Thursday, December 28, 2023

ĐAU KHÔNG ĐỒNG NGHĨA VỚI KHỔ - HIỂU ĐƯỢC ĐIỀU NÀY BẠN SẼ MỞ ĐƯỢC NÚT THẮT Ở TRONG LÒNG

Đau không đồng nghĩa với khổ vì thực tế có nhiều người dù chịu đau nhưng trong tâm họ không cảm thấy khổ vì hiểu rằng có những nỗi đau là cần thiết cho sự trưởng thành.


Đau và khổ là hai khái niệm khác nhau

Cụm từ đau khổ đi cùng với nhau khiến chúng ta lẫn lộn hai khái niệm đau - khổ như nhau, đó là lý do nhiều người tin rằng những người tu đủ lâu sẽ còn không có cảm giác đau đớn nữa. Nhưng không hoàn toàn là như vậy.

Theo sử chép, đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng có lúc bị đau bụng, đau lưng, điều đó chứng tỏ rằng đức Phật cũng là con người như bao con người khác, về mặt thể xác có cảm giác đau. Tuy nhiên, Phật đau về thể xác chứ không có sự khổ về mặt tinh thần, không có biểu hiện đau về tâm lí.

Thực ra đau và khổ là hai khái niệm khác nhau. Thông thường người ta hay dùng từ “khổ đau” để chỉ chung cho nỗi khổ niềm đau qua thân vật chất và tinh thần.

Tuy nhiên chúng ta có thể biết rõ đau nhức là những gì khó chịu nơi thân và chỉ nỗi đau về mặt thể xác, ví dụ như khi thân thể bị thương, bị đọa đày, dày vò hoặc bị vật gì đó đâm phải thì sẽ có những phản ứng thông thường là đau đớn là việc đương nhiên vì chúng ta không phải là người mà là cây cỏ, gỗ đá.

Trong khi đó, nỗi khổ tâm là sự dai dẳng trong tâm trí, bực bội, tức tối và buồn phiền. Khổ có nhiều loại, ví dụ như khổ về sinh, khổ vì già, khổ vì bệnh, khổ vì chết.

Thực tế là có những người chịu đau vì một lý tưởng cao đẹp nào đó nên họ không thấy đó là khổ. Thậm chí có những người không sợ đau, họ hi sinh cả mạng sống của mình cho người nào đó, hay cho tổ quốc của mình thì họ cảm thấy tự hào chứ không hề khổ.

Vậy nên đau không đồng nghĩa với khổ vì khổ xuất phát trong tâm, còn đau thường chỉ vấn đề liên quan tới thể xác.


Vả lại, khi nỗi khổ đạt đến mức tột cùng thì sẽ dẫn đến đau ở thân, tức là tinh thần suy sụp thì thân thể cũng bệnh hoạn theo. Ví dụ khi chúng ta nói “đau lòng quá”, thực tế vì chúng ta quá thương tâm, trong lòng quá buồn đau mới thấy lòng mình quặn lại như bị dao cát, đau đến không thể chịu được, đấy chính là nỗi đau tinh thần.

Nỗi đau về mặt thể xác là điều hiển nhiên khi mang tấm thân này, không ai có thể tránh được, nhưng một khi thân xác này chết đi thì nỗi đau đó cũng tiêu mất theo.

Trong khi đó, khổ mãi mãi không bao giờ mất vì nó là nỗi đau về mặt tinh thần, nếu không chấm dứt được nỗi đau về mặt tinh thần thì thân xác này có chết đi cũng không thể chấm dứt khổ và giải thoát được.

Khi nào ta mới khổ?

Hầu hết trong suy nghĩ của chúng ta chỉ có người nghèo mới khổ nhưng thực ra ai cũng có nỗi khổ riêng, không cứ gì là người nghèo hay giàu. Ví như người nghèo khổ vì làm không đủ ăn, không được mua đồ mình thích, vợ chồng tranh cãi về việc chi tiêu...

Nhưng nỗi khổ của người giàu cũng không hề ít, họ sẽ vẫn muốn giàu thêm, sợ mất đi sự giàu có hiện tại, sợ bị lợi dụng, sợ trộm cắp, sợ bị phá sản, sợ người khác thương mình vì tiền chứ không phải vì tình...

Nhìn chung, trong mỗi chúng ta, với tâm lí tham lam, luyến tiếc, chấp nhặt đã là một nỗi khổ; thấy bản thân mình lụi tàn theo năm tháng, bệnh tật dồn tới không thể từ chối nhưng tâm lí lại muốn trốn tránh chối từ thì sẽ đau khổ hơn.

Mọi điều đều là nguyên nhân của cái khổ, có thể vì sinh, già, bệnh, chết, cầu không toại nguyện, khổ của yêu thương chia lìa cách biệt, khổ của thù oán gặp gỡ, tụ hội và các tâm lí khổ kèm theo như lo âu, sợ sệt, đố kị, ghen ghét, căm hận, hoài nghi...
Trường hợp này thì niềm hi vọng kia chính là niềm an ủi và còn một tia hi vọng vào tương lai thì sẽ không còn khổ nữa, nên khổ không phải là một cảm giác cố định, bất biến mà nó sẽ thay đổi theo hoàn cảnh bên ngoài.


Khổ hay không cũng chỉ là do góc nhìn, cùng là người giúp việc, một người thì yêu thích công việc và làm hăng say vì xem như đang dọn cho nhà cửa sạch sẽ lại còn có thêm tiền. Còn một người thì thấy nó nặng nề, không thích nên làm việc uể oải và trong trạng thái buồn chán.

Vậy hạnh phúc hay khổ đau do tâm, vì thế cùng một sự việc nói khổ hay sướng thì cũng do tâm khởi lên mà thôi. Nên giải thoát không đâu xa, chính ngay nơi tâm mà bình tâm, ngay nơi lòng mà an vị, ngay nơi tánh mà an nhiên, ngay nơi pháp mà bình đẳng, ngay nơi đạo mà xuất thế đạo.

Nhưng trước tiên phải hiểu rằng, dù ta bị đau hay khổ thì đó đều được xem là "vết thương" mang cả hình ảnh thực vừa là ẩn dụ. Khi đó, ta nên lui về dưỡng thương giống như những con thú trong rừng bị thương, chúng về hang để tĩnh dưỡng.

Trong nhiều ngày, chúng không còn nghĩ đến chuyện đi săn mồi, đi kiếm thức ăn hay chuyện gì khác. Chúng chỉ cần nằm yên nghỉ, và những vết thương của chúng có điều kiện để tự chữa lành.

Thế nhưng chúng ta, nhiều người vừa bị tổn thương trong tình cảm như bị phản bội, ly hôn... là điên cuồng lao theo những mối tình chóng vánh khác để trả thù. Nhưng việc đúng ra họ nên làm lúc đó là dành thời gian để trở về chăm sóc thân tâm, để nhận diện và ôm ấp những cảm xúc, suy nghĩ về đúng sai,...

Muốn hết khổ thì ta chỉ có thể tìm cách để tâm an nhiên, khi đó, ta có thể đem tâm mình hòa với tâm của mọi chúng sanh, thấu hiểu cho người khác.

Ngoài ra, dù cho sự hay việc có gian nan, có vất vả hay khổ đau phiền muộn thì bằng cái tâm buông xả, cái tâm vị tha, cái tâm chánh trực mà đối diện để vượt qua. Hãy xem mọi thứ như mộng ảo, tất cả rồi sẽ qua đi khi bạn tỉnh giấc.

Trong cuộc sống hàng ngày, ta có thể giúp đỡ những người xung quanh một cách vô tư, không mong cầu, vị kỷ. Đó là khi ta hiểu rằng, cuộc đời vô thường, khi chết đi ta cũng chẳng thể mang theo điều gì vì thế thay vì chạy theo mục tiêu tiền bạc hãy sống sao cho tốt.

Hùng Lâm / Theo: lichngaytot