Tiểu hòa thượng Nhất Thiền đứng trong sân chùa đưa mắt nhìn theo chú chim non đang tung tăng chuyền cành và dang đôi cánh nhỏ của mình để tập bay. Chú chim non đang học những bài tập bay đầu đời, rồi đây chú sẽ tung đôi cánh mà bay lượn khắp nơi, làm bạn với bầu trời, đến những nơi mà chú thích.
Sư phụ của Nhất Thiền đang quét sân. Trông thấy chú đứng ngây người hồi lâu, bèn tiến đến hỏi. Nhất Thiền nói: “Sư phụ, người xem những chú chim kia thật sung sướng biết bao!”.
Sư phụ ngừng tay chổi, đưa mắt nhìn những chú chim non đang học chuyền cành, cảm thán nói:
“Nhất Thiền à, con xem, sau khi học bay được rồi, những ngày tháng sau này chú chim kia sẽ không còn muốn đáp xuống mặt đất nữa. Và con người cũng lại như thế, một khi đã quen sống đủ đầy sung túc thì đến khi phải húp cháo trắng qua ngày sẽ chẳng thể chịu được, cảm thấy cuộc đời thật vô vị nhàm chán.
Vậy nên, con người ta đau khổ không phải là vì không đạt được thứ mình muốn, mà là vì lo sợ khi có rồi sẽ lại mất đi. Thất bại cũng vậy, đôi khi thất bại không phải là bởi nếm trải quá nhiều khổ cực mà là bởi vẫn còn hoài niệm về tháng ngày sung sướng khi xưa”.
Mỗi người đều phải đối diện với rất nhiều mất mát trong cuộc đời. Nếu như chúng ta coi những thứ mất đi là một kỷ niệm đẹp, rất có thể chúng ta sẽ phát hiện rằng những gì ta từng coi là không thể thiếu trong cuộc đời thì nay chỉ giống như đóa hoa lìa cành mà thôi. Quãng đường đã qua chỉ là một tấm thảm vương đầy hoa rơi, không cần ta phải nhặt lại những đóa hoa đã mất.
Đau khổ lớn nhất trong cuộc đời không hề liên quan đến được và mất mà liên quan đến vấn đề ham muốn. Đó là khi chúng ta muốn có được một thứ gì đó và cho rằng nó là điều cần thiết, lúc chưa có thì mong muốn ước ao, đến khi có rồi lại sợ sẽ mất đi.
Nhưng cũng có khi, mất đi không phải là điều đáng tiếc, có chăng chỉ là do bản thân đặt trọng tâm không đúng mới khiến chúng ta không nhận ra chính mình.
Theo: baomoi