Friday, April 21, 2023

AI ĐÃ TỪNG ĂN CHÁO NGỌT?

Nói đến cháo, người ta nghĩ đến cháo gà, cháo vịt, cháo sườn, cháo cá… đã mấy ai biết ăn cháo ngọt?

Nguyên liệu của cháo ngọt chỉ gồm nếp và đường. Đầu tiên nấu nếp nở bung, sau đó cho đường vào, nấu sôi vài dạo, rồi đập dập miếng gừng, là ra nồi cháo ngọt.

Chị em tôi còn gọi cháo ngọt là “cháo bao cấp”, một món ăn chơi của những ngày gian khó. Mỗi mùa xuống giống lúa, ba mẹ tôi luôn chừa một khoảnh rộng để vãi nếp từ loại giống nếp ngon nhất, thu hoạch về để dành nấu xôi, nấu chè.

Thời ấy nhà nông chỉ trông chờ vào mùa vụ, vào cây nhà lá vườn. Từ gạo, đến rau củ quả, cá, thịt đều tự đánh bắt, nuôi trồng. Mùa nào thức đó. Mùa đông có bắp rang, chè đặc, mùa hè có xu xoa, chè đá. Nhưng món cháo ngọt của gia đình tôi thì có cả bốn mùa, cứ thèm ăn là nấu.

Cháo ngọt càng ngon khi cho vào tủ lạnh

Nhà tôi không có ao nuôi cá, chỉ khi trời mưa xuống, ba mới đi kéo cá, anh tôi mới đi đặt trúm, đặt lờ. Thành ra mùa đông chúng tôi thoải mái ăn cá đồng. Gà, vịt, thi thoảng mới xuất hiện trong mâm cơm, vì còn phải để dành bán mua sách vở. Chỉ có rau là phong phú. Chăm tưới nước, chăm bón thì có rau ăn quanh năm. Mùa hè rau muống, rau lang, mùa xuân rau cải, khổ qua, dưa leo, bí, bầu. Vườn nhà bốn mùa mướt xanh.

Món cháo ngọt, nếp nhà có sẵn, đường cũng không mua, vì nhà trồng mía, gừng thì đào lên từ khoảnh đất nhỏ trong vườn.

Đôi khi tôi tự hỏi, sao không gọi là chè mà gọi cháo ngọt? Nấu với đường thì gọi là chè có phải đúng hơn không? Nhưng rồi lại nghĩ, chè thì phải có đậu, hoặc có thêm các thành phần khác.

Gọi cháo ngọt, quả thật là một sự khác biệt. Cháo ngọt sau khi nấu chín, có thể ăn nóng, hoặc ăn nguội.

Có thể dùng muỗng để ăn, hoặc dùng bánh tráng nướng xúc thay muỗng. Bánh tráng cũng do chính tay mẹ tráng, mẹ nướng. Ở Sài Gòn hoa lệ này, tôi nghĩ chỉ có bếp nhà tôi, bếp của chị em tôi, bếp của những người còn nhớ thương cháo ngọt, mới nổi lửa chế biến món cháo huyền thoại này.

Nhớ về cháo ngọt, tôi liền vốc một ít nếp, nhà luôn sẵn có đường bát và gừng. Chừng ba mươi phút, đã có nồi cháo thơm ngon. Cháo ngọt càng ngon khi cho vào tủ lạnh.

Dọc dải đất miền Trung đầy nắng và gió, và nghĩa tình, dường như ai cũng biết đến món cháo ngọt. Có nơi gọi là cháo đường. Cháo ngọt, nếu được thưởng thức cùng những người từng trải qua một thời gian khó, cùng đồng cảm thì hạnh phúc biết bao.

Một người bạn thiếu thời của tôi trải lòng, mặc cái ông chồng “khác miền” không biết gì về món cháo ngọt, thì cô vẫn nấu lên, để nguội, xếp ngăn nắp vào một góc tủ lạnh, thưởng thức một mình, nhâm nhi kỷ niệm, ngược dòng quá khứ.

Cứ tưởng sống trong thời đại sành ăn, thì các món dân dã xưa đã bị xóa nhòa trong ký ức con người. Càng sung túc, càng đủ đầy, người ta càng tìm về dĩ vãng, khai quật những gì nguyên bản nhất, tuyệt đối không biến tấu, chỉ để được sống với kỷ niệm, điều không thể mua được bằng tiền.

Là món ăn chơi, nguyên liệu dễ tìm, dễ nấu, nếu ai đã từng gắn bó với cháo ngọt, nên thỉnh thoảng vào bếp để nhóm một góc ký ức ngọt ngào.

Phi Khanh / Theo: PNO

No comments: