Có ý kiến cho rằng người nỗ lực chỉ khổ nửa cuộc đời, còn người không nỗ lực lại khổ cả một đời. Lâm Bô, nhà thơ thời Bắc Tống từng nói: “Thuở thiếu thời không chịu khổ, đến già ắt phải nhọc thân. Thuở thiếu thời có thể phụng dưỡng người cao niên, thì về già ắt sẽ được an nhàn”.
Nỗ lực chịu khổ, chỉ khổ một thời
Phật gia giảng tất cả chúng sinh đều khổ. Người già nói cuộc sống có đủ 5 vị đắng (khổ), chua, cay, mặn, ngọt. Trong đó đắng (khổ) là một vị mà con người không thể né tránh. Thúc Bản Hoa nói: “Đời người là chịu khổ, nhưng chúng ta có thể biến khổ đau thành hạnh phúc”.
Và nỗ lực chính là quá trình chuyển hóa ấy, dẫu trong quá trình này, chúng ta sẽ cảm thấy vất vả, gian nan.
Khổ là quá trình ai ai cũng sẽ phải trải qua. Đời người chính là để “hưởng thụ” nỗi đau và ma nạn. Quá trình này xứng đáng để bạn trải nghiệm và dành riêng cho mình.
Bản thân kiếp nhân sinh cũng là một hành trình song hành với thống khổ, chứ không nhẹ nhàng, êm ái như ai đó hằng mơ tưởng. Kể từ ngày oa oa cất tiếng khóc chào đời, chúng ra đã bắt đầu hành trình tu tâm của kiếp người.
Dẫu sinh ra trong hoàn cảnh như thế nào, bạn vẫn sẽ phải đối diện với rất nhiều vấn đề hóc búa. Khi đối diện với những vấn đề nan giải này, bất cứ ai cũng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có thể nhẹ nhàng thư thái bước qua.
Trải nghiệm càng nhiều thì càng dễ phát hiện ra chân lý của thế giới này: Càng sợ khổ thì chịu khổ càng nhiều. Những người có tâm hồn thực sự phong phú, kỳ thực, họ không hề sợ khổ.
Kiếp người thường phải chịu muôn vàn cái khổ, có khổ mới biết thế nào là vị ngọt, có khổ mới biết trân quý những gì mình đang có.
Nỗ lực và khổ đau chỉ là tạm thời
Con người trước sau gì cũng phải chịu khổ, chi bằng chịu khổ để sau này thảnh thơi. Hiện giờ bạn không phải nhọc thân thì sau này lại càng vất vả hơn. Hiện tại chịu khổ, kỳ thực chính là đang tích đức để hưởng phúc về sau.
Tăng Quốc Phiên từng nói: “Trăm tật xấu đều sinh ra từ chứng lười biếng. Lười sẽ lơi lỏng, lơi lỏng thì trị người không nghiêm, làm việc cũng chẳng được nhanh nhẹn”.
Khổng Tử cũng từng nói: “Người không biết lo xa, ắt có nỗi lo gần”. Ánh mắt làm người cần phải nhìn xa trông rộng, không thể chỉ tham thú an nhàn nhất thời, để sự biếng nhác trong nội tâm khống chế cuộc sống của bạn.
Nỗi khổ của sự vất vả chỉ là tạm thời. Ngày nay rất nhiều người trẻ không thể chịu khổ, hễ gặp phải một chút trắc trở, một chút khó khăn là đã vội buông tay.
Nếu bạn hỏi họ vì sao không thể kiên trì thêm chút nữa, chịu khổ thêm một chút, thì chúng sẽ thao thao bất tuyệt trả lời rằng: “Nỗ lực quá khổ, nỗ lực cũng thế mà không nỗ lực cũng vậy. Sao không để bản thân mình sống dễ chịu một chút?”.
Trong kiếp người có những nỗi khổ nhất định phải trải qua. Hôm nay không chịu khổ mà học hành chăm chỉ thì tới già sẽ phải hối tiếc. Còn trẻ mà tham thú an nhàn, không muốn nỗ lực, thiếu đi sự nuôi dưỡng tinh thần, thiếu đi những kỹ năng ứng phó với cuộc sống thì ngày mai sẽ phải chịu cảnh cô độc và nghèo khó. Có thể khi đang nỗ lực bạn sẽ cảm thấy khổ, nhưng khi gặp lại quan này, nội tâm của bạn sẽ phong phú hơn, sâu sắc hơn.
Dám nỗ lực thì nỗi khổ đã trải qua sẽ vĩnh viễn không là điều vô ích, ông Trời sẽ bù đắp lại cho bạn. Dẫu lúc đó bạn không đạt được điều mình mong muốn, nhưng một ngày nào đó khi gặp cảnh khốn cùng, sự nỗ lực lúc này sẽ phát huy tác dụng.
Nỗ lực chịu khổ sẽ giúp bạn tích lũy được những kỹ năng cần thiết, sự khoáng đạt trong tư duy, sự trưởng thành trong tâm hồn và trí tuệ. Những điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống, giúp bạn cả đời thọ ích.
Tham thú an nhàn, khổ cả một đời
Nỗ lực đương nhiên sẽ vất vả, sẽ khó chịu, nhưng lại có thể tiến bộ và khiến tâm hồn giàu có hơn. Không trải qua những ngày đông rét buốt sao có đóa hoa mai tỏa ngát hương?
An nhàn có ý nghĩa gì không?
