Nói thật với các bạn trước khi rời VN cuối năm 1978, tôi không biết và không nghe nói đến củ dền bao giờ, rau dền thi có biết qua, có ăn qua. Tới khi qua Úc, ăn hamberger có bỏ beetroot trong đó tôi còn lấy ra vì không thích ăn mùi chua chua của nó và đỏ lòm. Từ từ, lâu ngày cũng ăn được nhưng không phải là một món ăn thường ngày. Như tôi có nói qua, những loại rau quả ở VN thì rẻ nhưng qua tới Úc thì mắc kinh khủng như rau muống, rau dền, đọt đậu, bông hẹ, bông súng, đậu rồng, bạc hà, rau má, củ sắn,....còn beetroot thì trong tiệm trái cây Úc bán nhiều lắm.
Tôi chưa tập có thói quen ăn củ dền vì không biết làm món gì, mấy hôm trước trên mạng có đăng và cả truyền hình TVB-HK cũng giới thiệu món nước ép trái cây bổ dưỡng cho sức khỏe gọi là nước ép ABC ( A for Apple, B for Beetrot, C for Carrot), tôi chưa thừ. Hôm nay đọc được bài giới thiệu về món canh củ dền, chưa ăn nhưng đã thấy ngon, ngày mai nấu thử. Beetroot thì có sẵn rồi vì mấy bữa trước mua về định ép sinh tố nhưng chưa làm vì không biết có uống được không. Lục lung tung trên mạng thì cách nấu cũng gần giống như nhau. Nguyên liệu chánh là củ dền (beetroot) còn nguyên liệu phụ cho ngon có thể là sườn heo, thịt bầm hay đuôi heo cũng được và cùng một phương pháp nấu, ngoài ra có thể thêm hành, ngò, tiêu, khoai tầy và cà rốt cho ngon miệng. Bây giờ thì học nấu theo kiều VN:
Ở vùng trung du, củ dền khá quen thuộc, thường được trồng ở vùng đất cát pha, tơi xốp, nhiều mùn. Theo kinh nghiệm dân gian, củ dền là vị thuốc quý có lợi cho cơ thể con người.
Củ dền chứa nhiều loại vitamin, sắc tố, màu beta cyanin, chất sắt... có thể dùng trong chữa trị các bệnh thiếu máu, loét dạ dày, táo bón; dùng tăng cường hệ miễn dịch... Do đó, bên cạnh khoai môn, khoai mỡ, khoai từ, thì lấy củ dền làm nguyên liệu để chế biến một số món ăn nhằm kích thích tiêu hóa và bồi dưỡng cơ thể là một quá trình trải nghiệm lâu đời.
Người quê tôi thường dùng củ dền nấu chè, xôi, chiên giòn, nấu cháo, nhưng phổ biến và dễ làm nhất là nấu canh. Trong các đám giỗ, cúng đất, chạp mả, cúng tất niên, ngày tết... món canh củ dền nấu với sườn non hay đuôi heo là món dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn, trước cúng tổ tiên, ông bà, sau là họ hàng, con cháu thưởng thức. Đặc biệt những ngày nắng nóng, canh củ dền là món rất đưa cơm. Chỉ cần húp một bát nước canh thanh ngọt, người ăn cảm thấy mọi nóng nực dường như tan biến. Trẻ con mới tập ăn dặm cũng thường được người lớn cho ăn canh củ dền vừa bổ dưỡng, lành tính mà dễ nuốt.
Không cần nhiều nguyên liệu chế biến, chỉ gồm một ít sườn heo, vài củ dền và các loại gia vị, món canh này đòi hỏi người nấu có sự khéo léo và nhiều kinh nghiệm ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Trước tiên nên chọn những củ dền còn cứng, tươi, không bị thâm, dập hay bị nứt, sứt. Không nên chọn củ to quá dễ bị xơ, mà chỉ nên chọn củ cỡ vừa.
Củ dền vừa được đào về, gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng theo chiều ngang bằng hai ngón tay, để ráo. Hành khô, hành lá, hạt tiêu đóng vai trò hết sức quan trọng tạo ra mùi vị trong bát canh. Chọn loại sườn non có phần thịt nạc xen kẽ ít bông mỡ, cắt khúc ướp qua một ít gia vị. Phi hành với dầu cho thơm rồi trút sườn vào xào cho thấm, tiếp tục cho củ dền vào. Canh được ninh với lượng nước thích hợp. Khi canh chín, nhanh tay cho ngò, một ít tiêu vào là có thể ăn được. Để đổi vị, bên cạnh nguyên liệu chính là củ dền, người ta có thể thêm một ít cà rốt, khoai tây.
Canh sườn nấu củ dền tuy chẳng phải món ăn cao sang nhưng sẽ tạo cảm giác ngon miệng cho mọi người trong gia đình, được các bà nội trợ miệt vườn ưa chuộng. Những hôm có món kho quẹt, cá khô chiên... ăn kèm với canh củ dền thì chẳng còn gì bằng...
Phan Thị Thanh Ly
(Sưu tầm trên mạng)