Friday, December 15, 2023

KHANG HY XEM BÓI CHO HOẰNG LỊCH, THẦY TƯỚNG SỐ NÓI: "NẾU LÀ NỮ THÌ LỚN LÊN SẼ LÀ KỸ NỮ, CÒN NẾU NAM THÌ SẼ LÀ..."

Khi thấy mặt Hoằng Lịch là con trai thứ tư của hoàng tử Dận Chân, Khang Hy đã vô cùng yêu thích. Thân làm vua đã lâu, người tài đã gặp nhiều, nhưng Hoằng Lịch lại mang cho Khang Hy cảm giác nổi bật hơn người.


Là triều đại cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc, nhà Thanh có tổng cộng 12 vị hoàng đế. Trong đó, hai vị hoàng đế trị vì lâu nhất là Khang Hy và Càn Long, hai vị Hoàng đế này có mối quan hệ trực hệ.

Theo lịch sử nhà Thanh, Khang Hy là một vị hoàng đế tài ba, lỗi lạc, là người thiết lập sự thịnh trị kéo dài 134 năm của nhà Thanh. Ông được đánh giá là một trong những hoàng đế vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Hoa và được xưng tụng là Khang Hy Đại Đế.

Dù Khang Hy nhiều con cháu nhưng vấn đề chọn người kế vị không dễ

Khang Hy Đế có rất nhiều con cháu, hơn nữa công việc triều chính cũng rất bận rộn, trong hơn 100 người cháu, Hoàng tôn được ông yêu quý nhất chính là con trai của thái tử Dận Nhưng- Hoằng Triết.

Hoàng tử trưởng của Khang Hy Đế là Dận Đề, sớm kết hôn nhưng bốn đứa con đầu lại là con gái. Hai người con đầu của Hoàng thứ tử Dận Nhưng đều là con trai, trong đó Hoằng Triết rất được Khang Hy ưu ái bởi bẩm sinh đã thông minh, rất có khí chất cương nghị của người Mãn Châu.

Hoàng đế Khang Hy. – Nguồn ảnh: Internet

Nhưng khi cha là Dận Nhưng bị phế ngôi thái tử vì vận mệnh của Hoằng Triết cũng bị ảnh hưởng tiêu cực theo. Người cháu mà Khang Hy xem trọng thứ hai chính là Hoằng Lịch.Truyền ngôi vị chính là một việc hệ trọng của nước nhà, cần suy đi tính lại kỹ càng, chọn ra nhân tài phù hợp.

Theo ghi chép của “Thanh Thực Lục”, vào mùa xuân năm Khang Hy thứ sáu mươi mốt, Khang Hy được Tứ hoàng tử Dận Chân mời đến Viên Minh Viên để thưởng hoa. Bởi vì Viên Minh Viên được Khang Hy Đế ban cho Dận Chân từ lâu. Nhân dịp này, Dận Chân hoàng tử muốn đưa hai người con mình đến diện kiến Khang Hy vì từ lúc sinh thời, hai người con này chưa một lần gặp mặt Khang Hy.

Ngay khi thấy mặt Hoằng Lịch là con trai thứ tư của hoàng tử Dận Chân, Khang Hy đã vô cùng yêu thích. Thân làm vua đã lâu, người tài đã gặp nhiều, nhưng Hoằng Lịch lại mang cho Khang Hy cảm giác nổi bật hơn người.

Lá số bát tự của Hoằng Lịch

Ngay sau khi trở về, Khang Hy sai người đến phủ Dận Chân để lấy lá số bát tự sinh thân của Hoằng Lịch để xem. Vốn là người tinh thông bát tự, Khang Hy làm sao có thể không nhìn ra đây là số mệnh của “Chủ Đại phú quý”.

Trong cung của Khang Hy có một vị tướng sĩ ngự dụng, có biệt danh là “La Hạt Tử”. Khang Hy Đế quyết định để cho La Hạt Tử xem bát tự của Hoằng Lịch để xác nhận phán đoán của mình.

Để có được câu trả lời chính xác, Khang Hy Đế ko tiết lộ chủ nhân bát tự là ai. Khi La Hạt Tử mở tờ giấy mà Khang Hy Đế đưa có ghi : “Tân Mão Đinh Dậu Canh Ngọ Bính Tý”, liền hỏi Khang Hy Đế chủ nhân của bát tự này là nam hay nữ. Khang Hy Đế liền hỏi: “Nam thì sao, nữ thì sao? Trẫm không thể tiết lộ”.

La Hạt Tử đương nhiên hiểu ý của Khang Hy Đế, liền nói thẳng: “Nếu là nữ, Tý Ngọ, Mão Dậu là tứ trụ đào hoa, địa chi niên thương là Mão, gặp địa thời thượng là Tý tạo nên Hàm Trì, sát phạm đào hoa, cái này gọi là Thiên dã đào hoa. Nếu là nam, Tý Sửu tương xung, Mão Dậu tương xung, niên trụ Tâm Mão Kim Khắc Mộc, nguyệt trụ Đinh Dậu Hỏa Khắc Kim, nhật trụ Bính Tử Thủy Khắc Hỏa. Đây là điều hiếm gặp, là tướng đại quý. Người này thọ nguyên dồi dào, con cháu đông đúc”.

Cuối cùng, La Hạt Tử kết luận rằng: “Nếu chủ nhân của bát tự này là nữ thì lớn lên sẽ là kỹ nữ, còn nếu là nam thì sẽ là… thần không dám nói”. Vì trước mặt Khang Hy Đế, La Hạt Tử không dám nói ra ba chữ “tướng đế vương”, còn Khang Hy Đế thì tự mình đã hiểu.

Sau khi xem xong bát tự của Hoằng Lịch, Khang Hy mang Hoằng Lịch vào cung nuôi dưỡng, dạy dỗ.

Lời thầy tướng số đã ứng nghiệm

Về sau Khang Hy băng hà, Dận Chân lên ngôi. Sau khi lên ngôi, Dận Chân lấy hiệu là Ung Chính, cai trị đất nước trong vòng 13 năm, trong suốt 13 năm trị vị, ông hết lòng tận tụy với mong ước giữ vững nước nhà như tiên đế đã từng, nhưng vì thế ông đã qua đời vì bạo bệnh do khối lượng công việc quá nhiều.

Sau khi vua Ung Chính băng hà, Hoằng Lịch lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Càn Long, ông cai trị suốt 60 năm. Càn Long vốn luôn ngưỡng mộ tiên hoàng là Khang Hy, nên ông không dám vượt quá 61 năm cai trị của Khang Hy.

Hoàng đế Càn Long. – Nguồn ảnh: Internet

Đến năm thứ 60 ông quyết định nhường ngôi lại cho con trai thứ 15 là Vĩnh Diễm. Người đời tương truyền, Khang Hy và Càn Long chính là hai vị hoàng đế vĩ đại của lịch sử Trung Hoa. Dưới sự trị vì của hai vị Hoàng đế, dân giàu nước mạnh không còn điều gì chê trách.

Vốn sau lần gặp gỡ đầu, khi ấy Hoằng Lịch 12 tuổi, Khang Hy nhìn thấy được tài năng xuất chúng của Hoằng Lịch, từ nhỏ đã tinh thông văn học, nghệ thuật, võ thuật. Tư chất thông minh lanh lợi, yêu thích vô cùng, nhưng Khang Hy không thể đường đường chính chính xem bát tự của Hoằng Lịch. Bởi trong triều lúc bấy giờ đang loạn lạc vì chuyện ngôi vị, nếu để người người biết được Khang Hy để ý đến Hoằng Lịch, thế chẳng phải là họa hay sao.

Tịnh Yên biên dịch
Nguồn: soundofhope