Khương Tử Nha (1156 TCN – 1017 TCN) là một nhà quân sự và chính trị vĩ đại, vị khai quốc công thần của nhà Chu, triều đại lâu dài nhất trong lịch sử Trung Quốc (hơn 800 năm). Ông lên núi tu Đạo 40 năm, xuất sơn khi đã 72 tuổi, phò tá Chu Võ Vương phạt Trụ, thọ tới 139 tuổi.
Phong Thần diễn nghĩa kể chuyện sau khi xuất sơn, do tuổi cao, lại không có sở trường về nghề nào, ông đành tạm thời sống nhờ nhà một người bạn giàu có, hào hiệp tên là Tống Dị Nhân. Không muốn làm gánh nặng cho bạn, ông đã thử nhiều nghề để mưu sinh như đan sọt tre, xay tiểu mạch thành bột đem bán, mở quán ăn, bán trâu bò lợn dê, bói mệnh… Nhưng lần nào ông cũng gặp xui xẻo, thất bại ê chề.
Sau này, nhờ tài tiêu diệt Tỳ bà tinh nên Khương Tử Nha được phong chức Đại phu trong triều Trụ Vương. Nhưng Trụ Vương hoang dâm xa xỉ, lệnh cho ông giám sát xây dựng Lộc đài. Khương Tử Nha xem bản vẽ, phát hiện ra Lộc đài cao 4 trượng 9 thước (khoảng 15m), trên làm nhà quỳnh lầu ngọc, điện đài mái cong, còn dùng mã não lát thành lan can, đá quý trang sức rường cột. Khương Tử Nha hết lời can gián Trụ Vương, mong nhà vua nghĩ đến cái khổ của muôn dân, nhưng Trụ Vương nổi giận toan dùng Bào Lạc đốt ông thành tro. Tử Nha nhảy xuống lầu bỏ chạy, rồi trầm mình xuống sông. Trụ Vương đinh ninh ông chết đuối rồi nên không truy tìm nữa.
Chồng vinh thì hiệp, nhục thời ly
Phong Thần diễn nghĩa, hồi 18 kể rằng:
“Bấy giờ Tử Nha độn thủy về trang viện của Dị Nhân. Vợ Tử Nha là Mã thị nghe tin chồng về vội ra đón tiếp. Nàng ngỡ Tử Nha còn đang làm quan nên trọng vọng lắm.
Tử Nha nói:
– Nay ta đã thôi làm quan rồi.
Mã thị sửng sốt hỏi:
– Vì cớ sao vậy?
Tử Nha nói:
– Thiên tử bảo tôi làm Ðốc công xây cất Lộc đài, làm việc này tốn của tốn công dân chúng không biết bao nhiêu mà nói. Trong lúc đó Thiên tử lại chỉ nghĩ đến sắc đẹp, không kể đến việc mất còn thiên hạ, như thế bảo ta nghe theo sao được? Ta tìm lời can gián, Thiên tử truyền đem ta xử Bào Lạc, ta bỏ chức chạy về đây.
Mã thị giận nói:
– Ông là lão thầy bói, thời may được vua thương phong chức, vinh hiển một thời, lẽ ra phải đem thân khuyển mã thờ vua, đền lại ơn thâm nghĩa trọng, khéo bắt chước người ta học đòi lý sự, ra mặt can vua để đến nỗi suýt vong mạng. Nay ông trở về đây là mang tội với triều đình, còn trốn ngõ nào được nữa để trở lại đời lão thầy bói già trước kia.
Khương Tử Nha nói:
– Làm trai chọn chúa mà thờ. Trụ Vương đã không phải chúa thánh, ta không thể làm một tôi hiền. Vậy vợ chồng ta nên trốn sang Tây Kỳ, tìm kế sinh nhai, đợi lúc gặp chân chúa ra phò cũng không mất vinh hoa phú quý đâu.
Tranh vẽ minh họa Khương Tử Nha (ảnh: Wikipedia)
Mã thị nguýt chồng nói:
– Công danh trước mặt mà chưa biết hưởng lại đi tìm một ảo vọng xa xôi. Vua sai làm Ðốc công xây Lộc đài đã vừa lợi vừa danh giá, mấy người được vua tín nhiệm phó thác việc lớn. Lợi không biết lợi, danh không biết danh, nay mất cả rồi, khéo làm tướng phách lối.
Tử Nha nói:
– Ðàn bà chỉ biết cái lợi trước mắt mà không thấy cái hại về sau, công danh không chính đáng là công danh hão huyền. Tôi muốn tự tài tôi lập nên chức vị, không cần phải ở may mắn nào. Bà hãy theo tôi sang Tây Kỳ, bỏ chốn Triều Ca này cũng chẳng hại.
Mã thị giận nói:
– Tôi là dân Triều Ca không phải kẻ trôi sông lạc chợ mà quên tổ quên tông, bỏ quê bỏ xứ. Nay đã xui cớ sự như vầy ông không thể ở đây được nữa, còn tôi cũng không thể theo ông đi xứ khác, vậy từ đây ai làm nấy ăn, ai sang ấy hưởng.
Tử Nha nói:
– Xưa nay hễ đàn bà con gái xuất giá tòng phu, chồng sang thì nhờ, chồng khó thì cam chịu, chồng đi đâu phải theo đó, vinh nhục có nhau, tại sao bà lại có ý như vậy?
Mã thị nói:
– Ông là kẻ có tội với triều đình, đang tìm nơi trốn tránh. Tôi là người ngay thẳng, không ai có quyền buộc tôi phải theo người có tội cả. Tốt hơn ông viết cho tôi một tờ ly dị, từ đây cầm sắt phân đôi.
Tử Nha đau lòng nhìn vợ, nói:
– Bà đừng nói quấy. Tài tôi không phải với chức Ðại phu nhỏ bé như vậy đâu. Ngày nay tuy khổ, nhưng ngày mai nhất định hiển vinh. Tôi không nỡ lúc khó vợ chồng có nhau, đến lúc hiển vinh mình tôi riêng hưởng.
Mã thị nói:
– Ông được hiển vinh thì nhờ, phần tôi nghèo khó tôi chịu. Ông cưới vợ khác để sau này phong làm nhất phẩm phu nhân.
Tử Nha không biết nói sao đành năn nỉ. Tuy vậy, Mã thị đã cố tình oán ghét, một hai nằng nặc đòi làm tờ ly dị để tìm kế sinh nhai, không theo Tử Nha nữa”.
Tội nghiệp Khương Tử Nha, tuổi già long đong lại còn bị vợ khinh miệt từ bỏ. Ông một mình chạy đến Tây Kỳ, ẩn nhẫn chờ thời, thả câu bên bờ sông Vị. Cổ thư chép rằng một ngày nọ, Chu Văn Vương đi săn, gặp Khương Tử Nha hơn 80 tuổi ngồi câu bên sông. Sau khi đàm đạo, Văn Vương Thấy ông chính là người hiền tài, võ có thể an bang, văn có thể trị quốc mà từ Thái Công Đản Phụ cho đến nay đang mong ngóng. Kể từ đó, Khương Tử Nha phò tá Chu Văn Vương trị vì muôn dân, rồi đến Chu Võ Vương phạt Trụ, danh cao bốn biển.
Chu Văn Vương đi săn, gặp Khương Tử Nha hơn 80 tuổi ngồi câu bên sông. Nguồn ảnh: khoahoctamlinh
Nỗi tiếc hận muộn màng
Phong Thần diễn nghĩa, hồi 98:
“Bây giờ nhắc lại Mã Thị, từ khi chê Tử Nha bất tài bất trí, đòi từ hôn, sau về lấy một ông già làm rẫy tên Trương Tam Lão. Vợ chồng sống đắp đổi qua ngày. Ðến nay Võ Vương nhờ Tử Nha phạt Trụ thâu một cõi giang sơn, thiên hạ đều nghe danh đàm luận.
Ngày kia có một bà già lối xóm đến hỏi Mã thị:
– Người chồng trước của bà nay phò Võ Vương làm đến chức Thừa Tướng, tại sao bà không tìm đến nhờ cậy?
Mã thị nói:
– Biết có phải ông ấy không?
Bà hàng xóm nói:
– Còn gì nghi ngờ nữa. Người ấy là Khương Tử Nha, lúc thất thời ngồi câu ở Bàn Khê, sau đó Võ Vương rước về phong làm Thừa tướng. Mới đây Tử Nha phò Võ Vương hội chư hầu tại Mạnh Tân, chư hầu tôn Võ Vương phong Tử Nha làm Thừa Tướng, vinh hiển nhất đời ai lại không biết.
Mã thị nghe nói thẹn đỏ mặt.
Bà hàng xóm lại nói:
– Bà dại lắm! Phải chi đừng bỏ đời chồng trước thì bây giờ vinh hiển biết chừng nào. Nay người ta cao sang tột bực, còn bà thì hẩm hút như vầy thật đáng tiếc.
Mã thị hối hận vô cùng, bỏ vào phòng nằm một mình nghĩ thầm:
– Tức vì mình có mắt mà không biết xem người. Bà hàng xóm nói phải lắm. Thật ta vô phước. Bây giờ ta có sống đến trăm tuổi vẫn trong cảnh cực khổ này. Ðã vậy lại bị thiên hạ gièm pha châm biếm. Thà chết cho khuất đi còn hơn.
Song lại nghĩ:
– Hay là ta lầm! Trong đời thiếu gì kẻ trùng tên, chắc gì lão già ấy đã làm nên việc lớn? Nếu nghe lầm mà chết thì cũng oan, chi bằng đợi chồng về hỏi cho rõ ràng đã.
Ðến chiều Trương Tam Lão đi bán cải trở về.
Mã thị dọn cơm cho chồng ăn rồi hỏi:
– Thiếp nghe Khương Tử Nha phò Võ Vương làm đến chức Thừa Tướng có phải không?
– Việc ấy quả có như vậy. Vừa rồi Khương Tử Nha đem tám trăm chư hầu đánh Triều Ca, diệt Trụ hưng Chu, làm đến chức Thừa Tướng. Lúc đó tôi muốn bàn với phu nhân đến yết kiến Thừa Tướng xin làm một chức nhỏ song lại sợ người giận khó lòng.
Mã thị tức tối không an.
Trương Tam Lão theo an ủi mãi, Mã thị vào phòng dùng dây thắt cổ tự vẫn, hồn bay lên đài Phong Thần.
Rạng ngày Trương Tam Lão mới hay, mở dây đem xuống chôn cất.
Có bài thơ cho rằng:
“Chồng vinh thì hiệp, nhục thời ly,
Nay mới ăn năn có ích gì?
Hổ mặt với đời đành tự vẫn,
Muôn năm còn để tiếng vô nghì”.
Đạo vợ chồng đồng cam cộng khổ
Trước khi Khương Tử Nha xuống núi, sư phụ của ông là Nguyên Thuỷ Thiên Tôn đã dự ngôn rằng ông sẽ phải nhẫn chịu “Mười năm chịu túng áo còn bâu”, tuy nhiên bĩ cực thái lai, “Tám mươi lẻ nửa mang đai ngọc/ Chín chục dư ba buộc ấn hầu”. Vì vậy, Tử Nha đã một lòng níu kéo vợ, “không nỡ lúc khó vợ chồng có nhau, đến lúc hiển vinh mình tôi riêng hưởng”. Tuy thế, Mã thị chỉ biết cái lợi trước mắt, không giữ đạo tam tòng, nên mới phải ôm nỗi tiếc hận về sau.
Người xưa cho rằng vợ chồng là duyên Trời định, cần hết lòng trân quý, sướng khổ có nhau. Khi chồng hưởng vinh hoa thì trọng vọng, điều ấy ai cũng làm được. Nhưng lúc chồng sa cơ lỡ vận, khốn khó nghèo hèn, người vợ có thể nhẫn nại, bao dung, tảo tần giúp chồng vượt qua, ấy mới là người vợ hiền đức. Ngày nay “cộng khổ”, sau này mới có phúc “đồng cam”, đó cũng là Trời đang thử lòng người vậy.
Cũng có người hỏi, vậy nếu rủi gặp người chồng bất tài, bây giờ chung cay đắng sau này cũng chẳng thể hưởng ngọt bùi thì sao? Thực ra, chuyện sinh tử phú quý trong đời đều đã được an bài, dựa trên đức và nghiệp mà một người tích lũy từ tiền kiếp. Đời này có thể tích đức hành thiện, ăn ở hiền lành, không ngại thiệt thòi, thì có thể chuyển họa thành phúc, xa dữ đón lành. Làm người cần tuân theo đạo nghĩa mà sống, chứ không nên ngả nghiêng vì danh lợi.
Người vợ cần thuỷ chung, tôn kính phu quân, và người chồng cũng cần yêu thương, trân trọng thê tử. Người xưa giảng “Vợ kính chồng như núi, chồng quý vợ như ngọc”. Trong Lễ Ký có chép lời Khổng Tử: “Tam đại thánh thời cổ đại là Nghiêu, Thuấn, Vũ, lúc cầm quyền một mực đều tôn trọng thê tử, thuận theo đạo vợ chồng. Bởi vì mối quan hệ với thê tử là mối quan hệ chính yếu nhất trong các mối quan hệ thân tình, vậy thì sao có thể không tôn trọng thê tử được?”.
Nguồn: ĐKN