Thursday, April 21, 2016

NHỮNG GIAI THOẠI VỀ BÙI TIÊN SINH

Đùa với tuyết
Rỡn với vân
Một mình nhớ mãi
Gái trần gian xa
Sương buổi sớm
Nắng chiều tà
Trăm năm hồng lệ
Có là bao nhiêu.
(thơ Bùi Giáng)
NHỮNG GIAI THOẠI VỀ BÙI TIÊN SINH
1) Một người cùng quê hỏi ông: "Thầy thường làm thơ như thế nào ?" Ông mỉm cười: "Qua làm thơ cũng giống như em là kỷ sư mà làm toán lớp ba rứa thôi". Ông nói câu đó rất tự nhiên, rất thành thật, chẳng có vẻ gì tự mãn.
2) Nhà văn Cung Tích Biền, người đồng hương với ông kể rằng: Vào đầu thập niên sáu mươi, có lúc ông đi dạy Việt văn ở một trường Trung học tỉnh ly Một hôm giảng truyện Kiều, đến chỗ nàng Kiều phải hồng trần lưu lạc, thầy Giáng khóc oà! rồi thầy nhảy qua cửa sổ lớp học, băng bộ ra bến xe về Sài Gòn. Học sinh ngồi chờ mãi, tưởng thầy đi đâu đó sẽ trở lạị Trên bàn sách vở, bao thuốc lá hãy còn. Hỏi lý do, thầy ngậm ngùi nói: "Làm sao mà trở lại nơi em Kiều đã một lần hy sinh cho cái trò chơi nhân gian kỳ ảo chỗ liên tồn!".
3) Một ngày vào năm 1963, thi sĩ Viên Linh chở Bùi Giáng đi thăm người tình. Ông rất trang trọng trong cuộc đi thăm này Trước khi đi, ông mặc gần một chục chiếc sơ mi chồng lên nhau, áo sạch giặt ủi đàng hoàng. Ra khỏi cửa ông lột chiếc sơ mi đầu tiên ném xuống đường, hối Viên Linh đi, rồi lần lượt ném gần hết áo, tới trước nhà người yêu ông cởi đến chiếc kế chót, còn lại chiếc chót ông mới bước vào nhà người yêu.
Một lúc sau ông trở ra hí hửng. Viên Linh hỏi ông:
- Sao ông mặc nhiều áo thế rồi cứ cởi ra vứt đi vậy ?
- Tau phải làm thế, đến với người yêu thì phải trong sạch từ tâm hồn đến thể xác. Những chiếc áo bận đi đường bị nhuốm bụi hồng trần, tau đến với nàng phải là chiếc áo tinh khiết nhất ... như tâm hồn tau vậy ! (1)


4) Khoảng năm 1967-1968, độc giả cười nghiêng ngửa khi Ao Thả Vịt (nhật báo Sống - Chu Tử) loan tin rằng thi sĩ Bùi Giáng yêu say đắm kỳ nữ Kim Cương. Ông yêu đến nỗi phải làm thơ gọi Kim Cương là Mẫu thân. Khối tình đơn phương đó vẫn bền bỉ trong Bùi Giáng. Có hôm ông ngất ngưởng ngồi xe xích lô đến tận nhà thăm nàng. Ông sơn móng chân móng tay, đánh phấn thoa son cẩn thận. Gọi cửa nàng không ra, ông lấy đá chọi rầm rầm vào nhà. Nàng phải xuất hiện để ông thấy mặt và nói vài lời rồi đi. Chỉ có thế thôi ! (1)
Sau này trong dịp niệm kinh cho ông, nghệ sĩ Kim Cương - người mà Trung Niên Thi Sĩ chép tặng bài thơ Sầu Ca Sĩ trong tập Ðường Ði Trong Rừng - tâm sự: Tôi may mắn được thi sĩ Bùi Giáng nhắc đến trong thơ và ngoài đường lang thang. Một khuya đã lâu lắm rồi, chừng hơn 25 năm trước, anh đập cửa nhà tôi và hét: "Mẫu thân, mở cửa!". Tôi hỏi anh Giáng ở đâu về mà bơ phờ vậy? Anh bảo ở nhà thương Biên Hòa, khi không có một Bồ Tát hiện tới bảo anh phải về Sài Gòn gấp để nhờ "mẫu thân" Kim Cương bảo lãnh mới "an toàn hiện sinh sinh hiện". Tôi nói không dám nhận mấy tiếng "mẫu thân". Anh quát: "Ðồ phàm phu tục tử như ái khanh một triệu năm sau chưa hiểu thấu tình yêu của Trẫm!" Tôi chỉ cười và kính anh là tài hoa muôn một (2)
5) Nhà văn Hoàng Nguyên Nhuận kể rằng ngày 30-4-1975 ở Sài Gòn thì ông là người duy nhất mặc đồ trận của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà với quần áo trận và nón nhưa (lớp trong của nón sắt)... Anh nhởn nhơ trong nhung phục ấy với một bầy chó năm bảy con cột dính chùm quanh lưng! Trước ngày đổi đời ông nhận được một số tiền nhuận bút. Ông ra phố rủ đám trẻ đánh giày, đám trẻ cầu bơ cầu bất trôi sông lạc chợ cùng ông ăn nhậu; còn bao nhiêu tiền ông mua chó để . . . phóng sanh!?
Nhà phê bình hội họa Huỳnh Hữu Ủy cho biết có lần ông để quên đàn chó ở nhà nữ họa sĩ Bé Ký cả tuần lễ làm bà phải nuôi ăn và chăm sóc rất mệt!


6) Nhà văn Cung Tích Biền cũng kể thêm có lần Bùi Giáng và ông đang đi long nhong gần nhà thờ Ba Chuông kiếm vài chung "quốc lũi" thì Bùi Giáng bỗng nói: "Cho ta về nhà chút đã!". Hóa ra ông về để cho heo gà ăn "chớ không sợ tụi nó chết !!!". Về nhà trong hẻm gần cổng xe lửa số 6, đã thấy ngay trước hàng hiên có mấy con . . . heo đất, mấy con vịt nhựa, được đặt trong rọ hoặc úp bằng những cái rỗ đàng hoàng. Bên con heo đất hãy còn mấy cọng rau tươi, nơi gà vịt nhựa có gạo vung vãi! Một người bà con tiết lộ: "Phải chăm sóc cẩn thận, ảnh về thấy heo gà không có thức ăn ảnh khóc!".
7) Ông mê Truyện Kiều, thơ Huy Cận. Có lần ông nói với thi sĩ Trần Tuấn Kiệt là ông viết về triết học, bàn về tư tưởng hiện đại là để cuối cùng nêu lên mấy câu về Kiều hay của Huy Cận chơi! Thế mà không hiểu tại sao ông rất ghét Xuân Diệu! Có lần Xuân Diệu diễn thuyết trong khuôn viên Trường Mỹ Thuật Gia Ðịnh, ông đi tới đi lui ngoài cổng trường và lầm bầm chửi rủa! (3)
8) Một hôm, vào khoảng 1980, ông ngồi uống cà phê, mơ màng nhìn sang bên kia là đường Ðặng Thị Nhu, đột nhiên đôi mắt ông sáng lên . Té ra ông nhìn thấy một cuốn sách tiếng nước ngoài, bị chủ quầy đem lót dưới kệ sách thay cho gạch bởi vì từ lâu không có ai hỏi mua. Ông cuống quít móc những đồng bạc cuối cùng nài nỉ mua - vì không đủ tiền - rồi ông ngồi đọc say mê như người bị thôi miên, hoàn toàn không biết gì về mọi chuyện xung quanh!
9) Một giai thoại chót: Giữa chợ trời đông như hội cuối đường Trương Minh Ký Sài Gòn sau tháng 4/75, đến trước một hàng bán phụ tùng xe đạp cũ, ông nhẩn nha vớ lấy cái "ghi đông" xe rồi tỉnh bơ bỏ đi.



Bà chủ quán chạy theo la thất thanh nhờ thiên hạ bắt giùm "thằng ăn cắp". Chẳng đợi ai bắt, ông quay lại trả cái ghi đông vào chỗ cũ và từ tốn phân bua đại để rằng: "Bà con thấy chưa, mất tất cả . . . mà phải câm, mất có cái ghi đông thì la rầm trời! Kỳ khôi quá!". Hành động ấy là điên hay tỉnh đây!!
T. V. Phê
(10/2001)
(1) Giữa Ðêm Trường (Hồi Ký) - Nguyễn Thụy Long
(2) Thế Kỷ 21 - Số 115 tháng 11/98
(3) Việt Báo Kinh Tế số ngày 17/10/1998
(Sưu tầm trên mạng)