Tuesday, April 19, 2016

TOP 10 NHẢN HIỆU RƯỢU HÀNG ĐẦU TRUNG QUỐC

Tại Trung Quốc, ở bất cứ nơi nào hay vào bất cứ thời gian nào, người ta cũng có thể nhìn thấy rượu. Từ thời cổ đại cho tới ngày nay, trong lĩnh vực kinh tế, chính tri, hay văn học nghệ thuật, trong lúc bàn việc quân, y học hay bất cứ một lĩnh vực nào, ta đều có thể dễ dàng thấy sự hiện diện của rượu.


Rượu đã trở thành một truyền thống văn hóa từ ngàn xưa, người TQ cũng như người VN lúc nào cũng nói "Vô tửu bất thành lễ" (無酒不成禮). Kỳ đi TQ mấy năm trước, từ Phụng Hoàng cổ thành về có đi ngang một thành phố không nhớ tên , người dẫn đoàn chỉ cho chúng tôi một xí nghiệp và nói đó là cơ xưởng làm rượu của tập đoàn công ty "Tửu Quỷ tửu" (酒鬼酒) nhưng nổi tiếng và được gọi là 'quốc tửu" là rượu Mao Đài.
Ở TQ có nhiều loại rượu, nhiều công ty sản xuất, lớn có nhỏ có, công khai có và rượu lậu cũng có, mắc tiền có và rẻ tiền cũng có, mình thường nghe trong phim hay đọc sách có nói về rượu Thiệu Hưng, Nữ nhi hồng, Trạng nguyên hồng, Hoa điêu, Ngũ gia bì, Hoàng Hoa....nhưng bây giờ trên thị trường TQ có những loại rượu mới hay cũ điều được bao bì thật sang trọng, rượu ngon và cũng rất đắc tiền cho giới thừa tiền lắm bạc hay làm quà cáp cho nhau. Hôm nay mình thử điểm danh top 10 của rượu TQ :

TOP 10 NHẢN HIỆU RƯỢU HÀNG ĐẦU TRUNG QUỐC
Trung Quốc là một trong những cái nôi đầu tiên của rượu và văn hóa rượu.
Rượu gạo là một trong những loại rượu cổ xưa nhất hành tinh. Hơn 3000 năm trước, từ triều đại nhà Thương và nhà Chu, người Trung Quốc đã tìm ra cách lên men rượu bằng men và chế thành rượu gạo. Từ đời nhà Tống (hơn 1000 năm trước), phương pháp chưng cất được hoàn thiện, đưa rượu gạo trở thành một loại rượu ưa thích của người Trung Hoa. Lịch sử lâu đời của rượu Trung Hoa ghi nhận dấu ấn của rất nhiều loại rượu lừng danh bốn phương.

1. Mao Đài (Moutai) 茅台酒


Rượu Mao Đài có một huyền thoại lâu đời, được sử dụng trong các buổi yến tiệc chiêu đãi cấp nguyên thủ quốc gia. Loại rượu này lưu lại vị và hương quyến rũ sau khi uống.

2. Ngũ Lương Dịch (Wu Liang Ye) 五粮液酒


Ngũ Lương Dịch được chưng cất từ năm loại ngũ cốc: cao lương đỏ, gạo, nếp, lúa mì và ngô. Loại rượu này được ca tụng la “ba chén tràn hứng khởi, một giọt cũng lưu hương”. Thành phố Yibin ở Tứ Xuyên là quê hương của loại rượu nổi tiếng này.

3. Đỗ Khang (Dukang) 杜康酒


Theo sử liệu thì Đỗ Khang là người đầu tiên chưng cất rượu từ ngũ cốc trong suốt mùa Hè – Thu. Nơi đầu tiên sản xuất rượu này là tại làng Đỗ Khang, tỉnh Hà Nam. Nguồn nước suối ở đây giúp rượu trong vắt như ngọc phỉ thúy, có vị ngọt và tinh khiết.

4. Phấn Tửu (Fen Wine) 粉酒


Phấn Tửu có một lịch sử lâu đời. Theo những chứng cứ được khai quật từ các di tích lịch sử, việc sản xuất rượu Phấn Tửu của làng Xinghua, tỉnh Sơn Tây có thể bắt đầu từ thời tiền sử của nền văn hóa Longshan 4000 năm trước. Phấn Tửu có mùi vị thơm ngọt dịu nhẹ đặc trưng của rượu Trung Hoa.

5. Tây Phong (Xi Feng) 西風酒

Được sản xuất tại thị trấn Fengxiang, thành phố Baoji, thị trấn Mei và thị trấn Qishan tỉnh Sơn Tây, Tây Phong là một trong những loại rượu lâu đời nhất với hơn 2600 năm lịch sử. Uống vừa phải sẽ giúp lưu thông máu, trừ hàn, đem lại cảm giác hưng phấn và tiêu trừ mệt mỏi.

6. Kiếm Nam Xuân (Jiannanchun) 劍南春酒


Kiếm Nam Xuân được sản xuất tại thị trấn Mianzhu, tỉnh Tứ Xuyên. Vang danh là quê hương của rượu, Mianzhu được đặt tên như vậy vì đây là nơi chuyên trồng trúc và nấu rượu từ thời Đường. Tương truyền nhà thơ Lý Bạch đã từng phải bán cả áo lông để mua rượu nơi đây, lưu lại giai thoại về “đổi áo lông chồn lấy rượu uống”.

7. Lô Châu (Luzhou) 瀘州酒


Lô Châu là cái nôi của rượu mạnh Trung Hoa từ lâu đời, sở hữu hầm rượu quý đầu tiên được xây dựng từ năm 1573, tiếp tục được sử dụng và bảo quản lâu nhất trong lịch sử. Năm 2006 nó được Cục Bảo Tồn Di Tích Văn Hóa Quốc Gia Trung Quốc liệt vào danh sách các ứng viên của Di Sản Văn Hóa Thế Giới. Tháng 5/2006, bí quyết sản xuất rượu truyền thống Lô Châu cũng được đưa vào danh sách các tài sản văn hóa phi vật thể của Trung Quốc.

8. Cổ Tỉnh Cống Tửu (Gujing Gongjiu) 古井貢酒


Rượu Gujing Gongjiu được sản xuất tại thị trấn Gujing, thành phố Hào Châu, Tỉnh An Huy. Theo sử liệu còn ghi, năm 196 sau công nguyên, Tào Tháo dâng vua Hiến Đế nhà Hán loại rượu đặc sản cùng với kỹ thuật nấu rượu của quê hương mình ở Hào Châu. Từ đó loại rượu này trở thành biểu tượng của các vương triều về sau, do đó được đặt tên là “Cố Tĩnh Cống Tửu”

9. Trúc Diệp Thanh (Zhuyeqing) 竹葉青


Cũng như Phần Tửu, Trúc Diệp Thanh cũng được sản xuất tại thôn Xing Hoa, Phần Dương. Loại rượu này nổi danh từ thời cổ đại, được biết đến đầu tiên khi chưng cất rượu cùng với lá trúc. Trúc Diệp Thanh có màu vàng trong suốt với ánh màu xanh, có mùi dịu ngọt độc đáo được chế từ Phần Tửu với các loại dược liệu. Chất lỏng này có thề giúp làm ấm dạ dày, trung hòa hoạt động của gan và máu, bình ổn khí và giảm trừ mệt mỏi, cải thiện tiêu hóa, kích thích tuyến nước bọt.

10. Đổng Tửu (Dongjiu) 董酒


Đổng Tửu được sản xuất tại chùa Donggong, thành phố Zunyi, tỉnh Quý Châu. Zunyi nổi danh về nghề làm rượu từ đời nhà Tấn. Đổng Tửu trong suốt không màu, có mùi hương tinh tế lẫn với mùi thảo dược với vị hơi chát.
(theo Food Development Lab)