Monday, October 31, 2022

RƯỢU PHÁP DUBONNET ĐẮT KHÁCH SAU NGÀY NỮ HOÀNG ANH QUA ĐỜI

Giới mê điện ảnh đều biết vodka martini là thức uống yêu chuộng nhất của điệp viên 007, nhưng người hâm mộ James Bond chưa chắc gì biết được lúc sinh tiền, nữ hoàng Anh thường thích uống gì. Loại cocktail pha trộn một chút gin với rượu mùi vermouth của Pháp (hiệu Dubonnet) chính là rượu khai vị yêu chuộng nhất của nữ hoàng Elizabeh Đệ Nhị. Một cách bất ngờ, loại rượu mùi này lại được rất nhiều người mua, sau ngày nữ hoàng Anh qua đời.


Theo phụ trang văn hóa Le Figaro,hiệu Dubonnet do ông Joseph Dubonnet sáng chế tại Paris vào năm 1846, hiện nay thuộc tập đoàn sản xuất rượu mạnh của Pháp Pernod-Ricard. Thương hiệu Dubonnet vốn là một loại rượu mùi vermouth có chất ký ninh (quinine), lấy từ vỏ cây canh ki na để làm thuốc. Chất ký ninh có tác dụng hạ sốt, đặc biệt hữu ích trong việc phòng chống bệnh sốt rét. Vào giữa thế kỷ XIX tại châu Âu, rộ lên phong trào róc vỏ cây canh ki na rồi sấy khô để chế biến rượu khai vị vermouth, trong đó các thương hiệu như Noilly Prat, Cinzano hay Dubonnet đều trở nên nổi tiếng sau này. Riêng Dubonnet thường dùng khẩu hiệu quảng cáo bằng cách chơi chữ xung quanh ba từ gần như đồng âm ‘‘Dubo, Dubon, Dubonnet’’ ý muốn nói rằng vừa đẹp mắt vừa ngon miệng, thì chỉ có rượu Dubonnet.
 
Rượu mùi Pháp Dubonnet dùng để pha cocktail

Tuy chỉ gồm khoảng 15% độ cồn, nhưng vì chất quinine rất đắng, cho nên rượu thường được ngâm thêm với nhiều loại dược thảo, hạt thơm, vỏ cam hay gia vị, để tạo thêm mùi, đồng thời giảm vị đắng. Từ cuối thế kỷ XIX trở đi, rượu mùi vermouth (loại ngọt và khan) trở nên phổ biến và thường được giới chuyên pha chế sử dụng như một trong những thành phần chính để làm các loại cocktail như Martini, Manhattan hay Negroni. Ngoài ra, vermouth còn được dùng để nấu nướng thay thế cho vang trắng. Riêng hiệu Dubonnet có hương vị đặc trưng của quế, vỏ cam quýt, hoa hoàng cúc cũng như một số hạt dược thảo sấy khô, loại thức uống này dùng làm rượu khai vị, khiến cho người uống đến khi dùng bữa, lại cảm thấy càng ăn ngon miệng.


Một trong loại cocktail nổi tiếng nhất chính là kiểu rượu pha ‘‘Dubonnet Royal’’. Không phải ngẫu nhiên mà loại cocktail này được gắn thêm chữ Royal vì rượu mùi màu đỏ hiệu Dubonnet luôn là thức uống yêu chuộng nhất của Hoàng Thái hậu Elizabeth Bowes-Lyon, vợ của Vua George VI và là thân mẫu của nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị. Vào năm 2008, nhân một cuộc bán đấu giá, một tin nhắn của Hoàng Thái hậu gửi riêng cho người hầu William Tellon đã được bán với giá 16 ngàn bảng Anh (khoảng 25.000 đô la). Trong thông điệp, Hoàng Thái hậu nhắn với người hầu nhớ mang theo trong hành lý một chai rượu Dubonnet và một chai rượu gin nhân một chuyến dã ngoại. Nội dung không có gì quan trọng cho lắm nhưng lại cho thấy sinh thời Hoàng Thái hậu Elizabeth Bowes-Lyon rất thích loại cocktail này pha một chút rượu gin với rượu mùi Dubonnet.

Doanh thu Dubonnet tại Úc tăng đến gấp bốn lần

Từ người mẹ truyền cho con gái, gu ăn uống này sau đó được Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị duy trì tiếp nối trong hoàng gia Anh. Phụ trang văn hóa báo Le Figaro cho biết từ đời này qua đời nọ, công thức pha chế ‘‘Dubonnet Royal’’ không hề thay đổi : 1 phần gin, 4 phần Dubonnet, ba cục nước đá, 1 lát vỏ chanh thái mỏng, tất cả được khuấy nhẹ bằng muỗng, rồi lọc qua rây trước khi rót vào ly cocktail.

Sau ngày nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ Nhị băng hà, một trong những tác động bất ngờ nhất là doanh thu của hiệu Dubonnet lại tăng vọt. Chuỗi siêu thị Waitrose cho biết khối lượng rượu hiệu Dubonnet đã tăng thêm gần 100 % so với cùng thời kỳ năm ngoái. Hiện giờ trên các kệ rượu, không còn chai nào được bày bán, và chuỗi siêu thị này hy vọng khôi phục nhanh chóng mức cung cấp sản phẩm trong một tuần, thời gian để đưa thêm hàng vào kho khi nhu cầu của khách hàng tăng một cách đột ngột.


Còn tại Úc, doanh thu hiệu Dubonnet đã tăng mạnh lên tới 465 % trong vòng ba ngày sau khi nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ Nhị qua đời. Hiện giờ, mức tăng bất ngờ này đã giảm xuống nhưng vẫn được duy trì ở một mức khá cao. Theo ban quản lý tập đoàn Endeavour, số chai Dubonnet được bán chỉ nội trong 3 ngày (từ 08/09 đến 11/09/2022) lại cao gấp đôi so với cả mùa Giáng Sinh năm trước. Có nhiều thực khách đã đọc đâu đó trên mạng internet công thức pha chế cocktail Dubonet Royal. Có lẽ cũng vì thức uống yêu thích của nữ hoàng Anh cũng tương đối dễ làm, cho nên khách hàng tìm mua gin và Dubonnet rồi đem về nhà để tự pha lấy.
 
Công thức pha chế từ Dubonnet Royal đến Vodka Martini

Rượu mùi Dubonnet được yêu chuộng đến nỗi, thương hiệu này đã được cấp chứng quyền hoàng gia ''Royal Warrant'', một văn bản chính thức công nhận một cá nhân hay công ty thường xuyên cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các thành viên trong hoàng gia Anh. Những công ty nào nắm giữ ''Royal Warrant'' có thể in huy hiệu (logo) đặc biệt này trên các sản phẩm của họ, đảm bảo về mặt uy tín dịch vụ cũng như chất lượng mặt hàng.

Thương hiệu Dubonnet cũng phổ biến trở lại, một phần cũng vì đang có trào lưu tiêu thụ rượu pha loại nhẹ nơi người tiêu dùng. Đa số khách hàng vì lý do sức khỏe, giảm mức tiêu thụ các loại rượu mạnh (rhum, gin, whisky) và bắt đầu chọn các loại thức uống có ít độ cồn hơn như Dubonnet hay Campari dùng để pha chế cocktail (trào lưu pha rượu Spritz). Điểm chung giữa nữ hoàng Anh và điệp viên 007 vẫn là hai nhân vật nổi tiếng này đều thích dùng loại rượu mùi vermouth trong cocktail yêu thích của mình.


Nếu nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ Nhị thích uống một chút gin pha với vermouth (hiệu Dubonnet), thì James Bond lại chuyên dùng ''dry martini'' còn được gọi là vodkatini (hoặc kangaroo vodka) kết hợp một chút vodka với rượu mùi vermouth. Điểm khác biệt duy nhất là James Bond thích uống ''dry'' (tức khan ít có vị ngọt) và nhất là vodka martini phải được pha với bình lắc rượu (shaker) trong khi Dubonnet Roytal của nữ hoàng Anh tuyệt đối không lắc mà phải khuấy đều bằng muỗng.

Tuấn Thảo
Theo: RFI Tiếng Việt
Link tham khảo:



MẶT TRÁI CUỘC ĐỜI

Một Thầy tu trẻ nọ được gởi đến làm việc với một số anh em khác, công việc của họ là dệt một khung vải rộng lớn, trên đó mỗi người ngày ngày dệt phần được trao phó, việc làm xem ra độc điệu và vô nghĩa.


Ngày nọ, không còn chịu đựng nổi một công việc nhàm chán như thế, Thầy tu thốt lên với tất cả sự giận dữ của mình:

– Trước khi con được sai đến đây, người ta nói với con về một công trình nghệ thuật cao cả mà con sẽ góp phần vào. Bây giờ con chỉ thấy rằng, con phải dùng kim đâm qua xỏ lại như một cái máy, con không thấy đâu là nghệ thuật cả.

Nghe thế, vị Linh mục mới nói với thầy như sau:

– Con ơi, làm sao con thấy được công trình nghệ thuật mà chúng ta đang cộng tác để thực hiện, bởi những gì con đang thấy là mặt trái của tấm thảm. Hơn nữa, việc con đang làm là một điểm nhỏ trong công trình mà thôi.

Khi tấm thảm đã hoàn thành, người ta lật tấm thảm lại. Lúc bấy giờ, vị tu sĩ trẻ mới thấy rằng mình góp phần vào một tuyệt tác. Đó là bức tranh của Ba đạo sĩ triều bái hài nhi Giêsu, những đường kim mà Thầy tu trẻ ngày ngày đút qua xỏ lại, đã vén lên chính hào quang sáng chói trên đầu Chúa Hài Nhi. Điều mà thầy cho là vô nghĩa nhất giờ đây hiện lên như một kỳ công.


Cuộc đời của mỗi người chúng ta có lẽ cũng giống như một tấm thảm nhìn từ mặt trái. Những cái độc điệu nhàm chán dệt nên cuộc sống của mỗi người, đôi khi che khuất hướng đi và ý nghĩa cuộc đời. Những mất mát, thất bại và khổ đau càng làm chúng ta choáng ngợp, hụt hẫng. Nhưng khi nhìn lại, chúng ta mới thấy rằng chính ta đã làm nên một kiệt tác của chính đời mình.


Nguồn: Vitamintamhon

KHÔNG THAM LAM LÀ BỐ THÍ, ĐOẠN ÁC CHÍNH LÀ LÀM VIỆC THIỆN...

Đời người, đều vì mong cầu mà khổ não, vì ràng buộc mà ưu phiền. Nhân sinh, có thể buông mới mong tìm thấy hạnh phúc, để vạn sự tùy duyên mới thong dong tự tại. Khổ đau hay hạnh phúc, đều nằm ở cái tâm này…

Nhân sinh luôn tồn tại tàn khuyết, thấy đủ thường vui mới có thể tiêu dao tự tại. (Ảnh: Guu)

1. Không tham lam chính là bố thí, đoạn ác chính là làm việc thiện, sửa đổi chính là sám hối, khiêm tốn chính là lễ Phật, thủ lễ chính là giữ giới, tha thứ chính là giải thoát, biết đủ chính là buông bỏ, lợi người chính là lợi mình.

Ba ngàn phồn hoa bất quá chỉ là trong nháy mắt; trăm năm mây khói cùng lắm chỉ là một dải cát vàng. Không tranh giành là từ bi, không biện giải là trí tuệ, không nhìn thị phi tức tự tại, không nghe phiền não tức thanh tĩnh.

2. Nhân sinh luôn tồn tại tàn khuyết, thấy đủ thường vui mới có thể tiêu dao tự tại. Làm người, chớ nên ganh đua so sánh hạnh phúc của mình với người, để rồi lại oán trách bản thân mình thua kém.

Cuộc sống cần một loại tâm thái bình thản. Mỗi người đều có chỗ khác nhau, chớ nên xem nhẹ bản thân, cũng chớ vì ghen ghét hay hâm mộ người khác mà đánh mất đi phương hướng của chính mình.

3. “Nhấc lên nặng ngàn cân, buông xuống hai lạng nhẹ”, một niệm buông bỏ, mọi thứ đều trở nên nhẹ nhàng, tự tại. Cái gọi là buông, chính là buông những ích kỷ dục vọng, buông những chấp nhất vô vị, buông những bảo thủ cố chấp.

Gió nổi thì vui vẻ ngắm hoa rơi; gió ngừng thì đạm nhiên nhìn trời đất. Hiểu được buông thì sinh mệnh mới có thể càng thêm hoàn mỹ. Chớ vì được mà mừng vui, chớ vì mất mà ưu sầu. Cần thuận theo tự nhiên, thích ứng trong mọi hoàn cảnh.

Gió nổi thì vui vẻ ngắm hoa rơi; gió ngừng thì đạm nhiên nhìn trời đất. Hiểu được buông thì sinh mệnh mới có thể càng thêm hoàn mỹ. (Ảnh: Panaprium)

4. Thiện đãi với trời đất, bởi đó là không gian cho cuộc sống; thiện đãi với cha mẹ, bởi họ đã cho ta sinh mệnh này; thiện đãi với người nhà, bởi họ là người thân thiết nhất với ta trong kiếp này; thiện đãi với đồng nghiệp, bởi họ là những người gần gũi trong công việc; thiện đãi với ân nhân, bởi đó là vị cứu tinh của ta khi khốn khó.

Thiện đãi oan gia, bởi họ là chủ nợ tiền kiếp; thiện đãi người xa lạ, bởi họ là nhân duyên của tương lai; thiện đãi với động vật, bởi chúng là bằng hữu của con người; thiện đãi với thực vật, bởi chúng mang đến mỹ diệu cho cuộc sống; thiện đãi với hết thảy, bởi tất cả đều là vì thế gian tươi đẹp này mà tồn tại.

5. Con người cảm thấy áp lực thường là bởi dục vọng quá lớn. Cho nên, cho dù bạn không thể hoàn toàn buông bỏ thì ít nhất cũng phải hiểu được rằng, dục vọng càng ít sẽ càng vui vẻ thỏa mái. Cuộc sống hết thảy đều tùy duyên, đừng để tham dục trong lòng bành trướng quá độ.

Đức Phật đã nói cho chúng ta biết cần phải giảm bớt lòng tham, giảm bớt dục vọng, đồng thời còn phải biết thông cảm cho người, đừng vì một chút không vui, liền lập tức oán trời trách đất. Lấy “vạn sự tùy duyên” đối mặt với hết thảy, như thế mới có thể sống được tự tại.

6. Tùy duyên thường bị hiểu lầm là không nỗ lực, phó mặc cho số phận, bởi vậy nó đã trở thành lý do cho một số người muốn trốn tránh vấn đề. Kỳ thực, tùy duyên không phải vứt bỏ truy cầu, mà là lấy tâm thái rộng rãi đi đối mặt cuộc sống.

Khi gặp phải vấn đề thì đều có thể hành xử một cách bao dung, dùng thiện hóa giải mâu thuẫn, khoan dung người khác, mở rộng lòng mình. Tùy duyên là một loại trí tuệ, có thể khiến một người dù ở trong hoàn cảnh khốc liệt vẫn có thể giữ được sự điềm tĩnh, tỉnh táo.

Tùy duyên không phải vứt bỏ truy cầu, mà là lấy tâm thái rộng rãi đi đối mặt cuộc sống. (Ảnh: Outdoornews)

7. Có một loại vui vẻ gọi là buông. Buông đối với những tham chấp của quá khứ, bởi quá khứ đã đi qua; buông đối với những sầu lo về tương lai, bởi tương lai còn chưa tới; buông đối với những ham muốn không thực tế, tất sẽ rời xa những thống khổ không cần thiết.

Cấp cho tâm hồn một mảnh đất bình yên, lấy phương thức khoan dung và thân thiện để đối đãi người. Cũng cần nhớ kỹ, điều gì cần kiên trì thì kiên trì, điều gì cần hoàn thành thì nên hoàn thành, điều gì cần buông bỏ thì buông bỏ.

8. Hành tẩu nơi trần thế, nhu cầu của chúng ta kỳ thực không quá nhiều, nhưng quan trọng nhất là không thể thiếu một nội tâm bình an. Tâm an thì thần định, thần định thì tuệ sinh, tuệ sinh thì đại ngộ. Hạnh phúc bất quá chỉ là một loại lý giải, vui sướng bất quá chỉ là một loại tâm tình; triệt ngộ sẽ hiểu được rằng, những điều đã thông suốt ấy, xem nhẹ ấy, nhìn thấu ấy, hiểu rõ ấy đều là đại thu hoạch của nhân sinh.

9. “Khổ mà không nói, vui mà không cười”, câu nói ngắn ngủi này đã bao quát cảnh giới cao nhất để làm người. Nhân sinh trên đời thường sẽ vì những thương tổn gặp phải mà đau khổ không thôi. Kỳ thực, từng vết thương chồng chất đó chính là lễ vật tốt nhất mà tạo hóa cấp cho sinh mệnh của bạn.

Cùng người oán giận, chi bằng tĩnh tâm suy nghĩ, quá nhiều lời biện bạch ngược lại khiến người ta cảm thấy không tin tưởng. Có một số việc, vừa phân trần trắng đen đã trở thành quá khứ. Có một số người, giận hờn vài ngày đã trở thành dĩ vãng. Có những nỗi đau, vừa cười lên đã tan thành bọt nước. Có những hoàn cảnh, nhờ chịu chút thương đau mà trở nên kiên cường.

Tuệ Tâm / Theo: Tinh Hoa

ĐẠI HỌC CAMBRIDGE CŨNG SAI LỖI CHÍNH TẢ

Người Anh viết tiếng Anh sai chính tả là chuyện không mới. Nhưng biển báo tại một trường đại học danh tiếng như Cambridge của Anh cũng bị sai lỗi chính tả thì đúng là chuyện có một không hai.

Sidney Sussex College-Cambridge

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, tấm biển báo chỉ dẫn lối vào bãi đậu xe của trường Sidney Sussex College, thuộc Đại học Cambridge, lẽ ra phải được ghi là "Entrance to College Car Park Only", có nghĩa là "Lối vào bãi đậu xe của trường" thì tấm biển lại nhầm thành "Entrance to Collage Car Park", tức là "Lối vào bãi đậu xe Collage".

Ông Filippo Schiannini, chuyên gia tin học thuộc trường Sidney Sussex, đồng thời là người đã chụp ảnh tấm biển này, bình luận Cambridge luôn kiêu hãnh là nơi "sản sinh" ra nhiều tài năng văn chương, vì vậy thật nực cười khi có những lỗi chính tả ngớ ngẩn án ngữ tại một ngôi trường danh tiếng như vậy.


Đại học Cambridge thành lập từ năm 1596, nơi nhiều nhà văn nổi tiếng của Anh như John Milton, tác giả cuốn "Paradise Lost", hay các thi sĩ lãng mạn như G.G Byron và Alfred Tennyson, đã theo học./.

Theo: TTXVN
Link tham khảo:
https://www.telegraph.co.uk/news/newstopics/howaboutthat/3274132/Cambridge-University-parking-sign-has-spelling-error.html

https://www.alamy.com/stock-photo/misspelling-sign.html?sortBy=relevant


5 MÓN NGON PHẢI THỬ KHI ĐI DU LỊCH ANH

Ngoài bánh Yorkshire Pudding nổi tiếng thì cá chiên, thịt nướng, bánh Donut... là 5 món ngon đường phố mà bạn nên thử khi đi du lịch Anh, bởi chúng được chế biến theo công thức đặc biệt chỉ có ở xứ sở Sương mù.

Sunday Roast


Sunday Roast là món ăn truyền thống của người Anh thường được ăn vào ngày Chủ nhật (nên được gọi là Sunday Roast). Nguyên liệu chế biến món này bao gồm thịt nướng, khoai tây nướng và các món ăn kèm như bánh pudding Yorkshire, rau và nước thịt. Các loại rau khác như súp lơ thường được chế biến thành phô mai súp lơ, ngoài ra còn có rau mùi tây nướng, mầm brussel, đậu Hà Lan, cà rốt, đậu á và bông cải xanh cũng có thể dùng làm nguyên liệu của món ăn này.

Món nướng ngày Chủ nhật - Sunday Roast cũng phổ biến ở nhiều vùng của Ireland, đặc biệt là ở Ulster (chủ yếu ở Bắc Ireland và Donegal).

Fish and chips (Cá và khoai tây chiên)


Cá và khoai tây chiên là món ăn nóng có nguồn gốc từ Anh, nguyên liệu chế biến gồm cá tẩm bột chiên ăn kèm với khoai tây chiên. Món này xuất hiện lần đầu tiên ở Anh vào những năm 1860, đến 1910, hơn 25.000 cửa hàng bán cá và khoai tây chiên trên khắp vương quốc Anh.

Ngày nay, món ăn nhanh này có mặt hầu như khắp thế giới với những cách biến tấu khác nhau tùy theo khẩu vị của từng quốc gia. Ở nhiều nước châu Âu, đặc biệt là các nước sử dụng tiếng Anh, fish and chips vẫn được xem là bữa ăn chính.

Bánh Donut


Bánh Donut là một loại bánh ngọt được rán hoặc nướng để ăn tráng miệng hoặc ăn vặt, phổ biến ở nhiều nước phương Tây.

Thông thường vỏ bánh không có nhân, nhưng một vài loại bánh được biến tấu với nhân bên trong để tăng hương vị của donut. Bên ngoài bánh phủ nhiều loại kem như socola, phô mai hay các loại sốt khác có rắc kèm đường bông tuyết, kem, socola, dừa vụn, thậm chí đường hay dừa vụn phủ lên toàn bộ bánh.

Bánh steak and kidney pie


Bánh Steak anh kidney pie của Anh khá khác biệt so với các quốc gia khác, thay vì được làm bằng nhân ngọt từ trái cây, nhân của bánh được làm từ thận của các loại động vật như cừu, bò, lợn được cắt lát, xào chín cùng với hành phi và một số loại gia vị khác, để tạo vị mặn bên trong nhân, vị ngọt bên ngoài lớp vỏ. Bánh steak được làm theo kích thước lớn hoặc nhỏ tùy vào nhu cầu của thực khách.

Yorkshire Pudding


Là loại bánh phổ biến ở xứ sở sương mù, Yorkshire Pudding có nguyên liệu khá đơn giản gồm trứng, sữa tươi không đường và bột mì.

Theo truyền thống, loại bánh này là một phần của bữa trưa Chủ Nhật, ăn kèm các loại rau, khoai tây nướng, thịt nướng, nước sốt và thường được phục vụ trong các quán rượu tại Anh. Ngày nay, không chỉ chủ nhật bạn mới được ăn Yorkshire Pudding, nó trở nên phổ biến và có mặt ở nhiều cửa hàng và dễ dàng hơn cho khách chọn lựa.

Nếu đang lên kế hoạch du lịch Anh, hãy đưa những món ăn này vào danh sách những món ăn đường phố của bạn để sự trải nghiệm ẩm thực ở xứ sở Sương Mù trở nên đa dạng và hấp dẫn nhé! Chúc bạn có một chuyến du lịch Anh thú vị và nhiều niềm vui.

Theo: Viet Viet Tourism

Sunday, October 30, 2022

TRANH CÃI "BẢN QUYỀN" MÓN CƠM GÀ HẢI NAM

Ít ai biết xuất xứ của món cơm gà Hải Nam nếu như không có cuộc tranh cãi giữa Malaysia và Singapore về "bản quyền" của món ăn này.


Tới Khu hành chính đặc biệt Hongkong của Trung Quốc, thưởng thức món cơm gà Hải Nam, món ăn được người Hongkong ưa thích, chắc mọi người sẽ nghĩ món này có xuất xứ từ tỉnh đảo Hải Nam của Trung Quốc. Thế nhưng món này chẳng dính dáng gì đến tỉnh đảo Hải Nam.

Ít ai biết được điều này nếu như không có cuộc tranh cãi giữa Malaysia và Singapore về gốc gác của món ăn ngon miệng này.

Cuối tháng 9, khi tham dự Lễ hội ẩm thực Malaysia, Bộ trưởng Du lịch Malaysia, Ng Yen Yen tuyên bố cơm gà Hải Nam có nguồn gốc từ Malaysia, nhưng từ lâu nay đã bị các nước khác như Singapore giành mất thương hiệu.

Vì vậy, tới đây Malaysia sẽ đăng ký bản quyền toàn diện cho món này.


Tuyên bố này của quan chức Malaysia khiến các học giả nghiên cứu về văn hóa ẩm thực hữu quan và giới kinh doanh trong ngành ẩm thực của Singapore bất bình. Họ cho rằng phát biểu này không có căn cứ.

Đồng thời, giới chức và các học giả nghiên cứu về văn hóa ẩm thực của Singapore cho rằng đây là món ăn của Singapore.

Cố vấn Hiệp hội đầu bếp Singapore-Trung Quốc Phùng Nhĩ Tấn cho biết, cơm gà Hải Nam là món cơm xuất với thịt gà, ban đầu được bán ở phố Hải Nam của quốc đảo sư tử, cho nên gọi tên như vậy. Sau đó món cơm xuất này được một nhà hàng mang tên “Thụy Ký” phát triển rộng rãi ra nhiều nơi. Món cơm gà Hải Nam mà mọi người thưởng thức hiện nay về cơ bản vẫn được làm theo công thức của món cơm xuất thịt gà tại phố Hải Nam khi xưa.


Như vậy, rõ ràng nguồn gốc món này là từ Singapore chứ không phải từ Malaysia. Trong tư liệu truyên truyền du lịch, do Cục Du lịch Singapore xuất bản, cũng nghi rõ như vậy.

Tuy nhiên, Giáo sư Hàn Sơn Nguyên, học giả chuyên nghiên cứu về lịch sử văn hóa Singapore cho biết, từ hàng trăm năm trước, người dân từ đảo Hải Nam, phía Nam Trung Quốc di cư đến Singapore và món cơm gà này ra đời tại Singapore từ đó.

Một số những người có quan điểm trung gian cho rằng nói một món ăn nào đó là do ai hay nước nào phát minh là không thỏa đáng. Lí do là vì sự tồn tại của món ăn là sự tiếp nối liền mạch của ẩm thực dân gian. Món ăn luôn thay đổi nhằm thích ứng với khẩu vị của con người ở từng thời điểm và địa điểm khác nhau.

Do vậy, không thể nói món cơm gà Hải Nam là của Singapore hay Malaysia mới là chính thống, vì như vậy sẽ phiến diện.


Tại Quảng Đông và Hongkong của Trung Quốc hiện nay, món cơm gà Hải Nam cũng rất phổ biến.

Chủ tịch Hiệp hội liên ngành nghề ẩm thực Hongkong Hoàng Gia Hòa cho rằng những ai đã từng thưởng món cơm gà Hải Nam ở Malaysia và Singapore sẽ dễ dàng nhận thấy hương vị của món này ở hai nơi khác nhau.

Như vậy, việc tranh giành “bản quyền” của món này cũng chẳng ích gì. Ông Hòa cho rằng, xuất xứ của một món ăn ngon từ đâu không quan trọng bằng việc món đó ở đâu ăn ngon hơn./.

Bùi Xuân Tuấn/Hongkong (Vietnam+)



5 LÝ DO TẠI SAO THỨC ĂN CAY LẠI TỐT CHO SỨC KHỎE CỦA BẠN

Ớt có thể làm giảm nguy cơ phát triển một số bệnh, giúp ngăn ngừa béo phì và làm dịu dạ dày.


Một số người thích thức ăn ngọt, những người khác thích ăn chua hoặc đắng, và nhiều người lại thích ăn cay. Nếu bạn thích cảm giác miệng mình luôn cay nồng khi ăn, bạn sẽ càng cảm thấy vui hơn khi biết rằng thực phẩm có chứa ớt cay với một lượng thích hợp có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

1. Kéo dài tuổi thọ


Nghiên cứu lớn gần đây nhất được công bố về lợi ích của vị cay ớt được thực hiện vào năm 2020. Nghiên cứu được trình bày lần đầu tiên tại cuộc họp khoa học của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, cho thấy những người ăn ớt có thể ít bị tử vong về tim hơn những bệnh tật khác hoặc ung thư và có thể sống lâu hơn những người không ăn ớt.

Nghiên cứu này đã phân tích hồ sơ sức khỏe và chế độ ăn uống của hơn 570.000 người ở Mỹ, Ý, Trung Quốc và Iran và so sánh những người ăn ớt với những người hiếm khi hoặc không bao giờ ăn cay. Phân tích cho thấy những người ăn ớt có nguy cơ tử vong vì bệnh tim thấp hơn 26%, giảm 23% nguy cơ ung thư và giảm 25% nguy cơ tử vong với bất kỳ nguyên nhân nào khác.

Vị cay từ ớt có thể làm tăng thêm hương vị và độ nóng cho thức ăn đồng thời có một số lợi ích sức khỏe quan trọng.

2. Phòng chống béo phì

Bằng chứng cho thấy ăn capsaicin (được lấy ra từ ớt) làm tăng cảm giác no và giảm lượng calo và chất béo ăn vào trong bữa ăn. Ngoài ra, ăn thực phẩm có capsaicin có thể làm tăng năng lượng chúng ta tiêu hao và quá trình oxy hóa mô mỡ có thể ngăn ngừa tăng cân.

3. Có khả năng giảm phát triển ung thư

Các nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy capsaicin có tác dụng tích cực trong việc gây chết các tế bào ung thư và ức chế sự phát triển của chúng. Mặc dù nghiên cứu về chủ đề này là rất ít và không có bằng chứng chắc chắn rằng ăn ớt cay sẽ ngăn ngừa ung thư, các nhà nghiên cứu đang thảo luận về tiềm năng của các loại thuốc có chứa capsaicin.

4. Giảm nhẹ triệu chứng khi bị cảm lạnh

Ăn ớt cay cũng có thể giúp giảm khó thở khi bị cảm lạnh, nhiễm trùng đường hô hấp, viêm xoang và hen suyễn vì chất capsaicin trong khoang miệng và cổ họng làm cho ấm đường hô hấp. Điều này làm cho đờm mềm và lỏng hơn, bạn sẽ dễ dàng khạc ra hơn.


5. Làm dịu cơn đau bụng

Ớt cay có thể là thứ bạn cần khi đau bụng. Các nhà nghiên cứu cho biết cả ớt sừng khi tương tác với các thụ thể trong dạ dày, nó có thể làm cho ruột dịu đi.

Trong một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Connecticut, nhóm nghiên cứu đã cho chuột ăn capsaicin. Họ phát hiện ra rằng hóa chất liên kết với TRPV1, một thụ thể đặc biệt trên các tế bào trong đường tiêu hóa và chất này làm cho hệ thống miễn dịch bao gồm thực quản, dạ dày và tuyến tụy dịu đi. Hóa chất này cũng liên kết với một thụ thể khác để giúp các tế bào miễn dịch, ngăn ngừa viêm nhiễm.

Trọng Trí (theo JPost)
Link tham khảo:

TRƯỜNG HỌC VÀ TRƯỜNG ĐỜI

“Trường học và trường đời” là một câu chuyện ngắn rất đáng để người làm cha, làm mẹ phải suy giáo dục con cái. Kiến thức đâu chỉ ở giảng đường, nó nằm ở mọi điều trong cuộc sống.


Một người bạn củα tôi vừa ρhải đón cậu con tɾai đi du học ĐH được gần 1 năm mà bỏ giữa chừng về. Em kể là ở bển lạc lõng quá chịu không nổi. Không ρhải vì rào cản ngôn ngữ, nhưng tụi bạn tóc vàng có vẻ coi thường học sinh VN chỉ biết học, đời nhạt toẹt, nghèo tɾải nghiệm. Nhiều khi sự coi thường đó chỉ ngấm ngầm tɾong ánh mắt, nên không thưa kiện ρhạt tội kỳ thị được.

Tụi nó khoe từng gaρ year đi làm thêm, đi du lịch nhiều nước, ɾồi đi Nam Phi làm từ thiện, ɾồi từng nhảy dù, lặn biển. Tới 18 tuổi tụi nó kiêu hãnh vì đã biết kiếm tiền, biết nấu ăn, biết tổ chức cuộc sống và có thể sống tự lậρ không nhờ vào bố mẹ. Tụi nó tự hào vì giàu tɾong tinh thần, ngồi với nhau nói chuyện về tɾiết học, về chính tɾị, lịch sử, nghệ thuật, về sở thích… những đề tài mà SV Việt thường chỉ ngồi nghe, không chen vào được.

Những bạn nhạy cảm sẽ cảm thấy đó cũng là 1 kiểu coi thường ɾằng: Mày chả có gì, chỉ có tiền!


Bạn mình cũng kể: Khi sang Mỹ mình nhìn thấy tụi học sinh phổ thông học khá nhàn. “Chơi không à, tụ tậρ nhóm làm cái này cái kia hâm hâm”, nhưng hóa ɾa lượng kiến thức không hề ít. Vì chương tɾình học ρhổ thông rất thực tế, nhìn như chơi mà hóa ɾa học rất sâu. Thậm chí có cả những cái nhỏ nhít lắt nhắt mà lâu nay mình không để ý, như tắm làm sao cho lẹ, không tốn nước, gấρ vớ sao cho khỏi lạc nhau, sắp xếp vật dụng trong nhà sao cho khoa học,..

Có lần nhìn thấy thầy giáo dắt một nhóm HS đi siêu thị, vui vẻ nhẹ nhõm. Nhưng ɾồi tɾong buổi đó tụi học sinh được học cách tính toán chi tiêu, ᵭánh giá bao bì, thiết kế, màu sắc tɾên quầy hàng, học đọc các thành ρhần ghi tɾên sản ρhẩm…

Học sinh được dạy chọn thực ρhẩm, chọn công ty sản xuất, chọn công ty phân phối. Dạy về đọc hạn sử dụng, cách sử dụng. Tụi nó uống sữa xong thì làm bẹp hộρ lại ɾồi cho vào thùng rác tái chế.

Nhà có tới 3 thùng rác, nếu bỏ lộn rác thải thường vào rác tái chế hoặc ngược lại là sẽ bị ρhạt. Tiền rác được tính tương ứng tɾên hóa đơn nước, nếu nhà nào xài càng nhiều nước thì cũng có nghĩa là nhà đó ρhải đóng càng nhiều tiền ɾác hơn.


Những điều nho nhỏ này HS ở mình thường không để ý! Ở nhà, thường các bé được ông bà và người giúρ việc chiều lắm, cơm nước mang tận bàn học. Khi đói thì chỉ cần mở tủ lạnh thấy gì thì ăn nấy, không cần để ý. Đến khi di du học thì mới thật sự vất vả. Có bạn ρhải nhậρ viện vì ngộ ᵭộc thực phẩm, có khi chỉ vì hộρ sữa khui ra ɾồi để quên ở bàn ăn, tới tận sáng hôm sau vẫn tỉnh bơ rót ɾa ly uống.

Có nhóm du học sinh còn bị bắt phạt vì câu cá, bắt hải sản không đúng quy định, thậm chí bị bắt vì đã bắn chim tɾời để nướng ăn.

Tài liệu Y Tế Thế Giới nói 70% người Việt nhiễm HP dạ dày. Con số thực tế có thể còn cao hơn. Hic hic, Ở Bắc Mỹ, Pháρ, người Việt cũng vẫn đang đứng top tɾong mọi sắc dân về bệпh viêm loét dạ dày tá tràng, cần phẫu thuật. Thói quen ăn uống và sinh hoạt của chúng ta là nguồn gốc của rất nhiều bệnh tật.


Các ba mẹ ạ, con chỉ biết làm Toán, làm Văn, nói tiếng Anh mà không biết cách sống văn minh, thiếu tɾải nghiệm, không giàu có về vốn sống, thì thiệt thòi cho con quá!

Rất nhiều thứ quan tɾọng có thể học ờ nhà, ở xung quanh và miễn ρhí. Giảng đường đâu ρhải là nơi duy nhất để con học đâu!

Theo: gtamsu

Saturday, October 29, 2022

NẾU CÓ THỂ CÙNG NHAU GIÀ ĐI...

Hiếm bộ phim nào mộc mạc mà vẫn gây được cảm xúc mãnh liệt như “My Love, Don’t Cross That River”. Thông qua câu chuyện có thật của đôi vợ chồng ngoài 90 tuổi, tác phẩm của đạo diễn Jin Mo-young ngợi ca tình yêu giản dị và trường tồn.


Những thước phim êm đềm

Trong dòng thác các sản phẩm điện ảnh giải trí có quy mô ngày càng lớn, ít tác phẩm tài liệu nào có thể trở thành hiện tượng phòng vé. Vậy mà một bộ phim Hàn Quốc đã ngoạn mục làm được điều đó. Vào tuần cuối của tháng 11/2014, tác phẩm này dẫn đầu bảng xếp hạng cuối tuần, đứng trên ba phim Hollywood là Interstellar, Exodus: Gods and Kings và The theory of everything. My love, don't cross that river (Mình ơi, xin đừng qua sông) cuối cùng đã thu đến 34,3 triệu USD, gấp 300 lần kinh phí sản xuất, đồng thời được xem là một trong những bộ phim tài liệu nổi bật nhất thập niên 2010.

Càng tuyệt vời hơn khi tác phẩm làm được kỳ tích gần như chỉ nhờ hiệu ứng truyền miệng của khán giả. Theo tờ Korea Herald, trong tuần đầu, giới chủ rạp chỉ dành cho phim 186 phòng chiếu. Nhưng, đến tuần thứ ba, con số này là 806, cao nhất trong lịch sử phim tài liệu Hàn Quốc. Dòng khán giả đổ xô đến rạp đơn giản bởi câu chuyện đã chạm đến trái tim họ.


My love, don't cross that river lấy bối cảnh một ngôi làng ở triền núi Hàn Quốc, nơi ông Jo Byeong-man (gần 100 tuổi) và bà Kang Kye-yeol (gần 90 tuổi) đi qua cuộc hôn nhân dài 76 năm. Những thước phim chầm chậm dõi theo sinh hoạt của họ như gánh củi, chăm sóc nhà cửa, nuôi chó.

Ở tuổi gần đất xa trời, bộ đôi vẫn không ngừng dành những lời tốt đẹp và đầy lãng mạn cho nhau. Một đêm nọ, ông dắt tay bà đến nhà vệ sinh, chờ bên ngoài và cất giọng hát một ca khúc quen thuộc. Còn bà ân cần hỏi ông có lạnh không. Cứ thế, đôi vợ chồng như đôi trẻ chớm yêu.

Lúc khác, họ cài hoa dại lên tóc nhau với ánh nhìn mãn nguyện, thanh thản nắm tay đi dạo trong những bộ hanbok sáng màu. Vào mùa đông, họ cùng nướng thức ăn hay bốc tuyết chơi đùa. Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi tưởng chừng như bất tận.

Đôi vợ chồng cưới nhau từ khi bà 14 tuổi, có đến 35 người con cháu nhưng đều đã ra riêng. Jo và Kang chọn sống ở vùng quê vắng người, dành cho nhau những cử chỉ ân cần và tinh tế cứ như đám cưới của họ chỉ mới ngày hôm qua. Song, cụ ông đã mất thính lực, khó thở và ngày càng suy yếu. Đôi vợ chồng cũng dự cảm được ngày chia ly đang đến gần.


Hạnh phúc là gì và đến từ đâu?

Giữa thời đại nhịp sống ngày càng hối hả, tác phẩm của Jin Mo-young như kéo tuột người xem khỏi những tất bật, ganh đua. Từng khung hình không nhắm đến biến cố hay xung đột, mà đơn giản khắc họa hành động đời thường của đôi vợ chồng ngoài 90 tuổi.

Những thước phim không kịch tính hóa cuộc sống mà chỉ phản ánh cuộc sống như nó vốn có, lặng lẽ trôi với những niềm vui nho nhỏ, miên man với nỗi buồn như tan loãng vào không gian.

My love, don't cross that river cũng để lại không ít suy ngẫm cho những ai hay tự hỏi: “Hạnh phúc là gì và đến từ đâu?”. Jo Byeong-man và Kang Kye-yeol không nhiều tiền bạc, không lệ thuộc công nghệ hiện đại và cũng chẳng còn quan tâm đến hơn thua trong đời. Niềm vui của họ giản đơn là những lần nắm tay nhau đi dạo, gội đầu hay chơi hắt nước vào nhau. Ở góc độ nào đó, họ đã quay về với sự hồn nhiên nguyên thủy như trẻ con.

Nhìn sự viên mãn trong hai đôi mắt đã nhăn nheo ấy, ta hẳn chợt nghĩ hạnh phúc thật sự có lẽ nằm ở suy nghĩ bên trong mỗi người, ở sự hài lòng với những thứ mình có. Dẫu những thứ hai ông bà trao nhau quá đỗi bình thường, mấy ai trong chúng ta, với đủ đầy vật chất, có thể tự tin tuyên bố rằng mình hạnh phúc hơn?


Tên phim dựa theo một bài hát Hàn Quốc về người chồng lo cho vợ nên băng qua sông thay cô. Nó mang một lớp nghĩa khác ở đoạn cuối khi cái chết tìm đến cụ ông. Phân cảnh cụ bà đứng bên đống lửa giữa trời tuyết trắng để tâm tình với người quá cố gây xúc động mạnh bởi tình cảm thuần khiết.

Tuy nhiên, ngay cả khi cụ ông không còn, tình yêu của họ vẫn vĩnh cửu. Khi bà Kang đau buồn, chúng ta khóc cùng bà, với những giọt lệ thấu cảm.

My love, don’t cross that river còn để lại ấn tượng đậm bởi đây là câu chuyện của những con người thật. Jo Byeong-man và Kang Kye-yeol từng xuất hiện trong chương trình Gray-haired Lovers của đài KBS vào năm 2011. Sau khi xem chương trình này, đạo diễn Jin Mo-young tìm đến ngôi làng ở tỉnh Gangwon để xin phép quay phim. Được đôi vợ chồng chấp thuận, anh đến làng sống trong 15 tháng để ghi hình mọi hoạt động của họ.

“Tôi muốn quay về tình yêu trọn đời mà không có những chiêu trò giả tạo. Tôi muốn kể về tình yêu vĩnh cửu qua bộ phim này”, Jin nói.

Nhờ sự sát sao và tỉ mỉ của Jin, tác phẩm đậm chất hiện thực và bắt được nhiều tình tiết nhỏ thú vị. Jo Byeong-man và Kang Kye-yeol không hề diễn mà chỉ đơn giản là chính mình, làm mọi thứ hằng ngày vẫn làm. Chúng ta có thể gặp hình ảnh họ ở cha mẹ, ông bà mình. Sự phi thường của bộ phim bắt nguồn từ chính sự bình thường, tưởng chừng giản đơn đó.


Niềm cảm hứng xuyên biên giới

My love, don’t cross that river lần đầu ra mắt ở Liên hoan phim Tài liệu Quốc tế DMZ (Hàn Quốc) năm 2013, nơi nó đoạt giải thưởng do khán giả bình chọn. Một năm sau, tác phẩm làm nên câu chuyện cổ tích ở phòng vé, trở thành bộ phim độc lập ăn khách nhất mọi thời đại ở Hàn Quốc.

Nội dung ấm áp của tác phẩm đã chạm tới nhiều thế hệ người xem. Kim Eun-ah - một nhân viên văn phòng 28 tuổi - cho biết cô được truyền cảm hứng bởi sự gắn bó và tận tâm của đôi vợ chồng trong thời gian dài. “Chúng tôi sống trong một xã hội mà mọi thứ thay đổi quá nhanh, kể cả các mối quan hệ”, cô giải thích.

Chung Hye-ran - một phụ nữ ngoài 50 tuổi - nói muốn trải qua tuổi già cùng chồng như trong phim, để tìm hạnh phúc nơi những điều giản đơn.

Khi phim ra mắt ở Hàn Quốc, đạo diễn nghĩ đối tượng khán giả chủ yếu ngoài 40 tuổi. Nhưng rồi anh ngạc nhiên khi phòng chiếu tràn ngập những người thuộc độ tuổi 20 và 30. Chuỗi rạp CGV cho biết đến 54,2% số người xem vào khoảng 20 đến 29 tuổi. Những người trẻ lại giới thiệu nó cho bố mẹ mình để biến My love, don’t cross that river thành bộ phim quốc dân.


Tầm ảnh hưởng của tác phẩm dài 85 phút không dừng lại ở biên giới Hàn Quốc. Năm 2015, My love, don’t cross that river thắng giải phim tài liệu ở Liên hoan phim Los Angeles (Mỹ), sau đó được các nhà phê bình phương Tây tán dương. Tờ New York Times khen ngợi khả năng quan sát của đạo diễn và chất thơ trong phần hình ảnh.

Tờ Los Angeles Times nhận định phim kết hợp đầy cảm xúc giữa niềm vui và nỗi buồn. Cùng nhiều tác phẩm chất lượng khác, My love, don’t cross that river đã giúp nâng tầm điện ảnh Hàn Quốc trong mắt cộng đồng phim Âu Mỹ.

Cảm hứng từ tác phẩm này khiến Netflix sản xuất loạt phim tài liệu My love: six stories of true love, phát sóng vào tháng Tư năm nay. Loạt phim kể về sáu cặp đôi bền chặt ở Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazil và Ấn Độ. Mỗi nước có một đạo diễn theo chân họ trong một năm, ghi lại hoạt động lẫn cảm xúc, chia sẻ của các nhân vật.


Chính Jin Mo-young là giám đốc sản xuất loạt phim này với ước mơ chia sẻ thêm nhiều chuyện tình có thật, hy vọng khán giả học được những bài học giá trị từ đó. “Những câu chuyện với phần hình ảnh bắt mắt và kịch tính có thể truyền năng lượng cho bạn. Tuy nhiên, tôi tin những câu chuyện thật trong phim tài liệu có sức mạnh lớn hơn để mang lại thay đổi mạnh mẽ lẫn cảm hứng cho cuộc sống và thái độ của chúng ta”, anh chia sẻ với The Nerds of Color.

Trong những ngày thế giới tràn đầy lo lắng, bất an, My love, don’t cross that river có lẽ là sự lựa chọn dành cho những người đang mất niềm tin vào tình cảm, muốn chứng kiến tình yêu vĩnh cửu, hay chỉ là tìm một chút êm đềm, hạnh phúc giữa quá nhiều biến động này.

Ân Nguyễn



VỀ MIỀN TÂY SĂN CÚM NÚM

Cúm núm hay còn gọi là gà nước, sinh sôi nảy nở ở những cánh rừng tràm nội địa và sát biên giới Tây Nam. Người miền Tây không lạ với loại chim rừng này, bởi nó được xem là món khoái khẩu của dân miệt vườn lẫn người thành thị…

Cúm núm mái

Theo dân sành ăn, cúm núm mái mập mạp, thịt nhiều, mần món gì ăn cũng ngon, từ xào mướp, nướng lèo, xào lăn, khìa nước dừa… “Độc” hơn, cúm núm đem nấu chao, vịt xiêm ăn ngon không bằng...

Ông Ba Cua, ở cầu Lò Gạch, xã Lương An Trà, Tri Tôn cho biết: "Hồi đó, cúm núm bán rẻ, ít ai ăn, lâu lâu mới thấy có người mua một, hai con. Còn bây giờ, hổng đủ bán, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Bạn hàng miệt Vàm Rầy, Bình Sơn (huyện Kiên Lương) và Phú Mỹ, Tân Khánh Hoà (huyện Giang Thành) thu gom đem về mấy vựa lớn ở Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Đốc, Long Xuyên, rồi bán lại cho các nhà hàng".

"Cúm núm thuộc loài chim rừng, ăn uống theo thiên nhiên, thịt thơm nên khi ăn ai cũng thích, khi có “hàng” là có hàng sáo tới chỗ mua, bởi từ quán cóc ven đường cho đến nhà hàng và quán sang trọng… đều đưa món cúm núm vào thực đơn” –ông Ba Cua nói .

Cúm núm và chim rừng bán ở chợ Châu Đốc

Giá bán một ký cúm núm hiện nay trên dưới 400 ngàn đồng (khoảng 3 con mái hoặc 4 con trống). Một đêm, dân gác cúm núm bắt được cỡ 20 con là cả nhà sống khoẻ. Ông Năm Lưỡng, ở kinh T4, xã Vĩnh Gia, Tri Tôn kể: “Hồi đó, cúm núm còn nhiều, người ta đi gác phải có cúm núm mồi, còn bây giờ cách bẫy hiện đại hơn nhiều, thợ thầy đua nhau mua băng ghi âm, đĩa CD, MP3, MP4… đi bẫy”.

Nói về kỹ thuật bẫy cúm núm, ông Ba Chắc ở thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân kể thêm: “Ban đầu, người bẫy lấy thiếc cuốn tròn như cái bông bí, giống dạng cái loa. Đầu buổi săn, người bẫy cầm bông bí phát tiếng "cum, cum, cum", đến nửa đêm thì hạ giọng "cùm, cùm, cùm" cho con mồi định vị. Đến khoảng 2 - 3h sáng, người săn đổi giọng thành "cụp, cụp, cụp" như thể tiếng con trống gọi con mái. “Đặt nhiều bẫy cùng lúc, cúm núm mắc bẫy thấy ham, cứ gỡ xong thì lại gài tiếp. Loay hoay liên tục, mà quên luôn buồn ngủ", ông Chắc nói.

Bạn hàng ở Bình Sơn đưa cúm núm và chim trời về bán ở Long Xuyên

“Về khu vực Tứ giác Long Xuyên hỏi thăm tên ông Ba Thiền, Bảy Phiên, Năm Bền… hay các anh Mohamad Aly, Mohamad, Joseep… ai cũng biết, bởi tài gác cúm núm. Mùa lúa, mùa mưa, lúc nước lên ngập đồng, cúm núm nhiều vô số kể, chỉ cần quảy bẫy đi chừng một, hai tiếng đồng hồ thì chẳng những có một bữa cơm ngon mà còn có tiền dằn túi…”- ông Mười Quốc, ở Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu cho biết.

Ông Tư Diện, ở Ba Bài, xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc nói thiệt tình: “Cúm núm là động vật hoang dã không được đánh bắt và mua bán, song gác cúm núm là công việc lúc nông nhàn, đem về thu nhập khá sau hai mùa lúa. Sống ở ven rừng, phải nhờ vào rừng. Bắt cúm núm nhiều ăn hổng hết thì đem đi bán lấy tiền tiêu Đây còn là tập quán, sinh hoạt của dân vùng đất mênh mông… cò bay thẳng cánh như Tứ giác Long Xuyên này".

PHAN NGUYỄN
Theo: Báo An Giang online




Friday, October 28, 2022

KIẾM HIỆP KIM DUNG CÓ 1 NHÂN VẬT SỐNG DAI NHỜ VÔ DỤNG, ĐÓ LÀ AI?

Kiếm hiệp Kim Dung là "xã hội" hội tụ rất nhiều nhân vật võ công siêu phàm, đại diện cho chính - tà "không đội trời chung. Tuy nhiên, trong "xã hội" đó cũng có những nhân vật được gọi là "cao thủ chém gió".

Đào Cốc Lục Tiên

Kim Dung (tên thật là Tra Lương Dung, 1924 - 2018) là 1 trong những nhà văn có tầm ảnh hưởng nhất của văn học Trung Quốc hiện đại. Ông chính là "cha đẻ" của loạt tiểu thuyết kiếm hiệp "vang danh tứ phương".

Với trí tưởng tượng phong phú và bút pháp điêu luyện của mình, Kim Dung đã "vẽ" ra hằng hà sa số các nhân vật với những tính cách khác nhau. Có tà, có chính, đứng giữa lằn ranh tà - chính, hành xử theo cách riêng của mình...

"Tấu hài" kiếm hiệp Kim Dung

Như một cách làm dịu đi "chất căng" trong các cuộc luận anh hùng kéo dài bất tận, Kim Dung khéo léo chèn vào những nhân vật rất "tấu hài". Võ công của họ rất bình thường nếu không muốn nói là... tầm thường. Thế nhưng, chỉ cần họ xuất hiện là thấy cả bầu trời náo nhiệt.

Cụ thể, trong "Tiếu ngạo giang hồ", đó là hình ảnh Đảo cốc lục tiên với những lý luận đúng - sai không bao giờ có hồi kết khi ai cũng cho mình là đúng.

Trong "Thiên Long bát bộ", đó là Nam Hải Ngạc Thần nổi tiếng tàn ác nhưng luôn giữ chữ tín, đã hứa là làm, chấp nhận lạy "tiểu bối" Đoàn Dự làm sư phụ (và sau này cũng chết khá "oanh liệt" vì nghĩa cứu "sư phụ").

Hay nhân vật Bao Bất Đồng - thuộc hạ của Mộ Dung Phục với câu nói cửa miệng "sai bét, sai bét rồi", bất kể người đối diện tranh luận là ai.

Cừu Thiên Trượng dùng sự khéo tay, nghệ thuật sắp đặt của một "ảo thuật gia" để lừa người

Đến "Thần điêu hiệp lữ" thì có "ảo thuật gia" Cửu Thiên Trượng - anh em song sinh với Thiết chưởng thủy thượng phiên Cửu Thiên Nhẫn. Ngoại hình giống người em võ công bậc nhất nên Cừu Thiên Trượng đi khắp giang hồ "lừa người", tạo ra không ít tình huống hài hước, dở khóc, dở cười.

Hài hước hơn cả là hình ảnh Thái nhạc tứ hiệp xuất hiện ngay đầu "Uyên ương đao" với hình dáng vô cùng cổ quái theo kiểu "chân nhân bất lộ tướng" khiến ai mới nhìn cũng khiếp sợ. Nhưng sau một vài hồi chuyện, người đọc mới vỡ òa các bạn trẻ này "bất lộ tướng" mà cũng "bất chân nhân luôn".

Khua chân múa tay cho vui từ cái ngoại hiệu dài dằng dặc, đọc méo cả mồm như lão tứ trong Thái nhạc tứ hiệp là Bát Bộ Cản Thiêm, Trại Chuyên Chư, Đạp Tuyết Vô Ngấn, Độc Cước Thủy Thượng Phi, Song Thích Cái Thất Tỉnh Cái Nhất Minh, khi gặp "biến" là hô to "Gió lớn, gió lớn" chạy nhanh còn kịp!

Nói chung, trong kiếm hiệp Kim Dung có rất nhiều nhân vật vui vẻ, tấu hài, khả năng "chém gió" thuộc hàng thượng thừa. Nhưng võ công lại thuộc hàng "chán vô cùng".

Trong rất nhiều bộ kiếm hiệp của Kim Dung, chỉ có duy nhất 1 nhân vật võ công hạng bét, chém gió bị bắt bài mà vẫn "sống thọ", đó là Vạn Thọ Vô Cương Thọ Nam Sơn trong "Ỷ thiên đồ long ký".

Thọ Nam Sơn chém gió, sống dai nhờ... vô dụng

Vạn Thọ Vô Cương Thọ Nam Sơn chỉ xuất hiện trong "ý thiên đồ long ký" ở vài trang ít ỏi nhưng lại ghi dấu ấn khó quên.

Cụ thể, trên hành trình đi tìm nghĩa phụ Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn, Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn tóm được Thọ Nam Sơn như một đầu mối. Thực tình, Thọ Nam Sơn chưa từng gặp Tạ Tốn, vậy mà dám khoe vốn hiểu biết của mình, hắn sẵn sàng tô vẽ chuyên về hình dáng như: khổng lồ, đặc biệt là đôi mắt sáng quắc" (nhân vật võ lâm cao thủ nào đôi mắt chả sáng, toát lên thần khí hắn đoán vậy chứ ai ngờ Tạ Tốn bị mù) khi đối thoại với Trương Vô Kỵ.

Tài của Thọ Nam Sơn là khi bị gặng hỏi, hắn "lùi dần". Bắt đầu là "chắc tiểu nhân nhìn lầm người" và cuối cùng khi biết không thể chối, Thọ Nam Sơn mạnh dạn thừa nhận chưa từng gặp Tạ Tốn. Hắn chỉ nghe các "sư huynh nói lại mà thôi".

Triệu Mẫn - Trương Vô Kỵ

Điệu bộ và cách ăn nói uyển chuyển, nhất là tài "đi chợ nấu cơm" của Thọ Nam Sơn đã khiến Triệu Mẫn "máu lạnh" cũng phải bật cười.

"Thọ Nam Sơn, ngươi học võ thì chẳng bằng ai nhưng làm quản gia thì thật là nhân tài hạng Nhất", Triệu Mẫn dành lời khen cho "lão quan gia" ngắn hạn Thọ Nam Sơn.

Sau cùng, Thọ Nam Sơn được Triệu Mẫn tha vì giữ lại cũng chẳng giúp ích gì trong việc tìm kiếm tung tích Tạ Tốn.

Tha rồi Triệu Mẫn còn kèm theo lời "hù" cả đời còn lại chỉ sống ở phương Nam, sống ở nơi càng nóng càng tốt chứ "thấy băng tuyết là lăn ra chết ngay".

Thọ Nam Sơn giảo hoạt là thế mà khi bị "dọa chết" là lập tức vô cùng "cẩn thận", y lời Triệu Mẫn cả đời còn lại "cửa đóng then cài", giữ gìn sức khỏe mỗi khi "thay đổi thời tiết", "gió máy" và quả thật sống rất dai, đúng với biệt danh Vạn Thọ Vô Cương!

Theo: Dân Việt

TỪ LỄ HALLOWEEN SUY NGẪM VỀ CÁCH NHÌN NHẬN VÀ ĐỐI ĐÃI VỚI NHỮNG BIẾN DẠNG VĂN HÓA

Halloween là lễ hội hay trò chơi, là văn hóa truyền thống phương Tây hay là sự biến dạng văn hóa, là vui chơi giải trí vui vẻ hay ẩn chứa những nguy hại đối với con người?


Halloween không phải là trò chơi

Nhắc đến lễ hội Halloween, có lẽ nhiều người đã biết. Về thời gian, đó là tối 31/10. Về hoạt động, người ta trang trí không gian và hóa trang mình với những mặt nạ quỷ, trang phục phù thủy, xác sống, thây ma, đầu lâu xương chéo, đầu bí ngô, hình tượng ma sói, ma cà rồng v.v. bất cứ hình tượng nào gây nên cảm giác sợ hãi và thích thú. Trẻ em thì kéo nhau đi gõ cửa để xin kẹo. Những hoạt động này ngày càng rầm rộ ở các thành phố lớn ở Việt Nam, như một biểu hiện của sự “hòa nhập” với “văn minh” phương Tây và tinh thần vui chơi vô lo vô nghĩ.

Có lẽ cũng như nhiều hoạt động văn hóa khác hiện nay, nguồn gốc xuất xứ của lễ hội Halloween không được để tâm lắm. Bởi vì đa phần người tham gia cho rằng chẳng qua nó chỉ là một hoạt động vui chơi vô hại, chơi xong thì thôi, cần gì phải làm quá lên.

Thực tế thì Halloween chưa bao giờ là một hoạt động vui chơi vô tư, lại càng chẳng vô hại.

Nguồn gốc của lễ hội Halloween

Khi đó là khoảng hơn 2,000 năm trước tại khu vực sinh sống của người Celt cổ, ngày nay là Ireland, Anh quốc và miền bắc nước Pháp.

Vào đêm trước năm mới tức là đêm 31/10, diễn ra một lễ hội kỳ lạ của người Celt cổ gọi là lễ hội Samhain. Trong lễ hội này, người ta hóa trang thành những hình thù ma quái, những con quái vật, lũ ác quỷ. Bởi vì người Celt tin rằng vào thời điểm này, cánh cổng kết nối giữa dương gian và thế giới âm hồn mở ra, những linh hồn thiện - ác cũng theo đó mà quay lại nhân gian. Để tránh bị những linh hồn tà ác ăn thịt, người ta bèn hóa trang cho giống với vẻ ngoài của chúng.

Điều này có ý nghĩa tương tự tục xăm mình của người Việt cổ - xăm hình thuồng luồng lên người để khi xuống nước khỏi bị nó làm hại; hoặc mẹo đeo mặt nạ sau gáy của người châu Phi khi đi rừng, để tránh bị thú dữ họ mèo vồ trộm từ phía sau; hay tục lệ đặt tượng thủy quái ở mũi tàu của người Châu Âu để tránh bị thủy quái quấy nhiễu… làm vậy cũng là vạn bất đắc dĩ, chứ chẳng phải vui thú gì.

Đồng thời trong ngày lễ Samhain có những người cải trang thành linh hồn người chết, đi lang thang từ nhà này sang nhà khác để xin thức ăn, đổi lại họ sẽ cầu nguyện cho người thân đã khuất của mỗi gia đình đó. Đó là nguyên gốc của trò chơi khăm “Trick or Treat” sau này.

Người La Mã đã chinh phục người Celt vào thế kỷ thứ 1 sau CN, sau đó các nhà truyền giáo Cơ Đốc đã thay thế Samhain bằng ngày “Lễ các Thánh” ngày 1/11 (All Saints’ Day) và “lễ Các Đẳng linh hồn” ngày 2/11 (All Souls’ Day). Trong khi “Lễ Các Thánh” nêu tấm gương ngoan đạo của các vị Thánh Cơ Đốc giáo, thì “Lễ Các Đẳng linh hồn” cầu xin lòng thương xót của Chúa đối với các linh hồn.

Samhain có nguồn gốc ngoại giáo của người Celt địa phương đã được chủ tâm thay thế bằng những ngày lễ Cơ Đốc như vậy đó.

Các nhà truyền giáo Cơ Đốc đã thay thế Samhain bằng ngày “Lễ các Thánh”. (Ảnh: miền công cộng)

Nhưng không vì thế mà nó biến mất.

Những người Anh đầu tiên mang tín ngưỡng Thanh giáo đặt chân lên vùng đất New England chính là những trụ cột của xã hội Hoa Kỳ sau này, từ trong cộng đồng đó xuất sinh những bậc quốc phụ của nước Mỹ, nhưng họ phản đối mạnh mẽ Samhain. Chỉ đến giữa thế kỷ 19 khi những người Ireland và Scotland nhập cư vào nước Mỹ, thì lễ hội Samhain mới dần dần được coi là một ngày lễ lớn của Hoa Kỳ, lúc đó nó có tên là Halloween, và theo sự ảnh hưởng của văn hóa Mỹ, ngày lễ này đã lan rộng khắp thế giới.

Từ trốn tránh ma quỷ đến truy cầu ma quỷ

Như vậy, xuất phát điểm Halloween là một ngày lễ trong đó người Celt tìm cách trốn tránh ma quỷ để khỏi bị làm hại, sau đó nó bị thay thế bởi những nghi lễ thiêng liêng của Cơ Đốc giáo, rồi nó tìm được cơ hội tái sinh ở Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ - một đất nước với lịch sử non trẻ nhưng có ảnh hưởng vô cùng mạnh về truyền thông và văn hóa giải trí. Đến nay thì Halloween dường như đã trở thành một “ngày hội của ma quỷ” trên khắp thế giới.

Đồng thời những hình tượng gây sợ hãi trong Halloween đã cực kỳ phong phú so với khi xưa. Vô số chủng loại ma quỷ quái vật được sản xuất ra từ cái “lò phim ảnh” Hollywood, những hình ảnh biến dạng méo mó trong hội họa hiện đại của các họa sĩ tâm thần, những tên sát nhân biến thái ngoài đời thực v.v. hết thảy những hình tượng miễn là đáng sợ đều được “tổng động viên” vào đội quân ma quỷ hùng hậu trong những ngày cuối cùng của tháng 10 hàng năm.

Chẳng hạn hình tượng tên sát nhân ăn thịt người hàng loạt Jeffrey Dahmer, nhân vật hư cấu Jason Voorhees trong loạt phim “Thứ 6 ngày 13”, tên sát nhân biến thái Joker trong loạt phim siêu anh hùng DC… đều được hâm mộ cuồng nhiệt và được rất nhiều người lựa chọn để hóa trang.

Từ khi nào trong tư tưởng của loài người, sự phóng túng buông thả đã thắng thế để cho những hình tượng tội ác, lũ ma quỷ, loài quái vật nhẽ ra phải bị khinh bỉ và xa lánh, lại được tôn vinh như những anh hùng?

Sự phóng túng buông thả đã thắng thế để cho những hình tượng tội ác, lũ ma quỷ, loài quái vật nhẽ ra phải bị khinh bỉ và xa lánh, lại được tôn vinh. (Ảnh getty)

Có phải mọi chuyện đã đi quá xa và đa phần người ta vốn chỉ muốn “vui thôi” nhưng đã “vui quá”?

Ngưu tầm ngưu mã tầm mã

Người Việt có câu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, tương tự người Trung Hoa có câu “vật họp cùng loài, người phân theo nhóm”, hoặc người phương Tây lại nói thẳng rằng: “Hãy cho biết bạn anh là ai, tôi sẽ nói anh là người thế nào”.

Thời Chiến Quốc, vua Tề Tuyên Vương khát khao người tài để trị quốc. Thuần Vu Khôn là hiền sĩ nổi tiếng của nước Tề, lúc ấy trong một ngày đã tiến cử cho Tề Tuyên Vương không phải một, mà đến bảy nhân tài.

Tề Tuyên Vương mới ngạc nhiên hỏi đại khái rằng: “Nhân tài trong nghìn dặm khó kiếm được một người. Vậy làm sao trong một ngày lại có thể tiến cử được những 7 hiền sĩ như vậy?”.

Thuần Vu Khôn trả lời: “Vật cùng chủng loại mà tập hợp, người cùng chung chí hướng mà hội tụ thành nhóm, Thuần Vu Khôn thần đây là một hiền tài, nay đại vương tìm kiếm hiền tài ở chỗ thần cũng giống như lấy nước ở sông, lấy lửa ở trong đá lửa vậy, những người mà thần muốn tiến cử đâu chỉ có bảy người này thôi!”.

Những người có phẩm chất tương đồng với nhau sẽ tìm đến nhau, những vật có tính chất giống nhau thường đi thành bầy. Một cá nhân cảm thấy thoải mái khi ở trong một đám đông cùng tính chất, thường là vì cá nhân ấy là một trong số họ.

Vậy cớ gì lại chiêu tập ma quỷ đông đảo như vậy? Phải chăng vì bất đắc dĩ nên tính kế trốn tránh ma quỷ như người Celt cổ? Không. Hay vì đó là một tục lệ lâu đời của xứ ta? Cũng không. Hay bị ai đó đè nén ép buộc phải làm? Cũng không nốt, vì người ta vui vẻ tự nguyện tham gia trò chơi này. Dĩ nhiên đó là một tâm thái hoàn toàn khác, là thứ tâm thái thừa nhận ma quỷ, truy cầu ma quỷ, rõ ràng ma quỷ không thể bỏ lỡ cơ hội này.

Như phát ngôn của nhà thờ Satan giáo: “Chúng tôi coi ngày lễ này là đêm mà con người thế gian đang cố gắng vươn tay vào bên trong và chạm vào ‘bóng tối của địa ngục”.
 
Thí nghiệm của các nhà khoa học về hình ảnh tích cực & tiêu cực

Trong tác phẩm: “Thông điệp của nước” & “Bí mật của nước”, tiến sĩ người Nhật Masaru Emoto đã làm thí nghiệm tạo tinh thể nước khi cho nước tiếp xúc với các tác nhân khác nhau như âm nhạc, hình ảnh, ngôn ngữ.

Kết quả là khi nước tiếp xúc với tác nhân tích cực như hình ảnh mẹ Teresa - một nữ tu Công giáo nổi tiếng thiện hạnh thì cho tinh thể rất đẹp đẽ, cân xứng. Còn khi nước tiếp xúc với hình ảnh của trùm phát xít Adolf Hitler, thì nước không tạo được tinh thể, thay vào đó là một hình ảnh méo mó, tối đen ghê rợn, cũng giống như khi nước tiếp xúc với từ “ma quỷ” vậy.

Tiến sĩ người Nhật Masaru Emoto đã làm thí nghiệm tạo tinh thể nước.

Với một cách tiếp cận khác dựa trên lý thuyết về về cơ thể động học, các nhà khoa học người Mỹ như tiến sĩ George Goodheart & tiến sĩ David R. Hawkins đã thực hiện hàng triệu thí nghiệm cho thấy cơ bắp thân thể người luôn cho câu trả lời chính xác và nhất quán. Với tác nhân tích cực, lẽ phải, điều tốt… thì cơ bắp mạnh lên; và ngược lại. Một trong số thí nghiệm đó cho thấy phản ứng yếu đi của cơ bắp khi người ta nhìn thấy hoặc chỉ cần tưởng tượng về những hình ảnh của ma quỷ hay kẻ ác như Adolf Hitler, và mạnh lên khi nhìn thấy hoặc tưởng tượng về những hình ảnh tích cực: Thần Phật, người tốt, thiên nhiên tươi đẹp v.v.

Cũng trên cơ sở ấy, một nhà khoa học người Đài Loan là phó giáo sư tiến sĩ Dương Thạc Anh của trường Đại Học Trung Sơn đã cho người được thí nghiệm xem chân dung của thiên tài Einstein hay nữ tu Thánh Teresa, hoặc xem biểu diễn của đoàn múa Vân Môn (Đài Loan), cơ bắp họ mạnh lên; còn nếu xem hình ảnh của Adolf Hitler hoặc bức tranh “Tiếng thét” của danh họa người Na Uy là Edvard Munch thì cơ bắp họ yếu đi rõ rệt. Cho kết quả tương tự là những thí nghiệm của tiến sĩ người Úc John Diamond, đó là khi người ta xem ngắm những tranh ảnh hiện đại trừu tượng ấn tượng thì cơ bắp yếu đi so với khi họ ngắm tranh Phục Hưng.

Gia đình giáo sư Dương Thạc Anh. (Ảnh: qua Epochtimes)

Vậy kết quả ra sao nếu con người bị vây chung quanh bởi những hình ảnh ma quỷ tràn ngập trong ngày lễ Halloween?
 
Tâm lý hâm mộ những thứ đáng ghê sợ và tiếng nói phản đối chính đáng

Khi hình tượng những tên sát nhân ăn thịt người gớm ghiếc như Jeffrey Dahmer làm mưa làm gió ở các rạp chiếu phim, đi vào các bài hát ăn khách (ví như “Dark Horse” năm 2013) của những “siêu sao ca nhạc” như Katy Perry thì công chúng, đặc biệt là giới trẻ cũng hết sức hào hứng để nói về những con quái vật này như thể là “người của công chúng”.

Trên TikTok, clip "Điều gì sẽ xảy ra nếu Jeffrey Dahmer đến từ Argentina?" nhận được 350.000 lượt thích; 2 triệu lượt thích là con số cho một bài đăng trong đó một người đưa ra giả thiết bạn cùng phòng là kẻ giết người hàng loạt.

Một tài khoản có 1,4 triệu người theo dõi là DuB family đã đăng clip "sống như Jeffrey Dahmer trong suốt một ngày".

Và đặc biệt, người ta còn hóa trang thành hình tượng Jeffrey Dahmer trong ngày lễ Halloween

Hỏi rằng bao nhiêu năng lượng tích cực, bao nhiêu chính khí đã bị lấy đi với những sản phẩm nghe nhìn vô trách nhiệm ấy? Và bao nhiêu con quái vật được tạo mới khi người ta tôn vinh những thứ giá trị ghê rợn ấy.

Những gia đình nạn nhân của Jeffrey Dahmer đã lên tiếng phản đối điều này, giống như nỗi đau của họ bị đào bới và bị khai thác, phải chi những người tôn vinh Dahmer có cùng cảnh ngộ với những nạn nhân và gia đình họ, không biết người ta còn tôn vinh hắn nữa không?

Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông Mỹ đang cảnh báo về việc hóa trang thành Jeffrey Dahmer vào ngày lễ Halloween là không phù hợp. Tờ New York Post viết: "Đó không phải là trang phục mà bạn nên mặc trong dịp Halloween này".

Nhiều người dùng Instagram đóng giả Dahmer tại các bữa tiệc Halloween đã gỡ các hình ảnh, bài đăng. Những người khác đã bị xóa ảnh bởi chính nền tảng, sau khi có báo cáo từ người dùng.

Một số tập đoàn lớn như eBay cũng loại bỏ quần áo hoặc phụ kiện được bán dưới dạng trang phục của Jeffrey Dahmer, dẫn ra chính sách của họ là: "Không cho phép các sản phẩm quảng bá hoặc ca ngợi lòng thù hận, bạo lực hoặc phân biệt đối xử".

Vậy với chính ngày lễ Halloween thì nên đối đãi ra sao?

Quên lãng là cách phủ nhận hữu hiệu nhất những điều tiêu cực

Một thí nghiệm của tiến sĩ Emoto đã được người dân khắp nước Nhật bắt chước làm theo. Họ chuẩn bị 3 lọ cơm giống nhau. Hàng ngày một lọ được nghe từ “cảm ơn”, lọ kia bị nghe mắng “đồ ngốc, còn một lọ thì bị lờ đi coi như không tồn tại.

Kết quả sau một tháng, lọ cơm bị mắng bị thiu hỏng, lọ cơm được cảm ơn tỏa hương thơm, nhưng lọ cơm bị bỏ rơi còn hỏng trước cả lọ cơm bị mắng.

Có nghĩa là năng lượng sẽ được cấp nhiều nhất khi được tôn vinh, ít hơn nhiều khi bị bài xích, nhưng là ít nhất khi bị tảng lờ, bỏ rơi, không tôn vinh không bài xích, mà xem như nó không tồn tại. Đây hoàn toàn là vấn đề của lựa chọn tâm thái.

Những điều xấu, tiêu cực, cần phải được nhận diện nhưng không nên thừa nhận, cần coi khinh mà chẳng tôn vinh, cần bị quay lưng chứ chẳng nên hào hứng. Nó sẽ không có năng lượng để tồn tại.

Ngược lại, phải ra sức vun bồi những giá trị tích cực, ca ngợi cái Thiện và vẻ đẹp chân chính, những giá trị văn hóa truyền thống, năng lượng tích cực ấy sẽ được tiếp sức, lan tỏa, tự khắc những sản phẩm tà ác cũng bị đẩy lui.

Ấy cũng là hành động có ý thức để gieo nhân tốt và lựa chọn tương lai tốt đẹp cho mình.

(Bài viết chỉ thể hiện ý kiến cá nhân tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Phong / NTDTV

TÂM VÀ CẢNH KHÔNG DÍNH NHAU LÀ GIẢI THOÁT

Sống trên đời, hàng ngày chúng ta tiếp xúc với cảnh bên ngoài. Mắt thấy sắc. Tai nghe âm thanh, lời nói. Mũi ngửi mùi hương. Lưỡi nếm vị. Thân xúc chạm. Ý nghĩ duyên theo pháp trần hay các bóng ảnh, dấu ấn ngoại cảnh ở trong tâm. Nhà Phật gọi chung sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp6 trần.


Trong cuộc sống hàng ngày, khi 6 căn tiếp xúc với trần cảnh như vậy, tâm con người hay bình phẩm phán xét: đẹp hay xấu (mắt), dễ nghe hay khó nghe (tai), thơm tho hay hôi hám (mũi), ngon hay dở (lưỡi), mịn màng hay thô nhám (thân), thương hay ghét (ý). Các cảm thọ dễ chịu, khó chịu hay trung tính khi các giác quan của chúng ta tiếp xúc với ngoại cảnh sẽ làm phát khởi các cảm xúc yêu ghét mừng giận thương lo buồn tủi… và chúng ta gắn cái tôi của mình vào đó: Tôi yêu cái này, tôi ghét cái kia…

Chúng ta thích ngắm người đẹp, thích nghe lời khen, thích hương thơm, ăn ngon, sống tiện nghi thoải mái, hay du ngoạn đây đó để thoả mãn các giác quan. Điều đó cũng tốt thôi nhưng khi nó trở thành mục đích của cuộc đời, khi hưởng thụ dục lạc trở thành lẽ sống thì phiền não đau khổ nảy sinh là điều tất yếu.

Bởi vậy các bậc thầy dạy rằng chính sự bám chấp, dính mắc vào ngoại cảnh là nguồn gốc của phiền não. Nó khiến chúng ta tạo nghiệp, thường là bất thiện nghiệp. Chúng ta bắt đầu khởi tâm tham ái, mong muốn có được những thứ mình yêu thích hoặc tâm sân giận, cố gắng chối bỏ những gì mình không ưa thích bằng mọi cách.


Người biết tu tập muốn trưởng dưỡng trí tuệ, sống an lạc tự tại, cần phải nhận rõ nguyên nhân khiến chúng sinh trầm luân trong sinh tử luân hồi chính là do tâm dính mắc này.

– Nếu mắt thấy sắc, tâm không phán xét đẹp xấu, khỏi bị trói buộc.

– Nếu tai nghe tiếng, tâm không phán xét, khỏi bị não phiền.

– Nếu mũi ngửi mùi, tâm không phán xét, khỏi bị bực mình.

– Nếu lưỡi nếm vị, tâm không phán xét, khỏi tạo nghiệp chướng.

– Nếu thân xúc chạm, tâm không phán xét, khỏi bị tham đắm.

– Nếu ý nhớ tưởng, tâm không phán xét, khỏi khởi sân hận, hay luyến tiếc, nhớ thương.

Tâm không phê phán, không dính mắc nghĩa là không quy gán, không chạy theo cảm thọ, chạy theo vọng tưởng sanh diệt, không để ngoại cảnh lôi cuốn sai sử, chứ không phải chúng ta trở thành gỗ đá không có nhận thức hay cảm xúc gì.

Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thấy, vẫn nghe, vẫn hiểu, vẫn biết tất cả các cảnh trên đời, nhưng nếu tâm không dính mắc, không tham đắm, thì không có phiền não. Không phiền não tức là giải thoát.

Để làm được điều này, chúng ta cần rèn luyện tâm.

Trước hết, chúng ta phải biết phòng hộ 6 căn hay 6 cửa ngõ nơi thân mình tiếp xúc với trần cảnh bên ngoài. Điều đó không có nghĩa là chúng ta bịt tai bịt mắt không nghe không nhìn gì cả mà tỉnh thức hơn trong việc lựa chọn những gì chúng ta thu nạp mỗi ngày qua các giác quan. Đừng mở toang 6 cánh cửa này để tất cả những bụi bặm rác rưởi ngoài kia tràn ngập căn nhà tâm của mình, kích động lòng tham, sự u mê và hận thù nơi tâm mình. Đồng thời, chúng ta cần trau dồi trí tuệ để nhận ra bản chất vô thường của vạn pháp thế gian, của cuộc đời, để bớt dần bám chấp vào các cảm thọ, bất kể vui hay khổ bởi chúng ta biết rằng bản chất của nó cũng vô thường sinh diệt, nó không phải là mình, càng không phải là bản chất thật của mình.


Rồi từng bước, khi chúng ta có đủ định lực, sức mạnh nội tâm, chúng ta sẽ có thể vững vàng trước mọi thuận nghịch của cuộc đời và chúng ta sẽ thực sự ngộ ra rằng nơi chốn nương náu bình an nhất không phải trên núi cao hay ở một bờ biển xa xôi nào mà vốn sẵn ngay tâm mình.

Tâm và cảnh không dính nhau là giải thoát.

Quang Minh (tổng hợp)