Sở dĩ Veuve Clicquot chọn tàu ''Tốc hành Phương Đông'' (Orient Express) làm nơi tổ chức sự kiện là vì cả hai thương hiệu này đều thuộc cùng một chủ. Hiệu sâm banh màu vàng cam được sáp nhập vào tập đoàn xa xỉ phẩm hàng đầu của Pháp LVMH từ năm 1987, còn tuyến tàu ''Tốc hành Phương Đông'' (Venice Simplon-Orient Express) do công ty Anh Belmond khai thác cũng thuộc quyền sở hữu của LVMH, chuyên tái tạo khung cảnh xa hoa của các chuyến tàu sang trọng, dành cho thành phần du khách có tiền.
Sâm banh hảo hạng trên Tàu Tốc hành Phương Đông
Tàu Tốc hành Phương Đông (Orient Express) ra đời vào năm 1888, thật ra đã ngưng dịch vụ chuyên chở hành khách từ năm 2009, sau đó chủ yếu được khai thác cho những sự kiện lớn hay dành cho thành phần du khách muốn trải nghiệm những chuyến tham quan mang tính ''huyền thoại'', làm sống lại khung cảnh thời xưa. Đối với công ty Veuve Clicquot (được thành lập vào năm 1772), việc kỷ niệm sinh nhật 250 tuổi qua chuyến đi tàu Orient Express mang nhiều ý nghĩa lịch sử. Các hành khách sẽ lên tàu tại Reims, nơi có trụ sở của Veuve Clicquot vào ngày 05/06/2022 và hai ngày sau khách sẽ đến Venise, vốn là điểm xuât khẩu đầu tiên của hiệu sâm banh này.
Quầy âm banh trong toa xe Venice Simpion-Orient Express
Lịch sử của hai thương hiệu này có nhiều giai thoại gắn liền với nhau. Trong kho tài liệu lưu trữ từ hơn hai thế kỷ qua, có một lá thư đề ngày 01/12/1883 của ông Auguste Boncorps chủ cửa hàng đại lý Veuve Clicquot tại Bỉ cho biết là ông Georges Nagelmackers (1845-1905), nhà sáng lập công ty dịch vụ Wagons-Lits đã nhận lời đưa sâm banh Veuve Clicquot vào danh sách các loại rượu vang nhằm phục vụ khách du lịch quốc tế thời bấy giờ. Bảo tàng rượu vùng Champagne cũng có lưu trữ hai tấm thực đơn năm 1905 và năm 1913, theo đó hiệu sâm banh này chủ yếu được dùng để phục vụ thực khách trong giờ khai vị.
Khi đọc quyển tiểu thuyết ''Án mạng trên chuyến tàu Tốc hành Phương Đông'' với nhân vật chính thám tử Hercule Poirot, độc giả tinh ý có thể nhận thấy là nữ hoàng truyện trinh thám Agatha Christie không nhắc đến Veuve Clicquot. Ngược lại trong quyển ''Meurtre au Champagne'' (Sparkling Cyanide), Agatha Christie có nhắc tới ly rượu sâm banh Veuve Clicquot có tẩm thuốc độc. Trong phiên bản điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết ''Murder on the Orient Express'' (Án mạng trên tàu Tốc hành Phương Đông) đạo diễn Kenneth Branagh đã có chủ ý khi đưa rượu sâm banh Veuve Clicquot lên màn ảnh lớn.
Lịch sử lâu đời của hai dòng họ Clicquot-Ponsardin
Ngược dòng thời gian lùi về năm 1772, ông Philippe Clicquot-Muiron, một thương gia ở Reims thành lập công ty Clicquot để mở rộng hoạt động kinh doanh sang ngành rượu sâm banh. Con trai trưởng của ông, François Clicquot (24 tuổi) nối nghiệp cha, lên điều hành công ty vào năm 1798. Trong cùng năm ấy, François Clicquot kết hôn với cô Barbe-Nicole Ponsardin, xuất thân từ một gia đình cực kỳ giàu có. Thân phụ của cô nhờ kinh doanh phát đạt nên sau đó từng được phong làm thị trưởng Reims theo sắc lệnh của hoàng đế Napoléon Đệ Nhất.
Sau 6 năm lập gia đình, François Clicquot không may qua đời vì bạo bệnh vào năm 1805 khi mới ở tuổi 31, để lại người vợ góa còn rất trẻ. Barbe-Nicole Ponsardin lúc ấy chỉ mới 27 tuổi, nhưng khi lên nắm quyền điều hành công ty, cô gái còn non tay nghề này đã chứng tỏ bản lĩnh của mình, một phụ nữ với kiến thức sâu rộng, biết trọng dụng nhân tài và có tài kinh doanh khi phải lấy một số quyết định khó khăn cần thiết. Từ năm 1810, công ty được đặt tên chính thức là Veuve Clicquot-Ponsardin. Hình ảnh của goá phụ tạo thêm bề dày cho một phụ nữ vốn còn non tuổi đời, cũng như kinh nghiệm thương trường.
Quả thật là vào cái thời mà xã hội Pháp còn nhiều thành kiến đối với vai trò của người đàn bà, phải có một bản lĩnh phi thường như Barbe-Nicole Ponsardin mới có thể vượt qua biết bao rào cản, hầu gầy dựng uy tín của những chai rượu sâm banh hiệu Veuve Clicquot. Với thời gian hiệu này trở thành một trong những kiểu chai sâm banh hạng sang của Pháp thuộc vào hàng ăn khách nhất trên thế giới.
Những thành đạt về mặt kinh doanh của Goá phụ Clicquot Ponsardin được xem là một trường hợp cá biệt, vượt ra ngoài thông lệ của xã hội Pháp vào đầu thế kỷ XIX. Khi người chồng đột ngột qua đời năm cô 27 tuổi, đáng lẽ ra cô phải dành cả cuộc đời để dạy dỗ đứa con 6 tuổi. Nhưng rốt cuộc cô đã tiếp tục công việc kinh doanh của chồng mình mà vẫn không xao lãng việc chăm sóc nuôi nấng đứa con. Vào cái thời mà vai trò phụ nữ được xếp vào hạng thứ yếu : ở nhà phải nghe lời cha mẹ, đến khi về nhà chồng, thì đặt đâu phải ngồi đó, cho nên quyết định của goá phụ Clicquot Ponsardin vừa kinh doanh vừa nuôi con là một ý tưởng táo bạo, có thể là do hoàn cảnh bắt buộc nhưng vẫn đi trước cái thời mà cô đang sống.
Veuve Clicquot : Ý chí kiên cường, nghị lực phi thường
Ngay từ lúc lên điều hành, goá phụ Clicquot Ponsardin đã ý thức đến tầm quan trọng của thị trường xuất khẩu đối với tuổi thọ của công ty. Trên thực tế, những chai rượu sâm banh Veuve Clicquot đầu tiên được bán sang Mỹ là vào năm 1798. Nhưng ván bài đầy rủi ro nhất là vào năm 1814, khi cô Clicquot Ponsardin đích thân giám sát việc chuyên chở 10.000 chai rượu sâm banh hảo hạng (niên hiệu 1811) đến thành phố Saint Petersburg, bất chấp lệnh cấm vận thương mại của hoàng đế Napoléon Đệ Nhất đối với nước Nga. Nhưng cũng chính những mối rủi ro ấy đã đem lại một nguồn doanh thu quan trọng, một hợp đồng dài lâu cho thương hiệu này.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Sa hoàng Alexandre Đệ Nhất hầu như chỉ dùng sâm banh Veuve Clicquot, giai thoại còn kể rằng cách khui sâm panh bằng việc dùng kiếm chém vào cổ chai đến từ giới sĩ quan và kỵ binh trong quân đội Sa hoàng. Nước Nga cũng trở thành một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất đối với công ty này, khi chiếm gần hai phần ba doanh thu hàng năm của Veuve Clicquot trong suốt thế kỷ XIX. Ngoài nước Nga, sâm banh Veuve Clicquot từ cuối thế kỷ XVIII đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Sau Hoa Kỳ và Nam Mỹ từ những năm 1798, hiệu này còn xuất hàng lần đầu tiên sang Trung Quốc và Úc từ năm 1847.
Dưới thời điều hành của bà Barbe-Nicole, công ty Veuve Clicquot Ponsardin đã nghiên cứu phát minh một số kỹ thuật mới, khi hoàn chỉnh vào năm 1818 việc pha trộn vang làm với nho đỏ và vang nho trắng để sản xuất ra loại rượu sâm banh màu hồng. Trước đó, người ta chỉ dùng những quả mọng để pha thêm màu sắc (hồng hay đỏ) cho rượu vang trắng. Kỹ thuật dùng trái mọng để pha sắc tuy tạo thêm màu đẹp nhưng lại phần nào ảnh hưởng tới hương vị của sâm banh, trong khi cách pha trộn nho dùng để làm vang trắng với nho vang đỏ lại tạo ra được một loại sâm banh có hương vị cầu kỳ, đặc sắc hơn.
Qua đời vào năm 1866 hưởng thọ 89 tuổi, bà Clicquot Ponsardin đã sắp xếp mọi chuyện, ngay cả việc đào tạo trong một thập niên người đủ đáng tin cậy để kế vị sự nghiệp của gia đình. Nhờ vậy, quá trình chuyển tiếp đã diễn ra suôn sẻ trong những thập niên kế tiếp. Veuve Clicquot vẫn được xuất khẩu đều đặn cho dù nhân vật trụ cột của công ty qua đời. Hiện giờ, doanh thu của Veuve Clicquot xấp xỉ một tỷ euro với hơn 22 triệu chai sâm banh sản xuất hàng năm.
Sinh thời, Veuve Clicquot Ponsardin còn được mệnh danh là ''La Grande Dame'' với hình ảnh của một ''mệnh phụ phu nhân'' quyền quý cao sang. Thế nhưng, Barbe-Nicole Clicquot Ponsardin có tướng mệnh phụ không phải nhờ lấy được chồng giàu. Bà sống thọ, có số hưởng khi đến tuổi già, phần lớn cũng nhờ vào tất cả những gì bản thân bà đã tạo ra. Một người đàn bà có ý chí kiên cường, thành danh nhờ nghị lực phi thường.
Tuấn Thảo
Theo RFI Tiếng Việt
Link tham khảo:
No comments:
Post a Comment