Friday, April 7, 2023

ĐI TÌM NGUỒN GỐC NGƯỜI HOA VÀ SỰ RA ĐỜI CỦA SÀI GÒN CHỢ LỚN

Thuở xưa, thực chất Sài Gòn và Chợ Lớn là 2 thành phố tách biệt. Sài Gòn như ta biết ngày nay không có cái tên ngay từ ban đầu mà xưa chỉ dùng để gọi khu vực người Hoa.


Ngày nay, tại TPHCM đang có trên 500.000 người Việt gốc Hoa sinh sống rải rác ở các quận quận 5, 6, và 11. Trong đó, quận 5 chiếm khoảng 40% dân số. Vì sự tập trung đông đúc, mang đậm văn hóa của cộng đồng người Việt gốc Hoa nên khu vực trên thường được mọi người mệnh danh là Chinatown giữa lòng Sài Gòn.

Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, những con đường, khu phố, ngõ hẻm khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn vẫn giữ được vẻ đẹp văn hóa, trở thành điểm thu hút khách du lịch. Mới đây, 15/3, UBND quận 6 đã đề xuất tổ chức Phố đêm Chợ Lớn trên các tuyến đường quanh Chợ Bình Tây.

Thế nhưng, bạn đã bao giờ đặt câu hỏi cộng đồng người Hoa Sài Gòn đến từ đâu? Tại sao tập trung sinh sống ở khu vực trên?

Để làm rõ những thắc mắc này, phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với nhóm Tản Mạn Kiến Trúc - cộng đồng những thạc sĩ, tiến sĩ nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Rất nhiều chi tiết thú vị giúp chúng ta hiểu thêm về lịch sử của cộng đồng người Hoa.

Chợ Bình Tây (hay còn gọi Chợ Lớn) được xem là trung tâm của cộng đồng người Việt gốc Hoa tại TPHCM (Ảnh: Quang Ninh).

Người Hoa Chợ Lớn đến từ đâu?

Thế hệ người Hoa đầu tiên di dân vào miền Nam Việt Nam là những người Hán theo phong trào Phù Minh diệt Thanh (hay Phản Thanh phục Minh), tức những người theo nhà Minh, không thuần phục nhà Thanh. Các nhóm được 2 danh tướng Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch dẫn dắt đến khu vực này dưới thời các chúa Nguyễn.

Năm 1698, chúa Nguyễn lập phủ Gia Định và cho phép những người di cư định cư. Đồng thời lập ra Minh Hương xã ở vùng Tàu Hủ - Bến Nghé thuộc Phiên Trấn và Thanh Hà xã thuộc Trấn Biên. Từ đó nhóm người Hoa di cư còn được gọi là người Minh Hương. 

Bản đồ Sài Gòn - Gia Định do Trần Văn Học vẽ năm 1815 - Publisher: Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises (BSEI)

Trong cuộc giao tranh giữa nhà Tây Sơn với Nguyễn Ánh, khoảng những năm 1776-1788, vùng Cù lao Phố (Biên Hòa) và Sài Gòn đã bị tàn phá nặng nề khiến sinh hoạt và thương mại của người Hoa khu vực này bị đình trệ.

Đến thời kì trung hưng (1788) người Hoa Thanh Hà trở lại Cù Lao Phố rất ít mà đa phần đã chuyển đến định cư ở khu phố Hoa Sài Gòn (khu Chợ Lớn ngày nay), biến nó trở thành điểm tập trung người Hoa đông đảo, sầm uất nhất miền Nam Việt Nam.

Như vậy, xét về nguồn gốc di cư, người Hoa tại Chợ Lớn có thể được phân ra thành hai nhánh khác nhau. Một là người Hoa Minh Hương như đã nói trên, họ lập gia đình với người Việt, hội nhập văn hóa và ngôn ngữ.

Hai là người Hoa Thất Phủ, tức là người Hoa đến từ 7 phủ thuộc 3 tỉnh của Trung Quốc, đến đây để làm ăn buôn bán do nhận thấy sự trù phú, giao thương phát triển của khu vực.


Sự hình thành của Chợ Lớn và Sài Gòn

Chợ Lớn hiện nay dùng để chỉ khu vực đông người Hoa sinh sống nằm ven kênh Tẻ trải dài từ quận 5 và quận 6. Thế nhưng, thực tế khu vực này trước kia từng là một thành phố với tên: thành phố Chợ Lớn.

Khi nhắc đến lịch sử vùng đất này, cần làm rõ giữa khu "Sài Gòn cũ" (Chợ Lớn ngày nay) và "Sài Gòn mới" (khu trung tâm hiện nay).

Theo đó, trước thời Pháp thuộc, Sài Gòn và Chợ Lớn thực chất là hai thành phố tách biệt. Vùng Chợ Lớn từng được gọi là phố chợ Sài Gòn, còn vùng Sài Gòn ngày nay (quận 1) có tên là Bến Nghé. Cả hai tách biệt bởi một vùng ngoại ô ở giữa. 

Những đền đình, chùa chiền, miếu và hội quán là nét đặc trưng của cộng đồng người Hoa (Ảnh: Quang Ninh).

Sau này, người Pháp lấy tên Saigon gắn cho khu vực thành thị tại Bến Nghé (quận 1). Cái tên Chợ Lớn có lẽ xuất phát từ việc so sánh chợ người Hoa lớn hơn hẳn với các chợ người Việt khác như chợ Tân Kiểng (chợ Quán).

Ngày 6/6/1865, thành phố Chợ Lớn được thành lập. Tới năm 1930, khi hai thành phố mở rộng tới mức giao nhau ngay đường Nguyễn Văn Cừ, thì tổng thống Pháp đương thời quyết định ký sắc lệnh hợp nhất hai thành phố thành một đơn vị hành chính mới là khu Sài Gòn - Chợ Lớn vào 27/4/1931.

Năm 1951 thì đổi tên thành Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1956, quyết định thành lập Đô Thành Sài Gòn. Tên gọi Chợ Lớn từ đó không còn tồn tại chính thức về mặt hành chính, mà trở thành một khu vực văn hóa trải trên các quận 5, 6, và 11. 

Những con phố lồng đèn rực rỡ suốt cả năm (Ảnh: Quang Ninh).

Cuộc sống của người Hoa ngày nay

Ngày nay, khu vực Chợ Lớn vẫn còn bảo tồn nguyên vẹn các giá trị văn hóa, kiến trúc, tôn giáo. Trong đó, miếu mạo, hội quán cùng những mái nhà lợp ngói ống phủ rêu thẫm dường như đã bỏ qua sự tàn phá của thời gian. Các nhà hàng, khách sạn, dãy phố lầu thương mại đậm chất Hoa kiều trăm năm tuổi vẫn trường tồn.

Ngoài ra, đề cập đến Chinatown, sẽ thật thiếu xót nếu chẳng nói về ẩm thực đa dạng và đậm văn hóa như cơm chiên Dương Châu, bánh tô, đậu hũ Tứ Xuyên, heo quay hay chè hột gà bùi bùi, lẩu Dân Ích với đủ loại nước chấm thủ công mang hương thơm thời gian…


Chị Trình Kim Tuyết (28 tuổi) chia sẻ bản thân lớn lên trong gia đình 3 thế hệ là người Hoa, trong đó, ông nội vốn là người Triều Châu.

"Từ khi còn bé, má đã bắt bốn chị em tôi phải nói tiếng Tiều. Tôi mắc cỡ, không dám nói sợ đi học bạn bè cười. Lớn lên, tôi thấy ngôn ngữ này hay hay bèn cắp sách đến trường Trần Bội Cơ (quận 5) học thêm. Ba tôi là người đàn ông không có điều kiện đến trường lớp, nhưng ông lại nói lưu loát tiếng phổ thông, tiếng Quảng và tiếng Tiều. Tất cả là do làm ăn với người Hoa mà thành thạo", chị Tuyết nói.


Gia đình chị Tuyết có sạp hàng bán đường, đậu tại khu Chợ Lớn. Cái sạp bé xíu, rộng vỏn vẹn vài chục mét vuông nhưng lại là nơi nuôi các con khôn lớn. Người Hoa giỏi buôn bán, tính toán và tháo vát.

Trong ký ức của chị, má luôn là người đứng trước sạp, nhanh tay lẹ chân gói hàng rồi lấy tiền, bởi con đường Phan Văn Khỏe bé xíu, khách đứng lâu sẽ thành kẹt.

Cách đây 4 năm, chị Tuyết sang Mỹ du học. Những ngày đông xứ người, cô vẫn thèm quay quắt món chè hột gà nóng hổi, bùi bùi mà má luôn dặn: "Phải thổi trước khi ăn".

Khoảnh khắc sang năm mới, chị khao khát nghe tiếng chúc Tết, tiếng pháo nổ, ngửi mùi thuốc Bắc, thèm được chen chúc giữa đường Hải Thượng Lãn Ông để mua đồ trang trí và cửa hàng băng đĩa "phim chưởng" ở khu Soái Kình Lâm nức tiếng một thời.

Đối với người Hoa, Chợ Lớn là một phần ký ức tươi đẹp của cha ông và của cả những thế hệ hiện tại (Ảnh: Quang Ninh).

Riêng chị Lê Thị Ngọc Chi (SN 1986) vẫn giữ thói quen đi chùa ngày Tết Nguyên tiêu, cúng ông Táo theo phong tục Hoa. Ông ngoại chị là người Phúc Kiến sang Sài Gòn làm nghề thuốc Nam. Mẹ chị, bà Lê Thị Ngọc Thảo (SN 1954) luôn căn dặn con phải giữ gìn phong tục, văn hóa người Hoa.

Mỗi dịp Tết Nguyên tiêu, gia đình chị sẽ cùng nhau đi chùa, ăn chay. Trung thu luôn được chuẩn bị tươm tất với mâm đèn cúng trăng, bánh nướng, trái cây và nhang đèn.


"Chợ Lớn là một phần tuổi thơ của chị. Ở đó, lâu lâu mẹ mới dành dụm tiền để dắt chị em đi ăn nhà hàng Thuận Kiều. Điểm tâm tại đây làm đúng kiểu Hong Kong, nhân viên phục vụ đẩy xe, muốn ăn gì giơ tay gọi chứ không phải kiểu gọi món như hiện nay. Cuối tuần, sân khấu nhà hàng có hát hồ quảng khiến tụi trẻ con ai cũng mê tít", chị Ngọc Chi mỉm cười chi sẻ.

Nội dung:Huy Hậu
Ảnh:Quang Ninh, Tiên Phùng

No comments: