Rượu bồ đào đựng trong chén ngọc phát sáng về đêm (dạ quang bôi) đẹp đến cỡ nào thì chưa thấy, nhưng rượu vang (đỏ) đựng trong ly pha lê thì lóng lánh, tuyệt vô cùng! Đó là chưa kể, âm thanh cụng ly nghe trong trẻo êm tai, khác xa tiếng đàn tì bà phá đám, chưa kịp nhấp môi đã dục tửu sĩ lên ngựa. Nhưng hàng pha lê nào cũng có chì với hàm lượng cao. Chì sẽ thôi vào trong rượu. Chẳng lẽ cái đẹp của ly rượu lóng lánh, êm tai lại hẩm hiu đến thế sao?
Vũ Thế Thành
Thủy tinh nấu chảy từ cát (silica). Nhiệt độ làm nóng chảy cát rất cao, nên phải trộn thêm với những chất khác như đá vôi, potash, soda,… để làm hạ nhiệt độ chảy (chất trợ dung). Ngoài ra, có thể trộn trộn thêm những oxid khác để thủy tinh có thêm đặc tính mong muốn, như tăng độ bền nhiệt, bền hóa, chống ứng lực,…
Không phải thủy tinh nào có chì cũng được gọi là pha lê.
Tới thế kỷ 17, người ta mới bắt đầu thêm oxid chì để nấu thủy tinh, và thế là tạo ra pha lê. Bản thân oxid chì cũng là chất trợ dung rất tốt.
Tới thế kỷ 17, người ta mới bắt đầu thêm oxid chì để nấu thủy tinh, và thế là tạo ra pha lê. Bản thân oxid chì cũng là chất trợ dung rất tốt.
Pha lê có chỉ số khúc xạ cao hơn thủy tinh (thường) nhiều, nên mức độ phản chiếu lấp lánh rất đẹp. Nếu pha lê được tạo hình có những góc cạnh, thì độ lấp lánh càng tuyệt. Chì có khối lượng nguyên tử cao (207), nên khối lượng riêng của pha lê cao hơn thủy tinh, khi cụng ly phát ra âm thanh trong trẻo và thanh.
Thực ra, pha lê (crystal) cũng chỉ là một dạng thủy tinh (không tinh thể), nhưng không hiểu vì sao người ta lại dùng chữ “crystal”, có nghĩa là tinh thể, để chỉ pha lê.
Nói tới pha lê thì dứt khoát phải là thủy tinh chì. Hàm lượng chì càng cao thì đặc tính của pha lê (độ lấp lánh, khúc xạ, tiếng kêu…) càng thể hiện rõ. Lượng chì ở pha lê có thể lên tới 40%. Để tránh nhập nhằng, Châu Âu quy định, chỉ thủy tinh có hàm lượng chì (quy thành PbO) trên 24% mới được gọi là pha lê chì (lead crystal). Còn thủy tinh dưới 24% chì được xem là hàng nhái pha lê (crystallin), và phải ghi trên nhãn đúng như thế.
Trên thị trường cũng có loại “pha lê” không chì, thay vì dùng chì, người ta dùng oxid barium và oxid kẽm thay thế. Đây cũng là loại pha lê nhái, gọi là crystal glass. Loại này nhẹ hơn và có chỉ số khúc xạ, âm thanh cụng ly không bằng pha lê thiệt.
Đằng sau vẻ đẹp…
Thực phẩm lỏng, nhất là loại có tính acid như đồ chua, nước trái cây, nước ngọt làm chì thôi ra từ ly pha lê. Rượu vang đỏ, vang trắng, rượu mạnh các loại cũng thế. Con số do Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA- Mỹ) đưa ra, rượu vang porto (20 độ) đựng trong bình pha lê sau 2 ngày, mức chì đo được 89 microgram. Sau 4 tháng, con số này là 2.000 – 5.000. Rượu mạnh (brandy) sau 5 năm thôi ra 20.000. Thôi ra nhiều hay ít còn tùy hàm lượng chì cao thấp trong ly/bình pha lê.
Hàm lượng chì quy định trong nước uống tối đa là 50 microgram.
Ngộ độc chì không phải lúc nào cũng dễ nhận ra. Triệu chứng giống như bị cúm: nhức đầu, ăn không ngon, mệt mỏi, đau khớp, đau bụng, ói mửa,… Phơi nhiễm liên tục với hàm lượng thấp, thì hệ thần kinh bị ảnh hưởng (dễ quên, trầm cảm, thiếu hồng cầu, rối loạn tâm thần và thể chất). Với lượng cao hơn, dễ bị rủi ro sảy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc vô sinh (đàn ông).
Thai nhi và trẻ em rất nhạy với ngộ độc chì. Chỉ cần hàm lượng nhỏ cũng ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất (thai nhi), gây hiếu động thái quá, khả năng tiếp thu kém. Ngộ độc nặng hơn thì hư thận, hại não, hôn mê và tử vong.
Cổ lai “ẩm tửu” kỷ nhân hồi?
Bà bầu, con nít nên tránh xa hàng pha lê, cả thiệt lẫn nhái cho chắc ăn. Cũng lưu ý, đồ chơi trẻ em có khá nhiều chì, nhất là đồ chơi Trung quốc. Thêm nữa, các chén tô dĩa sứ kiểu màu mè hoa lá, nhất là màu đỏ, vàng đều có chứa chì. Người ta dùng men nhẹ lửa (frit chì) để trang trí hay viền ở đồ sứ.
Với mấy tay nhậu, rượu ngon mà không có ly đẹp thì còn gì…lãng mạn. Xin cứ tự nhiên “Bồ đào mỹ tửu pha lê bôi”, chẳng có gì phải…hãi. Theo con số của cơ quan an toàn Canada, lượng chì thôi ra từ ly pha lê vào rượu trong thời gian bữa ăn chưa quá 0,2 ppm (=0,2 microgram). Chẳng nhằm nhò gì so với uống nước (50 microgram/lít max). Tuyệt đối an toàn, nhưng đừng chơi…đắp mô cả mấy tiếng đồng hồ thì hơi khó coi.
Dĩ nhiên, không nên đựng rượu trong bình pha lê năm này tháng nọ, nếu không muốn số phận vận vào câu thơ cuối (thơ nhái) trong bài Lương Châu Từ: “Cổ lai ẩm tửu kỷ nhân hồi”.
Vũ Thế Thành
No comments:
Post a Comment