Saturday, April 15, 2023

THÁI HẬU DUY NHÁT TRIỀU MINH ĐƯỢC NHÀ THANH THỜ PHỤNG: 15 TUỔI BỊ BÁN LÀM A HOÀN, 27 TUỔI TRỞ THÀNH THÁI HẬU

Số phận nhiều khi thật thần kỳ, nhiều lúc lại ngẫu nhiên bất ngờ. Trên thực tế, mọi người rất khó đoán trước được tương lai, nhưng tất cả các sự kiện trong tương lai đều dựa trên quyết định hiện tại của chúng ta.


Có thể có một ngày chúng ta chỉ đưa ra một quyết định nhỏ, nhưng nhiều năm sau nhìn lại, chúng ta sẽ thấy rằng quyết định tưởng chừng như tầm thường này đã thay đổi cuộc đời chúng ta.

Vào thời nhà Minh, ở ngoài kinh thành có một người họ Lý, tổ tiên 3 đời nhà ông đều là nông dân nghèo, bản thân ông cũng chỉ là một người bình thường sống dựa vào nghề thủ công để kiếm ăn.

Cứ tưởng rằng thế hệ sau sẽ tiếp tục số phận thống khổ này, nhưng vì ông đã đưa ra một quyết định trong lúc không còn cách nào khác, đã giúp người con gái của ông sau này hạ sinh một Hoàng đế, chính vì vậy mà gia đình của ông trở thành Hoàng thân quốc thích, rời xa cuộc sống khốn khó ngày xưa.

Theo sử sách ghi lại: Con gái của Lý Vĩ trước đây có tên là Lý Thái Phụng, vào những năm cuối Gia Kinh, do lũ lụt và hạn hán thường xuyên, không có lương thực thu hoạch, Lý Vĩ vô cùng tuyệt vọng chỉ có thể đưa gia đình lên kinh thành tìm cách sinh tồn, năm đó Lý Thái Phụng mới 12 tuổi.

Ba năm sau, để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, Lý Vỹ đã đưa con gái của mình đến vương phủ làm a hoàn, Lý Vỹ nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ rằng chính hành động này đã khiến cuộc đời sau này của gia đình ông trở nên phú quý.

Sau khi Lý Thái Phụng vào cung, một lần vô tình được Chu Dụ Vương lâm hạnh, đã may mắn hạ sinh người con trai Chu Dực Quân, người sau này sẽ trở thành Hoàng đế Vạn Lịch. Hai năm sau, bà lại hạ sinh một người con gái Chu Nghiêu Nga, từ đó thân phận của Lý Thái Phụng cũng được thay đổi, từ một cô hầu gái trở thành tài nhân.

Hoàng đế Vạn Lịch: Nguồn: soundofhope

Năm 1566, Hoàng đế Gia Tĩnh qua đời, Dụ Vương Chu Tải Hậu kế vị trở thành hoàng đế Long Khánh. Lý Thái Phụng theo đó cũng được phong làm phi tần. Vào năm Long Khánh thứ hai (năm 1568), hoàng quý phi Lý thị hạ sinh con trai thứ hai, chính là Chu Dực Lưu – người được phong là Lộ Vương sau này. Hoàng đế Long Khánh lên ngôi được 6 năm thì băng hà, con trai cả của ông là Chu Dực Quân 9 tuổi lên nối ngôi, Lý Thái Phụng với tư cách là mẹ ruột của Hoàng đế nên được tôn làm thái hậu khi đó bà mới 27 tuổi.

Năm 1614 sau Công nguyên, Thái hậu Lý Thái Phụng qua đời vì bạo bệnh, nhưng truyền kỳ về bà vẫn chưa kết thúc. Nhà Minh bị diệt vong 30 năm sau cái chết của bà, Bát kỳ Mãn Châu tiến vào Trung Nguyên thành lập nhà Thanh.

Sau khi Hoàng đế Thuận Trị định cư ở Tử Cấm Thành, ông đã dựng một căn phòng nhỏ ở phía đông bắc ở cổng Đông Hoa, căn phòng chỉ mở cửa mỗi năm một lần, và bên trong là tấm bia tưởng niệm Lý Thái Hậu. Tại sao hoàng đế nhà Thanh lại tỏ lòng kính trọng với một thái hậu nhà Minh?

Vấn đề này bắt đầu từ Thanh Thái Tổ tổ tiên của nhà Thanh trong một trận chiến với Lý Thành Lương, ông bị bắt. Để giải cứu Thanh Thái Tổ, viên tướng Mãn Thanh đã đem rất nhiều tiền bạc đến kinh đô, đồng thời mua chuộc thái giám để có được liên lạc với Lý Thái hậu. Cũng vì thế Lý Thái Hậu đã thuyết phục Hoàng đế Vạn Lịch thả Thanh Thái Tổ trở lại phía đông bắc.

Thanh Thái Tổ biết rằng Lý Thái Hậu đã cứu mình, vì vậy ông đã để lại khẩu dụ của tổ tiên, yêu cầu các thế hệ con cháu lưu giữ và thờ phụng bài vị của Lý Thái Hậu.

Lý Thái Hậu.

Trong suốt triều đại nhà Thanh, Lý Thái Hậu của nhà Minh đã được nhà Thanh tôn thờ trong hơn 200 năm không gián đoạn.

Trong dân gian cũng có truyền thuyết về “Mẹ Vạn Lịch” và nhiều ghi chép của nhà Thanh đã ghi lại sự kiện này.

Người mẹ của Hoàng đế Vạn Lịch nổi tiếng nhân từ, độ lượng, Hoàng đế Vạn Lịch vô cùng kính trọng bà, có nhiều lúc bà cũng tham gia việc chính trị, giúp đỡ Vạn Lịch, đây chính là một biểu tượng “Mẫu nghi thiên hạ”.

Đăng Dũng biên dịch
Nguồn: soundofhope (Lý Tĩnh Nhu)
Link tham khảo:


No comments: