Wednesday, September 30, 2020

CAO CÚ LY - DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI

Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp Quốc Unesco đã công nhận Kinh thành và lăng mộ Cao Cú Ly là Di sản văn hóa thế giới năm 2004.


Kinh thành và lăng mộ Cao Cú Ly

Kinh thành và lăng mộ Cao Cú Ly gồm hai phần, phần tàn tích thành quách cổ, và một quần thể các ngôi mộ cổ được xây từ thế kỷ 1, thế kỷ 2 trước Công Nguyên thuộc kinh đô của vương quốc Koguryo - một vương quốc cổ hùng mạnh ở Đông Bắc Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên.

Mặc dù đây là các di tích của người Triều Tiên song lại là một di sản tại Trung Quốc vì vùng đất kinh thành Cao Cú Ly xưa đã bị Trung Quốc chiếm. Hàn Quốc và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã có nhiều cố gắng làm cho thế giới hiểu đó là di tích về lịch sử, văn hóa và nhân chủng học liên quan đến Triều Tiên.

Cả quần thể Kinh thành và lăng mộ Cao Cú Ly là một tổng thể kiến trúc hoành tráng trong đó có 40 ngôi mộ, 14 ngôi thờ các vị vua chúa, 26 ngôi còn lại là của quan lại quý tộc.


Tên Cao Cú Ly còn được gọi là: Cao Cầu Ly, Cao Câu Ly, Cổ Cao Ly hay Goguryeo đều đúng (Tiếng Triều Tiên: 고구려, tiếng Hoa: 高句麗). Đây vốn là một vương triều ở phia bắc bán đảo Triều Tiên và Mãn Châu.

Theo ghi chép của thời đại Cap Ly thì Goguryeo được thành lập năm 37 trước Công nguyên bởi Jumong. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng vương triều này được thành lập vào thế kỷ thứ 2 trước công nguyên. Các tiểu vương quốc khác trong lãnh thổ của Cao Cấu Ly bao gồm Phù Dư, Ốc Trở và Đông Uế, tất cả sau đó đều bị Cao Cấu Ly thôn tính.

Cao Cấu Ly đã nhiều lần chống lại quân xâm lược từ Trung Quốc. Năm 589, Tùy Văn Đế của nhà Tuỳ đem 30 vạn quân xâm lược Cao Cấu Ly nhưng bị đánh bại, phải rút về Trung Quốc. Tiếp đó, trong các năm 612, 613, 614, nhà Tùy tiếp tục đem quân xâm lược Cao Cấu Ly nhưng không thành. Khi nhà Đường thay thế nhà Tuỳ, lợi dụng lúc tình hình Trung Quốc còn đang bất ổn, Cao Cấu Ly cho đắp trường thành từ đông bắc Phù Dư đến Bột Hải chống quân xâm lược nhà Đường. Sau đó, Cao Cấu Ly liên minh với Bách Tế tấn công Tân La, nước này đã xin nhà Đường cứu viện.

Quân nhà Đường đã từng bước phối hợp với Tân La để tiêu diệt Bách Tế, cô lập Cao Cấu Ly. Đến năm 666, nội bộ Cao Cấu Ly xung đột, thế nước ngày càng yếu, bị Đường và Tân La tiêu diệt năm 668.


Cao Chu Mông Ko Jumong là vị vua đầu tiên của triều đại Cao Cấu Ly và là vị anh hùng khai quốc của đất nước Triều Tiên xưa. Ông lên ngôi vào khoảng giữa thế kỷ thứ 3 với niên hiệu là Đỗng Minh Thành. Ông còn được gọi là Chu Mo Vương (Vua Chu Mo). Trong Tam quốc sử ký (Samguk Sagi) và Tam quốc di sự (Samguk Yusa), ông được gọi là Chu Mông, với họ là Cao (Go).

Ngay từ khi mới thành lập, hoàng đế đã cho xây dựng kinh thành đầu tiên của vương quốc tại Guonei. 30 năm sau đó, kinh thành chính của vương quốc được chuyền đến Wandu Mountain. Đên năm 427 một lần nữa chuyển đến Pyonyan, nay là thủ đô của nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên.

Guonei và Wandu Mountain đã từng là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của Cao Cấu Ly trong suốt hàng trăm năm. Cho đến khi Guonei bị phá hủy vào năm 197. Năm 209, kinh thành Wandu Mountain được hoàn thành việc xây dựng. Cả hai kinh thành xưa này đã bị hư hại nhiều qua các cuộc chiến tranh.

Sau khi chuyển tới Bình Nhưỡng, hai thành phố này gần như bị bỏ hoang trong một thời gian dài. Cho đến những năm 1902 mới bắt đầu nhận được sự quan tâm và trùng tu. Tuy nhiên phải đến năm 1999-2002, việc trùng tu mơi hoàn thành. Kinh thành và lăng mộ Cao Cú Ly được Unesco công nhận theo các tiêu chí (i), (ii), (iii), (iv), (v).


Tiêu chí (i): Những ngôi mộ với kiến trúc đẹp là minh chứng cho óc sáng tạo của con người thời đại xưa.

Tiêu chí (ii): Kinh thành và lăng mộ Cao Cú Ly là ví dụ về thành phố núi đầu tiên của Trung Quốc, nơi tập hợp nhiều nền văn hóa các khu vực lân cận. Bên cạnh đó những bức tranh còn lại trên các mảng tường hoặc khắc trong ngôi mộ thể hiện khả năng khéo léo của các thợ thủ công xưa.

Tiêu chí (iii): Kinh thành và lăng mộ Cao Cú Ly là minh chứng còn lại của một nền văn minh đã biến mất.

Tiêu chí (iv): Các kinh thành cổ xưa Guonei và Wandu Mountain ảnh hưởng khá nhiều đến việc xây dựng thủ đô sau này trong triều đại Cao Cú Ly.

Tiêu chí (v): Kinh thành và lăng mộ Cao Cú Ly là sự kết hợp hoàn hảo giữa sức sáng tạo của con người với thiên nhiên.










Theo disanthegioi


7 MÓN ĂN TRONG DỊP TRUNG THU Ở TRUNG QUỐC

Tết Trung thu cổ truyền của người Trung Quốc rơi vào 15/8 âm lịch, trùng với thời gian thu hoạch của người nông dân. Trong dịp Trung thu, mỗi gia đình sẽ làm những món ăn truyền thống và chuẩn bị rượu ngon để chào mừng.


