Saturday, December 23, 2023

LẮT LÉO CHỮ NGHĨA: CÁCH GỌI ÔNG XÃ, BÀ XÃ

Trong tiếng Việt có nhiều từ để nói về chồng và vợ, một trong những cặp từ phổ biến đó là ông xã và bà xã. Có không ít bài viết giải thích về nguồn gốc của cặp từ này, nhìn chung không khác nhau mấy. Ở đây, chúng tôi xin bàn thêm về từ nguyên của 2 khái niệm này.


Xã là gì? Trong chữ Nôm ta thấy có từ “xã” (社) với những nghĩa sau: đơn vị hành chính địa phương; cơ cấu có tổ chức (hợp tác xã, thông tấn xã...) hay ông xã, bà xã (chỉ người chồng, người vợ).

Trong chữ Nôm, xã (社) là chữ mượn nguyên xi hình thức và nghĩa của chữ 社 trong Hán ngữ - một từ có cấu tạo theo phép hội ý, gồm 2 chữ Hán là kì 礻(示) = thần + thổ 土 = đất, nghĩa gốc của từ này là thần đất, còn gọi là thổ địa, thổ thần hoặc có nghĩa là đền thờ thần đất. Về sau, từ này có nghĩa nói về cơ cấu tổ chức như trong chữ Nôm đã nêu ở trên và còn được sử dụng trong nhiều từ ghép khác để tạo ra nghĩa mới.

Riêng về hành chính, ngày xưa ở Trung Quốc, một xã được chia theo diện tích gồm 6 lý vuông hoặc chia theo hộ khẩu gồm 25 nhà. Khái niệm này du nhập vào Việt Nam trễ nhất cũng từ thế kỷ 15. Trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có câu: “Hồng Đức năm thứ 21 (1490), định lại bản đồ trong thiên hạ: 13 xứ thừa - tuyên; 52 phủ; 178 huyện; 50 châu, 20 hương, 36 phường, 6851 xã, 322 thôn...” (quyển V, mục Vật sản chí). Trong Lam Sơn thực lục do Nguyễn Trãi biên soạn - Lê Thái Tổ đề tựa (1431) cũng có chi tiết nhắc đến xã Bả-lạc-thượng; trong Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức (quyển II và III) cũng nhiều lần nêu tên các xã, đặc biệt là trong mục Xuyên Sơn chí (ghi chép về núi sông)...


Ngày xưa, xã quan là chức của người đứng đầu xã, chuyên trông coi việc làng, về sau từ này được đổi thành xã trưởng. Từ ông xã ban đầu dùng để gọi ông xã trưởng, còn vợ xã trưởng thì được gọi là bà xã. Có lẽ ông xã là nhân vật nổi bật trong làng nên nhiều bà vợ thường gọi chồng là ông xã để tôn chồng mình lên, về sau chuyển nghĩa thành cách gọi thân mật. Dĩ nhiên, để đối trọng với ông xã thì từ bà xã cũng được sử dụng với nghĩa thân mật.

Hiện nay tại Việt Nam huyện nào có nhiều ông xã nhất? Xin thưa, đó là huyện Yên Thành, Nghệ An: 38 ông xã trông coi 38 xã. Dĩ nhiên là gọi cho vui thôi. Bây giờ người ta thường gọi là chủ tịch xã, có thể là nữ, chứ không nhất thiết phải là nam như ngày xưa. Xin nói thêm, ngoài Yên Thành, còn 18 huyện khác có từ 30 xã trở lên, tất cả đều ở miền Bắc. Tính đến tháng 5.2020, tại Việt Nam có 8.297 xã, chưa kể cấp hành chính tương đương bao gồm 1.712 phường, 605 thị trấn.

Riêng về ông xã thì có hàng triệu người từ Nam chí Bắc, đôi khi ông xã còn được trẻ hóa bằng từ anh xã nữa.

Vương Trung Hiếu / Theo: Thanh Niên

No comments: