Một khối lượng lớn tài liệu bị rò rỉ ra từ một công ty luật Panama có tên là Mossack Fonseca đã cho thấy cách người giàu và kẻ quyền thế giấu giàu như thế nào.
Và nhân chuyện này, dư luận cũng chú ý đến Panama, một trong những nơi ẩn lậu thuế nổi tiếng nhất thế giới.
Nhưng điều gì làm cho Panama khác biệt với các nơi không có quy chế thuế hoặc thuế thấp khác và cớ làm sao xứ này trở nên như vậy?
Panama đã “khởi nghiệp” cho trốn thuế như thế nào?
Theo một nghiên cứu khoa học năm 2013 được Trung tâm Na Uy chuyên nghiên cứu thuế công bố, lịch sử trở thành một nơi ẩn lậu thuế của Panama bắt đầu vào năm 1919 khi nước này cho các tàu biển nước ngoài đăng ký để giúp hãng dầu đại gia của Mỹ là Standard Oil trốn thuế và các quy định của Mỹ.
Nơi đại gia Standard Oil mở ra kỷ nguyên trốn thuế cũng là nơi các chủ sở hữu tàu khác nối gót, một số hãng tàu tìm cách né lương bổng cao và các điều kiện làm việc tốt hơn do luật Mỹ quy định.
Trong số những chế định khác khi đăng ký trở thành tàu của Panama vào thời điểm đó, các con tàu chở hành khách của Mỹ có thể phục vụ rượu khách hàng trong khi lệnh cấm đang hiệu lực mà không phạm luật.
Trong vòng vài năm, Panama thấy được cơ hội cần mở rộng các nguyên tắc áp dụng trong dịch vụ ship hàng gồm thuế, quy định và yêu cầu minh bạch về tài chính nước ngoài tối thiểu.
Theo nghiên cứu của Na Uy, “lợi ích của Wall Street là nguồn cơn để Panama đưa ra các luật thuế công ty. Luật ấy cho phép các công ty khởi nghiệp miễn thuế, không cần đăng ký tên tuổi và thủ tục tối giản.”
Nhiều thập kỷ qua, tài chính của nước ngoài có một hồ sơ tương đối ít ỏi ở Panama, nhưng chuyện không còn êm thấm khi giá dầu vào những năm 1970 tăng vọt.
Rồi thì chuyện gì xảy ra?
Panama thông qua luật giữ kín bí mật tài chính của công ty và cá thể. Luật và các quy chế bảo mật nghiêm ngặt được đưa ra, với các hình phạt nặng xử các hành vi vi phạm. Tên các cổ đông của công ty không quy định phải công khai.
Panama cũng có luật bảo mật tiền gửi ngân hàng nghiêm ngặt. Các định chế tài chính bị cấm cung cấp thông tin về các trương mục ngân hàng từ nước ngoài hoặc những các nhân nước ngoài mở trương mục. Miễn trừ duy nhất là đối với trát toà đặc biệt của Panama kết hợp với các điều tra khủng bố, buôn lậu ma tuý hoặc tội phạm nghiêm trọng khác (không tính tội trốn thuế).
Ngoài ra, Panama không có hiệp định thuế với các nước khác, tạo thêm một lớp bảo vệ đối với người nước ngoài. Và xứ này cũng không kiểm soát ngoại hối, cho nên không có giới hạn hoặc quy định khai báo đối với các vụ chuyển tiền vào và ra.
Vào năm 1982, nhờ một phần hấp dẫn bởi các cơ hội kinh doanh xuất phát từ Kênh đào Panama và là vùng mậu dịch tự do, hơn 100 ngân hàng quốc tế đặt văn phòng tại Thành phố Panama.
Hậu quả của mọi chuyện như thế?
“Luật pháp thả lỏng như thế thu hút một hàng dài những kẻ “ăn bẩn” và các nhà độc tài thông qua Panama để giấu mọi thứ tham ô của họ, trong đó có Ferdinand Marcos, ‘Baby Doc’ Duvalier, và Augusto Pinochet,” nhà báo Ken Silverstein viết trong một bài báo năm 2014 về chuyện nhúng chàm của Mossack Fonseca.
“Khi Manuel Noriega, tư lệnh các lực lượng quốc phòng Panama, lên cầm quyền năm 1983, về cơ bản ông đã quốc hữu hoá các doanh nghiệp rửa tiền bằng cách hợp tác với tập đoàn ma tuý Medellin và cho nó tự tung tự tác trong đất nước này.”
Những năm tiếp theo là những năm thất bại của Panama trong nỗ lực định vị mình như là một trung tâm ngân hàng hải ngoại hợp pháp. Các xáo trộn tài chính toàn cầu tác động nặng nề lên Mỹ Latinh, và nợ nần bởi những tay chơi trong vùng tăng vọt trong đó có Mexico và Argentina.
Cùng thời gian đó, nhiều chỉ trích tăng lên về ảnh hưởng của việc kinh doanh ma tuý ở Panama.
Cuối cùng, Mỹ quyết định hành động, xâm lược Panama vào năm 1989 và lật đổ Noriega. Người kế nhiệm ông này, Guillermo Endara, một luật sư dân sự, tạo ra một cục diện mới về hình ảnh quốc tế của Panama. Nhưng đã có các cáo buộc cho rằng hệ thống tài chính của nước này cho phép rửa tiền, gian lận và trốn thuế tồn tại.
Điều gì tạo nên sự khác biệt của Panama với những nơi ẩn lậu thuế khác?
“Không có nơi nào ẩn lậu thuế tốt hơn thế,” Jolyon Maugham, một luật sư chuyên về thuế được BBC 5 Live dẫn lời, nhận định. “Những nơi ấy không phục vụ bất kỳ mục tiêu nào cho nền kinh tế toàn cầu… Và những gì là sự thật nói chung thì cũng là sự thật ở Panama.
“Panama là một ổ trốn thuế nổi bật. Đó là một nơi kinh tởm để giấu cất tài sản… vì nó giữ bí mật cực kỳ và chẳng mấy ai chú ý.”
Maugham cho rằng Panama tạo ra “một hình thức bảo mật nghiêm ngặt, một sự mù mờ về sự sở hữu, và (nếu các báo cáo lùi ngày là đúng) là một chỗ quản lý của cải chuyên nghiệp của những kẻ phỉ nhổ đạo đức.”
Tax Justice Network, một tổ chức đấu tranh cho chuyện trốn thuế, nói về Panama: “Trong những năm gần đây, nước này đã áp dụng một vị trí cứng rắn như là một quy chế từ chối hợp tác với các sáng kiến minh bạch quốc tế.”
Thuế, và các dàn xếp để né luật, là một ngành kinh doanh toàn cầu và các nơi ẩn lậu cạnh tranh để cung cấp dịch vụ, và sự bảo mật mà khách hàng tìm kiếm.
Pascal Saint-Amans, giám đốc trung tâm về chính sách thuế của OECD, được BBC dẫn lời: “Từ góc nhìn về tai tiếng, Panama là một nơi duy nhất mà người ta còn tin tưởng là họ có thể dấu tiền.”
Sau khi có việc rò rỉ các tài liệu của Mossack Fonseca, Tổng thống Panama Juan Carlos Varela cho biết chính phủ của ông “không khoan nhượng” đối với các hoạt động bất hợp pháp.
Ngày 5/4, Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson xin từ chức sau khi ông bị nghi trốn thuế, liên quan đến vụ rò rỉ hàng triệu tài liệu của một công ty luật ở Panama. Thủ tướng Gunnlaugsson đối mặt với áp lực phải từ chức sau khi các tài liệu rò rỉ từ một công ty luật ở Panama, gọi là “Hồ sơ Panama”, ngày 3/4 cho thấy ông có liên hệ với một công ty nước ngoài, làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình lớn ở thủ đô Reykjavik. Theo tài liệu, ông Gunnlaugsson, 41 tuổi, và vợ, Anna Sigurlaug Palsdottir, sở hữu một công ty nước ngoài ở Quần đảo Virgin thuộc Anh (British Virgin Islands) và đã chuyển hàng triệu USD vào đây.
Khởi Thức
Theo Bsa.org.vn
Theo Bsa.org.vn
(trích từ tiepthithegioi.vn)
No comments:
Post a Comment