Monday, December 25, 2023

TỬ CẤM THÀNH CÓ 9,999 PHÒNG NHƯNG KHÔNG CÓ NHÀ VỆ SINH, VẬY HÀNG CHỤC NGÀN NGƯỜI THỜI XƯA ĐÃ "GIẢI QUYẾT" BẰNG CÁCH NÀO?

Tử Cấm Thành là nơi sinh sống của các triều vua nhà Minh và nhà Thanh, đây chính là khu phức hợp hoàng cung lớn bậc nhất thế giới còn lưu giữ lại được đến ngày nay. Tuy nhiên, điều đặc biệt là trong Tử Cấm Thành không xây dựng bất cứ một nhà vệ sinh nào. Vậy người trong hoàng cung thời đó đã “giải quyết” bằng cách nào?


Mặc dù thời xưa, nhà xí thô sơ đã được người ta phát minh ra từ lâu, tuy nhiên Tử Cấm Thành vẫn không xây dựng nhà vệ sinh nào để phục vụ.

Quần thể kiến trúc cung điện được xây dựng trong khoảng gần 20 năm. Từ năm 1406 đến 1424 với sự đầu tư khổng lồ cả về của cải lẫn sức người. Đã 6 thế kỷ trôi qua, biết bao lần thay đổi triều đại nhưng Tử Cấm Thành vẫn sừng sững giữa trung tâm thủ đô Bắc Kinh.

Với diện tích 720.000 m2, Tử Cấm Thành được cho là có tổng cộng 9.999 gian phòng. Muốn đi tham quan Cố Cung có thể mất vài ngày cũng không khám phá hết được. Thế nhưng dù rộng lớn mênh mông là thế, nơi đây lại thiếu một công trình tưởng chừng như rất thiết yếu, đó là “nhà vệ sinh”.

Ngay từ đầu, hoàng cung khổng lồ hoàn toàn không thiết kế xây dựng nhà vệ sinh. Tất cả nhà vệ sinh công cộng hiện nay đều được xây dựng mới trong thời hiện đại để phục vụ khách du lịch và nhân viên.

Vậy câu hỏi đặt ra là Hoàng đế, phi tần và hàng chục nghìn cung nữ, nô tì, thái giám, thị vệ… sống trong Tử Cấm Thành suốt mấy trăm năm trước đây đã “giải quyết nhu cầu” căn bản hằng ngày ra sao? – Câu trả lời khá đơn giản, người xưa đã sử dụng các chậu (thùng) vệ sinh có nắp, bên trong trải tro.

Thời xưa trong hoàn cung của Tử Cấm Thành, người ta đã sử dụng các chậu (thùng) vệ sinh có nắp, bên trong trải tro thay vì dùng nhà vệ sinh.

Với vua chúa, những người có địa vị cao, thì chiếc thùng sẽ được thiết kế đặc biệt xa xỉ và được gọi là quan phòng. Chúng được làm bằng gỗ đàn hương, bên trong chứa tro gỗ đàn hương và các hương liệu để cản bớt mùi hôi. Phần miệng thùng được mài nhẵn để người ngồi không bị khó chịu hay bị trầy xước. Một số chiếc bồn cầu di động còn được thiết kế cầu kỳ hẳn hoi với đệm lót gấm, có chỗ gác tay hai bên.

Với vua chúa, những người có địa vị cao, thì chiếc thùng sẽ được thiết kế đặc biệt xa xỉ và được gọi là quan phòng.

Sau khi chủ nhân đi vệ sinh xong, thái giám hoặc cung nữ sẽ phải bưng đi đổ. Trong hoàng cung thời phong kiến có cả một bộ phận nô tì chỉ chuyên phụ trách công việc đổ chất thải trong thùng vệ sinh và tẩy rửa thùng. Những chiếc thùng lớn đựng chất thải phải thường xuyên được đem đổ ra bên ngoài để tránh mùi hôi thối ám vào cung điện.

Đó là đối với những người ở địa vị cao, còn các nhân vật thái giám, cung nữ tất nhiên phải sử dụng dụng cụ thô sơ, kém chất lượng hơn. Chiếc thùng đi vệ sinh của họ được gọi là cung đồng. Nhìn chung chúng chỉ là 1 chiếc thùng gỗ bình thường không hơn không kém và chẳng có gì cản mùi bên trong.

Với các nhân vật thái giám, cung nữ… tất nhiên phải sử dụng dụng cụ thùng vệ sinh thô sơ, kém chất lượng hơn.

Thực chất, việc sử dụng thùng, chậu để đi vệ sinh trực tiếp như hàng chục ngàn con người từng sống trong Tử Cấm Thành không phải vì không có lựa chọn khác. Từ thời xưa, nhà xí, nhà vệ sinh dạng thô sơ cũng đã xuất hiện trong dân chúng.

Thời bấy giờ, những chất thải của con người bị coi là thứ ô uế, tổn hại đến tôn nghiêm hoàng cung nên nhà vệ sinh mới bị cấm xây dựng. Với số lượng người lớn, cộng với kiểu nhà vệ sinh như trước đây thì chắc chắn Tử Cấm Thành lúc nào cũng có mùi hôi hám khó chịu nên tốt nhất là người ta cấm tiệt ngay từ đầu.

Mộng Đình biên tập
Theo: soha
Link tham khảo: