Saturday, April 9, 2016

CÀ RI GÀ "SINH KÝ" TRONG CHỢ LỚN

Nói đến cà ri là chúng ta nghĩ ngay đến đồ ăn Ấn Độ, Mã Lai..nhưng thật ra ở TQ và Nhật Bổn cũng tiêu thụ cà ri rất nhiều. Gần như mọi thứ thịt cá nào cũng xào nấu với cà ri được hết. Vậy mà món cà ri chính thống do người Ấn nấu khi vào tiêm Ấn, tôi ăn không ngon lành gì hết bởi ví họ cho vào quá nhiều gia vị, đủ thứ cà ri làm cho mùi quá nồng, quá cay và hăng cả cái lỗ mũi mất đi cái hương vị của cà ri dường như còn đăng đắng nữa. Cà ri có nhiều loại nhưng căn bản chia làm 3 loại theo màu sắc: cà ri đỏ, cà ri vàng và cà ri xanh.
Cách nấu của người Ấn và Mã Lai thì cà ri hơi sệt, sánh lại, họ không chan bún hay ăn với bánh mì, họ chỉ chấm bánh Roti Canai, loại bánh bột dẽo nướng. Ở VN hồi đó má tôi cũng thỉnh thoảng nấu cà ri gà hay vịt, ăn rất ngon. Gần như gia đình nào cũng biết nấu nhưng hôm nay, tôi đọc một bài về quán cà ri của một người Tàu ở Chợ Lớn, trên mạng Sài Gòn Ẩm Thực, mà nổi tiếng vì quá ngon. Bạn nào ở Saigon đi kiếm ăn thử xem sao.


TÌM ĂN CÀ RI GÀ "SINH KÝ" TRONG CHỢ LỚN

Trước hội quán Tam Sơn trên con đường Triệu Quang Phục trong Chợ Lớn có một quán chuyên cà ri gà đã tồn tại hơn 40 năm nay. Câu chuyện về cái quán nhỏ này cũng khá ly kỳ. Chủ quán đầu tiên là ông Trần Tiêu Sanh (Sinh), người Quảng Đông, tới Sài Gòn từ rất lâu trước năm 1975.


Ông Sanh làm việc cho một tờ báo Hoa ngữ ở Sài Gòn. Do có đến 7 người con, ông cùng vợ phải nghĩ kế sinh nhai nuôi sống gia đình. Ông chọn món cà ri gà để mở quán Sinh Ký, lúc đầu nhờ người quen ủng hộ, sau trở thành nổi tiếng khu vực này, một phần cũng do quán đặt ở vị trí gần nhiều trường học và đông người qua lại. Những người kế nghiệp quán hiện giờ là mấy người con của ông Sanh.
Món cà ri gà không có chút liên quan gì tới ẩm thực quê hương của ông Sanh. Sở dĩ ông chọn cà ri Ấn Độ vì thời đó cà ri còn là món lạ ở Sài Gòn. Hồi đầu mở quán, bột cà ri còn rất hiếm nên ông Sanh phải dùng bột nghệ. Rồi dần dà việc mua bột cà ri Ấn Độ trở dễ dàng hơn do người Sài Gòn đã đón nhận món này như một phần không thể thiếu được trong văn hóa ẩm thực đa dạng của vùng đất này.


Cô bạn đi cùng thưởng thức món bún cà ri gà rồi gật gù: quả đúng là lạ. Mùi cà ri không quá nồng mà thoang thoảng vừa đủ để khứu giác phát hiện ra một cái gì mới lạ mà không bị sốc. Thịt gà được tẩm ướp rất đậm đà. Lâu nay quen ăn bánh mì cà ri, giờ lại thấy bún cà ri "ngon hổng chịu nổi”.
Một người con của ông Sanh cho biết, ngay từ khi ra đời quán chỉ bán món bún cà ri chứ không hề có bánh mì. Rồi đến khi thực khách hỏi ăn thêm bánh mì phải chạy đi mua, nên sau đó quán đã quyết định bán thêm bánh mì ăn kèm. Vậy là có món cà ri gà và bánh mì cà ri gà. Tuy vậy, cũng có người ăn bún và ăn kèm thêm cả bánh mì cho đã thèm.


Không hiểu sao rất nhiều người gốc Hoa đã chọn món cà ri Ấn Độ để bổ sung vào thực đơn của mình, đơn cử như món cơm gà hay heo với sốt cà ri của người Hải Nam, hay món cá viên cà ri rất được yêu thích ở Hồng Kông, Đài Loan... Cà ri, theo chân người Hoa, đã trở nên phổ biến ở rất nhiều nước châu Á. Tại Sài Gòn, cà ri Ấn Độ được người Hoa nhấn nhá, gia giảm để phù hợp với khẩu vị người Việt. Bởi thế, có người sang Ấn Độ ăn cà ri đều lắc đầu không ăn được, mà cứ phải cà ri Sài Gòn mới mê.
Bữa nào trời mưa lắc rắc, ngồi thưởng thức một bún cà ri gà thì còn gì thú vị bằng. Trong ánh sáng vàng vọt buổi đêm, khu Chợ Lớn bỗng lung linh đủ sắc màu, khiến món cà ri trở nên hấp dẫn bội phần.
Giang Vũ
(trích trong Sài Gòn Ẩm Thực)

No comments: