Wednesday, July 3, 2024

Ả ĐÀO: "CUỘC CÁCH MẠNG TÌNH DỤC" VÀ NHỮNG GÓC KHUẤT ĐƯỢC SOI RỌI

Ả đào từng thịnh hành như nhạc pop, nhưng sau thời gian bị cấm đoán và các điều kiện xã hội thay đổi, nghệ thuật này dần rơi vào lãng quên. Cuốn sách của Bùi Trọng Hiền có cơ may lật ngược tình thế?

Ca trù là một loại hình nghệ thuật cổ truyền độc đáo của Việt Nam. Ảnh: Getty Images

Sự kiện ra mắt sách Ả đào - Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật tại hội trường Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Hà Nội) ngày 6/4/2024 thu hút hơn 150 cử tọa, chú yếu là người trẻ.

Đây là một tín hiệu đáng mừng trong tình trạng nghệ thuật ca hát cổ nhất của người Việt đang tiến dần đến nguy cơ thất truyền.

Ả đào bị coi là một loại hình ca hát khó nghe. Nhưng chừng một thế kỷ trước, tình hình không phải như vậy.

Những năm 1940, người Pháp thống kê chỉ riêng Hà Nội có khoảng 2.000 cô đầu (tức ả đào) hoạt động trong chừng 200 nhà hát.

Khác nào nhạc pop bây giờ nếu không nói là còn phổ biến hơn. Sự kỳ thị và thờ ơ của xã hội góp phần quan trọng đẩy các loại hình âm nhạc dân tộc, nhất là ả đào, dần thành xa lạ với chính dân tộc đã sản sinh ra nó.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền sinh năm 1966, từng giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia trước khi về làm cán bộ nghiên cứu tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam từ 1996. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà

Cách mạng giới?

Ả đào (còn gọi cô đầu, ca trù) bị cấm ở miền Bắc sau 1954. Tất cả đào kép phải tìm công việc khác kiếm sống và tốt nhất là giấu nhẹm việc mình đã từng đàn hát cô đầu.

Tới những năm 1960, các nhà hát cô đầu ở Sài Gòn cũng bị chính quyền Ngô Đình Diệm đóng cửa. Nhưng các chầu hát ở tư gia vẫn được tổ chức thường xuyên nên đào kép vẫn giữ được nghề.

Bà Đinh Thị Bản (từng mở nhà hát ở Vạn Thái, Hà Nội; theo chồng là một nhà tư sản vào Nam) thậm chí còn được mời dạy ở Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Tuy chưa rõ bà dạy môn gì. Bùi Trọng Hiền phỏng đoán ngoài ả đào, có thể bà dạy ngâm thơ hoặc chèo.

Cô đầu bị hắt hủi vì bị coi là tàn dư của chế độ cũ và là còn là biểu hiện của tệ nạn. Khi các nhà hát cô đầu từ nơi biểu diễn nghệ thuật dần phải kiêm nhiệm chốn ăn chơi.

Theo Bùi Trọng Hiền, ban đầu các nhà hát sử dụng các đào rượu để phục vụ các thú ăn chơi như tiêm thuốc phiện, chia bài tổ tôm, làm chỗ tiếp khách... Nhưng về sau ở nhiều nơi, đào hát cũng kiêm luôn công việc này.

Tác giả Ả đào - Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật giao lưu cùng độc giả. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà

“Bây giờ rất nhiều người phỉ báng cô đầu rượu, cho là biến thái, đổ tội cho họ làm xấu hình ảnh cô đầu,” anh nói. “Tôi xin thưa, trong một xã hội thương mại phát triển chịu ảnh hưởng của Pháp, không có cô đầu rượu, chưa chắc người ta đã đến hát cô đầu đâu.

Đấy là một thành phần kinh tế phối thuộc, góp phần tạo nên một thú ăn chơi thành thị. Việc đánh giá đạo đức hoàn toàn phụ thuộc vào góc nhìn hiện đại.”

Có thể nói Bùi Trọng Hiền là nhà nghiên cứu đầu tiên nhìn thẳng vào “góc khuất” của nghệ thuật ả đào vào hồi thoái trào giữa thế kỷ XX.

Thậm chí anh còn bênh vực các ả đào, cho họ là những nữ lưu tiên phong trong trào lưu giải phóng phụ nữ. Họ là những phụ nữ đầu tiên mặc áo dài tân thời, đi guốc cao gót và giành lấy quyền tự do luyến ái thay vì chịu sự kìm kẹp của xã hội phụ hệ như trước đó.

Anh gọi đó là một cuộc “cách mạng giới”- giải phóng phụ nữ khỏi lễ giáo phong kiến, thậm chí: “Có thể coi là một cuộc cách mạng tình dục sớm nhất trên thế giới”.

Thử thách và lực cản

Cuốn sách của Bùi Trọng Hiền là công trình khảo cứu về ả đào đồ sộ nhất từ xưa tới nay với gần 600 trang, phân tích kỹ lưỡng chưa từng thấy về âm nhạc - khía cạnh luôn bị các nhà nghiên cứu trước đây bỏ qua vì quá khó.

Bùi Trọng Hiền từng có những công trình nghiên cứu công phu về tài tử cải lương, nhạc cung đình Việt Nam và cồng chiêng Tây Nguyên (đã xuất bản).

Nhưng phải cách đây 10 năm anh mới đủ động lực chính thức bắt tay vào giải mật ả đào.

Câu chuyện bắt đầu từ lần ngồi cùng ban giám khảo với nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ chấm Liên hoan Ca trù Toàn quốc 2014, thấy cụ liên tục chê các thí sinh “đàn hát lung tung, chả có phách gì”, rồi “khổ quá chỗ này phải xuống cung Bắc, sao lại đàn cung Nam nhỉ”.

Đáng ngại là anh nghe thế nhưng chẳng hiểu gì. Anh nhận ra cụ chính là người cuối cùng và duy nhất có thể giải đáp cho mình những thắc mắc bấy lâu về ả đào.

Hồi tham gia xây dựng hồ sơ ca trù trình UNESCO để công nhận Di sản Phi vật thể Đại diện của Nhân loại năm 2005, Hiền cũng định bắt tay vào nghiên cứu chuyên sâu nhưng đành phải bỏ cuộc.

Sau “ba lần đến quỳ trước lều cỏ của một nghệ nhân” mà không được tiếp nhận, anh phát hiện ra giấu nghề đã được đưa vào lề luật, trở thành bản năng của hầu hết nghệ nhân ca trù.

“Người ở ngoài giáo phường phải nhận làm con nuôi của thầy, làm lễ đàng hoàng, ông trùm giáo phường mới cho phép dạy,” anh cho biết. “Nghiên cứu cải lương dễ dàng tiếp cận tư liệu hơn, băng đĩa nhiều, nghệ nhân tài danh luôn mở lòng, nhưng ca trù hầu như không có gì.

Năm 2005, khi xây dựng hồ sơ ca trù, băng đĩa chủ yếu chỉ có Thề non nước của bà Quách Thị Hồ. Sau khi bà được vinh danh là một trong 9 giọng hát hay nhất thế giới ở Bình Nhưỡng năm 1983 mới được Dihavina phát hành album đầu tiên và duy nhất này vào năm 1994.”

Phần nào cũng do một thời gian dài bị cấm đoán, hắt hủi nên các nghệ nhân lão thành rất cảnh giác khi có người hỏi về ca trù. Họ thà “sống để bụng, chết mang theo”.

Sau khi hạ quyết tâm giải mã ả đào cùng nghệ nhân đàn đáy cuối cùng, Bùi Trọng Hiền mới phát hiện ra cụ Đẹ còn nhớ toàn bộ thể thức hát thờ ở đình. Anh ngạc nhiên trong sung sướng: “Sao ông không nói sớm?” Ông Đẹ thủng thẳng: “Người ta có hỏi đâu mà tôi nói.”

