Tọa lạc trên núi là đền Omiwa - một trong những ngôi đền cổ xưa nhất nước Nhật và cả dấu vết còn sót lại của vương triều Yamato, được thể hiện qua các gò mộ cổ hình lỗ khóa bí ẩn. Mang theo sức mạnh tâm linh to lớn, núi Miwa chắc chắc là một trong những nơi nhất-định-phải-đến đối với những ai đam mê khám phá điều huyền bí của đất nước mặt trời mọc.
Núi Miwa phía bên kia cánh đồng ở tỉnh Nara. Ảnh: Nippon
Núi Miwa, nơi trú ngụ của các vị thần
Núi Miwa (三輪山) lần đầu tiên được nhắc đến trong Kojiki (Cổ Sự Ký) dưới cái tên núi Mimoro. Cả hai cái tên này đều được sử dụng thường xuyên cho đến thời Thiên hoàng Yuuryaku trị vì (từ năm 418 đến năm 479) thì tên gọi Miwa trở nên phổ biến hơn.
Việc thờ cúng quanh núi Miwa diễn ra từ thời cổ đại nên Thần đạo (Shinto) nơi đây mang tính nguyên thủy hơn cả và lâu đời nhất xứ sở hoa anh đào. Bản thân núi Miwa cũng được xem là địa điểm bất khả xâm phạm và được gọi là “ngọn núi nơi Thần trú ngụ”, còn ngôi đền Omiwa tại đây được xem là “cơ thể của Thần”. Các vị thần ngụ trên núi được thị tộc lớn nhất Nhật Bản Fujiwara xem là sở hữu quyền năng tối thượng, do vậy, xung quanh ngọn núi thiêng này, nhiều cung điện và đường sá đã được xây dựng.
Núi Miwa linh thiêng. Ảnh: visitnara.jp
Vì lý do trên mà trong nhiều thế kỷ, không ai được phép leo lên núi Miwa, không được chạm vào bất kỳ một cành cây, chiếc lá nào tại đây, chỉ có giáo sĩ Shinto và tăng lữ Phật giáo mới được phép đặt chân lên núi. Vì ít có sự tác động từ con người nên ngày nay, ngôi đền được bao phủ bởi những cây thông, tuyết tùng và cây bách khổng lồ.
Mãi cho đến thời Minh Trị (1868 – 1912), việc hành hương lên núi Miwa mới được cho phép, nhưng vẫn phải tuân thủ nhiều quy tắc nghiêm ngặt.
Nhắc đến vị thần của núi Miwa, không thể bỏ qua vị Thần Mưa trong dáng hình rắn, Oomononushi (大物主), biểu tượng tâm linh gắn liền với Miwa. Được xem là thần bảo trợ cho vạn vật, Oomononushi bảo vệ con người khỏi mọi điều không may ở mọi khía cạnh của cuộc sống. Ông cũng là vị thần bảo hộ cho rượu Sake.
Theo sách cổ Nihon Shoki (Nhật Bản thư kỷ), tập 5 về biên niên sử của Thiên hoàng Sujin – vị vua thứ 10 trong lịch sử (trị vì từ năm 90 TCN đến năm 30 TCN), khi đất nước bị dịch bệnh hoành hành và rơi vào tình trạng hỗn loạn, Thiên hoàng Sujin đã cầu xin các vị thần.
Đền Omiwa ở núi Miwa. Ảnh: city.sakurai.lg.jp
Thần Oomononushi của núi Miwa đã thông qua công chúa Yamato Totohi Momoso, con gái lớn của Thiên hoàng thứ 7 Kourei truyền đạt tới Thiên hoàng Sujin rằng mình cư ngụ ở biên giới Yamato tại núi Miwa và hứa sẽ giúp chấm dứt tình trạng hỗn chiến nếu họ thờ cúng đúng lễ nghi. Sau đó, Thiên hoàng đã cầu xin sự giúp đỡ của thần Oomononushi và cúng tế nhưng thế sự vẫn chưa yên ổn.
Lúc ấy, Oomononushi tiếp tục xuất hiện trong giấc mơ của Thiên hoàng Sujin và hướng dẫn ông tìm kiếm người đàn ông có tên là Ootataneko vì người này chính là con của Thần, để anh ta trở thành trụ trì ngôi đền ở núi Miwa. Làm đúng như lời thần bảo, ngay sau đó, đất nước trở nên thái bình và mùa màng không còn thất bát.
Thiên hoàng Sujin. Ảnh: Wikipedia
Những gò mộ cổ bí ẩn từ thời Kofun
Các vị vua của vương triều Yamato thường xây dựng cung điện và các gò mộ của mình gần những ngọn núi thiêng. Là một ngọn núi thần bí, Miwa trở thành khu bảo tồn di tích quý giá, ghi lại những dấu vết cổ xưa về vương triều Yamato. Đã có sáu gò mộ cổ được tìm thấy dưới chân núi Miwa. Các ngôi mộ này được cho là đã xuất hiện từ năm 250 đến năm 350 và đều có dạng hình lỗ khóa.
Tất cả gò mộ có kích thước đặc biệt lớn và bên trong chứa số lượng lớn gương, vũ khí, đồ trang trí, cũng như các cỗ quan tài làm từ gỗ và tre được chế tác tinh xảo.
Trong số các gò mộ cổ ở Miwa, nổi bật là gò mộ Hashihaka với chiều dài 280m, được cho là nơi chôn cất của công chúa Yamato Totohi Momoso. Đây cũng là gò mộ cổ hình lỗ khóa đầu tiên tại Nhật, gắn liền với sự xuất hiện của vương triều Yamato. Còn có một giả thuyết khác cho rằng nơi đây là lăng mộ chôn cất pháp sư – nữ hoàng Himiko của triều đại Yamatai.
Gò mộ Hashihaka. Ảnh: Asahi
Omiwa, một trong những ngôi đền Thần đạo cổ nhất Nhật Bản
Nằm trên núi Miwa, đền Omiwa được xem là một trong những ngôi đền Thần đạo lâu đời nhất Nhật Bản, có thể sánh ngang với đền Izumo-Taisha ở tỉnh Shimane. Sự ra đời của đền đã được ghi lại cả trong sách cổ Kojiki và Nihon Shoki.
Không giống với các ngôi đền thông thường thờ phụng vị thần chính ở “Honden” (chính điện), bản thân núi Miwa đã là “cơ thể của thần” từ thời cổ đại, thay thế cho chính điện; điều này bảo tồn hình thức thờ cúng nguyên thủy nhất trong Thần đạo. Các nghi lễ tại đền thay vào đó được diễn ra ở “Haiden”. Trong kiến trúc đền thờ Shinto, Haiden là gian thờ hoặc phòng thờ, thường được đặt ở phía trước của chính điện và có quy mô lớn hơn chính điện.
Đền Omiwa. Ảnh: japan-guide.com
Cổng Torii của đền Omiwa cũng đặc biệt không kém khi mang cấu trúc đơn giản chỉ gồm hai cột và không có rầm đỡ hoặc thanh ngang giống như hầu hết các cổng Torii khác. Đây là đặc điểm cho thấy Omiwa chính là ngôi đền gìn giữ một số lễ nghi cổ xưa lâu đời nhất của Thần đạo.
Tại đền Omiwa, quả cầu Sugidama khổng lồ có đường kính 1,7m và nặng khoảng 250kg được treo ở mái nhà của Haiden gây ấn tượng mạnh với bất kỳ du khách nào có dịp ghé thăm. Nó được làm từ nhánh cây tuyết tùng linh thiêng trên núi Miwa và vào mỗi mùa thu, quả cầu lại được thay mới một lần.
Thần núi Miwa, Oomononushi còn là vị thần bảo hộ cho rượu Sake nên mỗi khi ra mắt loại rượu mới, các xưởng sản xuất và cửa hàng Sake ở Nhật sẽ treo trước cửa một quả cầu Sugidama để cầu mong thần phù trợ cho hoạt động kinh doanh của mình. Nhiều xưởng rượu còn trực tiếp mua Sugidama từ chính ngôi đền thiêng Omiwa.
Quy định khi hành hương trên núi Miwa
Để có thể leo lên núi Miwa, trước tiên du khách cần phải ghé qua đền Sai, một trong những ngôi đền phụ của Omiwa. Đền Sai nằm cách điện Haiden của Omiwa vài phút đi bộ. Sau khi hành lễ tại Haiden của đền Sai, du khách tiếp tục đi đến phía sau ngôi đền, tại đây, bạn có thể thưởng thức nước suối tự nhiên của ngọn núi thiêng. Tương truyền, nước thiêng này có khả năng chữa lành mọi bệnh tật. Tuy nhiên, hiện tại đài phun nước này đã tạm thời ngừng hoạt động.
Giếng nước thiêng ở đền Sai. Ảnh: kansai-odyssey.com
Việc leo lên núi Miwa chưa bao giờ là điều dễ dàng vì trước tiên, du khách cần phải có được giấy phép từ đền Sai. Sau khi trình bày rõ nguyện vọng, du khách sẽ nhận được một tờ đơn để điền đầy đủ thông tin cá nhân. Tiếp đó, bạn được trao một dải dây màu trắng mang tên Tasuki để đeo khi leo lên núi Miwa. Nhiều người cũng chọn leo lên núi bằng chân trần để nhận được nhiều nhất sức mạnh của vị thần núi.
Dây đeo Tasuki và gậy Gohei. Ảnh: kansai-odyssei.com
Sau khi đã nhận giấy phép leo núi và dải dây Tasuki, du khách còn cần phải thanh tẩy cơ thể qua nghi lễ trừ tà Oharai (お祓い) bằng cách vẫy cây gậy Gohei (gồm thanh gỗ buộc 2 dải giấy trắng Shide) quanh cơ thể.
Một số quy tắc cần tuân thủ khi leo núi Miwa:
• Bắt buộc phải hiểu được tiếng Nhật, nếu không, cần có bạn đồng hành hiểu tiếng Nhật.
• Điện thoại di động có sim hoạt động được ở Nhật.
• Chỉ có thể leo núi trong khung giờ từ 9h đến 14h.
• Việc ăn, uống (trừ nước lọc), hút thuốc trên núi là không được phép.
• Việc chụp ảnh trên núi bị cấm.
• Không được phép ngắt, hái bất kỳ loài thực vật nào trên núi Miwa.
Con đường mòn lên núi Miwa. Ảnh: Nippon
Rin / Theo: Kilala Magazine