Đoàn Dự - Một bước thành cao thủ nhờ hút công lực người khác
Trong thế giới kiếm hiệp của Kim Dung, công lực được xem là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với những người luyện võ. Chỉ cần hiểu đơn giản, ai có công lực mạnh hơn thường là người có võ công cao cường hơn. Các cao thủ trong truyện của Kim Dung khi đọ sức thường không đấu bằng chiêu thức mà dùng công lực để phân định thắng thua.
Nếu hiểu như vậy thì Đoàn Dự có thể trở thành người mạnh nhất võ lâm bởi nhân vật này có Bắc minh thần công – môn võ có khả năng hấp thụ nội công của các cao thủ khác.
Bắc minh thần công là một môn nội công tâm pháp thượng thừa có nguồn gốc từ Tiêu Dao Phái được Tiêu Dao Tử sáng chế ra. Trong chương khẩu quyết tâm pháp đầu tiên của bộ võ công này, lão tử Tiêu Dao Tử đã khẳng định ngay rằng: "Bắc minh thần công lấy nội lực của thiên hạ làm của mình".
Bắc Minh Thần Công có đặc tính nội lực càng mạnh thì lực hút càng lớn, nếu nội lực của địch hơn ta thì rất nguy hiểm khi hấp thụ, càng tích luỹ nội lực sẽ càng dày đặc. "Bắc Minh Chân Khí" có thể dễ dàng chuyển hoá dung hợp với các loại võ công khắp thiên hạ, dễ dàng học được nhiều loại võ công có thuộc tính xung đột với nhau.
Tuy nhiên, theo những người hâm mộ truyện kiếm hiệp của Kim Dung chia sẻ trên diễn đàn của trang Sina, Đoàn Dự không thể hút công lực của 3 cao thủ này. Thậm chí, nếu cố gắng, Đoàn Dự có thể bị một nhân vật trong số 3 người này hút ngược lại. Đó là những ai?
3 cao thủ mà Đoàn Dự không thể hút công lực
Hư Trúc
Rất khó để so sánh công lực của Đoàn Dự và Hư Trúc, ai cao ai thấp. Võ công của Đoàn Dự sở dĩ mạnh như vậy là bởi nhân vật này đã hấp thu công lực của hơn 10 cao thủ. Ngược lại, Hư Trúc trở thành cao thủ võ lâm là bởi y đã hấp thụ công lực trọn đời của tam lão phái Tiêu Dao.
Trong Thiên long bát bộ, Đoàn Dự đã học xong phần đầu tiên của Bắc Minh thần công còn Hư Trúc chỉ được Vô Nhai Tử truyền cho 70 năm công lực tu luyện môn võ này. Sau đó, Hư Trúc được Thiên Sơn Đồng Mỗ truyền cho cách vận dụng Bắc minh chân khí, sử dụng nội lực (không phải bí kíp luyện nội công). Do đó, nếu giữa 2 người này xảy ra một cuộc tranh tài thì kết quả sẽ là không ai hấp thụ được công lực của kẻ kia bởi dù sao họ cùng biết chung một môn võ.
Du Thản Chi
Du Thản Chi tuy không biết Bắc minh thần công nhưng hắn cũng là một trong những người mà Đoàn Dự không thể hút công lực. Du Thản Chi lúc nhỏ thân thể yếu đuối, học võ công chẳng được bao nhiêu. Sau khi gia cảnh đại biến, Du Thản Chi phiêu dạt giang hồ, tình cờ học được một phần Dịch Cân Kinh của Thiếu Lâm tự (theo sửa đổi mới nhất của Kim Dung thì môn võ mà Du Thản Chi luyện được mang tên Du Già Công, hay còn gọi là Yoga), và hút hết chất độc của Băng Tằm ngàn năm nên trong mình vừa mang nội công thượng thừa của Phật môn, vừa có tính âm độc của Băng Tằm, đồng thời vạn độc bất xâm.
Khi Đoàn Dự đấu với Du Thản Chi thì bất ngờ bị Cưu Ma Trí đánh lén. Kim Dung đã miêu tả rằng: "Thì ra vừa rồi đang lúc Đoàn Dự cùng Du Thản Chi tỉ đấu nội công mà lão động thủ tất nhiên Đoàn Dự không có sức phản kháng và chắc mẩm nắm được chàng dễ như chơi. Ngờ đâu cả Đoàn Dự lẫn Du Thản Chi đã phát huy nội lực đến tột độ.
Năm đầu ngón tay Cưu Ma Trí vừa chạm vào bả vai Đoàn Dự khác nào chụp vào hòn than đỏ. Đồng thời một luồng hấp lực cực kỳ mãnh liệt từ người Đoàn Dự hút nội lực Cưu Ma Trí. Cưu Ma Trí sợ quá vội rụt tay về. Nhờ có cơ trí ứng biến mau lẹ lão mới thoát khỏi tai nạn.
Giữa lúc Đoàn Dự cùng Du Thản Chi đang ngang sức thì đột nhiên có trợ lực bên ngoài đưa thêm khiến cho bên chàng nội lực mạnh hơn áp bức Du Thản Chi phải lùi lại. Du Thản Chi vừa lùi bước, lần băng mỏng xung quanh người gã bị vỡ liền, mảnh băng rơi xuống đất nghe xoang xoảng. Nhưng gã chỉ lùi lại nửa bước, rồi dừng được ngay. " Băng tâm dị công" lại tiếp tục phát huy, xung quanh người gã lại đóng một lớp băng mỏng khác mỗi lúc một dày thêm, dần dần dày đến hơn một tấc, ánh dương quang phản chiếu vào lấp loáng."
Qua đây ta có thể thấy nhược điểm của Bắc minh thần công là không thể hút công lực của những người có nội công mang tính âm độc như Du Thản Chi.
Độc Cô Cầu Bại
Độc Cô Cầu Bại hiệu là Kiếm Ma, được xem là một trong những nhân vật có võ công cao nhất trong các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung. Độc Cô Cầu Bại không có địch thủ. Thời gian đầu ông ta luôn mong chờ một người có thể đánh bại ông ấy, nhưng sau đó Độc Cô Cầu Bại chỉ muốn tìm ra người có thể khiến ông quay kiếm về phòng thủ. Về già ông chỉ ước có người đỡ được 10 chiêu kiếm, nhưng đến cuối đời vẫn không ai có thể giúp ông hoàn thành tâm nguyện.
Kim Dung không mô tả nhân vật này sống vào giai đoạn nào, nhưng dựa trên các chi tiết được nói tới thì có thể xác định nhân vật này sống trong giai đoạn đầu thế kỷ 12 (sau các sự kiện trong Thiên long bát bộ và trước các sự kiện trong Anh hùng xạ điêu). Như vậy, Độc Cô Cầu Bại có thể liên quan tới giai đoạn Thiên long bát bộ chuẩn bị kết thúc.
Nếu Đoàn Dự vốn là một cao thủ trong bối cảnh của Thiên long bát bộ thì chắc chắn vào những năm tháng cuối đời của ông từng gặp và tỉ thí với Độc Cô Cầu Bại.
Có thể hình dung, khi 2 người đấu tay đôi, Đoàn Dự sử dụng Bắc minh thần công để hấp thụ công lực của Độc Cô Cầu Bại nhưng không thành công. Kết quả là Đoàn Dự bị đối phương hấp thụ ngược lại. Bởi Tiêu Dao Tử - người sáng tạo ra môn võ này từng lưu ý người tập rằng: "Kẻ nào dùng tới Bắc minh thần công, chỉ có thể hút nội lực của kẻ yếu hơn hắn, đấu với kẻ nội lực ngang bằng hắn chứ không thể nào đọ với kẻ mang nội lực vượt xa mình. Vì nếu như nội lực kẻ địch mạnh hơn ta, tức là biển chảy ngược vào sông hồ, cực kỳ hung hiểm...".
Dựa theo thông tin do Độc Cô Cầu Bại cung cấp là chưa từng thất bại ta có thể hiểu rằng Đoàn Dự đã thua.
*Bài viết tổng hợp dựa trên các ý kiến chia sẻ quan điểm về những tiểu thuyết kiếm hiệp từ trang tin Sina, Sohu.
Nguyệt Phạm / Theo: ĐSPL