viện