Tuesday, December 26, 2023

"TẤT CẢ LÀ DO TÔI SAY!" - ĐỪNG BẮT RƯỢU NHẬN TỘI THAY, VÌ NÓ KHÔNG LÀM THAY ĐỔI "ĐIỂM MẤT CHỐT" CỦA MỖI NGƯỜI

Rượu không làm thay đổi bản chất con người, nó chỉ xé toạc tấm lá chắn bao bọc bản chất thật sự bên trong họ.


Rượu có thể mang lại một số thay đổi cho cơ thể và hành vi của một con người.Một số người thậm chí coi nó là nguồn cảm hứng cho các ý tưởng, số khác lại đổ tội cho nó là thủ phạm của những điều tồi tệ.

"Tất cả lỗi lầm là do tôi say rượu!"

Để tránh việc rượu luôn là kẻ nhận tội thay cho các tội lỗi của con người, hôm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu các kiến thức khoa học phổ biến về mối quan hệ giữa hai vấn đề luôn gắn liền với rượu, đó là "tình dục" và "bạo lực".

"Làm bậy" trong khi say liệu có dễ dàng hơn không?

Bạn có trở nên bạo lực hơn khi say rượu không?

Rượu thực sự có thể kiểm soát hành vi của một người không?

"Tất cả là do tôi say"

Hai từ "rượu" và "tình dục" thường dễ bị ràng buộc nhất, và chúng luôn xuất hiện cùng nhau với tần suất cao. Mỗi khi xảy ra một vụ việc xâm hại tình dục, ai đó thường ném ra hai chữ "Tôi say!", như thể đó là một bằng chứng chung cho sự vô tội: Sau khi say, tôi không còn tỉnh táo, nhưng khả năng tình dục của tôi hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, xét về cơ chế sinh lý, việc uống nhiều rượu bia không giúp ích gì cho việc này mà ngược lại có thể ức chế khả năng và các hoạt động tình dục.

Thứ nhất, uống rượu, bao gồm cả các đồ uống có cồn, là một trong những nguyên nhân rõ ràng gây ra chứng rối loạn cương dương. Cho dù đó là uống nhiều rượu trong một thời gian dài, hay uống rượu cấp tính một lần (uống quá nhiều một lúc), nó có thể dẫn đến mức testosterone thấp hơn mức bình thường. Testosterone đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì ham muốn tình dục và chức năng cương dương của nam giới.


Quan trọng hơn, rượu cũng là một chất gây nghiện.Nó tác động lên hệ thần kinh, ảnh hưởng đến chức năng của vỏ não, trung tâm dưới vỏ não, tiểu não và các vùng não khác nhau.

Thời gian đầu, người say có thể nói ngọng và đi không vững, nhưng đầu óc vẫn minh mẫn.Nhưng khi quá trình chuyển hóa rượu vượt quá mức chịu tải tối đa của não, não sẽ chọn tạm dừng một số công việc để tự bảo vệ nó.

Đây là một nghịch lý kỳ diệu.

Nếu chỉ hơi say, thì não bộ biết chính xác nó đang làm gì, và không có cái gọi là nhầm lẫn hay hỗn loạn ở đây. Còn nếu đã say đến mức não phải tự "ngắt hệ thống", thì hành vi tình dục của đối tượng cũng sẽ bị ảnh hưởng, không thể thực hiện được và càng không thể “làm bậy” được.

Do đó, người say thực sự, thực chất không có điều kiện để phạm tội. Còn trong trường hợp "làm loạn", đó là vì bạn không hề say, hoặc bạn chỉ đang làm những việc mà bạn không dám làm bằng cách uống rượu.

Rượu và bạo lực?

Một số dữ liệu nghiên cứu cho thấy hơn 1/4 số vụ hiếp dâm có liên quan đến việc uống rượu. Nhưng, sự thật đằng sau con số này là: Rượu thúc đẩy bạo lực, chứ không phải tình dục.

Rượu có thể làm tê liệt các chức năng của các vùng não khác nhau, và sau khi uống quá nhiều, vỏ não trước trán và hạch hạnh nhân (amygdaloid) cũng không ngoại lệ. Thùy trước trán kiểm soát tính hợp lý và chịu trách nhiệm chính trong việc lập kế hoạch, điều chỉnh và kiểm soát các hoạt động tâm lý của con người, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc lập kế hoạch và hành vi có mục đích. Trong khi đó, hạch hạnh nhân kiểm soát tri giác khi con người đối mặt với các mối đe dọa và kích thích tình cảm... tất cả các loại phản ứng bản năng đều đến từ hạch hạnh nhân.

Khi chức năng của thùy trán bị suy yếu, các ham muốn bị kìm hãm được giải phóng. Và cùng lúc, hạch hạnh nhân cũng bị ức chế, đối tượng sẽ không cảm thấy sợ hãi và lo lắng.


Sau vài ly rượu, có người tỏ tình với người mình yêu, có người gọi điện cho người yêu cũ... Những người thường không dám nói, bỗng dừng dám nói. Và những người thường không dám hôn, bất ngờ dám hôn.

Nhưng đối với một số người, nó có thể dẫn đến những cuộc chiến, gây rối, hoặc tranh chấp không đáng có. Nguy cơ bạo lực liên quan đến uống rượu không chỉ là quấy rối, hiếp dâm, mà hơn một nửa số vụ giết người và hành hung nghiêm trọng có liên quan đến uống rượu.

Đối với những kẻ lợi dụng chiêu bài say xỉn để bảo biện cho hành vi bạo lực, không phải họ mất tỉnh táo sau khi say, mà vấn đề là họ nảy sinh ý đồ gây gổ sau khi say.

Rượu chỉ đơn giản là xé toạc lớp ngụy trang trong cuộc sống hàng ngày, cho phép ác ý được sinh sôi và có cơ hội hoạt động.

Rượu bia không hạ thấp "điểm mấu chốt" của một con người

Có thể một số người vẫn muốn ngụy biện rằng: Rượu bia khiến con người ta bốc đồng hơn, đó chẳng phải là lỗi của nó sao?

Đúng là nhiều người sẽ có một trạng thái hoàn toàn khác trước khi uống và sau khi uống rượu.Ví dụ, một số người sẽ cười vui vẻ, một số người sẽ khóc lóc thảm thiết, những người sống nội tâm trở nên nhiệt tình, và những người ít nói trở nên nói nhiều hơn...

Nhưng, có một thứ mà rượu không thể thay đổi. Đó là ý thức đạo đức.

Điều này có nghĩa là ngay cả khi say rượu, mọi người vẫn có thể nhận thức được họ đang làm gì và liệu họ có đang làm đúng hay không, và rượu không làm giảm điểm mẫu chốt của một con người.

Vào năm 2019, một số nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm kinh điển "tình trạng tiến thoái lưỡng nan về đạo đức" thông qua công nghệ thực tế ảo.

Một đoàn tàu mất kiểm soát trên đường ray và vô tình lao thẳng về phía năm công nhân xây dựng. Và bạn đang đứng giữa đội xây dựng và đoàn tàu trật bánh, đồng thời có một người đàn ông khổng lồ trước mặt bạn. Nếu bạn đẩy anh chàng lực lưỡng này vào đường ray, kích thước khổng lồ của anh ta sẽ làm tắc nghẽn đoàn tàu và dừng nó lại. Dùng mạng một người để cứu 5 người, bạn có làm hay không?

Nhưng điều khác biệt là lần này thiết kế thử nghiệm nhằm đánh giá ảnh hưởng của rượu đối với con người, thông qua so sánh việc đưa ra quyết định của đối tượng trước và sau khi uống vodka. Hóa ra, các quyết định mà các đối tượng đưa ra khi tỉnh táo (đẩy ngã người khổng lồ hoặc từ chối giết người này) hoàn toàn giống như khi họ say rượu.

Tức là ngay cả khi say, người ta cũng không làm những việc mình không muốn.

Tương tự, một người tôn trọng phụ nữ từ tận đáy lòng và đồng ý rằng "không bao giờ được xâm phạm phụ nữ" sẽ không trở thành kẻ hiếp dâm vì say rượu.


Say rượu chưa bao giờ và không nên là cái cớ để phạm tội.

"Tôi say" không bao giờ là lý do để thoát tội, cả về mặt đạo đức hay pháp lý.

Điều 13, Bộ luật Hình sự hiện hành của nước ta quy định người mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi do dùng rượu, bia mà có hành vi phạm tội thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Say rượu khi lái xe, say rượu gây bạo lực, say rượu dẫn tới hiếp dâm… Dù đã uống rượu thì người thực hiện hành vi phạm tội hoàn toàn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Rượu không làm thay đổi bản chất con người, nó chỉ xé toạc tấm lá chắn bao bọc bản chất thật sự bên trong họ mà thôi.

Tham khảo iFeng

Các nhà khoa học muốn được uống rượu ở hội nghị để thảo luận cởi mở, sôi nổi hơn

Bảo Nam / Theo: Trí Thức Trẻ

No comments: