Thursday, September 24, 2020

BỆNH THẬN, KHÔNG NÊN GIỠN CHƠI VỚI CHÙM KHẾ NGỌT

Khế ngọt khế chua loại nào cũng hấp dẫn cả. Khế ngọt ăn sống giải khát. Khế chua xào tép, ngâm rượu rất đậm đà. Nhưng những người mắc bệnh thận không nên ăn khế, khế ngọt hay khế chua gì cũng không nên ăn. Có thể chết người.


Chùm khế ngọt…

Khế là trái cây rất ít calo, 100gr khế chỉ cung cấp 30 calo so với nhu cầu trung bình 2.000 calo mỗi ngày. Tha hồ ăn kiêng.

Khế lại rất giàu vitamin C. Ăn 100gr khế (khoảng 2 trái) cũng đạt được hơn 50% nhu cầu vitamin C mỗi ngày rồi.

Khế có nhiều chất chống oxýt hóa dạng loại flavonoids, được cho là có khả năng chống viêm, ngăn ngừa nhiều chứng bệnh, kể cả ung thư.

Đó là những đặc điểm nổi bật về dinh dưỡng của khế. Bên cạnh đó có thể kể thêm nhóm vitamin B, chất xơ…như nhiều loại trái cây khác.

Những người bị bênh thận, suy thận, đang chạy thận… nên tránh ăn khế. Kể cả những người bị sạn thận cũng không nên “thách thức” acid oxalic trong khế

Về mặt dinh dưỡng, khế cũng tương tự như các loại trái cây khác. Do các nghiên cứu về khế chưa nhiều, nên những lợi ích của khế theo y học dân gian như trị viêm họng, bệnh chàm, hay lá khế chữa viêm loét dạ dày, ung nhọt…chưa được khoa học xác nhận.

Oxalic mắc tiếng oan

Tuy nhiên, những người bị suy thận, phải chạy thận (nhân tạo) có thể bị ngộ độc sau khi ăn khế, với các triệu chứng nấc cụt, nôn mửa, co giật, động kinh, tâm thần hoảng loạn…Một số trường hợp tử vong do ăn khế ở những người suy thận đã được ghi nhận.

Vì sao khế lại gây ra nông nỗi như thế với những người suy thận? Khoa học rà soát lại những chất có trong khế. Đối tượng bị nghi ngờ acid oxalic.

Trong khế có nhiều loại acid hữu cơ khác nhau, trong đó acid oxalic chiếm tới 50-60% . Acid oxalic bị nghi ngờ là tạo ra chất kết tủa oxalate calcium, gây sạn thận (oxalate). Acid oxalic có nhiều trong khế. Khế gây ngộ độc với người bệnh thận. Acid oxalic là nghi can hàng đầu chứ còn ai vào đây nữa?

Mà đúng là trong khế có nhiều acid oxalic, với mức dao động khoảng 100 đến 10.000mg oxalic tính trên 100gr khế. Khế chua nhiều oxalic hơn khế ngọt (hơn gấp 5 lần). Khế xanh nhiều oxalic hơn khế chín.


Tuy nhiên acid oxalic cũng có trong các loại rau củ quả khác, chứ không riêng gì khế, nhưng ở mức thấp hơn nhiều, đa số chỉ khoảng vài chục mg. Chỉ một số ít loại cá biệt như củ cải đường, cacao, rau bó xôi mới lên tới vài trăm mg.

Mặc dù acid oxalic được xem là nguyên liệu để “bào chế” ra những viên sạn (oxalate) ở thận hay bàng quang… nhưng đó không phải là nguyên nhân chính gây sạn thận. Oxalate có kích thước rất nhỏ, nên bị đào thải qua phân và đường tiểu, ngoại trừ một số ít trường hợp, bị vướng víu trong thận, bàng quang, và lớn dần thành sạn.

Độc chất từ khế bị nhận diện

Năm 2013, acid oxalic mới được giải oan nhờ công trình nghiên cứu của Đại học Sao Paulo (Brazil). Nhờ kỹ thuật hiện đại, nhóm nghiên cứu đã loại trừ dần các thành phần có trong khế, và cô lập được thủ phạm. Họ đặt tên chất này theo tên của trái khế (carambola) và ghép với từ độc tố (toxin) thành caramboxin (*).

Caramboxin là một acid amin, có cấu trúc “lõi” tương tự như phenylalanine, một acid amin có ở động vật và người. Mặc dù caramboxin là acid amin, nhưng nó không dính líu gì tới thành phần protein của động vật. Người ta xem caramboxin là một độc tố thần kinh.


Chùm khế ngọt hấp dẫn có thể ăn vài ba trái như uống nước giải khát. Khế chua xào tép, nấu canh chua cũng hấp dẫn không kém. Khế chưa chín chỉ cần bảo quản ở nhiệt độ thường, nơi thoáng mát. Nhưng khế chín nên gói trong túi plastic, trữ trong ngăn mát tủ lạnh, bảo quản được lâu hơn.

Những người bị bênh thận, suy thận, đang chạy thận… nên tránh ăn khế. Kể cả những người bị sạn thận cũng không nên “thách thức” acid oxalic trong khế, vì với hàm lượng cao oxalic như thế, sỏi thận dễ tái phát.

Khế có thể tương tác bất lợi với một số loại thuốc điều trị, cản trở hấp thu thuốc ở ruột. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ, nếu đang điều trị mà bỗng nhiên thèm…khế.

Vũ Thế Thành

(*) https://phys.org/news/2013-11-sweet-poison-star-fruit-neurotoxin.html#jCp Sweet poison: Star fruit neurotoxin identified

No comments: