Như vậy, những món yêu thích hồi còn nhỏ ta ăn không chỉ bằng lưỡi, bằng miệng mà bằng cả tâm hồn, cảm xúc và tất nhiên bằng cả nhu cầu của một cơ thể đang lớn. Cái bánh nào ngon bằng bánh mẹ cho ta khi mới đi chợ về, được gói trong lớp giấy điều mỏng thấm loang vết dầu từ vỏ bánh. Chén cơm nào ngon bằng chén cơm ấm nóng trong một chiều mưa, sau một trận đá banh ngoài bãi cỏ gần nhà. Lúc ấy cơm ăn với cá, thịt, trứng chiên hay ba khía đều ngon. Ôi, những cảm giác ẩm thực tuyệt vời nay không còn nữa. Bây giờ, những câu hỏi lẩn quẩn trong đầu khi ngồi trước bàn ăn thường là: nó có quá béo không? Có mặn quá không? Có nhiều đường quá không? Liệu có làm nặng dạ dày không?… Rồi sau khi tự trả lời xong các câu hỏi, ta bắt đầu ăn bằng thái độ chậc lưỡi làm liều hay tự tin vì đã tự thẩm định hàm lượng của chúng. Mệt quá nhỉ?
Nhớ hồi nhỏ, trong xóm tôi có một gia đình gồm ông bà cụ già người Bắc. Hai ông bà đều mập mạp, sống kín đáo và khó tính. Phục vụ ông bà là một chị lớn tuổi không chồng tên là Vinh, có lẽ là cháu họ. Chị Vinh tính vui vẻ, hay cười hay nói. Dù rất ngán ông bà cụ, chúng tôi vẫn thích chơi với chị Vinh và thường dòm ngó cây khế chua nhà ấy. Thật ra, khế chua thì khó ăn, có nhặt được mang về thì chỉ có mấy bà chị khoái thôi chứ đám con trai chẳng mê. Nhưng Ô mai khế (lũ con nít xóm tôi biết cái từ Ô mai là qua chị Vinh) thì ngon tuyệt. Món này chị làm khá đơn giản, không tốn kém. Khế chua xắt ngang ra từng lát mỏng hình sao, chị sắp đầy mặt một cái mâm nhôm xong rắc muối bột lên rồi đem phơi trên mái bếp. Dưới cái nắng Sài Gòn vàng rộm, chỉ cần qua vài lần phơi cũng đủ để những lát khế sẫm màu lại thành nâu, sau đó khô cong. Đến lúc giở mâm, chị ra đứng trước nhà, ngó hai đầu xóm xem có đứa nào đứng gần đó bèn ngoắc lại. Chúng tôi chạy ù đến xem chị bóc ra từng mảng khế dính nhau, chia mỗi đứa một bụm tay xong còn bao nhiêu chị cất vào keo. Bọn tôi bụm tay ù về nhà, chưa kịp ăn mà nước bọt đã ứa chân răng. Ô mai khế thơm mùi nắng, khô cong và chua chua, mặn mòi nhưng nhai sừn sựt trong miệng lại cảm giác có vị ngọt. Đến giờ, cảm giác ấy vẫn còn đọng lại, và tôi chưa thấy lại món Ô mai khế đơn giản ấy lần nào nữa.
Ô mai khế thơm mùi nắng, khô cong và chua chua, mặn mòi nhưng nhai sừn sựt trong miệng lại cảm giác có vị ngọt.
Những năm tuổi 16, 17, cả nước khó khăn, bọn con trai tuổi ăn tuổi lớn như tôi lại ham đá banh nên lúc nào cũng thèm ăn. Khác với trẻ miền quê, ở Sài Gòn trẻ nít hay được phát tiền ăn. Thế là trưa nào tôi cũng rinh về một nải chuối bom. Thứ chuối này lạ, hồi nhỏ tôi không hề thấy mà chỉ biết có chuối già màu xanh ăn rất thơm, chuối sứ ngọt lịm nấu chè hay làm chuối nướng thì ngon, hoặc chuối cau vàng màu hoa cúc, ngọt, nhỏ trái và có mùi thơm đặc trưng. Chuối bom nghe đâu trồng nhiều ở miệt Long Khánh, trong các hố bom nên tên gọi như vậy, ăn ngọt nhưng không thơm, rẻ rề. Bây giờ chúng lại biến mất và những thứ chuối tôi thấy hồi nhỏ thì xuất hiện lại, đâu cũng có. Mỗi ngày tôi quất một nải chuối, chơi đá banh chán chê rồi ăn thêm kẹo đậu phộng, bánh tráng nướng, những món của con nhà nghèo, xong quất cả năm chén cơm với mắm ruốc xào thịt mà thấy sướng lạ. Ăn vậy mà vẫn còm nhom và cao nhòng.
Lâu quá cũng không thấy những củ ấu đen. Những củ ấu trông tựa như bộ râu mép của một ông Tây sành điệu trong cuốn phim nào đó. Vợ tôi người miền Trung nên không mấy khi ăn để nhấm nháp cái nhân màu trắng của nó. Còn tôi, khi đưa lên miệng cắn, mùi củ ấu của tuổi thơ hiện về, cái mùi ngai ngái của loại củ sinh ra dưới bùn, dưới nước, nhân bùi và mát, không quá cứng và ngọt. Ăn củ ấu lại nhớ củ năn, cũng có vỏ đen, nhân trắng. Củ năn gọt ra bày trên dĩa, ăn giòn, ngọt và có mùi thơm riêng, hơi giống củ sắn (củ đậu) nhưng cứng hơn, vị sắc hơn. Ăn củ ấu cũng nhớ đến những hột mít, hột sầu riêng. Những hột mà ngày nhỏ, con nít nhà nghèo thường để dành đưa cho chị, cho mẹ luộc thành món ăn chơi rất thích. Thật thân thương khi nhớ lại đứa em gái nhỏ tròn quay của tôi. Mỗi buổi chiều ăn cơm xong mẹ cho một chén hột mít luộc, để nguội. Nó mang ra một góc tường khuất, say sưa bóc từng hột, say mê ăn đến hết sạch cả chén. Còn tôi mê ăn hột sầu riêng luộc vì thơm hơn, bùi và ít bột nên ít khô hơn.
Cái mùi ngai ngái của loại củ sinh ra dưới bùn, dưới nước, nhân bùi và mát, không quá cứng và ngọt
Những năm sau này, cả nhà tôi không ai thèm ăn hột mít, hột sầu riêng. Ăn xong trái, hột gom lại đem đổ. Lúc nào nhìn chúng bị bỏ vào thùng rác, tôi cũng thấy tiêng tiếc dù biết có giữ lại luộc mình cũng chẳng ăn được bao nhiêu. Thỉnh thoảng lại thấy những món ăn tuổi nhỏ của mình xuất hiện và phổ biến ở một vùng đất nào đó. Ở Quảng Châu, tôi thấy lại những cái kẹo hồ lô gồm trái cây bọc đường ghim vào một que tre mà tôi từng mê tít từ chiếc xe đạp của một ông già Tàu thường vào xóm. Ở Thượng Hải là khoai lang nướng thơm lừng. Ở Osaka là món kẹo bông gòn đựng trong những cái bao lớn và cả xi rô đá được phát trong một hội chợ đông vui nữa.
Những cái kẹo hồ lô gồm trái cây bọc đường ghim vào một que tre mà tôi từng mê tít
Khi nào cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống bon chen này, muốn trở lại cái thời con nít ngây ngô và trong trẻo, tôi lại đến trước một cổng trường tiểu học và… đứng ngó. Ở đó luôn có một chú bảo vệ (từng là nỗi ám ảnh của tôi suốt những năm tháng tuổi thơ), một cái trống to đùng báo giờ ra chơi, vào lớp và chắc chắn có cả một đội ngũ bán hàng rong trước cổng trường. Lại là những trái cóc gọt vỏ ngâm nước tỉa hình cái bông, miếng xoài tượng xanh quệt mắm ruốc, cái bao kẹo bông gòn, miếng me tẩm đuờng, khoai mì luộc có dừa nạo và muối đậu… Nếu có con, mình sẽ không cho chúng mua nhưng khi mình ra về, chúng sẽ chen nhau, thò tiền qua cánh cổng sắt, mua và nhâm nhi để cảm thấy sung sướng y như mình thuở nhỏ.
Dù sao đó cũng là một phần làm nên tuổi thơ của chúng ta, những món quà vặt…
Theo: Phạm Công Luận/ Những lối về ấu thơ