Câu truyện về Bồ Đề Đạt Ma gặp Lương Vũ Đế rồi vào thiếu thất ngồi nhìn vách 9 năm cho mình ấn tượng rất mạnh.
Lương Vũ Đế trọng đạo Phật và đã cho xây trong nước nhiều chùa chiền, bảo tháp. Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ qua, đến gặp Vũ Đế, và nhà vua hỏi nhà sư Ấn Độ: “Trẫm từ lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?”
Đạt Ma đáp: “Không có công đức.”
– “Tại sao không công đức.”
– “Bởi vì những việc vua làm là nhân ‘hữu lậu’, chỉ có những quả nhỏ trong vòng nhân thiên, như ảnh tùy hình, tuy có nhưng không phải thật.”
– “Vậy công đức chân thật là gì?”
Sư đáp: “Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn. Thể phải được trống không vắng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, chép kinh, độ tăng) mà cầu được.”
Vua lại hỏi: “Nghĩa tối cao của thánh đế là gì?”
– “Một khi tỉnh rõ, thông suốt rồi thì không có gì là thánh.”
– “Ai đang đối diện với trẫm đây?”
– “Tôi không biết.”
Lương Vũ Đế chẳng hiểu gì, Bồ Đề Đạt Ma cho là chưa đến lúc truyền đạo, nên lên thiếu thất bên cạnh Thiếu Lâm Tự ngồi nhìn vách 9 năm.
Vũ Đế chỉ biết làm các việc bên ngoài, nhưng việc chính là tâm thanh tịnh rỗng lặng thì Vũ Đế chẳng hiểu gì cả. Vua mà còn ngớ ngẩn như vậy, nói chi là dân. Cho nên hiểu được tinh yếu của Thiền không phải là dễ.
Nhưng điều quan trọng ở đây là thái độ thức thời của Bồ Đề Đạt Ma. Biết vua không hiểu được thì chẳng tốn thời giờ giảng giải. Người chưa đến lúc hiểu thì có giảng cũng vô ích. Nói nhiều người ta lại càng thêm bực. Chỉ nói vài câu ngắn trong đối thoại, đó là giảng giải rõ rồi. Người không hiểu được thì đành để thời gian giúp người hiểu một ngày nào đó.
Và vua xây chùa, chép kinh, giúp tăng mà chẳng hiểu gì cả, thì dân hiểu được gì? Vậy thì ngồi nhìn vách tường là thượng sách, đợi khi cơ duyên đến thì sẽ gặp học trò. Và cơ duyên đó đến khi Huệ Khả đến xin được nhận là đồ đệ.
Theo truyền thuyết thì Huệ Khả đến Thiếu Lâm tự năm 40 tuổi xin gặp Bồ Đề Đạt Ma. Ban đầu Bồ Đề Đạt Ma chẳng để ý đến sự hiện diện của Sư, để Sư đứng trong tuyết băng nhiều ngày. Để chứng minh quyết tâm của mình, Sư tự chặt cánh tay trái dâng Bồ Đề Đạt Ma và sau đó được nhận là môn đệ.
Tắc thứ 41 trong Vô môn quan có ghi lại cuộc đàm thoại đầu tiên giữa Bồ Đề Đạt Ma và Huệ Khả.
Bồ Đề Đạt Ma ngồi nhìn vách tường. Sư dầm tuyết, rút dao tự chặt cánh tay, nói:
“Con không an được tâm, xin thầy an tâm cho con.”
Đạt Ma bảo: “Đưa tâm cho ta, ta sẽ an cho.”
Sư đáp: “Con không thấy tâm đâu cả.”
Đạt Ma đáp: “Ta đã an tâm cho con.”
Điều gì ở đời cũng có cơ duyên như thế. Mọi sự đều có thời gian của nó. Chúng ta không cần nóng lòng gì cả. Tình yêu, hôn nhân, học trò, kinh doanh, chính trị… Mọi sự đều có chữ thời. Cứ ngồi thong thả câu cá như Khương Tử Nha, rồi chuyện gì phải đến sẽ đến.
Chúc các bạn luôn thong thả.
Trần Đình Hoành