Những món ăn phổ biến trong dịp Tết Trung thu của Trung Quốc bao gồm bánh Trung thu, bí ngô, ốc sông, khoai môn, rượu lên men với hoa mộc quế, vịt, cua lông…

1. Bánh Trung thu

Bánh Trung Thu là món phổ biến và quan trọng nhất trong dịp Tết này. Người Trung Quốc có tục ăn bánh Trung thu vào ngày Rằm tháng Tám là để tưởng nhớ đến 2 vị lãnh tụ của phong trào khởi nghĩa nông dân thời bấy giờ là Chu Nguyên Chương và Lưu Bá Ôn. Để truyền tin tức cho nhau, người dân đã làm những cái bánh hình tròn, ở giữa có nhét tờ giấy ước định thời gian khởi nghĩa là lúc trăng sáng nhất trong đêm rằm tháng Tám âm lịch. Về sau, vì thấy bánh có mùi vị thơm ngon, hình tròn giống Mặt trăng cho nên bánh được dùng làm vật tượng trưng cho chuyện gia đình đoàn tụ trong ngày Tết Trung thu.

Cũng như các nước theo lịch Âm khác, nhiều loại bánh, từ truyền thống đến hiện đại, sẽ được bày bán khắp các đường phố lớn và trong các cửa hàng để phục vụ thực khách.


Bánh Trung thu cổ truyền của Trung Quốc có lớp vỏ mỏng và phần nhân đầy đặn. Theo truyền thống, món bánh này được tự làm tại nhà, song hiện nay rất ít người tự làm chúng mà thường mua ngoài.

Nhân truyền thống của bánh Trung thu bao gồm hạt sen, đậu đen, lòng đỏ trứng… Bánh Trung thu hiện đại phong phú hơn, có thêm những loại nhân khác như kem, chocolate…

2. Bí ngô

Người dân sống ở phía Nam sông Dương Tử có truyền thống ăn bí ngô trong dịp Trung thu bởi vì đây cũng là mùa thu hoạch của loại thực phẩm này. Thời xưa, các gia đình nghèo ở đây đã ăn bí ngô trong dịp lễ, do họ không có đủ điều kiện chuẩn bị bánh Trung thu.


Theo truyền thuyết, một cặp vợ chồng cùng với con gái của họ sống tại chân núi Nam. Hai vợ chồng già ốm nặng vì thiếu thức ăn và quần áo. Một ngày nọ, con gái họ tìm được một quả bí ngô khi đang làm việc trên một cánh đồng. Cô đã mang quả bí về nhà, nấu chín cho bố và mẹ cô. Lạ lùng thay, cha mẹ cô dần hồi phục sau khi ăn bí.

Ăn bí ngô vào đúng rằm Trung Thu cũng được cho là mang lại sức khoẻ cho người thưởng thức nhờ hình dạng tròn và sắc vàng màu mỡ của quả bí.

3. Khoai môn

Khoai môn cũng là loại thực phẩm thu hoạch vào khoảng thời gian diễn ra Tết Trung thu. Mọi người yêu thích sự tươi ngon và vị mềm dẻo của loại rau củ này. Một trong những cách chế biến phổ biến nhất ở Trung Quốc cắt khoai thành từng miếng nhỏ, chiên kĩ, rồi phủ xi-rô. Đây luôn được xem là một món ăn phổ biến đối với những ai ưa vị ngọt.


Mọi người cũng tin rằng ăn khoai môn trong Tết Trung Thu có thể xua tan vận rủi, giúp mang lại may mắn và sự giàu có. Truyền thống này bắt đầu từ thời nhà Thanh (1644-1912).

4. Vịt

Vịt là món ăn phổ biến thứ hai sau bánh Trung thu. Người dân Trung Quốc tin rằng ăn vịt vào mùa Thu sẽ giúp đẩy hỏa khí khỏi cơ thể và giúp cân bằng âm và dương.


Mỗi vùng khác nhau ở Trung Quốc lại có các bí quyết riêng để nấu vịt. Người dân ở tỉnh Phúc Kiến, phía Đông Trung Quốc có truyền thống nấu vịt với một loại khoai được trồng nhiều trong khu vực này. Người dân ở Giang Tô thì thường làm món vịt mộc quế (vịt được muối và nướng lên). Đây là món ăn nổi tiếng nhất của Nam Kinh với lịch sử hơn 2.500 năm. Tại tỉnh Tứ Xuyên, phía Tây Trung Quốc, mọi người thường thưởng thức món vịt nướng trong dịp lễ đặc biệt này. Ngoài ra, còn phải kể tới món vịt chiên gừng.

5. Ốc sông


Đối với người dân xứ Quảng Đông, ốc sông là món ăn không thể thiếu trong dịp Trung Thu. Những loại ốc sông thường được nấu kèm với các loại thảo dược để giảm mùi tanh khó chịu của chúng. Người ta tin rằng ăn ốc sông trong dịp Trung thu giúp đôi mắt sáng khỏe hơn.

6. Cua lông


Mùa cua lông thường là tháng 9 và tháng 10. Do đó, nó cũng là món ăn theo mùa rất đặc trưng trong dịp Trung thu của người dân Trung Quốc trong những năm gần đây, trên khắp miền Nam Trung Quốc, nhưng thực chất, phong tục này đã được duy trì từ lâu tại các tỉnh Giang Tô và Chiết Giang, nơi có nhiều sông, hồ. Cua lông rất giàu protein và các acid amin tốt cho sức khỏe.

7. Rượu hoa quế lên men


Uống rượu lên men với hoa quế có lịch sử lâu đời ở Trung Quốc. Họ đã bắt đầu uống loại rượu này từ cách đây hơn 2.000 năm. Dịp Trung thu cũng là mùa hoa mộc quế đang nở rộ. Uống rượu hoa mộc quế trong mùa Thu tượng trưng cho sự đoàn tụ trong gia đình và cuộc sống hạnh phúc, viên mãn.

Nếu có dịp du lịch Trung Quốc vào tết Trung thu, du khách đừng bỏ qua 7 món ngon như đã giới thiệu trên đây để sự may mắn luôn theo mình nhé! Chúc các du khách có một chuyến đi với nhiều trải nghiệm thú vị!

Theo:Viet Viet Tourism

PHÁP LUẬT HAY ĐẠO ĐỨC

Pháp luật nói cho cùng, chỉ là giải pháp đầy khiếm khuyết khi con người không tự kiểm soát được nhân tâm. Xã hội sẽ bình an, pháp luật sẽ đơn giản nếu ai ai cũng biết tự kiểm soát mình để sống theo những tiêu chuẩn của đạo đức và của truyền thống. Mỗi người tự ước thúc bản thân mới là hình thức tối ưu của luật pháp và đời sống xã hội.

Mỗi người sinh ra ai cũng đều có thiện tâm, nhưng vì sao trong xã hội hiện đại ngày nay, người ta lại dần đánh mất đi bản tính của chính mình? Liệu kiện toàn pháp luật có thể khiến nhân tâm hướng thiện, đạo đức thăng hoa? (Ảnh: Đàm Tướng Quân - Pexels)

Mỗi người sống trong xã hội hiện đại này, bất kể là bạn sống ở quốc gia nào, ở khu vực nào, cùng với đời sống vật chất trở nên sung túc, các sản phẩm mới không ngừng tiến vào đời sống hàng ngày của con người, thì các vấn đề cũng không ngừng xuất hiện. Cùng với sự xuất hiện của các vấn đề thì các điều khoản luật pháp cũng không ngừng tăng lên, mục đích dùng để ước thúc hành vi con người. Mặc dù các điều khoản pháp luật càng ngày càng chi tiết, thế nhưng hàng ngày không biết bao nhiêu những thảm kịch vẫn xảy ra xung quanh chúng ta.

Rất nhiều người cho rằng pháp luật có tác dụng hơn đạo đức, chỉ có dựa vào pháp luật mới có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề. Ở các quốc gia, người theo ngành pháp luật cũng rất nhiều, hơn nữa lại là ngành nghề 'hot'. Các phân ngành của pháp luật rất chi tiết, lan tới tất cả các lĩnh vực. Luật pháp nhiều đến mức mà những người trong ngành luật cũng không hiểu hết luật, mà chỉ biết được những luật liên quan đến chuyên ngành hẹp của họ mà thôi.

Tại sao pháp luật kiện toàn như vậy mà con người vẫn càng ngày càng phạm tội nhiều hơn, mức độ nghiêm trọng hơn? Tại sao các loại tội phạm lại càng ngày càng nghiêm trọng đến nỗi con người đã coi chúng là bình thường. Rất nhiều vụ phạm tội cách đây mấy chục năm chúng ta coi là những vụ án lớn, tội ác lớn nhưng so với tội ác hiện nay thật chẳng thấm vào đâu.

Phải chăng vì xã hội đã một thời gian dài quá coi trọng dựa vào pháp luật mà coi nhẹ về giá trị đạo đức, khiến pháp luật càng chi tiết càng đầy đủ, càng kiện toàn, mà đạo đức càng sa sút, càng suy bại. Pháp luật chỉ quản được hành vi con người mà không quản được cái tâm của họ. Thế nên, khi không có người biết, không có người trông thấy thì họ vẫn phạm tội. Đặc biệt là khi đạo đức suy bại thì chính những người làm ra pháp luật, thực thi pháp luật lại có thể câu kết với nhau, câu kết với tội phạm mà phạm pháp, mà bao che lẫn nhau.

Luật pháp kiện toàn cũng không thể ngăn được sự suy thoái về mặt đạo đức. (Ảnh: Pexels)

Chúng ta ngược dòng lịch sử Á Đông để xem lại sự hình thành và phát triển của pháp luật. Pháp luật hình thành sớm nhất vào thời Chiến Quốc với Hàn Phi Tử là nhân vật đặt nền móng. Trước đó không hề có pháp luật, chỉ có một số gia quy, quy định của dòng tộc. Thời đó mọi người đều dựa vào chuẩn mực đạo đức để ước thúc lời nói hành vi cá nhân. Do đó pháp luật ra đời khi đạo đức nhân loại tụt dốc, không thể kiểm soát được hành vi con người nữa, bắt buộc phải có phương thức cưỡng chế để ước thúc hành vi con người. Có người cho rằng đó là sự tiến bộ của xã hội, thực tế đó chính là kết quả của sự thụt lùi, suy thoái về đạo đức.

Lão Tử cũng đã nói rất rõ ràng rằng: “Đạo mất rồi mới sinh ra đức, đức mất rồi mới sinh ra nhân, nhân mất rồi mới sinh ra nghĩa, nghĩa mất rồi mới sinh ra lễ”. Lão Tử sống thời Xuân Thu, cùng thời với Khổng Tử. Tuy đó là thời mà Khổng Tử nói là "lễ băng nhạc hoại" nhưng con người còn có đạo đức ước thúc, chưa đến mức phạm tội ác. Vậy nên Khổng Tử mong muốn khôi phục lại đạo Nhân, khôi phục lại chế độ lễ nhạc nhà Chu, nhưng không được các quốc quân thời đó áp dụng. Lão Tử nhìn thấu triệt ra cốt lõi của vấn đề, là ở Đạo và Đức. Tuy nhiên đến thời Chiến Quốc thì đạo đức suy bại, con người phạm tội nên cần phải đặt ra hình pháp.

Từ thời nhà Hán thì Nho gia được áp dụng phổ quát đến tận thời cận đại. Trong suốt 2000 năm qua, tư tưởng Nho gia đã quy phạm ước thúc lời nói hành vi của con người, coi trọng thành tín, coi trọng tu tâm, giữ tâm địa thiện lương, con người với nhau cần cư xử có nghĩa khí, có lễ nghĩa, những hiện tượng lừa dối rất ít.

Cũng khoảng thời gian đó thì Phật giáo truyền sang các nước Á Đông. Tư tưởng từ bi nhẫn nhục và nhân quả báo ứng của Phật gia khiến con người tự kiểm soát hành vi, suy nghĩ cũng như lời nói của bản thân, thế nên người thực sự độc ác xấu xa cũng khá ít.

Tín ngưỡng tâm linh đã góp phần duy hộ đạo đức, ổn định trật tự xã hội, ngăn ngừa sự bại hoại của nhân tính. (Ảnh: it's me neosiam từ Pexels).

Lịch sử phát triển đến ngày nay, chỉ mấy chục năm truyền bá tư tưởng thuyết vô Thần, thuyết tiến hóa mà đã xói mòn tư tưởng đạo đức con người. Đại đa số con người hiện nay say mê tin vào khoa học đến mức thiếu lý trí, họ cho rằng cái gì không thể dùng khoa học chứng minh được thì không tin, không tồn tại. Họ hoàn toàn không nghĩ đến bản thân khoa học cũng chỉ phát triển vài trăm năm nay, và cứ khoảng vài năm lại có những thành quả khoa học mới, phát hiện mới, đều là những thứ trước đó chưa từng có, đó chính là tiến bộ khoa học. Thế nên những cái mà khoa học chưa chứng minh được thì có thể vài chục năm, vài trăm năm sau có thể chứng minh được sự tồn tại của nó.

Những người tin khoa học lại thiếu lý trí như thế hiện nay có rất nhiều, đó chính là những người mê tín khoa học chứ không phải làm khoa học chân chính. Họ phủ nhận sự tồn tại của Thần Phật, cũng không tin vào thiện ác hữu báo, không tin nhân quả báo ứng. Hễ có người nói đến báo ứng thì họ cho là mê tín. Chính vì có quá nhiều người không tin đạo đức, không tin nhân quả báo ứng nên mới phóng túng dục vọng, làm những việc xấu mà không hề e dè gì. Họ thông qua các thủ đoạn để kiếm tiền, thỏa mãn vật dục, sắc dục, đồng thời coi đó là tài năng là bản lĩnh của mình. Thực tế những người này đang làm việc xấu mà không tự biết. Họ đang làm tổn hao đức của họ, rút ngắn tuổi thọ của họ, gây mầm họa cho cháu con mà vẫn tưởng là đang làm việc tốt cho chúng.

Chính vì sinh ra quá nhiều luật pháp đã bó hẹp hành vi suy nghĩ của con người, giam con người trong tầng tầng lớp lớp quy định pháp luật, khiến tầm nhìn con người càng ngày càng trở nên hạn hẹp. Nhiều người chỉ tin những gì chính mắt mình nhìn thấy. Dẫu cho chính mắt nhìn thấy nhưng không trong phạm vi quan niệm của họ, thì họ cũng không dám tin, vẫn có người bài xích cho là mê tín, hoặc tự đưa ra lý giải theo thiên kiến, giải thích loạn bậy.

Thời cổ đại, đạo đức con người so với hiện nay cao hơn rất nhiều. "Đêm ngủ không đóng cửa, ngoài đường không nhặt của rơi" là những hiện tượng thường thấy. Không phải thứ của mình thì mọi người tuyệt đối không dễ dàng chiếm lấy làm của riêng. Cho dù là đạo tặc cũng có phép tắc của họ, tức là "Đạo diệc hữu đạo" (đạo tặc cũng có đạo). Đạo tặc thời cổ đại đại đa số là hảo hán lục lâm cướp của người giàu cứu giúp cho người nghèo, họ đa phần cướp tài sản của quan lại và thương nhân. Đạo tặc ngày nay thì không phân biệt tốt xấu, chỉ cần có lợi cho chúng, có thể trộm được liền trộm, có thể cướp được liền cướp. Có những kẻ đạo tặc ăn trộm cả những vật dụng duy nhất mà người ta dựa vào đó để sống. Có kẻ lẻn vào bệnh viện trộm cắp số tiền để cứu mạng bệnh nhân. Quả là không còn một chút xíu thiện niệm nào.

Từ sau vụ thảm sát của Lê Văn Luyện, những hành động man rợ tương tự diễn ra ngày một nhiều hơn. Thuyết vô Thần đã khiến người ta xem nhẹ sinh mệnh, đánh mất bản thân, bị kiểm soát hoàn toàn bởi ma tính. (Ảnh: nld.com.vn).

Hiện nay tuy luật pháp kiện toàn, nhưng những điều khoản, những khung pháp luật nhiều đến mức khiến người ta nghẹt thở, nhưng đạo đức bị chìm đắm. Các loại bạo lực, sắc dục, hại tính mệnh người đều không ngừng tăng lên. Không ngày nào là không có các vụ án tàn ác xảy ra. Dưới sự thúc giục của danh lợi tình, rất nhiều người không tiếc thân mà làm việc trái pháp luật, sẵn sàng trả giá bằng tính mạng để đạt được lợi ích, thỏa mãn dục vọng. Quả đúng là "biết rõ núi có hổ, cứ nhằm núi mà đi", "Không đi đường quang, đâm quàng bụi rậm", "làm người không muốn, cứ muốn làm ngợm". Do tư duy biến dị khống chế, người người đều ở trong tình trạng nguy hiểm. Rất nhiều người lúc nào cũng lo tài sản, sinh mệnh của mình sẽ bị mất đi, pháp luật trong tâm họ chỉ là hữu danh vô thực, chỉ là cái vỏ mà thôi.

Như thế có thể thấy, pháp luật không thể ước thúc hành vi con người từ căn bản, cũng không thể khiến con người thay đổi từ căn bản, pháp luật chỉ trị phần ngọn mà không trị phần gốc. Còn đạo đức thì khác, con người tự kiểm điểm suy nghĩ, lời nói và hành vi của mình, tự giác ước thúc bản thân. Nho gia coi trọng "thận độc", tức là cẩn thận, thận trọng ngay cả khi mình ở một mình, vẫn tự phản tỉnh xem xét từng suy nghĩ, hành vi của bản thân xem có phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức không. Hãy nghĩ về một xã hội mà ai ai cũng tự nhìn vào cái tâm mình, chiểu theo tiêu chuẩn đạo đức để kiểm soát suy nghĩ, lời nói, hành vi của mình sao cho đạt chuẩn mực đạo đức, từ đó tự giác tu sửa, loại bỏ cái xấu, quy chính bản thân, dần dần hoàn thiện mình, trở thành người tốt, và tốt hơn nữa. Như thế thì các vấn đề trị an, tệ nạn xã hội tự khắc biến mất, có lẽ cũng không còn cần đến công an và cảnh sát nữa, pháp luật sẽ trở nên giản dị hơn rất nhiều.

Hiện nay các tai nạn, thiên tai nhân họa đang xảy ra liên tiếp, chính là do con người không còn sự ước thúc của đạo đức, làm việc xấu vô độ. Con người khai thác cạn kiệt tài nguyên, tàn phá thiên nhiên, tàn hại lẫn nhau và làm hại chính mình. Trước tai họa, nhiều người đã thanh tỉnh ra, nhưng vẫn còn có người chấp mê bất ngộ, hoặc hiểu được nhưng không cưỡng lại được lòng ham dục và tư duy biến dị sai khiến. Nhân nào thì quả ấy. Sự lựa chọn của sinh mệnh hoàn toàn nằm trong tay mỗi cá nhân, chỉ cần chúng ta lựa chọn đứng về phía thiện lương. Một ý niệm đó sẽ quyết định tương lai sinh mệnh bạn. Thiên đường và địa ngục chỉ cách nhau một bước chân mà thôi.

Trung Dung biên dịch/Tác giả: Trí Linh

Tuesday, September 29, 2020

10 NHÀ THỜ TRÁNG LỆ NHẤT THẾ GIỚI

Thánh đường St.Patrick ở New York hay nhà thờ chính tòa Milan là những nhà thờ nổi tiếng với lối kiến trúc độc đáo, được du khách bình chọn vào top 10 nhà thờ tráng lệ nhất.


Vương cung thánh đường Đức Bà, Montreal, Canada

Vương cung thánh đường Đức Bà là nhà thờ đầu tiên ở Canada được xây dựng theo phong cách Phục Hưng. Nhà thờ này được xây trong thời gian ngắn, từ năm 1824 đến năm 1829. Tại thời điểm đó, đây là nhà thờ lớn nhất Bắc Mỹ. Ảnh: Shutterstock.


Thánh đường St. Patrick, New York, Mỹ

Được xây vào năm 1879, từ những khoản tiền đóng góp của người dân New York, thánh đường St. Patrick là biểu tượng của lòng vị tha và tự do tôn giáo. Ngày nay, với những tòa nhà chọc trời nằm bao quanh, nhà thờ cổ kính này thật sự trở thành một sự đối lập thú vị thu hút du khách đến New York. Ảnh: iStock.


Nhà thờ Lớn Brasília, Brasília, Brazil

Được thiết kế bởi kiến trúc sư Brazil nổi tiếng Oscar Niemeyer, nhà thờ Lớn Brasília trông giống như những bàn tay vươn tới thiên đường, với 16 cột bê tông nặng 90 tấn nhưng nhìn vô cùng mềm mại. Để vào trong nhà thờ, du khách sẽ phải đi qua một đường hầm tối dẫn xuống lòng đất, bởi chỉ có trần nhà bằng kính và tháp chuông của nhà thờ nằm trên mặt đất. Ảnh: Shutterstock.


Thánh đường Las Lajas, Nariño, Colombia

Du khách đến thăm Thánh đường Las Lajas cần băng qua một cây cầu nằm bên hẻm núi, giữa biên giới Colombia và Ecuador. Nhà thờ được xây dựng ngay giữa hẻm núi, với con sông Guáitara chảy phía dưới. Theo truyền thuyết, thánh đường này là nơi Đức Mẹ Maria từng xuất hiện, vì thế Las Lajas trở thành địa điểm hành hương nổi tiếng thu hút hàng triệu lượt người đổ về đây mỗi năm. Ảnh: iStock.


Nhà thờ Hallgrímskirkja, Reykjavic, Iceland

Nhà thờ Hallgrímskirkja là tòa nhà cao nhất ở thành phố Reykjavic, được hoàn thành vào năm 1986. Bên cạnh thiết kế độc đáo, tối giản, Hallgrímskirkja còn thu hút du khách với cây đàn đại phong cầm cao hơn 15 m, nặng 25 tấn đặt bên trong nhà thờ. Ảnh: iStock.


Vương cung thánh đường Sagrada Familia, Barcelona, Tây Ban Nha

Thánh đường Sagrada Familia được khởi công xây dựng từ cuối những năm 1800, nhưng đến nay vẫn chưa được hoàn thiện. Theo kế hoạch, tới năm 2026, đội ngũ thi công sẽ hoàn thành thêm 6 toà tháp, để kỷ niệm 100 năm ngày mất của Antoni Gaudí, kiến trúc sư thiết kế nhà thờ. Sau khi hoàn tất, thánh đường này sẽ trở thành nhà thờ cao nhất châu Âu, với chiều cao gần 172 m và tổng cộng 18 tòa tháp. Ảnh: Shutterstock.


Nhà thờ chính tòa Firenze, Florence, Italy

Nhà thờ chính tòa Firenze với lớp mái ngói đỏ rực được nhiều du khách coi là biểu tượng của thành phố Florence, Italy. Nơi đây giống như một tác phẩm nghệ thuật thực sự, với những tấm đá cẩm thạch màu trắng, hồng, xanh lá được lát bên ngoài. Bên trong, nhà thờ có gần 44 cửa sổ kính màu cũng như nhiều bức tranh tường đẹp mắt. Ảnh: Shutterstock.


Nhà thờ chính tòa Milano, Milan, Italy

Với diện tích gần 12.000 m2, có sức chứa đến 40.000 người, nhà thờ chính tòa Milano là một trong 5 nhà thờ Công giáo lớn nhất thế giới. Du khách tới đây sẽ có cơ hội dạo bước trên mái nhà thờ và ngắm khung cảnh tuyệt đẹp của Milan. Ảnh: iStock.


Nhà thờ Chúa Cứu thế, St. Petersburg, Nga

Nhà thờ đầy màu sắc nổi bật ở St. Petersburg này nằm trên vị trí nơi Sa hoàng Alexander II bị một nhóm các nhà cách mạng ám sát vào năm 1881. Nhà thờ không chỉ có vẻ ngoài lộng lẫy, mà không gian bên trong cũng có rất nhiều bức tranh khảm đá rực rỡ. Ảnh: Shutterstock.


Nhà thờ Thánh Mary Magdalene, Jerusalem, Israel

Sa hoàng Alexander III cho xây dựng nhà thờ này vào năm 1888, gần Vườn Gethsemane, nơi Chúa Jesus đã cầu nguyện lần cuối cùng trước khi Người bị bắt đem đi đóng đinh vào thập giá, để tưởng nhớ mẹ của ông. Những tòa tháp vòm mạ vàng của nhà thờ Thánh Mary Magdalene nổi bật và đối lập với cánh rừng xanh rì trên núi Olive. Ảnh: Wiki.

Theo Business Insider

PHẦN LỚN CHÚNG TA ĐỀU SAI LẦM, ẢO TƯỞNG VỀ NHỮNG NGƯỜI XUNG QUANH

Ở đời, hầᴜ hết chúпg tɑ thườпg gặρ ρhải sɑi lầm giốпg пhɑᴜ, đó là sốпg dựɑ tɾêп пhữпg lời ρháп xét củɑ пgười khác. Nhưпg có một пghịch lý là đối với họ, tɑ lại khôпg qᴜɑп tɾọпg – пhư tɑ пghĩ.

Đại đức Hae Min (Hàn Quốc)

“Vào khoảnh khắc nhận ra ba điều này, tôi đã hiểu ra mình phải sống như thế nào thì mới có thể trở nên hạnh phúc” – đại đức Hae Min.

1. Mọi người trên thế gian này không quan tâm đến ta nhiều như ta tưởng đâu!

Đó là một sự thật!

Chúng ta thường mắc một sai lầm chung, đó là sống dựa vào đánh giá của người khác. Nhưng có một nghịch lý là đối với họ, ta lại không quan trọng – như ta nghĩ. Có thể đôi lời khen chê của họ làm ta bận tâm suốt một tuần, thậm chí ám ảnh đến vài tháng, nhiều năm.

Thế mà khoảnh khắc quan trọng ấy của ta, trong suy nghĩ của mọi người, chỉ là thoáng qua chốc lát. Rồi họ lại quay về với cuộc sống riêng, với vô số mối quan tâm riêng.

Chẳng hạn về scandal của những người nổi tiếng chẳng hạn. Chuyện thường thấy là khi xảy ra scandal, với sao càng “hot”, càng có nhiều người bình phẩm. Thử nghĩ xem giả sử bạn là một người tham gia bình luận, thì chuyện về ngôi sao đó chiếm bao lâu thời gian trong tâm trí của chính bạn?

Nó có quan trọng với bạn không, hay chỉ là nói xong rồi quên và quan tâm đến vô số thứ thật sự làm bạn bận tâm trong cuộc sống của mình? Với người nổi tiếng đã vậy, thì với chính chúng ta liệu vấn đề, câu chuyện của ta có đủ “đặc sắc”, “hấp dẫn” để lưu lại trong tâm trí người khác?

Đến đây chắc chúng ta đã có câu trả lời!

Hôm nay bạn mặc một bộ đồ rất hợp với phong cách của số đông, nhiều người khen bạn. Nếu bạn vui vì được khen, thế thì khi bị chê vì mặc xấu bạn có buồn? Đừng như vậy!

Trong cuộc đời, bạn không cần thiết phải cần một niềm vui mong manh quá dễ tan biến đến thế – thứ niềm vui phụ thuộc vào người khác. Hãy đi tìm một nguồn vui lâu bền hơn, ít bị phụ thuộc vào bên ngoài hơn. Đó là niềm vui đích thực, từ bên trong tâm của chính bạn.


“Trong 24 tiếng đồng hồ của một ngày, ta chỉ lo lắng cho người khác và chỉ trích người khác được một lát

Rồi lại quay về với bản thân mình

Như vậy trong suốt ngần ấy thời gian của cuộc đời

Liệu có cần phải lo đến hình ảnh của mình trong mắt người khác hay không?”


Đại đức Hae Min đã viết như vậy trong cuốn sách “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã” (đã được dịch sang tiếng Việt).

2. Không cần phải khiến cho tất cả mọi người trên thế gian yêu quý mình

Đến cả Phật, Chúa còn không làm được điều này – khiến cho cả thế gian yêu quý, thì bạn đừng giữ ảo vọng đó nữa! Tất nhiên cảm giác khi biết ai đó ghét mình thật không dễ chịu gì. Nhất là những người mình muốn được họ yêu quý. Tuy nhiên, sự thực là họ không hề quý mến bạn, vậy là bạn sẽ buồn khổ, thậm chí là mang một nỗi đau?

Có một sự thực là chính bạn cũng không thể yêu thích hết tất thảy mọi người cơ mà! Làm sao có thể yêu cầu một điều ngược lại?

Đại đức Hae Min: “Đó là tham vọng vượt quá giới hạn. Nếu ai đó ghét bạn, hãy nghĩ rằng đó là chuyện thường tình của thế gian. Và cho qua như không có gì cả”

Kỳ thực, muốn tất cả mọi người đều yêu quý bạn là một điều không thể, do đó hãy bớt dành năng lượng để khiến người ghét mình trở nên yêu mình, mà hãy mặc kệ rồi tiếp tục cuộc sống riêng của bạn. Suy cho cùng thì việc ai đó ghét bạn là vấn đề ở bản thân họ, chứ không phải do bạn.


3. Đừng chọn cho mình một cách sống quá khó khăn

Để đem đến hạnh phúc cho người khác, trước tiên bạn phải có hạnh phúc cho riêng mình. Như một cốc nước đầy, chỉ người có sẵn hạnh phúc mới có thể san sẻ hạnh phúc cho thế gian. Thật ra, mọi điều chúng ta làm phận lớn ở sâu thẳm bên trong đều là vì chính mình, ngay cả những việc có vẻ như làm vì người khác: nuôi dạy con cái, chăm sóc gia đình,v.v…

Suy cho cùng cũng là để ta có một chỗ dựa, để ta cảm thấy an tâm. Và bởi vì mọi việc chúng ta làm thực chất đều vì chính mình được hạnh phúc, nên hãy cứ làm mọi điều mình thực sự muốn làm, chỉ cần điều đó không gây hại cho ai.

“Vì bản thân ta phải hạnh phúc trước thì mới thấy thế gian này hạnh phúc

Và phải như thế ta mới có thể làm cho thế gian hạnh phúc hơn nữa

Tất cả chúng ta với cuộc sống này

Đừng chọn cho mình một cách sống quá khó khăn”

(Trích từ: Bước chậm lại giữa thế gian vội vã – Đại đức Hae Min)

Là một nhà tu hành người Hàn Quốc, đại đức Hae Min từng giảng dạy về tôn giáo tại trường đại học Hampshire, Massachusetts. Ông xuất gia theo tông phái Tào Khê, một tông phái tiêu biểu của Phật giáo Hàn Quốc. Ở Hàn Quốc, đại đức Hae Min là một người rất có ảnh hưởng tới giới trẻ. Trang twitter cá nhân của ông hiện có hơn một triệu người theo dõi.

Tạp chí HoaKy

LẠP SƯỜN KHÁC GÌ LẠP XƯỞNG?

Có nhiều người hỏi mình có sự nhầm lẫn hay sao mà ghi “lạp sườn” chứ không phải lạp xưởng. Một số người có nghe từ “lạp sườn” rồi thì lại bảo lạp sườn là tên của lạp xưởng ở miền Bắc. Xin thưa hai nhận định này là chưa đúng. Đây này cũng điều dễ hiểu vì khái niệm “lạp sườn” còn rất lạ ở miền Nam.

Lạp sườn lợn đen Cao Bằng

Lạp sườn và lạp xưởng giống nhau ở chỗ nguyên liệu chính làm ra chúng. Mặc dù lạp sườn miền Bắc một số nơi làm từ heo tộc nhưng cơ bản cũng là thịt heo giống như của lạp xưởng. Một điểm nữa mình cho giống nhau đó chính là hình dạng, hình dạng cả hai sản phẩm này có đặc điểm điển hình của dạng xúc xích khô thanh tròn.

Lạp sườn gác bếp Sapa

Tuy nhiên chúng có nhiều điểm khác nhau như:

Nguồn gốc và phân bố:

Lạp sườn hun khói có nguồn gốc từ dân tộc vùng phía Bắc nước ta như các tỉnh: Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Cạn…Đây là sản phẩm truyền thống và được xem là đặc sản của các dân tộc Mông, Nùng, Thái…Lạp sườn ra đời bắt nguồn từ nhu cầu bảo quản sử dụng lâu dài của thịt heo giết mổ, người ta cắt nhỏ thịt rồi nhồi vào ruột để gác bếp.

Phân bố lạp sườn và lạp xưởng

Trong khi lạp xưởng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tên lạp xưởng chính là lên gọi bị lai hóa của từ “lap chong” theo tiếng Quảng Đông. Lạp xưởng được người Hoa di cư mang theo và truyền lại qua nhiều đời từ mấy thế kỉ trước. Hiện tại thì món ăn này đã được Việt hóa và phổ biến nhiều trong dịp tết cổ truyền, đặc biệt là miền Tây như Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng…

Nguyên liệu

Như đã nói ở trên nguyên liệu cơ bản của hai sản phẩm vẫn là thịt heo. Tuy nhiên để làm món lạp sườn những người dân tộc vùng Tây Bắc sử dụng các gia vị riêng làm nên đặc sản nổi tiếng của họ đó chính là: mắc khén, hạt dổi, thảo quả, gừng núi….Trong khi đó lạp xưởng lại đi đôi với rượu mai quế lộ. Hương thơm của các gia vị sử dụng này sẽ quyết định một phần hương vị của hai sản phẩm về sau.

Mắc khén và hạt dổi là nguyên liệu không thể thiếu của lạp sườn

Vỏ của lạp xưởng tại một số nhà sản xuất qui mô công nghiệp đã sử dụng vỏ collagen để tạo sự đồng điều thiện cảm cho người dùng. Riêng lạp sườn hun khói hiện tại sản xuất theo qui mô thủ công vẫn sử dụng ruột heo làm sạch.

Vỏ lạp sườn bằng ruột heo

Một điểm lưu ý nữa ở đây đó chính là lạp xưởng sử dụng muối diêm để giúp bảo quản sản phẩm tránh những vi sinh vật có hại phát triển.

Quá trình chế biến

Như tên gọi của mình lạp sườn phải trải qua quá trình hun khói gác bếp. Khói bếp giúp tạo màu đỏ đen cho sản phẩm thêm thu hút. Khói bếp giúp bóc hơi nước và bổ sung một số hợp chất phenol vào sản phẩm. Điều này làm tăng thời gian bảo quản ức chế vi sinh vật, ngăn chặn chất béo ôi. Hương vị của lạp sườn cũng được cải thiện đậm nét nhờ quá trình hun khói.

Lạp sườn phải hun khói hay gác bếp có màu đỏ đen tự nhiên

Lạp xưởng trải qua quá trình sấy bằng ánh nắng mặt trời hoặc bằng tủ sấy để bóc hơi nước tăng thời gian bảo quản. Dưới tác động của nhiệt độ muối diêm sẽ hình thành phức màu đỏ tươi đặc trưng của lạp xưởng.

Lạp xưởng được phơi khô hoặc sấy khô

Đặc điểm của lạp sườn hun khói?

Từ nguồn gia vị và quá trình chế biến đặc trưng mà lạp sườn hun khói có những khác biệt: cấu trúc giống lạp xưởng do làm từ những miếng thịt heo được cắt hạt lựu, thơm khói tự nhiên xen lẫn hương thơm xá xị của hạt dổi, vị cay the giống vỏ chanh của mắc khén và cái ngọt thịt tự nhiên của một sản phẩm được làm thủ công.

Sản phẩm lạp sườn hun khói

Theo: Thịt Hun Khói

Monday, September 28, 2020

LƯỜI NHÁC CÓ PHẢI BẢN CHẤT CỦA CON NGƯỜI?

Đại dịch đã khiến phần lớn dân số thế giới phải ở nhà và thư giãn. Nhưng có thể con người không có đặc tính như vậy.


Bạn có thể là một trong hơn ba triệu người đã xem bộ phim ngắn mà Văn phòng Thống đốc bang California đăng tải. Đoạn phim này xuất hiện lan tràn trên mạng xã hội.

Trong phim, danh hài Larry David, với phong cách mỉa mai nổi tiếng, kêu gọi mọi người nghe theo lời khuyên chính thức và ở nhà để tránh bệnh dịch Covid-19 bùng phát. Chuyện gì xảy ra với các anh vậy “đồ ngốc”, ông nói, các anh đang trải qua một cơ hội tuyệt vời có thể ngồi ở ghế bành và xem TV cả ngày!

Ta đã quen với cảnh báo sức khỏe khuyến khích nên làm những việc mà thực lòng ta không ham thích gì lắm: như tập thể thao nhiều hơn, ăn 8-10 phần trái cây và rau củ mỗi ngày. Nhưng lần đầu tiên lời khuyên chính thức nghe thật dễ dàng: lười nhác nằm trên ở sa-lông, xem thật nhiều phim bộ, ở nhà. Tất cả những thứ này nghe thì có vẻ hấp dẫn với phần lười biếng trong con người ta.

Nhưng trong thực tế, mọi thứ không đơn giản như vậy, như có lẽ bạn đã phát hiện ra trong vài tuần cách ly vừa rồi.

Hóa ra ta không được cấu trúc về mặt sinh học để hành động càng ít càng tốt.

Thật vậy, con người phát triển cùng với hoạt động. Hay ít nhất, là có sự cân bằng tốt giữa trạng thái bận rộn và khả năng nghỉ ngơi.

Đúng là người ta thường tìm đến lựa chọn dễ dàng hơn, con đường đến với ít sự chống cự hơn, đường tắt đến thành công.

Nếu bạn có điều khiển từ xa, thì sao phải đứng dậy để bật nút chuyển kênh trên cái TV chứ? Nếu bạn có xe hơi, sao phải đạp xe tới siêu thị? Nếu bạn có thể né được và chỉ làm nửa phần việc so với đồng nghiệp, thì tại sao không làm vậy?

Bất cứ công việc hay nỗ lực đều đòi hỏi sự cố gắng thể chất hay tinh thần, vì vậy cũng hợp lý khi người ta tránh né việc khi họ có thể.

Và đôi khi, đơn giản là ta hành động như vậy. Điều này đôi khi được gọi là nguyên tắc nỗ lực thấp nhất hay còn gọi là Luật Zipf, một quy tắc mà bạn nghĩ chẳng ai buồn phá vỡ.

Chỉ có điều là ta lại thường xuyên phá vỡ nó.

Thời gian cách ly có thể cho bạn thấy hóa ra ta không được cấu tạo về mặt sinh học để làm càng ít càng tốt

Bạn đã bao giờ mơ đến việc hoàn toàn không làm gì hết chưa? Chỉ nằm trên võng suốt buổi chiều. Chỉ nhìn chằm chằm lên trần nhà, lắng nghe sự tĩnh lặng.

Nghe có vẻ là một ý tưởng dễ thương, nhưng trong thực tế ta có thể thấy việc không làm gì cả – trừ việc ngủ – có thể rất khó thực hiện.

Trong một nghiên cứu nổi tiếng thực hiện vài năm trước ở Đại học Virginia, từng người tham gia được dẫn vào một căn phòng hoàn toàn trống rỗng và không có bất cứ thứ gì gây xao nhãng.

Họ không có điện thoại, không có sách, không có màn hình – và họ không được phép ngủ. Thiết bị điện cực được gắn vào cổ chân họ và họ được yêu cầu ở lại một mình trong 15 phút. Đó là cơ hội để thư thả và nghỉ ngơi một chút.

Vậy, mọi việc diễn ra thế nào?

Thật ra, trước khi bị bỏ lại trong phòng một mình, người tham gia đã được hướng dẫn cách nhấn một phím trên máy tính có kết nối với chiếc máy tạo ra sốc điện.

Bạn có thể cho rằng những ai đã thử sẽ không bao giờ muốn thử lại.

Sai. Trong thực tế, 71% số nam giới và 25% số phụ nữ tham gia nghiên cứu đã tự làm bản thân bị sốc điện ít nhất một lần trong thời gian họ ở một mình – và một người đàn ông đã tự sốc điện anh ta đến 190 lần.

Hóa ra không có việc gì để làm quá khổ sở đến mức rất nhiều người tham gia, thà là tra tấn bản thân thay vì cố gắng thích nghi với tình trạng không có gì xao nhãng.

Thử nghiệm này là một ví dụ cực đoan, nhưng từ đời sống hàng ngày, ta biết rằng mọi người liên tục chọn làm những việc họ không cần làm, mà đôi khi việc đó gây đau đớn.

Hãy nghĩ về tất cả bạn bè của bạn chạy marathon, hay tập theo chế độ khắc nghiệt tại phòng tập thể thao. Họ đi xa hơn hẳn yêu cầu cần thiết cho sức khỏe và hình thể gọn gàng. Và còn những người đi bộ trên băng đến địa cực Trái Đất hay giong buồm vòng quanh thế giới?

Michael Inzlicht từ Đại học Toronto gọi đây là nghịch lý của nỗ lực.

Đôi khi ta chọn đường dễ đi và làm việc ít nhất có thể qua ngày, nhưng vào những thời điểm khác ta trân trọng hoàn cảnh hơn nếu ta phải tiêu hao nỗ lực đáng kể. Niềm vui từ bên trong nỗ lực đem lại rất nhiều niềm vui đến mức ta không chọn cách đi đường tắt. Ta có thể tốn nhiều giờ cố gắng giải mã một ô chữ thay vì sử dụng công cụ tìm kiếm và giải ngay.

Ta đã học về điều này từ sớm.

Khi còn là trẻ con, ta được giáo dục từ kinh nghiệm và sự thuyết phục, theo đó cho rằng việc có nỗ lực sẽ đem lại phần thưởng; qua thời gian, điều này biến thành điều kiện khiến ta tận hưởng nỗ lực vì chính bản thân sự nỗ lực.

Điều này được gọi là sự cần cù do tập luyện.

Khi đang trên đường du lịch bụi hồi hơn 20 năm trước, tôi ghé thăm những hồ nước tuyệt đẹp rực rỡ sắc màu ở Kelimutu trên Đảo Flores ở Indonesia. Cứ vài năm các hồ nước này lại đổi màu, khiến chúng đem lại cảm giác bí ẩn và vẻ đẹp ngoạn mục.

Người ta có thể lên tới nhiều đỉnh núi ngày nay mà không quá vất vả, nhưng nhiều người coi nỗ lực là một phần của sự tưởng thưởng

Nhưng ít nhất một phần lý do khiến chuyến đi đó ở lại trong tâm trí tôi đó là vì nỗ lực mà tôi và người yêu phải bỏ ra để đến được hòn đảo.

Chúng tôi phải đi thuyền và xe bus nhiều ngày, trong đó có một chặng nhiều giờ trên xe khách cỡ nhỏ, con đường quá bụi và xóc đến nỗi nhà xe thuê hẳn một nhân viên để phát túi nôn cho chúng tôi và thu lại, quẳng ra ngoài cửa xe.

Sau đó là một đêm chúng tôi phải ngủ trong khách sạn nóng bức và hôi hám, với giường chiếu thủng lỗ và gián bò đầy, sau đó bốn giờ sáng lại phải thức dậy để lên một chiếc xe bus nhỏ khác và cuối cùng mới tới được nơi có hồ nước.

Chúng tôi đã chịu đựng gian khổ để đến Kelimutu, nhưng tất cả những điều đó là một phần của trải nghiệm.

Không xa nơi chúng tôi ngắm cảnh là nơi đậu máy bay trực thăng, có lẽ là chỗ các du khách có tiền hơn hạ cánh. Nhưng chúng tôi không thấy ghen tị. Liệu họ có trân trọng những hồ nước như chúng tôi không? Có lẽ là không.

Người ta có thể lên đến đỉnh nhiều ngọn núi bằng cáp treo.

Nhưng tất nhiên, dân leo núi thà là cắm trại qua đêm ngoài trời bên một rìa mặt đá đốc đứng, lơ lửng trong tiết trời lạnh giá, chấp nhận rủi ro bị tê cóng, còn hơn là đi theo đường dân du lịch đi.

Nhà kinh tế học hành vi George Loewenstein gọi tên nghiên cứu của ông về triệu chứng này là “Vì nó ở đó”, theo câu nói nổi tiếng của George Mallory.

Ông giải thích rằng con người chỉ là không thể cưỡng lại cơ hội đạt được mục đích và trở nên thông thạo trước hoàn cảnh, dù có khi họ chẳng cần phải làm vậy.

Và thậm chí nếu cá nhân bạn không phải là tay leo núi cảm thấy hào hứng trước nguy hiểm và nỗ lực cần có ở môn leo núi, thì hầu hết chúng ta đều liên quan tới “Hiệu ứng Ikea” – một nghiên cứu nhận thấy mọi người trân trọng đồ dùng trong gia đình hơn nếu họ phải tự lắp ráp chúng.

Tất cả những điều này có nghĩa, dù ta phải ở nhà và cách ly, thì nằm trên ghế bành và xem TV chỉ là một cách giết thời gian.

Ta có thể nghĩ lười biếng vài tuần như vậy thì vui, nhưng trong thực tế hoàn cảnh này dẫn ta đến sự xao nhãng.

Phải nghỉ ngơi kéo dài bất đắc dĩ, nếu ta không đau ốm gì và cơ thể không đòi hỏi, thì sự nghỉ ngơi không đem lại cảm giác thư giãn mà đem lại cảm giác bồn chồn và khó chịu.

Trong thời gian cách ly, ta cần phải tìm nhiều cách để có thể thiết lập lại nhịp điệu và cảm giác cân bằng như trong đời sống bình thường theo cách tốt nhất có thể.

Trong thời gian bình thường, nhiều người không coi trọng sự nghỉ ngơi

Vì vậy, tập thể dục, tự giao nhiệm vụ cho bản thân, làm nhiều việc đòi hỏi nỗ lực và các việc khó là điều quan trọng.

Và tất cả chúng ta nên tìm kiếm các hoạt động hay trải nghiệm nâng cao thứ mà nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi gọi là “dòng chảy”, theo quyển sách của ông “Dòng chảy: Tâm lý học về Trải nghiệm Tối ưu” [Flow: The Psychology of Optimal Experience].

Đó là những việc như vẽ tranh, làm vườn hay chơi xếp hình, khiến ta tập trung đến mức không chú ý thời gian trôi qua và ta ngừng lo lắng về những việc khác.

Trong thời gian thông thường, hầu hết chúng ta không coi trọng việc nghỉ ngơi.

Vì vậy, trong thời gian ngoại lệ này, ta nên trân trọng cơ hội nghỉ ngơi nhiều hơn nếu có thể, và thật sự đem lại nhịp điệu cân bằng hơn giữa thời gian nghỉ ngơi và bận rộn vào đời sống thường nhật sau quá trình cách ly.

Nhưng trong thời gian khó khăn này, ta sẽ nhận ra rằng con người không phải sinh vật có bản năng lười biếng.

Và thực sự là ta có thể nhận thấy để làm ít hơn mà nghỉ được nhiều hơn, thì ta cần phải rất nỗ lực vào lúc ban đầu mới có thể thực hiện được.

Claudia Hammond là tác giả cuốn “Nghệ thuật Nhỉ ngơi: Làm sao Tìm ra được Sự nghỉ ngơi trong Thời Hiện đại” [The Art of Rest: How to Find Respite in the Modern Age]

Claudia Hammond
BBC Future
Link tiếng Anh: