Có nhiều điều đã bị hậu thế thêm thắt vào Nho giáo (ảnh: NTDVN)
Nói đến văn hóa rực rỡ của phương Đông không thể không nói đến Nho giáo, không nhắc đến Đức Khổng Tử, người đóng góp vào nền văn hóa truyền thống tư tưởng Nhân- Nghĩa- Lễ- Trí- Tín; thời thịnh thế chiểu theo đó mà trị quốc tu thân; thời loạn thế có thể giữ mình và giữ nước.
Nhưng bên cạnh những giá trị đạo đức cốt lõi kinh điển được thừa nhận đó thì suốt chiều dài lịch sử những điều tiêu cực được bồi đắp thêm vào cũng không ít; từ đó gây nên nhiều điều hậu thế hiểu sai về Khổng Tử và về Nho giáo.
Ngày nay người học tập đạo Thánh hiền không còn nhiều nữa nhưng lõm bõm một vài câu thì dường như ai ai cũng biết. Và trong số đó có một số câu thường được nhắc đến với ý chỉ trích Nho giáo:
1. “Quân xử thần tử thần bất tử bất trung, phụ xử tử vong tử bất vong bất hiếu”
Một người quen của tôi, anh học tiến sĩ ở châu Âu về, anh cũng bài xích kịch liệt Nho giáo. Anh nói xã hội Trung Quốc và Việt Nam không phát triển nổi cũng tại Nho giáo. Vì anh cho rằng Nho giáo chỉ có lợi cho giai cấp thống trị hay nhà cầm quyền. Cho nên các triều đại xưa kia và ngày nay đều lợi dụng Nho giáo, khiến cho người ta chỉ biết “ngu trung”: “Quân xử thần tử thần bất tử bất trung, phụ xử tử vong tử bất vong bất hiếu.” lấy câu này ra để chê Nho giáo là phản nhân tính nhưng lại không hề biết rằng đây là câu nói không phải xuất phát từ Nho giáo.
(“Ngu trung” mang hàm nghĩa xấu. Ý chỉ sự trung thực đến ngu muội, không kể hậu quả, không nghĩ đến nguyên nhân, không cân nhắc lợi hại, chỉ biết dựa theo mệnh lệnh mà đi làm, không có cách nghĩ của bản thân).
“Quân xử thần tử thần bất tử bất trung, phụ xử tử vong tử bất vong bất hiếu” không phải từ Nho giáo (ảnh minh họa Pinterest)
Khi thái tử Phù Tô cầm quân ở bên ngoài, thừa tướng Triệu Cao đã làm giả di chiếu của Tần Thủy Hoàng bắt thái tử phải chết. Nhận được chiếu, Thái tử mới thở dài nói: “Quân xử thần tử thần bất tử bất trung, phụ xử tử vong tử bất vong bất hiếu”. Vì tưởng lầm đó là ý cha, mà trong trường hợp của Thái tử thì cha cũng là vua.
Nho giáo không giảng “ngu trung”
Có lẽ cũng nên minh bạch một điều, nhà Tần lúc đó dùng Pháp trị chứ không dùng Đức trị. Tức là theo chủ trương của Pháp gia chứ không phải Nho gia. Quản Tử chủ trương “Tôn quân ti thần, dĩ thế thắng dã” (Tôn vua lên, hạ quân xuống, lấy cái uy thế mà thắng lướt), là đặt vua trên luật pháp. Sống trong bối cảnh đất nước lúc ấy nên Phù Tô rất tự nhiên mà nói ra câu ấy.
Cả câu “Trung thần bất sự nhị quân”(tôi trung không thờ hai vua ) cũng là của Pháp gia; chính vì điểm này có lợi cho Vua nên các vua sau này đã cài tư tưởng của Pháp gia vào Nho gia. Bởi đa số đều dùng Nho giáo để trị quốc, vì chỉ có Nho giáo mới ổn định được lòng dân.
Nho giáo chủ trương vua phải ra vua, tôi phải ra tôi, “Từ thiên tử cho tới thứ dân đều phải lấy sự tu thân làm gốc”. Vậy Vua cũng phải có tư cách, thương dân thì mới mong trung thần không rời bỏ. “Làm vua lấy lễ mà đãi bề tôi, làm bề tôi phải lấy chữ trung mà thờ vua”; vua không ra gì thì bỏ đi tìm vua khác anh minh mà thờ. Bản thân Khổng Tử cũng rời bỏ vua Lỗ mà đi qua nước khác. Nên làm sao có thể nói Nho giáo dạy người ta ngu trung được.
2. “Nam tôn nữ ti”
Khi nói đến Nho giáo người ta liền lập tức nhớ câu “Trọng nam khinh nữ”. Trọng nam khinh nữ là dịch từ câu “nam tôn nữ ti” mà ra. Mà “Nam tôn nữ ti” là bắt nguồn từ Chu Dịch, cụ thể hơn là từ việc hậu nhân chắp vá lời nói của Khổng Tử khi viết phần Dịch Truyện chú thích cho Kinh Dịch.
Tiết thứ nhất của hệ từ thượng trong Dịch Truyện viết: “Thiên tôn địa ti. Kiền Khôn định hĩ. Ti cao dĩ trần. Quý tiện vị hĩ. Động tĩnh hữu thường. Cương nhu đoán hĩ. Phương dĩ loại tụ. Vật dĩ quần phân. Cát hung sinh hĩ. Tại thiên thành tượng. Tại địa thành hình. Biến hoá kiến hĩ”.
Có thể tạm dịch là: Trời ở trên cao đất ở dưới thấp. Càn khôn đã được định rõ là như thế. Sự vật lấy tôn ti cao thấp để trình bày rõ; cao thấp ra sao đã sẵn ở vị trí đó rồi. Sự vật từ đó mà phân sang hèn khác biệt; có động có tĩnh, có cương có nhu, có quần tụ cũng có phân chia, có may mắn cũng có tai họa. Trên trời có thiên tượng, dưới đất sẽ hiện thực hóa. Biến hóa của vũ trụ là như thế.
Nhiều người cho rằng Nho giáo “trọng nam khinh nữ” (ảnh minh họa Pinterest)
Tiết thứ tư của hệ từ thượng trong Dịch Truyện viết: “Kiền đạo thành nam. Khôn đạo thành nữ”.
Tạm dịch: Người nam là ứng với Càn, người nữ là ứng với Khôn. Đạo của Trời, đạo của Càn tạo thành người nam; đạo của Đất, đạo của Khôn tạo thành người nữ.
Bị khoác lên nghĩa “Trọng nam khinh nữ”
Người đời sau lấy ý của tiết thứ Tư, hợp với ý của tiết thứ Nhất, thành ra câu “nam tôn nữ ti”; sau này bị khoác lên nghĩa “trọng nam khinh nữ”.
Tư tưởng cốt lõi của Kinh Dịch chính là nhấn mạnh sự cân bằng, hài hòa của âm dương. Phàm là những gì không cân đối, không hài hòa thì cuối cùng sẽ bị lệch khỏi quỹ đạo. Mà vạn sự vạn vật trong vũ trụ cuối cùng đều phải quy về hài hòa và cân bằng. Sự cân bằng trong trời đất thể hiện ở nhiều phương diện khác nhau; tựu chung lại là “có trật tự”, như tiết thứ Nhất mô tả.
Trật tự nói trên có thể là càn khôn, có thể là trời đất, có thể là cao thấp, cũng có thể là sang hèn. Nhưng không nhất thiết cứ cao thì là sang, cứ thấp thì là hèn. Chu Dịch viết: “Địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật”, đất ứng với Khôn (trong Càn Khôn), người quân tử lấy đức dày để nâng đỡ vạn vật. Ở đây ví cách hành xử của người quân tử như mặt đất; trong khi người quân tử là người nam, ứng với Càn, mà trời cũng ứng với Càn. Do vậy, không thể vì nam ứng với Càn mà gán nam là sang quý; không thể vì nữ ứng với Khôn mà gán nữ là hèn kém.
Người phụ nữ vẫn luôn được tôn trọng
Trong xã hội thời xưa, con cái mà dám xem mẹ mình là hèn thì chính là bất hiếu, bất lễ. Tương tự như vậy, quan lại không có ai dám xem thường Hoàng hậu cả. Hoàng đế lại cũng không thể đặt mình cao hơn Hoàng thái hậu.
Người phụ nữ thời xưa vẫn luôn được tôn trọng (ảnh minh họa NTDVN)
Sách“Thiên Tự Văn” ghi chép về các giáo lý chính thống của Nho giáo có câu: “Ngoại thụ phó huấn, nhập phụng mẫu nghi” (Ra ngoài nghe lời thầy, về nhà nhớ lời mẹ). Vậy lời mẹ dạy rất quan trọng, không thua gì cha, có hạ thấp chút nào đâu.
3. “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”
Hầu hết chúng ta đều lý giải “Tam tòng” dựa vào câu: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Cho rằng đó nghĩa là người phụ nữ ở nhà thì theo (phục tùng) cha; lấy chồng thì theo (phục tùng) chồng; chồng mất thì theo (phục tùng) con trai. Thực tế cách hiểu này chỉ mới xuất hiện khoảng 100 năm trở lại đây mà thôi.
Thuật ngữ “Tam tòng” xuất hiện sớm nhất trong “Nghi lễ” – cuốn kinh điển Nho gia có từ thời đầu nhà Hán (khoảng năm 200 TCN), ghi chép lại những lễ nghi thời nhà Chu. Sách “Nghi lễ”, phần “Tang phục – Tử Hạ truyện” viết rằng:
“Phụ nữ không mặc tang phục ‘trảm thôi’ hai lần. Điều này nghĩa là gì? Phụ nữ có cái nghĩa tam tòng, không có đạo dùng riêng. Do đó chưa lấy chồng thì theo cha; đã lấy chồng thì theo chồng; chồng chết thì theo con (con trai).”
(Nguyên văn: Phụ nhân bất nhị trảm giả, hà dã? Phụ nhân hữu tam tòng chi nghĩa, vô chuyên dụng chi đạo, cố vị giá tòng phụ, ký giá tòng phu, phu tử tòng tử.)
Phụ nữ khi chưa lấy chồng, nếu cha mất thì mặc tang phục trảm thôi (‘trảm thôi’ là loại trang phục nặng nhất và được dệt bằng sợi đay thô nhất) trong 3 năm. Đối với người thân khác mất thì cũng mặc tang phục giống theo người cha; tức lễ quy định người cha chịu tang người thân kia thế nào thì phụ nữ chưa lấy chồng cũng theo như thế ấy. Đó chính là nghĩa gốc của câu “Vị giá tòng phụ” (ở nhà thì theo cha).
“Tam tòng” là quy định về cách thức chịu tang của người phụ nữ
Phụ nữ đã lấy chồng, khi chồng mất thì mặc tang phục trảm thôi trong 3 năm. Đối với người thân khác mất thì cũng mặc tang phục giống theo người chồng; tức là lễ quy định người chồng chịu tang đối với người thân đó như thế nào thì phụ nữ đã lấy chồng cũng theo như thế ấy. Đó chính là ý nghĩa gốc của câu “Ký giá tòng phu” (lấy chồng thì theo chồng).
Sau khi chồng chết thì phụ nữ chịu tang đối với những người thân khác giống theo con trai; tức là lễ quy định con trai chịu tang đối với người thân đó như thế nào thì người phụ nữ cũng chịu tang như thế ấy. Đó chính là ý nghĩa gốc của câu “Phu tử tòng tử” (chồng mất thì theo con trai).
Ý nghĩa của “Tam tòng” đã bị thay đổi theo thời gian (ảnh minh họa Sohu)
Như vậy, “tam tòng” là quy định về cách thức chịu tang đối với người phụ nữ: Khi họ chưa lấy chồng thì theo cách thức của cha; đã lấy chồng thì theo cách thức của chồng; còn sau khi chồng mất thì theo cách thức của con trai. Vì thế cả cuộc đời người phụ nữ chỉ chịu tang với nghi thức cao nhất một lần; tức mặc trảm thôi trong 3 năm chỉ một lần trong đời.
Một lần bị biến đổi nghĩa
Đến cuối thời Tây Hán, tức khoảng 200 năm sau khi kinh sách “Nghi lễ” ra đời, thì những nghi lễ ấy đã được Đới Đức đem giản hóa từ 130 chương chỉ còn 85 chương, đặt tên là “Đại Đới lễ ký”. Trong chương “Bản mệnh thứ 18” sách “Đại Đới lễ ký” có viết rằng:
“Phụ nữ là người theo, đàn ông là chủ động. Phụ nữ nghe theo lời dạy bảo của đàn ông, từ đó tăng trưởng hiểu biết về nghĩa lý; do đó gọi là phụ nữ. Phụ nữ là người cúi đầu trước người khác, là do cái nghĩa không được tự ý chuyên chế, có cái đạo tam tòng. Ở nhà thì theo cha; về nhà chồng thì theo chồng; chồng chết thì theo con trai; không được tự ý theo sở thích”.
(Nguyên văn: “Nữ giả, như dã, tử giả, tư dã. Nữ tử giả, ngôn như nam tử chi giáo nhi trưởng kỳ nghĩa lý giả dã, cố vị chi phụ nữ. Phụ nữ, phục ư nhân dã, thị cố vô chuyên chế chi nghĩa, hữu tam tòng chi đạo: tại gia tòng phụ, thích nhân tòng phu, phu tử tòng tử, vô sở cảm tự toại dã.”)
Xét theo ngữ cảnh đương thời thì cũng hợp lý
Như vậy, nếu như từ thời nhà Chu đến thời Tần “tam tòng” là chỉ chế độ tang phục cho phụ nữ, thì đến thời Tây Hán đã phát sinh biến đổi. Thời Tây Hán, một phần là do các lễ nghi có từ thời Chu nay đã bị giản lược; một phần là do hầu hết phụ nữ đều không được đi học. Do đó họ không được tự tiện tùy ý làm theo ý thích mà phải nghe theo lời dạy bảo và chỉ dẫn của những người được học hành về đạo lý, lễ nghĩa, và nghi thức – đó là cha, chồng và con trai.
“Tam tòng” thời xưa không có ý nghĩa tiêu cực (ảnh minh họa: NTDVN)
Có lẽ đây là ý nghĩa được sử dụng lâu dài nhất suốt gần 2000 năm. Đại đa số người hiện đại khi nghiên cứu về tam tòng thì đều căn cứ từ tài liệu và ý nghĩa này. Có thể thấy, nếu ghép vào ngữ cảnh đương thời thì thấy quy định ấy cũng hoàn toàn hợp lý; không có ý nghĩa cưỡng chế ép buộc phụ nữ phải phục tùng nam giới vô điều kiện suốt cuộc đời.
Lần thứ 2 bị biến đổi nghĩa
Vậy thì, bắt đầu từ khi nào tam tòng có cách hiểu như chúng ta thấy phổ biến hiện nay?
Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, các nước thắng trận đã ký kết bản Hiệp ước Versailles. Trong đó có điều khoản chuyển giao chủ quyền tỉnh Sơn Đông từ tay Đức sang cho Nhật Bản. Vào ngày 4 tháng 5 năm 1919 đã xảy ra Phong trào Ngũ Tứ, tức phong trào của sinh viên và trí thức Trung Quốc đứng lên kêu gọi chống lại quyết định này. Sau đó phong trào chuyển sang chống lại chính phủ Trung Hoa Dân Quốc và lan rộng khắp 22 tỉnh và 150 thành phố ở Trung Quốc.
Từ Phong trào Ngũ Tứ trở đi, một số người cầm quyền đã bắt đầu bóp méo nghĩa ban đầu; giải nghĩa thành người phụ nữ cả đời phải phục tùng và nghe theo đàn ông, không có bất cứ quyền lợi hay tự do gì. Họ đã bịa đặt và giải thích lệch lạc ý nghĩa đích thực để kích động nữ giới đấu tranh ‘giành quyền lợi’, ‘bình quyền’; mà thực chất là lợi dụng để che đậy mưu đồ chính trị phía sau.
4. “Tử bất ngữ quái lực loạn Thần”
Nhiều người thích Nho giáo vì cho rằng Nho giáo rất cận nhân tình, không xa rời thực tế, không viển vông thần bí. Có người dựa vào câu nói “Tử bất ngữ quái lực loạn Thần” (theo cách giải nghĩa thông thường là: Khổng Tử không nói chuyện quái lạ, bạo lực, phản loạn, Thần linh) mà cho rằng Khổng Tử vô thần.
Tuy nhiên, cũng trong Luận Ngữ, có câu: “Kính quỷ Thần nhi viễn chi”. (Kính trọng quỷ Thần nhưng tránh xa”). Vậy đối với Qủy Thần Khổng Tử vẫn có lòng Kính trọng. Và hiển nhiên phải “tin” là có thì mới có đối tượng để mà “kính trọng”; chỉ là người và quỷ thần không cùng một hệ nên ông mới giảng “tránh xa”.
Và “tránh xa” ở đây không có nghĩa là ông tránh xa quỷ thần. Chính ông cũng nói “quỷ thần có ở khắp nơi không đâu là không có”, vậy thì biết tránh đi đâu? Ý của ông “tránh xa” ở đây là không bàn luận đến vì theo ông “Chuyện sống còn chưa rõ nói gì tới chuyện chết”.
Khổng Tử bị nhiều người cho là vô thần (ảnh minh họa NTDVN)
Trong “Luận ngữ – Thái Bá”: ” Khổng Tử viết: “Vũ, ngô vô gián nhiên hĩ. Phỉ ẩm thực, nhi chí hiếu hồ quỷ Thần” (Đối với vua Vũ thì ta không thấy có khuyết điểm nào. Ông ăn uống đơn giản, nhưng dốc sức hiếu kính quỷ Thần). Vậy ăn uống đơn giản và dốc sức hiếu kính quỷ thần đối với Khổng Tử là ưu điểm. Như vậy sao có thể nói bừa rằng Khổng Tử vô thần.
Nhiều hiểu lầm về Nho giáo do bị thêm thắt vào
Có nhiều thứ không phải là của Nho gia nhưng trong dòng lịch sử nhiều gia nhiều phái của Trung Hoa cổ đại thì Nho giáo rạng rỡ và phổ biến hơn cả nên những điều thuộc về cổ xưa một chút người ta đều cho là của Nho giáo rồi từ đó có cái nhìn sai lệch. Vả lại khi tìm hiểu về Khổng Tử thì cũng nên đặt Ông vào bối cảnh xã hội thời Ông mà xét, như vậy mới công bằng.
Những quốc gia ở Á Đông còn giữ được giá trị văn hóa truyền thống và coi trọng những giá trị đạo đức của Nho giáo đều là những nước rất phát triển như Nhật Bản, Đài Loan,… vậy thì xã hội không phát triển cũng đâu phải tại Nho giáo; mà biết đâu là vì Nho giáo bị hiểu lầm, bị bôi nhọ, bị lụi tàn nên mới ra nông nỗi như vậy.
Yên Bồ / Theo: nguyenuoc
No comments:
Post a Comment