Con người thường có mục tiêu, có ước mơ. Ước mơ chỉ trở thành hiện thực thông qua sự nỗ lực. Giá trị của kiếp người không nằm ở thời gian dài ngắn, mà nằm ở ý nghĩa của những gì bạn đã cho đi, những việc bạn đã làm.
Kỳ thực, một phần trong bản tính của con người thường là lười nhác, mong cầu an nhàn, né tránh khổ đau. Chúng ta thường ngưỡng mộ thành tích, địa vị của người khác, mà oán trách thế giới bất công. Nhưng một người chỉ mong cầu an nhàn, chưa từng chăm chỉ nỗ lực thì sao có thể oán trách đây?
Rất nhiều ông bố bà mẹ đang nhào nặn những đứa con của mình trong cái tổ an nhàn, ấm êm. Nhưng ý nghĩa của sinh mệnh không thể đúc rút ra trong bầu không khí nhàn nhã, không có sự nỗ lực nào sinh ra từ niềm vui đơn thuần.
Năng lực thường được tôi luyện từ những nỗi đau và trắc trở. Khi đứa trẻ đã quen với cuộc sống thanh nhàn thì chúng sẽ sợ sự đổi thay. Khi đứa trẻ không muốn chịu khổ, không muốn nỗ lực, thì hạt giống lười biếng sẽ được nuôi dưỡng trong tâm. Cuối cùng kiếp người cũng chẳng mấy khởi sắc.
Nỗ lực chắc chắn sẽ khổ, sẽ khó chịu. Nhưng chỉ như vậy bạn mới có thể thăng hoa, mới có thể tiến bộ, mới có thể khiến mình giàu có hơn.
Nếu không thể nỗ lực, không thể chịu khổ thì ắt sẽ bị xã hội đào thải, những chuỗi ngày cuối đời sẽ phải nhọc thân.
Thời gian không đợi người – hôm nay không nỗ lực, thì khi nào?
Lúc thiếu thời không nỗ lực, về già ắt chịu cảnh bi thương. Người không nỗ lực thì khi quay đầu nhìn lại sẽ phát hiện ra rằng điều đáng tiếc nhất không phải là không có cơ hội, mà là không chịu nỗ lực, không chịu được cái khổ lúc bấy giờ.
Khi bạn còn trẻ, nỗi khổ không được gọi là khổ, đến khi xế bóng thì mới gọi là khổ. Lúc còn trẻ đừng sợ khổ, đừng tham thú an nhàn hưởng lạc. Đợi đến khi già đi, dẫu muốn nỗ lực bạn cũng sẽ phát hiện ra rằng thời gian chẳng đợi người, lúc này bạn đã sức tàn lực kiệt rồi, hối tiếc cũng muộn màng.
Khi còn trẻ chủ động chịu khổ, thì chịu xong cái khổ này chúng ta sẽ có thể tận hưởng vị ngọt của cuộc sống. Nếu không muốn nỗ lực thì cuối cùng chúng ta chỉ có thể chịu nỗi khổ mà số phận mang lại.
Đa phần chúng ta không thể làm được việc gì không phải là do tư chất, mà là vì không đủ nỗ lực. Đừng đợi đến khi dần dần già đi, khi hai bàn tay trắng mới hối tiếc mà rằng: “Giá lúc đó mình có thể chịu khổ một chút, có thể nỗ lực thêm một chút”.
Khi còn trẻ khỏe, còn thời gian có thể nỗ lực nhiều nhất thì chịu khổ là điều cần thiết cũng là điều tất yếu. Nhưng hiện nay dường như những thiếu niên như vậy ngày càng ít dần. Bởi lẽ cha mẹ luôn yêu thương chúng bằng thứ tình yêu bao bọc, có phần mù quáng.
Dẫu rằng sau khi chịu khổ chưa chắc chúng ta đã nếm được trái ngọt, sau khi nỗ lực chưa chắc đã thành công, nhưng không nỗ lực thì hy vọng lại càng mong manh hơn, cuộc đời sẽ chỉ như đầm sâu nước chết mà thôi. Con người nếu không nỗ lực thì có thể liếc mắt là thấy được, khi tóc bạc da mồi thì ngay cả phong cảnh mới lạ cũng không còn. Lúc này mới thực sự là khổ.
Nỗ lực chịu khổ không phải là nỗi khổ thực sự. Bạn cảm thấy khổ chỉ là vì bạn không nhìn thấy kết quả cho sự lựa chọn và kiếp nhân sinh của mình mà thôi. Nếu bạn coi những nỗi khổ trước mắt như trái ngọt cho cuộc sống sau này, bạn sẽ phát hiện kỳ thực nỗi khổ ấy cũng chẳng thấm tháp gì.
Không trải qua cái lạnh thấu xương của mùa đông, sao có thể thưởng thức hương thơm của đóa hoa mai rạng rỡ. Màu nền quan trọng nhất của tuổi thanh xuân là sự nỗ lực, tinh thần đáng quý nhất là không ngừng vươn lên. Đừng lựa chọn sự an nhàn trong những thời khắc tốt đẹp nhất. Càng lười biếng, càng nhàn nhã thì bạn càng có thể đang bỏ lỡ những khung cảnh tươi đẹp trong kiếp người.
Nếu không muốn chịu khổ cả đời thì hãy chịu cái khổ nhất thời. Dám gánh chịu gian nan mới có thể vươn xa cùng giấc mơ của bạn. Nhân khi còn trẻ trung, dẻo dai, hãy nỗ lực, đừng sợ khổ, người sợ khổ thường sẽ phải khổ cả một đời.
An Nhiên / Theo: vandieuhay
No comments:
Post a Comment