Sumo là môn thể thao mang đậm nét văn hóa Nhật Bản. Ảnh: Lord K2
Kể từ khi trở thành môn thể thao chuyên nghiệp ở Nhật Bản vào đầu thế kỷ 17, đấu vật sumo hầu như không thay đổi gì, được duy trì bởi các nghi lễ và truyền thống. Trong quá trình khám phá “beya” (nơi các đô vật sumu ăn, ngủ và tập luyện) ở Tokyo, nhiếp ảnh gia người Anh David Sharabani nhận thấy đó là một thế giới được bao phủ bởi bí mật. Từ đó, thông qua việc xuất bản sách ảnh Sumo dưới cái tên Lord K2, ông mang đến cho thế giới cái nhìn hiếm hoi về bộ môn thể thao đậm chất văn hóa truyền thống của xứ Phù Tang.
“Tôi nghĩ 90% thời gian của mình là cố gắng tiếp cận và 10% là chụp ảnh. Đó là một thử thách thực sự. Họ tập luyện rất nghiêm túc. Vì vậy, khi tôi xuất hiện, tôi thường bị từ chối. Nhưng đôi khi họ cho phép tôi vào. Khi họ cho phép, tôi được phân cho một chỗ trên sàn, được yêu cầu không di chuyển khỏi vị trí đó và phải yên lặng tuyệt đối”, Sharabani nói với CNN.
Các đô vật tham gia tập luyện tại “beya” của họ. Ảnh: Lord K2
Sumo có gần 100 bức ảnh. Không giống như sách ảnh thể thao thông thường, Sharabani quan tâm đến văn hóa xung quanh đấu vật sumo hơn là bản thân các trận đấu. Ngay cả những bức ảnh được chụp giữa giải đấu tại Nhà thi đấu Kokugikan 11.000 chỗ ngồi của Tokyo, ông hướng sự chú ý của người xem vào đám đông và địa điểm thi đấu, chứ không chỉ các trận đấu diễn ra trên võ đài.
Trong sách ảnh, người xem có thể thấy cảnh các đô vật vật lộn trong trận đấu tập luyện (được gọi là sanban-geiko), bị phạt trong “beya”. Ngoài ra, những bức ảnh hậu trường cho thấy một đô vật buộc tóc, “mawashi” – khố của các đô vật sumo mặc – được phơi khô hay những vết bầm tím, trầy xước và thương tích phản ánh tính chất khốc liệt của môn võ này.
Truyền thống giữa hiện đại
Luật đấu vật sumo rất đơn giản: Các đô vật giành chiến thắng bằng cách đẩy đối thủ của họ ra khỏi “dohyo”, vòng tròn phủ đầy cát đặt ở trung tâm võ đài. Chỉ vậy thôi cũng đủ thu hút Sharabani ngay từ lần đầu tiên xem thi đấu trên một kênh truyền hình lớn của Anh vào cuối những năm 1980.
“Tôi thực sự bị cuốn hút bởi toàn bộ sự huyền bí xung quanh trang phục và phong tục”, ông bộc bạch.
Bắt đầu dự án vào năm 2017, Sharabani thường dành thời gian quanh quẩn ở quận Ryogoku của Tokyo. Đây là trung tâm lịch sử của môn thể thao này và hiện vẫn còn nhiều lò sumo của thành phố. Ông cho biết nếu trung bình mỗi ngày sẽ thấy 10-15 đô vật sumo mặc mawashi đi dạo xung quanh.
Đô vật sumo không được mặc trang phục hiện đại, chỉ có khố hoạch kimono. Ảnh: Lord K2
Sự tương phản trực quan giữa hiện đại và truyền thống này gói gọn vai trò của môn đấu vật sumo ở Nhật Bản ngày nay. Gắn chặt môn thể thao này vào nghi thức cản trở khả năng hiện đại hóa của nó; ví dụ phụ nữ bị cấm tham gia các giải đấu lớn, thậm chí vào các lò đào tạo sumo. Theo Sharabani, sumo khó hòa nhập vào các sự kiện có nhịp độ nhanh hơn vì phải mất thời gian để hoàn thành các nghi thức khác nhau.
“Họ không muốn thay đổi, nhưng đó có thể là sức mạnh của bộ môn này. Đấu vật Sumo khác với nhiều môn thể thao phương Tây, đòi hỏi nhiều động tác hoạt động và không mất nhiều thời gian chờ đợi. Nhưng tôi nghĩ khi bạn phải chờ đợi lâu để xem từng trận đấu, bạn sẽ đánh giá cao nó hơn”, nhiếp ảnh gia nói.
Suy tàn và hồi sinh
Khán giả đến kín nhà thi đấu xem đấu vật sumo. Ảnh: Lord K2
Mức độ phổ biến của đấu vật sumo giảm dần trong thời kỳ hiện đại, thay vào đó bóng chày và bóng đá có được nhiều sự quan tâm hơn. Tuy nhiên, nó được hồi sinh trong những năm gần đây.
Theo khảo sát hàng năm do công ty dữ liệu Central Research Services (CRS) của Nhật Bản thực hiện, cứ năm người Nhật có khoảng một người coi đấu vật sumo là môn thể thao chuyên nghiệp yêu thích của họ, tăng từ khoảng 15% vào năm 2011.
Sharabani cho rằng có được chuyển biến tích cực đó là chiến dịch PR hiệu quả và con người có xu hướng sống chậm lại, hướng về các giá trị truyền thống hơn.
Những bức ảnh của Sharabani chỉ ra thực tế sumo len lỏi vào xã hội Nhật Bản bằng nhiều cách, từ những bức tranh tường trên đường phố đến TV chiếu trận đấu ở phía sau một nhà hàng thịt nướng. Ông cũng hướng ống kính về tương lai của nghề: những đứa trẻ bắt đầu tập luyện từ năm 5 tuổi.
Những đô vật nhí tập luyện từ năm 5 tuổi. Ảnh: Lord K2
“Những đứa trẻ ở trong lò đào tạo do chúng quyết định hoặc một phần đến từ cha mẹ chúng để trở thành đô vật sumo chuyên nghiệp. Điều đó rất nghiêm túc. Họ tập luyện chăm chỉ, mặc dù chỉ một tỷ lệ nhỏ sẽ thực sự thành công với tư cách là đô vật, bất kể kỹ thuật có tốt đến đâu”, Sharabani chia sẻ.
Tú Oanh / Theo: CNN