Ăn trưa ở Springvale riết rồi không biết muốn ăn gì nữa. Hết cơm, phở, hủ tiếu, mì bún...Hủ tiếu hay mì thì cũng cùng một nồi nước súp chỉ để khác chút thịt là đổi tên thành món khác, như nếu chỉ có tôm và thịt thì gọi hủ tiếu tôm thịt, thêm vào miếng gan, tim thì gọi là hủ tiếu Nam Vang. Có một lẩn vào tiệm nghe người ngồi ở bàn kế bên kêu: "cho tô hủ tiếu Nam Vang nhưng không lấy đồ lòng". Anh chủ quán nói vậy là anh muốn ăn hủ tiếu tôm thịt. Tôi cũng không hiểu luôn.
Mười mấy hai mươi năm trước, tô hủ tiếu Nam Vang ở Springvale cũng ngon lắm chớ, có thịt, tôm, miếng bao tử, tim, phèo, gan, huyết heo,..nhưng dần dần người ta sợ Cholesterol nên không muốn ăn đồ lòng, rồi tô hủ tiếu Nam Vang mất bao tử, mất phèo, tim và gan thì luộc sẵn đôi khi hôi dầu vì để lâu không ai ăn.
Hủ tiếu do người Tiều du nhập vào Nam Vang nên gọi là hủ tiếu Nam Vang, bây giờ Springvale có nhiều tiệm ăn do người Tiều ở Miên mở nên món hủ tiếu Nam Vang đã mang lại hương vị và chất lượng hơn. Muốn ăn hủ tiếu Nam Vang phải vào tiệm do người Miên Tiều mở mới ngon. Tô hủ tiếu bưng ra thơm lừng, nước súp trong, trong đó có thịt, tôm, gan, phèo, tim, huyết heo, chà cá chiên, cá vò viên, chả heo, và rất nhiều thịt bầm, tăng xại...một dĩa giá, chanh thật phong phú. Chỉ ăn đồ ăn không uống súp là muốn no rồi. Tôi thích ăn kèm thêm mấy trái ớt ngâm giấm, chỉ ở tiệm Miên mới có.
Ở VN hiện nay, có nhiều tiệm bán hủ tiếu Nam Vang, có một tiệm đặc biệt mắc hơn những nơi khác vì nó ngon và nổi tiếng. Trên mạng có tấm hình của Christine Hà đến ăn chụp với chef của tiệm có cái tên "Hủ tiếu Nam Vang Liến Húa".
Nghe cái tên "Liến Húa" là biết phiên âm của tiếng Tiều, tôi lục xem cái tên phiên âm từ chữ gì. Tiệm có nhiều chi nhánh ở Sài Gòn, tìm mãi mới có một tấm bảng hiệu có 2 chữ Hoa là "聯華" có nghĩa Hán Việt là "Liên Hoa".
Có bài báo giới thiệu về tiệm hủ tiếu này, đăng năm 2012, cho biết một tô hủ tiếu thời đó là 70 ngàn, không biết bây giờ là bao nhiêu và còn có hay không ?
HỦ TIẾU LIẾN HÚA ĐẮT ĐỎ VẪN ĐÔNG KHÁCH
Có mức giá 70.000 đồng cho một bát hủ tiếu Nam Vang, nhưng quán Liến Húa vẫn thu hút rất đông thực khách đến đây hàng ngày.
Mặc dù có nguồn gốc từ xứ Chùa tháp nhưng hủ tiếu Nam Vang là món ăn của người Hoa. Chính những người Tiều ở Campuchia đã chế biến nên món ăn nổi tiếng này. Khi du nhập vào Việt Nam, hủ tiếu Nam Vang được thay đổi hương vị cho phù hợp với khẩu vị của người dân ở đây.
Cùng với Song Nguyên, TyLum, Hồng Phát, hủ tiếu Nam Vang Liến Húa đã tạo nên 4 thương hiệu hủ tiếu nổi tiếng ở Sài Gòn, được nhiều người yêu thích
Chủ quán của Liến Húa là một người phụ nữ gốc Campuchia, là người trực tiếp chế biến nên chị đã giữ lại gần như nguyên vẹn hương vị như ở quê hương của món ăn này. Có lẽ vì điều đó nên hủ tiếu Nam Vang ở đây được thực khách đánh giá là ngon và đậm đà do nấu theo khẩu vị của người Hoa ở Campuchia. Ngoài hủ tiếu Nam Vang thì ở đây còn có các món ăn khác như bánh bao, há cảo, xá xíu...
Bát hủ tiếu Nam Vang Liến Húa có thành phần khá đơn giản với sợi hủ tiếu, cùng các nguyên liệu như: tôm, thịt nạc, lòng lợn, tim, thịt băm, trứng cút như các thương hiệu hủ tiếu khác. Tuy nhiên, điều tạo nên sự khác biệt ở đây chính là nước dùng. Nước dùng hủ tiếu Liến Húa có vị ngọt thanh và hơi trong. Để có được điều đó, người bán phải mua xương ống về hầm chung với mực khô, tôm khô, khi hầm để lửa nhỏ và phải vớt bọt liên tục.
Một bát hủ tiếu Liến Húa đầy màu sắc, với màu trắng của sợi bánh, màu đỏ của tôm, màu xanh của các loại rau ăn kèm, màu vàng của hành phi đầy hấp dẫn. Sợi hủ tiếu mềm và dai, các nguyên liệu ăn kèm tươi ngon, nước dùng được nấu theo khẩu vị người Hoa nên có vị ngọt thanh đậm đà lôi cuốn thực khách.
Tuy nhiên, giá cả là một điều bạn cần lưu ý khi muốn thưởng thức hủ tiếu Nam Vang ở đây. Một bát hủ tiếu có giá 70.000 đồng, đây là một mức giá tương đối cao so với các quán hủ tiếu Nam Vang khác tại Sài Gòn.
Quán hủ tiếu Nam Vang Hiến Lúa có nhiều chi nhánh, bạn có thể ghé thưởng thức tại các địa chỉ: 321 An Dương Vương, phường 3, quận 5 hoặc 90D Trần Quốc Toản, phường 8, quận 3.
Huấn Phan