Sunday, April 10, 2016

NHỮNG KHÁC BIỆT THÚ VỊ GIỮA GỎI KHÔ BÒ SÀI GÒN VÀ HÀ NỘI

Dường như trước cửa trường nào ở VN cũng vậy, có rất nhiều xe, gánh, quán bán hàng ăn vặt cho học sinh trước giờ vào lớp hay sau khi tan trường. Hồi đó phía trước trường Đoàn thi Điểm (Cần Thơ) có rất nhiều quán bán nước đá đậu, chè, bò bía, gỏi khô bò, xoài, cóc, ổi...nhưng có lẽ các cô cậu học sinh chỉ thích nhất là gỏi đu đủ khô bò ví nó rất ngon mà lại rẻ nữa.


Qua Úc có mấy lần lại nhà bạn ăn, làm ở nhà nên rất phong phú, có tôm, có thịt và có nhiều khô bò, chan nước mắm ớt, ai cũng thích nhưng tôi thấy còn như thiếu cái gì đó. Hồi nãy tôi hỏi bà xã tôi: "Ở VN em có ăn gỏi đu đủ khô bò không?" vì tôi cứ tưởng là dân người Tàu Chợ Lớn không biết ăn món này. Bà xã mới trả lời: " Hồi đó đi học ăn hoài, dường như món này của người Tàu. Mấy xe bán gỏi đu đủ khô bò ở Chợ Lớn đều do mấy ông Tiều bán. Bởi vậy ăn gỏi khô bò đâu có chan nước mắm mà là chan nước tương pha dấm ớt."
Tôi chưng hửng không dè bà xã rành quá, lâu lắm không có ăn nên không nhớ là chan nước gì vào. Lần trên mạng có một bài viết vui vui nói về món này nên share lên đây cho các đọc cho vui về một sự so sánh món ăn bình dân này của 2 miền đất nước. (LKH)

NHỮNG KHÁC BIỆT THÚ VỊ GIỮA GỎI KHÔ BÒ SÀI GÒN VÀ HÀ NỘI

Khi chuyển vào Sài Gòn sinh sống, một trong những điều đầu tiên tôi phải làm là đi tìm một hàng bán nộm đu đủ khô bò (mà người Sài thành quen gọi là món gỏi).


Lâu lâu mà không ăn món này, tôi sẽ bị hội chứng “đứng ngồi không yên”. Nếu như ở Hà Nội, tôi thường ăn nộm bờ hồ Hoàn Kiếm và trong ngõ Hoàn Long thì ở Sài Gòn, tôi chỉ thấy hàng gỏi khô bò ở công viên Lê Văn Tám và gỏi ông Năm ở Nguyễn Văn Thủ xứng đáng là “đối thủ” của nộm khô bò Hà Nội.
Bất ngờ đầu tiên là hai dĩa nộm (gỏi) của hai miền hoàn toàn khác nhau, mặc dù có thể đều có gốc từ người Hoa. Hầu hết các món gỏi Việt đều làm nước trộn từ nước mắm, riêng món gỏi khô bò đu đủ làm từ nước tương, pha với dấm của người Tiều màu hơi đỏ, vị chua dịu chứ không gắt như dấm trắng. Mùi nước tương rất đặc biệt vì có thể làm mất mùi hắc đặc trưng của thịt bò.


Nếu như ngoài Hà Nội phần khô bò phong phú hơn vì được làm từ thịt nạc bò cán mỏng rồi rán (chiên) lên, thịt bò nạc thái lát, gân, dạ dày, gan, lá lách... thì ở Sài Gòn, khô bò chỉ làm từ gan và lách. Khô bò Hà Nội có nhiều màu sắc hơn dù đều là sẫm màu, trong khi đó khô bò Sài Gòn thường có màu đen đặc trưng.
Sợi đu đủ ở Hà Nội còn nhiều độ giòn hơn vì không vắt kiệt nước, còn đu đủ trong món gỏi khô bò Sài Gòn được vắt khá kỹ. Sự khác biệt lớn nữa ở rau thơm cho vào món gỏi, Hà Nội chuộng rau kinh giới hơn, còn Sài Gòn có nhiều lá quế và rau răm.
Nhưng thật lạ kỳ, cho dù khác biệt về thành phần và cách chế biến nhưng khi ăn gỏi ở cả hai nơi, người ta đều thấy đúng vị đặc trưng của món gỏi đu đủ khô bò. Tại sao lại như vậy? Dường như nước trộn gỏi hai miền khá giống nhau, chua chua, ngọt ngọt, thơm thơm mùi quế hồi, có tương ớt xay cay nồng vừa ăn vừa xuýt xoa chăng?


Ở Hà Nội, còn gì sung sướng hơn ngồi xuống cái ghế nhựa thấp, lấy một cái ghế nhựa khác làm bàn, quây quanh cô hàng nộm với cái thúng đặc trưng chứa đủ thứ trong đó rồi vừa ăn vừa nhìn ra Hồ Gươm xa xa. Gió hồ thoang thoảng thổi lên một làn hơi nước mát rượi, vị nộm khô bò đủ chua, cay, mặn, ngọt khiến những người trẻ cảm thấy buổi chiều đầy thi vị.
Ăn lúp xúp lụp xụp vậy mới ngon, mới ra quà vặt Hà Nội, bên kia đường cũng hàng nộm có bàn ghế hẳn hoi, vậy mà người ta vẫn không thích bằng. Phải chăng khi ngồi thấp xuống, người ta thấy lòng mình lắng lại hơn, hòa mình hơn với những con người cần lao khác?
Cùng phong cách ấy, tôi bắt gặp người người ăn gỏi khô bò đằng trước cổng công viên Lê Văn Tám ở Sài Gòn, thậm chí chẳng có ghế, bàn, chỉ có miếng giấy lót bờ gạch lát xung quanh cây xanh, tay cầm dĩa gỏi đã có đầy đủ thứ. Hoặc ngồi ghế xúp trong cái quán mái che lụp xụp của quán ông Năm đường Lê Văn Thủ. Gỏi khô bò có vẻ hợp với không gian bình dị hơn.


Theo lời chị Long Vi Dung, một trong những người thừa kế thương hiệu nộm Long Vi Ổn (ông Tàu áo đen), ông nội chị người gốc Hoa, chuyên bán nộm ở Hải Phòng, năm 1945 ông mới lên Hà Nội và bán nộm ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Rất có thể ông Ổn là “ông Tàu áo đen” bán nộm ở bờ Hồ mà nhà văn Tô Hoài đã nhắc đến trong hồi ức về Hà Nội của mình.
Còn theo lời kể của ông Năm thì khi di cư từ Nam Định vào Sài Gòn, ông đã mang theo nghề làm khô bò ăn kèm với đu đủ. Ông “nộm” phố cổ Lưu Văn Hào nói rằng, “nhiều người cho là món nộm bò khô có nguồn gốc từ Trung Quốc, song tôi thấy các cụ nhà tôi từ nhiều đời phát triển món nộm song song với món phở Nam Định”.
Tuy có vẻ gây tranh cãi về nguồn gốc nhưng thú vị ở chỗ, cứ cho là món nộm bắt nguồn từ người Hoa, thì dường như chưa có món nào của người Hoa được cư dân hai đầu đất nước, Sài Gòn - Hà Nội đón nhận nhiệt thành như vậy.
Với riêng tôi, cứ ở Sài Gòn lại nhớ nộm bờ Hồ Hoàn Kiếm, còn ở Hà Nội nhớ da diết món gỏi bò khô Sài Gòn...

Giang Vũ
(nguồn: Sài Gòn Ẩm Thực)