Hôm qua có nhắc cho các bạn về cuốn tiểu thuyết "Hạ đỏ có chàng tới hỏi" của Viên Linh, tình cờ đọc được bài viết của Đổ Quyên giới thiệu về quyển sách này, mới biết tên truyện lấy từ bài thơ "Tình Sầu" của Huyền Kiêu:
Bài thơ "Tình Sầu" là đối thoại giữa một anh chàng đến hỏi một cô gái, nhưng chỉ có em cô trả lời. Câu trả lời của đứa bé thay đổi theo mỗi mùa xuân hạ thu đông. Mùa xuân cô thiếu nữ còn ngây thơ, còn đi bắt bướm. Đến mùa hè, thì cô đã không còn bắt bướm hay cài hoa trên tóc mà đã vấn khăn. Có lẽ là cô đã đến tuổi lấy chồng. Cái nên thơ của mùa xuân hồng đã đổi qua mùa hè đỏ rực rỡ. Đến mùa “thu biếc” thì cô đã biết đau khổ mà “Ði hái tình sầu trong núi.” Qua “đông xám,” cô thiếu nữ qua đời, “Đã ngủ trong lòng mộ tối.” “Hạ đỏ” tức là thời điểm trong cuộc đời cô thiếu nữ mà vẻ đẹp của cô rực rỡ nhất, tình cảm của cô nồng nàn nhất, không còn thơ dại như xưa nhưng lại chưa mất tính hồn nhiên, biết mơ mộng nhưng chưa bị thất vọng. (LKH)
TÌNH SẦU (*)
thơ Huyền Kiêu
Xuân hồng có chàng tới hỏi
Em thơ, chị đẹp em đâu?
Chị tôi hoa ngát cài đầu
Đi hái phù dung trong nội
Hè đỏ có chàng tới hỏi
Em thơ, chị đẹp em đâu ?
Chị tôi khăn thắm quàng đầu
Đi giặt tơ vàng trong suối
Thu biếc có chàng tới hỏi
Em thơ, chị đẹp em đâu ?
Chị tôi khăn trắng ngang đầu
Đi hát tình sầu trong núi
Đông xám có chàng tới hỏi
Em thơ, chị đẹp em đâu?
Chị tôi hoa phủ đầy đầu
Đã ngủ trong hầm mộ lạnh
HUYỀN KIÊU (1940)
(*) Bài thơ lấy từ bản của họa sĩ Suối Hoa, là con gái của nhà thơ Huyền Kiêu
Sơ lược tiểu sử tác giả:
Huyền Kiêu tên thật: Bùi Lão Kiều, sinh năm Ất Mão 1915, mất năm Ất Hợi 1995.Huyền Kiêu, nguyên quán ở tỉnh Hà Đông (cũ), cư ngụ ở Hà Nội.
Vào thập niên 40, ông viết văn, làm thơ, cộng tác với các báo ở Hà Nội, và nổi tiếng từ đó.
Trong cuộc chiến tranh chống Pháp (1945-1954), ông tản cư ra chiến khu, công tác ở chi hội Văn nghệ Liên khu III.
Sau hiệp định Genève (1954), ông hồi cư về Hà Nội, công tác ở tạp chí Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho đến năm 1975.
Lúc ở Hà Nội, Huyền Kiêu với thi sĩ Đinh Hùng vốn là bạn thân từ thuở nhỏ. Cho nên khi bắt đầu gia nhập làng báo, làng văn; nhờ người bạn này, mà Huyền Kiêu sớm trở thành bạn thân thiết của Vũ Hoàng Chương, Thạch Lam, Khái Hưng, Nhất Linh, Nguyễn Tường Bách…
Năm 1954, Đinh Hùng vào sống ở Sài Gòn, làm báo và phụ trách chương trình “Tao Đàn trên Đài phát thanh Sài Gòn”. Trong một lần trò chuyện với bạn (Quốc Nam) về những văn nhân thời tiền chiến, thi sĩ có nhắc đến hai bài thơ của Huyền Kiêu, đó là “Tình sầu” và “Tương biệt dạ”.
Gần đây hơn, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng đã dùng hai chữ Hạ đỏ làm tên cho một quyển tiểu thuyết và còn trích dẫn mấy câu thơ đề ở bên trong. Ngoài ra, bài thơ này cũng đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc với tựa đề “Ngày xưa một chuyện tình buồn” và nhạc sĩ Việt Dzũng phổ nhạc với tựa đề “Thu vàng có chàng tới hỏi“.
Nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thu Vàng Có Chàng Tới Hỏi - Ca sĩ: Anh Dũng
No comments:
Post a Comment