Một tháng trước Tết nguyên đán, người dân làng Nam Ô, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng lặn lội ra các gành đá ở chân núi Hải Vân hay chèo thuyền đến chân núi Sơn Trà để hái mứt biển. Theo người dân làng này, nhiều vùng biển ở các tỉnh trên cả nước cũng có món mứt biển, tuy nhiên, ở Nam Ô mứt biển được cho là ngon nhất bởi từng được dùng là món ăn tiến vua. Người dân Nam ô còn gọi mứt biển chính là lộc trời bởi mỗi ngày đi hái rong mứt có thể kiếm được bạc triệu.
Vừa lấy tay đảo lớp mứt biển trên nia cho được nắng, bà Huỳnh Thị Huệ (SN 1973, người làng Nam Ô) cho hay từ khi lên 10 tuổi, bà đã bắt đầu theo mẹ, theo bà đi hái mứt biển trên các bãi đá gần nhà. Theo bà Huệ, mứt biển hay còn gọi là rong biển ở Nam Ô thường xuất hiện vào mùa lạnh thường là dịp tháng 10 và 11 âm lịch.
Người dân Nam Ô khi xưa hái mứt về dùng làm món ăn cho gia đình, xào, làm gỏi hay nấu canh đều rất ngon miệng. Khi số lượng mứt hái ra được nhiều, người dân ở đây đã nghĩ ra cách phơi khô để trữ lại và dùng dần. Khoảng 7 đến 8kg mứt tươi sau khi phơi nắng thành 1kg mứt khô.
Bà Trần Thị Ninh (SN 1940, ngụ làng Nam Ô) cho hay, mứt biển ở Nam Ô vốn có rất nhiều điểm khác lạ so với các loại rọng biển ở nơi khác.
"Thứ nhất, khi ăn thì thực khách sẽ thấy rất rõ vị ngọt tự nhiên, vị thơm đặc biệt dù được chế biến bằng nhiều cách khác nhau. Thử nhấm nháp một miếng mứt khô đang phơi này cũng cảm nhận được rất rõ điều đó" – bà Ninh lý giải.
"Thứ nhất, khi ăn thì thực khách sẽ thấy rất rõ vị ngọt tự nhiên, vị thơm đặc biệt dù được chế biến bằng nhiều cách khác nhau. Thử nhấm nháp một miếng mứt khô đang phơi này cũng cảm nhận được rất rõ điều đó" – bà Ninh lý giải.
Chính vì lẽ đó mà mứt biển Nam Ô được dân sành ăn khó tính ở khắp mọi miền đất nước tìm mua. "Mùa này, giá 1 kg mứt khô khoảng 2,8 triệu đồng còn mứt tươi thì khoảng 300 ngàn đồng/1kg. Nhiều thương lái họ tìm mua nhưng số lượng mứt trong làng cung cấp không bao giờ là đủ" – bà Ninh nói.
Không những ngon mà theo bà Ninh, mứt biển Nam Ô còn là đặc sản vô cùng bổ dưỡng. "Người bệnh, trẻ em hay người lớn tuổi đều phù hợp để ăn món này. Người ta thường nấu canh mứt để ăn cho thanh mát cơ thể, giải độc"- bà Ninh nói thêm.
Bà Hiền cho biết, đối với mứt tươi khi mới hái về, có thể đem ngâm rồi rửa sạch. Nhanh nhất là trộn gỏi hoặc nấu canh, xào với thịt ba chỉ đều được. Còn đối với mứt khô thì chỉ khác ở chỗ đem ngâm một ít vào nước chừng vài tiếng, mứt sẽ nở ra lại và giống hoàn toàn với mứt tươi.
Dân làng Nam Ô nấu theo cách dân dã nhất là xào một ít mứt với thịt ba chỉ. Dân dã hơn nữa là nấu canh mứt với thịt ba chỉ. Một tô canh mứt cũng đủ năng lượng sau một ngày mệt mỏi, còng lưng hái mứt trên gành đá.
Bà Hiền cũng cho hay cách đây vài trăm, vì tiếng tăm của mứt Nam Ô nên một đoàn khách Nhật đã đến làng để bày tỏ mong muốn được đặt một nhà máy sản xuất rong biển tại đây. Ngụ ý của đoàn khách trên là muốn có một dây chuyền khép kín từ khâu hái mứt đến khâu chế biến và phơi khô, đóng gói đều sẽ được thực hiện bởi chính người dân làng Nam Ô.
"Tuy nhiên, chúng tôi, những người đã làm mứt theo nghiệp cha truyền con nối hiểu rằng, mứt biển vốn phụ thuộc vào thời tiết. Năm nào trời lạnh thì mứt được mùa và ngon hơn. Năm nào ít lạnh thì mứt mất mùa.
Vì thế, người dân lâu nay chỉ đi hái mứt một cách tự phát, chế biến rồi bảo quản theo cách riêng mà bấy lâu nay vẫn làm, không hương vị công nghiệp nào pha lẫn. Muốn đặt một nhà máy thì rất khó bởi nguyên liệu không phải khi nào cũng dồi dào" – bà Hiền giãi bày.
Theo ghi chép của Th.S Lưu Anh Rô, Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, các đầu bếp ở cung đình triều Nguyễn đã chế biến món mứt để tiến vua. Việc chế biến món này dựa trên sự tư vấn của ngự y. Một tô canh mứt có thể khiến người ăn phục hồi được khứu giác, vị giác sau những chai lì bởi các món cao lương mỹ vị. Không những thế, canh mứt còn có thể giúp người ăn có một giấc ngủ ngon.
Theo ghi chép của Th.S Lưu Anh Rô, Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, các đầu bếp ở cung đình triều Nguyễn đã chế biến món mứt để tiến vua. Việc chế biến món này dựa trên sự tư vấn của ngự y. Một tô canh mứt có thể khiến người ăn phục hồi được khứu giác, vị giác sau những chai lì bởi các món cao lương mỹ vị. Không những thế, canh mứt còn có thể giúp người ăn có một giấc ngủ ngon.
Mứt biển, nghe chừng dân dã như thế nhưng lại là món ngon không thua kém bất cứ sơn hào hải vị nào, Người dân Nam Ô, làng chài nhỏ nép mình dưới chân núi Hải Vân lại có đến ba đặc sản nổi tiếng mà đã ăn một lần thì nhớ mãi. Ngoài món mứt biển ra, hai món còn lại là gỏi cá Nam Ô và nước mắm Nam Ô.
Tháng 9-2019, một trong ba món ngon Nam Ô là nước mắm được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Người dân Nam Ô tự hào hơn bởi miền biển tuy nhỏ nhưng chứa đựng nhiều bản sắc văn hóa rất riêng biệt.
Theo: Bích Vân - Quang Luật
(Người Lao Động)