Hiền lập tức kết nối với CLB Ca trù Hải Phòng- nơi đủ đội ngũ để dàn dựng lại thể thức hát này dưới sự hướng dẫn của cụ Đẹ. Rất kịp thời vì chỉ hơn một năm sau, cụ bắt đầu bị lẫn do tai biến mạch máu não.

Theo anh, chính ở thể thức hát thờ, đòi hỏi kép đàn phải đứng, đồng nghĩa với đeo đàn để đánh nên đàn mới được gọi là “đới”- tức “đeo”, cũng được gọi là “đái”. Trong băng ghi âm hồi năm 1959 của Viện Âm nhạc Việt Nam, khi giới thiệu đến kép đàn người ta vẫn dùng từ “đàn đái”.

Rồi lại một lần chệch nữa mới thành “đàn đáy” như bây giờ. Trong khi cây đàn này không có đáy, tức là được khoét rỗng phía sau. Từ đó nó còn một tên nữa là “vô đề cầm”.

Những tư liệu quý được các cán bộ Viện Âm nhạc thu thập từ thập niên 1930 đến 1979 đến với Hiền theo đường vòng, dưới dạng 10 băng cát-xét cũ mốc do GS Vũ Nhật Thăng chuyển giao.

Vào khoảng 1996, chúng được Viện đưa cho nhạc sĩ Vũ Nhật Tân (con trai GS Vũ Nhật Thăng) để ký âm. Người ta thử dùng một số bản ký âm này để dạy ca trù nhưng không thành công.

Hiền bỏ ra hai tuần, thức trắng đêm để lau mốc cho băng - số hóa và cứu được hơn 60 bản thu âm ca trù của các tên tuổi như Nguyễn Thị Cúc, Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc, Chu Thị Năm, Đào Thông, Đào Thanh, Châu Doanh, Ba Thịnh, Đinh Thị Bản, Đinh Thị Nghĩa… Anh khẳng định còn giữ lại được những tư liệu quan trọng này là một may mắn lớn.

Bên cạnh đó là những nguồn cung cấp từ nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan (nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc), GS Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu người Mỹ Jason Gibbs và một nhà sưu tập đĩa ở TP HCM… giúp Hiền đủ nguyên liệu để chiết xuất.

Anh nhấn mạnh. “Nếu không có tư liệu vang, không làm gì được. Cụ Đẹ khi đó quá yếu, trí nhớ và sức lực không đủ cho tôi khai thác. Toàn bộ các nghiên cứu chủ yếu căn cứ vào băng cũ của những danh ca, danh cầm đã khuất.”

Theo chính tác giả thì độc giả đại chúng sẽ lĩnh hội ít nhất được 2/6 phần của cuốn sách.

Đó là phần đầu “Không gian văn hóa - Chức năng xã hội và Những hình thức biểu hiện của nghệ thuật ả đào” và phần cuối “Nhà hát cô đầu - Góc nhìn lịch sử văn hóa”.

Phần còn lại chủ yếu dành cho giới chuyên môn.

Những phát hiện

Ca trù là một loại hình nghệ thuật cổ truyền độc đáo của Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà

Có những phát hiện làm cho chính tác giả cũng ngỡ ngàng. Trước nhất là về cấu trúc các khổ phách, khổ đàn lập thành bài bản. Trước giờ đây vẫn là một bí mật “bất thành văn”.

Học trò của các cô đầu chủ yếu tự nghe, tự ngấm. Nhưng đấy là chuyện của những thế kỷ trước, khi các đào nương được đào tạo từ tấm bé trong một môi trường đậm đặc nhà nghề.

Sớm lắm như bà Nguyễn Thị Phúc cũng phải mất 8 năm (bà Hồ 10 năm) mới thành nghề.

Đào kép ngày nay học ca trù khi đã ở tuổi thanh niên, trung niên và hiếm hoi lắm mới có cơ hội biểu diễn, nên mới dừng lại ở mức bắt chước nghệ nhân là chính.

Việc truyền dạy ca trù vì thế đi vào vô vọng, khi khoảng cách giữa nghệ nhân và truyền nhân không thể lấp đầy.

Bùi Trọng Hiền dựa trên hệ quy chiếu mới của âm nhạc học đã đưa ra những định nghĩa, quy chuẩn cho hệ âm luật phức tạp này. Chẳng hạn tiếng hát và tiếng phách nói chung phải đan xen chứ không được trùng lặp tiết tấu.

Cụ thể: “Tiếng đàn và tiếng hát phải xuất hiện đan xen với tiếng dùi ‘phách’ tay phải và trùng với tiếng dùi ‘rục’ tay trái của cỗ phách.”

Anh còn trực quan hóa nguyên tắc này thành sơ đồ để người học nhìn vào thấy ngay.

Bộ sơ đồ này đã bước đầu cho thấy có giá trị thực tiễn khi được anh đem ra bổ túc cho các đào kép đang hành nghề ở Hà Nội (2017) và Hải Phòng (2020).

Hiền cho biết, xưa nay nhiều tài liệu viết về ả đào đều nói loại nhạc này có đủ năm cung: Nam, Bắc, Huỳnh, Pha, Nao kèm theo những dẫn giải chung chung mơ hồ. Do mọi thứ không rõ ràng nên nhiều nhà nghiên cứu buộc phải dừng bước trước nan đề này. Nhưng khi hỏi hai nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ và Nguyễn Thị Chúc thì anh đều được trả lời: Các cụ từ xưa vẫn chỉ truyền dạy hai cung Nam, Bắc.

“Cuối cùng tôi phát hiện ra Bắc, Nam không phải cung điệu mà là quy ước về âm khu,” anh nói với tôi. “Âm khu cao gọi là cung Bắc, những điệu đánh ở phía trên cần đàn, thấp hơn gọi là cung Nam. Còn năm cung kia là các nhà nho nghĩ ra.”

Làm nên sự khác biệt của ca trù so với các thể loại khác như anh chỉ ra chính là sự tiết kiệm chất liệu cung bậc. Trong loại nhạc này, có hẳn một hệ âm điệu chỉ dùng ba nốt nhạc xây dựng giai điệu lời ca - gọi là hệ năm cung thiếu. Đặc biệt, nghệ thuật chuyển điệu trong ả đào được xây dựng ở tầng bậc cao, có tới hơn 60% bài bản có sử dụng thủ pháp chuyển điệu.

Ả đào là loại hình duy nhất mà Bùi Trọng Hiền chỉ ra sử dụng cấu trúc lắp ghép, tức là sắp xếp các mô-đun khổ phách/khổ đàn liên tục tạo thành bài, chứ không phải kiểu cấu trúc ca khúc như chèo, quan họ; hay làn điệu như chầu văn; lòng bản như tuồng, tài tử cải lương, thính phòng cung đình Huế.

Đây là một khám phá quan trọng giúp định hình thể loại âm nhạc chuyên nghiệp đầu tiên và riêng biệt của người Việt. Giờ thì anh đã xác định được mạch ngầm “ADN” âm điệu thuần Việt của ả đào trải dọc theo chiều dài đất nước, theo bước chân di cư của người Việt. Từ chầu văn, tuồng, xẩm cho tới cải lương, cung đình thính phòng Huế… đều có những bài bản ít nhiều in đậm hơi hướng ả đào.

Tuy nhiên, tác giả xác nhận, vẫn chưa hoàn tất nghiên cứu về ả đào. Chẳng hạn kỹ thuật trình tấu đàn đáy anh chưa động tới. Biết thế nhưng anh phải tạm ngừng nghỉ vì đã quá lao tâm khổ tứ cho công trình này.

Vì mỗi khi lao vào nghiên cứu anh sẽ rơi vào một trạng thái thăng hoa, bất chấp sức khỏe của một bệnh nhân đau dạ dày và rối loạn thần kinh thực vật kinh niên. Ả đào/ca trù lấy của anh chín năm cuộc đời nhưng biết đâu còn hơn thế…

Thì cũng giống như người du hành ngược thời gian - thay vì xuôi chiều như chúng ta, tất anh ta phải chịu nhiều lực cản hơn và phải trả giá bằng sinh lực của chính mình. Vì thế tôi hay ước giá chúng ta có thêm vài nhà nghiên cứu tầm vóc như anh.

Sẽ tốt cho lịch sử văn hóa dân tộc và cũng đỡ mệt cho chính anh.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan:

Nhà nghiên cứu tâm huyết với ca trù Đặng Hoành Loan. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà

Công trình Ả đào - Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật có đóng góp vô cùng lớn.

Trong cuốn sách này, Bùi Trọng Hiền đã làm rõ được cấu trúc của nhạc ả đào. Nghiên cứu kỹ lưỡng được khổ phách, khổ đàn, khổ trống, khổ thơ rồi kết hợp lại.

Phải nói rất rõ chưa có công trình nào nghiên cứu sâu đến thế, toàn diện về âm nhạc ả đào như thế.

Tôi đánh giá rất cao công lao, tư duy và thành quả nghiên cứu của tác giả. Anh đã mất rất nhiều công sức để đưa ra một thành quả có thể nói là khổng lồ.

Có lẽ về sau cũng ít có người nào dám xông vào mặt trận khó như thế này. Các nghệ sĩ, các vùng ca trù không giống nhau, làm sao thâu tóm vào một nguyên tắc, định nghĩa.

Trong cuốn sách này, Bùi Trọng Hiền đã làm được công việc đấy. Tôi cho đây là cơ sở rất quan trọng để các nhà nghiên cứu, đào tạo và giáo dục âm nhạc sử dụng cho nhiều công việc khác nhau, mở ra nhiều khía cạnh khác trong âm nhạc ca trù.


Đào nương Đỗ Quyên (Chủ nhiệm CLB Ca trù Hải Phòng):

Đào nương Đỗ Quyên sẵn sàng đi vay tiền để kịp thời tổ chức lớp học phục dựng hát cửa đình kéo dài 4 tháng cuối năm 2014. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà

Đã theo ca trù trên 30 năm, tôi thấy công trình này rất bổ ích với những người làm nghề như chúng tôi.

Chúng tôi đọc từng trang, hiểu rõ về vai trò lịch sử của bộ môn này như thế nào đối với văn hóa Việt.

Đây là công trình quá đẹp, quá ý nghĩa để lại cho hậu thế. Tôi tin sau này cũng không thể có người thứ hai nghiên cứu được như Bùi Trọng Hiền. Quá phức tạp, chín năm giời, chặng đường quá mệt mỏi. Tôi rất khâm phục Hiền - mặc dù sức khỏe không được tốt nhưng làm tốt công việc nghiên cứu.

Tham gia dự án hiệu chỉnh khuôn thước của ả đào của Hiền, chúng tôi quay lại đi ngược dòng với cái cũ mình đã làm. Có cái chúng tôi bị thừa, có cái bị thiếu.

Tôi nhận định làm đúng theo những gi trong sách có thể được 50% là nhiều.

Tôi nói với Hiền ngay từ đầu chị không thể theo hiệu chỉnh của em được đâu vì chị đi lệch thành đường mòn rồi; chị học được chỗ nào chị học, còn thì chị tổ chức cho các thế hệ sau này theo đúng chuẩn mực.


Nguyễn Mạnh Hà
Vai trò,Gửi tới BBC từ Hà Nội
Theo: BBC News Tiếng Việt (08/05/2024)



No comments: