Friday, December 8, 2023

KHÔNG PHẢI VÕ TẮC THIÊN, ĐÂY MỚI LÀ NGƯỜI PHỤ NỮ ĐẦU TIÊN XƯNG ĐẾ Ở TRUNG HOA

Trần Thạc Chân là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân và xưng đế ở Trung Quốc cổ đại.

Tranh minh họa khởi nghĩa Trần Thạc Chân. (Ảnh: Sohu)

Khi nói đến nữ hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, người ta thường nghĩ ngay tới Võ Tắc Thiên, người lên ngôi hoàng đế năm 690.

Tuy nhiên, ít người biết rằng, người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một cuộc nổi dậy và tự xưng hoàng đế là Trần Thạc Chân, người huyện Thuần An, thành phố Hàng Châu, tỉnh Giang Tô ngày nay.

Sở dĩ Trần Thạc Chân không nổi tiếng như Võ Tắc Thiên, vì bà không có sức ảnh hưởng lớn, không có bí mật tranh đấu cung đình và những câu chuyện ly kỳ như Võ Tắc Thiên.

Trần Thạc Chân lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân thời nhà Đường, tự gọi mình là "tiên nhân" và được dân gian ca ngợi là thần. Có nhiều truyền thuyết về Trần Thạc Chân, nhưng truyền thuyết phổ biến nhất rằng bà chỉ là một cô gái nông thôn bình thường. Ít tuổi đã góa chồng, gia cảnh bần hàn, vì không chịu nổi hương thân bị quan lại áp bức, bà đã chống lại.


Năm 653 xảy ra trận lũ lớn nhưng trong triều đình của hoàng đế Cao Tông nhà Đường, quan lại chỉ lo tranh giành quyền lực, tham ô phạm pháp, để mặc dân thường đói ăn thiếu mặc. Trần Thạc Chân nhận thấy không thể để lỡ cơ hội, dưới sự cổ vũ của người nhà, bí mật chiêu mộ nông dân, giải thích cho họ biết rằng chỉ có phản kháng mới có thể sống sót.

Bà tung tin đồn mình là "Cửu thiên huyền nữ hạ phàm", đệ tử của Thái Bạch Tiên Quân, danh hiệu là Bích Thiên Thánh Mẫu. Bách tính chịu khổ đã lâu, sớm có ý phản kháng, dưới sự chỉ đạo của Trần Thạc Chân lập tức tham gia khởi nghĩa.

Sau khi khởi nghĩa, bà tự xưng là "Văn Giai hoàng đế", xây dựng chính quyền nông dân, phong Chương Thúc Dận làm thượng thư, Đồng Văn Bảo làm đại tướng quân, nổi dậy nhiều nơi.

Đường Cao Tông hay tin phẫn nộ, hạ lệnh cho trường sử Dương Châu là Phòng Nhân Dụ dẫn binh trấn áp. Do quân nổi dậy thiếu kinh nghiệm thực chiến, hàng vạn quân bị diệt.

Dù cuộc nổi dậy của Trần Thạc Chân chỉ diễn ra trong hai tháng, nhưng hơn 1.000 năm sau, những truyền thuyết tốt đẹp về quân nổi dậy vẫn được lưu truyền ở phía tây tỉnh Chiết Giang.

Người dân nơi đây thường kể lại truyền thuyết về cái chết của Trần Thạc Chân. Khi quân khởi nghĩa cuối cùng bị bao vây trên núi, tất cả đồng đội đều ngã xuống trong vũng máu, chỉ còn lại Trần Thạc Chân.

Bầu trời bất ngờ rực sáng, một con phượng hoàng khổng lồ bay tới, Trần Thạc Chân cưỡi phượng hoàng bay lên trời. Vì thế, ngọn núi đó ngày nay có tên là Lạc Phượng (chim phượng đáp xuống).

Truyền thuyết đẹp đẽ về Trần Thạc Châu thể hiện sự kính trọng và tưởng nhớ của các thế hệ sau đối với bà. Cuộc khởi nghĩa tác động lớn đến hậu thế. Trần Thạc Chân vượt qua niềm tin mù quáng rằng hoàng đế là "chân mệnh thiên tử", dám coi thường chính quyền nhà Đường của dòng họ Lý, dám tự xưng là "Văn Giai hoàng đế".


Bà cam kết đảm bảo cho mọi người cuộc sống tốt đẹp, thể hiện sự dũng cảm của người phụ nữ trong suy nghĩ và hành động.

Trần Thạc Chân đã giương cao ngọn cờ giải phóng phụ nữ, chủ trương phụ nữ phải có quyền bình đẳng như đàn ông trong quản lý đất nước. Trong xã hội phong kiến lâu đời của Trung Quốc, phụ nữ sống dưới nhiều tầng áp bức, từ chính quyền tới gia tộc, tín ngưỡng và chồng con. Có thể nói Trần Thạc Chân là người tiên phong giải phóng phụ nữ.

Nhà sử học nổi tiếng Tiễn Bách Tán nhận định Trần Thạc Chân là nữ thủ lĩnh đầu tiên dẫn dắt một cuộc khởi nghĩa nông dân tự xưng đế trong lịch sử Trung Quốc, cũng có thể coi là nữ hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.

Dù cuộc nổi dậy của bà không lan rộng khắp Trung Quốc, nhưng xét tới việc bà xưng đế trước Võ Tắc Thiên hàng chục năm, cũng như tính tác động của cuộc nổi dậy và tư tưởng của bà, đủ để coi Trần Thạc Chân là nữ hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.

(Nguồn: CCTV)
Theo: Sohu
Link tham khảo: