Monday, July 1, 2024

NGỌA LONG, PHƯỢNG SỒ ĐỐI ỨNG VỚI THANH LONG, CHU TƯỚC; CÒN BẠCH HỔ VÀ HUYỀN VŨ LÀ AI?

Thời kỳ Tam Quốc có 4 người có tên rất có ý nghĩa, tên của họ vừa vặn đối ứng với Tứ tượng. Người ta nói nếu Tứ tượng xuất thế thì sẽ nhất định cùng xuất hiện, có được một người trong số đó thì có thể có được thiên hạ...

Ngọa Long là biệt hiệu của Gia Cát mà mọi người tặng khi ông ẩn cư, ý nghĩa là một con rồng đang nằm cuộn. (Ảnh: Sound of hope tổng hợp)

Thời Tam Quốc có thể nói là thời kỳ thiên hạ hỗn loạn, quần hùng nổi dậy, chiến hỏa khắp nơi, bách tính khổ không kể xiết.

Thực ra khi bản thân rơi vào bất kỳ sự tình nào cũng sẽ cảm thấy hỗn loạn không có đầu mối, nhưng nhảy ra khỏi sự tình đó thì có thể thấy được quy luật của nó. Ví như mở đầu "Tam quốc diễn nghĩa" nói rằng: "Đại sự trong thiên hạ, chia tách lâu ắt sẽ hợp nhất, hợp nhất lâu ắt sẽ chia tách". Do đó những hỗn loạn trông có vẻ vô trật tự này thực ra lại có quy luật của nó.

Tuy "Tam quốc diễn nghĩa" là một vở diễn nghĩa, nhưng những nhân vật trong đó hoàn toàn là những con người thực sự trong lịch sử.

Ngọa Long Gia Cát: Thanh Long

Gia Cát Lượng tự Khổng Minh, là người Dương Đô, Lang Nha, thân cao tám thước, khí phách hiên ngang, ẩn cư ở Long Trung. Tương truyền Ngọa Long là biệt hiệu của Gia Cát mà mọi người tặng khi ông ẩn cư, ý nghĩa là một con rồng đang nằm cuộn.

Hình: Gia Cát Lượng - Bản vẽ ở cung điện nhà Thanh, do Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh xuất bản.

Phượng Sồ Bàng Thống: Chu Tước

Bàng Thống tự Sĩ Nguyên, người huyện Tương Dương quận Tương Dương sống vào cuối thời Đông Hán. Người địa phương gọi ông là Phượng Sồ, là đồng môn và có danh tiếng ngang với Gia Cát Lượng. Tục ngữ đương thời có câu rằng: "Ngọa Long, Phượng Sồ, hai người mà được một thì có thể dẹp yên thiên hạ".

Bàng Thống được Thái thú Nam Quận là Chu Du bổ nhiệm làm Công tào, sau khi Chu Du chết, ông đã hộ tống linh cữu trở về Giang Đông an táng, sau này Bàng Thống trở thành mưu sĩ, trọng thần của Lưu Bị, giúp Lưu Bị chinh phạt Ba Thục - đất Tứ Xuyên được mệnh danh là Quốc gia Phủ Trời. Trong khi tấn công Lạc Thành, cứ điểm trọng yếu gần thủ phủ Thành Đô, do Bàng Thống được Lưu Bị cho mượn ngựa, khiến quân địch tưởng nhầm Bàng Thống là Lưu Bị, quân địch tập trung bắn tên khiến ông trúng tên chết, hưởng dương 36 tuổi. Trần Thọ ca ngợi Bàng Thống có thể sánh với Tuân Úc và Tuân Du của nước Ngụy. Bàng Thống làm Huyện lệnh Lỗi Dương, Trị trung Tòng sự, làm quan đến chức Quân sư Trung lang tướng. Sau khi chết, được Hậu chủ Lưu Thiện - con trai của Lưu Bị truy phong là Quan Nội Hầu, thụy phong Tĩnh Hầu.

Bàng Thống hiến Liên hoàn kế. (Ảnh: phiên bản minh họa của "Sự lãng mạn của ba vương quốc")

Vậy còn Huyền Vũ và Bạch Hổ là đối ứng với người nào?

Thủy Kính tiên sinh: Huyền Vũ

Trong sách "Tương Dương kỳ cựu ký" có ghi chép như sau: "Gia Cát Khổng Minh là Ngọa Long, Bàng Sĩ Nguyên là Phượng Sồ, Tư Mã Đức Tháo là Thủy Kính, đó đều là tiên sinh Bàng Đức Công nói". (Chú thích: Bàng Đức Công là ẩn sĩ, chú họ của Bàng Thống, có mối thâm giao với cả Bàng Thống, Từ Thứ, Tư Mã Huy và Gia Cát Lượng - ND).

Thì ra biệt hiệu Ngọa Long, Phượng Sồ đều là do Bàng Đức Công nói ra. Ông còn nói biệt hiệu của Tư Mã Huy là Thủy Kính.

Tranh: Lưu Bị gặp Tư Mã Huy (Ảnh: "Phiên bản mới sửa chữa những cuốn sách cổ lớn: Những nhân vật lớn, giải thích âm thanh về sự lãng mạn của ba vương quốc")

Trủng Hổ Tư Mã Ý: Bạch Hổ

Ý nghĩa của Trủng Hổ thực ra là Bạch Hổ, đồ ngọc hình hổ đa phần đều dùng làm đồ tùy táng, do đó trủng hổ lại đại diện cho hổ ngọc màu trắng.

Tương truyền Tư Mã Ý vốn là Bạch Hổ Giám Binh Thần Quân, trấn giữ long khí mộ phần Tam Hoàng Ngũ Đế, do Tào Mạnh Đức đã đào lấy đi một phần long khí, thế là Hộ Linh Bạch Hổ của đế phần đã hóa thân thành Tư Mã Ý để thu hồi long khí mà Tào Tháo đã lấy được.

Tư Mã Ý tự Trọng Đạt, là người huyện Ôn, quận Hà Nội, và là quyền thần, nhà chính trị và nhà quân sự của nước Ngụy thời Tam Quốc. Tư Mã Ý đã từng chế ngự đội quân bắc phạt của Gia Cát Lượng - Thừa tướng Thục Hán, giữ vững cương thổ. Trải qua 4 đời quân chủ là Tào Tháo, Tào Phi, Tào Duệ, Tào Phương, những năm cuối đời, Tư Mã Ý đã phát động chính biến Cao Bình Lăng, đoạt được chính quyền Tào Ngụy.

Năm Gia Bình thứ 3 (năm 251), triều Ngụy thụy phong cho Tư Mã Ý là Vũ Dương Tuyên Văn Hầu. Sau khi Tư Mã Đàm xưng đế, truy phong Tư Mã Ý là Cao Tổ Tuyên Hoàng Đế, do đó cũng gọi là Tấn Cao Tổ, Tấn Tuyên Đế.

Trung Hòa / Theo: NTDVN

No comments: