Thursday, April 7, 2016

ĐI ĂN CHÁO TIỀU TRONG CHỢ LỚN

Người Tiều có thói quen ăn cháo vào buổi sáng, cháo nấu không đặc lắm và hột gạo mới vừa nở chín, ăn cháo với củ cải muối, cải chua, khọ xại, đậu phọng rang,...tôi cũng giữ được cách ăn này nhưng chỉ là ngày chủ nhật trên đất Úc mà thôi. Lúc còn ở VN, tụi tôi cũng ít ăn cháo lắm vì má tôi hay mua xôi, bánh tét, bánh dừa...cho tụi tôi ăn sáng, còn cháo thì có khi ra tiệm ăn cháo lòng, khi ăn cháo huyết buổi tối..Tôi cứ nghĩ là cháo lòng của người Việt, bây giờ mới biết món cháo Tiều cũng ăn với đồ lòng nhưng khìa mà người Tiếu gọi là phá lấu. Có 2 bài nói về món này. Tôi post trước một bài. (LKH)


ĐI ĂN CHÁO TIỀU TRONG CHỢ LỚN
 
Cách ăn của người Hoa cũng rất khác nhau. Nếu như người Quảng Đông chuộng những món chiên xào, hơi nhiều dầu mỡ, người Hẹ trung thành với vị cay nồng trong từng món ăn, thì người Tiều trong Chợ Lớn lại hợp với những món có vị lạt và thanh đạm hơn rất nhiều.


Quán cháo Tiều lâu đời trên đường Hồng Bàng này cũng vậy. Anh Tường chia sẻ rằng rằng ông nội mình những ngày còn ở Kiết Dương, Triều Châu đã có nghề bán cháo, khi sang Việt Nam vẫn tiếp tục rồi truyền lại cho cha anh, rồi sau này mấy anh em nối nghiệp.
 
Cháo Tiều được coi là món của nhà nghèo, bao gồm nồi nước lèo với cải chua hầm, lòng heo, giò heo, thịt mỡ, huyết heo, đậu hũ... để chung và hầm liu riu lửa qua nhiều ngày, ăn chung với cháo trắng nấu lạt, hạt gạo vừa nở bung mà ta hay gọi là cháo hoa (theo cách gọi bằng thổ âm là món "ciae mué" (chè muế), ăn với "kềm xại" (cải chua) và "từ tố (lòng heo) hay còn gọi là "tư khoan xoại").


Quan trọng nhất là nồi nước lèo cải chua hầm, với phần gia vị phần lớn là các vị thảo dược bí truyền. Đây cũng là bí quyết để hãm vị béo trong phá lấu hay giò heo, tương tự như trong món hủ tiếu hồ cũng của người Tiều. Anh Tường cho biết các gia vị này được ông nội mình đúc kết như những bài thuốc, người kế nghiệp cứ theo bí quyết đó mà làm.
 
Với món phá lấu, nhiều tài liệu cho rằng món này được hình thành từ những lần cúng kiếng, giỗ chạp của người Tiều. Con heo cúng ăn không hết, để giữ được lâu ngày thì phải đem tẩm ướp sau bỏ vào nồi ăn dần. Nồi nước phá lấu gồm các gia vị như ngũ vị hương, quế chi, bát giác, đại hồi, tiểu hồi cùng một số vị thuốc bắc. Còn phần thịt của heo bất cứ bộ phận nào cũng đều nấu phá lấu được, từ lưỡi, tai heo, ruột heo cho đến bao tử...


Nồi phá lấu có thể để quanh năm suốt tháng, hết nước lại châm vào, rồi cho thêm chút muối là có thể ăn dần trong cả năm. Trước đây quán cháo Tiều nhà anh Tường có rất nhiều món muối của nhà tự làm, nhưng rồi sau này cực quá nên chỉ giữ lại những món đặc sắc nhất.
Món giò heo hầm cũng rất được yêu thích. Giò heo hầm nhừ nhưng phải khéo để không bị nát thịt, chỉ cần dích nhẹ đũa là thịt đã bung ra. Vị đậm đà nhưng rất ít béo nhờ hầm với cải chua có tác dụng rút mỡ, nên ăn không bị ngán.
 
Nếu gõ "Teochew porridge" (cháo Tiều) vào ô tìm kiếm của Google, bạn sẽ nhận được rất nhiều kết quả đến từ Singapore. Ở đây cộng đồng người Tiều vẫn trung thành theo cách nấu cháo "Sua ga Hai", tức là "núi và biển". Một tô cháo trắng đúng kiểu người Tiều phải phân ra 2 phần riêng biệt: "núi" là phần gạo nở nằm phía trên, còn "biển" là phần nước phía dưới, nằm tách riêng chứ không trộn lẫn vào nhau.


Điều này cũng tương ứng với câu nói quen thuộc của người Tiều "Kháo sơn thực sơn, kháo hải thực hải" (Ở núi ăn núi, ở biển ăn biển 靠山吃山 靠海吃海): người sống ven biển chuyên về những món cá hấp, còn người miền núi lại có những bí quyết lưu giữ món ăn lâu ngày mà vẫn ngon.
 
Một món ăn thú vị mà bạn nên thử qua nếu có dịp vào Chợ Lớn. Để giữ nguyên vẹn hương vị qua ngần ấy năm, hẳn người nấu cũng thật nặng lòng với những sản phẩm do chính mình tạo ra. Cũng có thể xem đó như một phần di sản mà những thế hệ đã "để dành" cho nhau.

Tân Nhân
(trích trong Sài Gòn Ẩm Thực)

No comments: