Wednesday, April 27, 2016

HOA BẠC MỆNH

"Người đẹp vẫn thường hay chết yểu,
Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai."



Đọc 2 câu thơ này, bạn sẽ cảm thấy thương tiếc cho những người tài sắc vẹn toàn nhưng vắn số. Các bạn có biết tác giả là ai không ?. Tôi thì không biết, từ thuở thanh niên biết đọc thơ tình, tôi cứ đinh ninh 2 câu thơ này dịch từ thơ cổ TQ theo kiểu:

"Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu"

"美人自古如名將,
不許人間見白頭"


Hoàn toàn sai lầm các bạn ơi. Tới bây giờ tôi mới biết đó là bài thơ thời cận đại, tìm được bài thơ với tên tác giả là J. Leiba, tôi lại tưởng đây là một bài thơ dịch hay phóng tác của thơ Pháp, thì lại càng sai lầm thêm một lần nữa.
 
Xin chân thành xin lỗi với hương hồn tác giả và xin chân thành post lên đây nguyên bài thơ và tiểu sử của tác giả để ai có lầm lẫn như tôi biết được mà minh chính lại cái không biết của mình. (LKH)


HOA BẠC MỆNH
thơ: J. Leiba

Tháng ba, hoa bạc mệnh
Tàn trước mọi cành xuân
(Dịch thơ cổ)

Người đẹp vẫn thường hay chết yểu
Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai
Ba xuân muôn thắm thêu cành biếc
Bạc mệnh hoa kia đã rụng rồi!

Héo trước trăm hoa: hoa bạc mệnh
Đang xuân, để khỏi thấy xuân tàn.
Chúa xuân vì biết tình hoa thế
Xin kiếp sau đừng nở thế gian.

Hồn kết gió hương trời Nhược thuỷ
Cánh viền mây thắm động Thiên Thai
Hoá thành những giọt mưa thơm ấy
Tưới nở trăm hoa đã héo rồi!

J. LEIBA


Sơ lược tiểu sử tác giả:
 
J. Leiba (1912-1941) tên tuy có vẻ Tây nhưng do hai chữ Lê Bái nói lái. Ông tên thật là Lê Văn Bái, khởi đầu ký bút hiệu Thanh Tùng Tử, sau mới đổi J. Leiba, sinh tại Yên Bái, nhưng chính quán là làng Nam Trực, phủ Nam Trực, tỉnh Nam Định. Thuở nhỏ ông theo học Trường Bưởi (tức trường Trung học Bảo hộ), đến năm thứ ba, ông bỏ dở việc học đi theo một nhóm giang hồ ngót một năm. Sau đó, ông trở về quê học chữ Hán, rồi lại lên Hà Nội viết báo và làm thơ.
 
Bước chân vào làng thơ từ khoảng năm 1929-1930, ban đầu với bút danh Thanh Tùng Tử, viết cho tờ Hà Thành Ngọ báo. Năm 1934, báo Tiểu thuyết thứ Bảy ra đời, ông cộng tác với Vũ Đình Long (chủ báo), rồi được cử giữ chức chủ bút tờ Ích hữu. Ngoài ra, ông còn viết các tờ: Tân báo, Tin văn, Việt báo, Nam Cường, L'Annam nouveau... Nhưng ông thật sự được người đọc chú ý nhiều, chính là nhờ những bài thơ đăng trên tuần báo Loa.


Năm 1935, ông thi đỗ bằng thành chung, được bổ vào ngạch thư ký toà sứ Bắc Kỳ, nhận việc ở toà sứ tỉnh Sơn Tây. Trong thời kỳ làm công chức ở đây, ông đã sống khá trác táng. Đến khi đổi lên toà sứ Hà Giang thì J.Leiba đã mắc hai chứng bệnh: lao phổi và đau tim. Ông xin nghỉ về Hà Nội chữa trị, nhưng đến tháng 7 năm 1940, tự biết mình không thể khỏi bệnh nên xin về nghỉ ở quê nhà. Tại đây, thỉnh thoảng ông mới gửi một vài bài thơ cho báo Tiểu thuyết thứ bảy và Tri tân.
 
Ngày 18 tháng 12 năm 1941, J. Leiba từ trần giữa tuổi 29 (1941).
 
J. Leiba có viết một số truyện ngắn, nhưng không thành công bằng thơ. Thơ ông, tuy chỉ có hơn chục bài đăng báo, chưa in thành tập, nhưng đã được giới thiệu trong quyển Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân, và trong bộ sách Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan.

(Sưu tầm trên mạng)

No comments: