Monday, April 17, 2023

Ý NGHĨA CỦA BÀI HÁT "NẾU CÓ YÊU TÔI"

Nếu nhắc về một nỗi đau ở đời, người ta thường nói đó là sự giằng xé, mòn mỏi rã rời hoặc âm ỉ trong tim, một nỗi đau nghẹn ngào, ít người dùng đến chữ “rộn ràng” cho nỗi đau như trong bài thơ mang tên Rộn Ràng Một Nỗi Đau của nữ thi sĩ Ngô Tịnh Yên. Cách dùng chữ hẳn là có dụng ý riêng của tác giả về ranh giới mong manh giữa nỗi vui và niềm đau.


Từ bài thơ đó, nhạc sĩ Trần Duy Đức đã phổ thành ca khúc mang tên Nếu Có Yêu Tôi, rất được yêu thích qua giọng hát Khánh Ly thời điểm cách đây tròn 20 năm:

Có tốt với tôi thì tốt với tôi bây giờ
Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi xa người
Đừng đợi ngày mai đến khi tôi phải ra đi
Ôi muộn làm sao nói lời tạ ơn…


Nếu nhìn ngoại hình của nhạc sĩ Trần Duy Đức, ít người nghĩ rằng ông là một nhạc sĩ, mà sẽ liên tưởng tới một họa sĩ nhiều hơn. Kỳ thực, ông là một họa sĩ trước khi nổi tiếng với lĩnh vực âm nhạc. Dù sáng tác không nhiều nhưng nhạc sĩ Trần Duy Đức vẫn để lại dấu ấn với các bài nhạc phổ thơ Du Tử Lê, như là Chỉ Nhớ Người Thôi Đủ Hết Đời, Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi, và đặc biệt là Nếu Có Yêu Tôi phổ từ thơ Ngô Tịnh Yên.

Nhạc sĩ Trần Duy Đức

Nữ thi sĩ Ngô Tịnh Yên kể lại rằng sau khi Trần Duy Đức đọc được một đoạn bài thơ Rộn Ràng Một Nỗi Đau trên báo vào khoảng cuối thập niên 1990, ông liền đến gặp nhà thơ, xin trọn vẹn thi phẩm này để phổ nhạc, và ông hoàn thành ca khúc mang tên Nếu Có Yêu Tôi ngay trên đường về đến nhà. Có lẽ là nhờ bắt đúng nhịp cảm xúc của bài thơ, đúng với tâm trạng của tác giả nên bài hát đã được viết trong một thời gian rất ngắn, rồi sau đó đã sống được dài lâu trong lòng người hâm mộ:

Có tốt với tôi thì tốt với tôi bây giờ
Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi xa người
Đừng đợi ngày mai đến khi tôi phải ra đi
Ôi muộn làm sao nói lời tạ ơn


So với bài thơ gốc, nhạc sĩ đã giữ trọn vẹn được tinh thần mà thi sĩ muốn gửi gắm. Thoạt đầu nghe, người ta sẽ tưởng là bài hát viết cho tình yêu đôi lứa, với những giận hờn thường tình. Tuy nhiên nếu suy ngẫm nhiều hơn, bài hát mang những thông điệp vượt xa hơn, về những yêu thương lớn lao trong đời sống con người, chứ không gói gọn trong tình yêu. Sau đây là nguyên tác bài thơ Rộn Ràng Một Nỗi Đau:

Có tốt với tôi thì hãy tốt bây giờ
đừng đợi đến lúc tôi qua đời
đừng đợi đến khi tôi phải ra đi
và tất cả, thì đã muộn mất rồi

Có tha thứ cho tôi thì tha thứ bây giờ
đừng đợi đến lúc tôi nhắm mắt lại
đừng đợi đến khi tôi không còn hơi thở
tôi nói được lời xin lỗi với ai đây?

Có thương tôi thì hãy thương bây giờ
đừng đợi đến khi tôi nằm xuống bơ vơ
hồn phiêu dạt không nơi nương tựa

Có bao dung tôi thì bao dung bây giờ
đừng đợi đến lúc tôi xa lìa thế giới
đừng đến khi tôi thành mây thành khói
cát bụi làm sao có thể mỉm cười?

Có vui với tôi thì vui bây giờ
đừng đợi đến khi nuối tiếc ngày xưa
tôi muốn nói cám ơn, thì đã trễ!

Nhà thơ Ngô Tịnh Yên

Nhạc sĩ Trần Duy Đức nói: “Bài thơ đã gửi gắm một thông điệp chứa đựng tâm trạng mà theo tôi nghĩ là bất cứ ai cũng đều cảm thấy như đúng với tâm trạng của mình. Cũng chính vì thế đã tạo ra cảm hứng thôi thúc tôi phổ nhạc bài thơ này”.

Dù bài hát không mang nội dung vui tươi, tác giả lại sử dụng điệu swing sôi động, dễ thu hút người nghe. Đằng sau sự rộn ràng của giai điệu, bài hát để lại những nốt trầm với bài học đáng suy ngẫm, tuy giản đơn nhưng đầy ý nghĩa. Đó là thông điệp nhắn gửi mọi người rằng: Đừng chờ đợi, đừng chần chừ. Hãy yêu thương, hãy tha thứ, hãy bao dung với mọi người. Bởi vì thời gian không biết chờ đợi ai, nếu để vuột qua rồi, thì những lời yêu thương, và cả những lời thứ tha… chưa kịp nói thì đều trở nên muộn màng:

Nếu có bao dung thì hãy bao dung bây giờ
Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi xa đời
Đừng đợi ngày mai biết đâu tôi nằm im hơi
Tôi chẳng làm sao tạ lỗi cùng người

Rộn ràng một nỗi đau
Nghẹn ngào một nỗi vui
Dịu dàng một nỗi đau
Ngậm ngùi một nỗi vui

Có nhớ thương tôi thì đến với tôi bây giờ
Đừng đợi ngày mai lúc mắt tôi khép lại
Đừng đợi ngày mai có khi tôi đành xuôi tay
Trôi dạt về đâu, chốn nào tựa nương


Khi thi sĩ Ngô Tịnh Yên viết bài Rộn Ràng Một Nỗi Buồn, có lẽ bà đã chứng kiến quá nhiều những muộn màng hối tiếc trong đời, nên những vần thơ này như thúc giục mọi người hãy sống yêu thương và có trách nhiệm với những người xung quanh.

Những thông điệp đó đã được giữ trọn vẹn qua bài hát của nhạc sĩ Trần Duy Đức. Những lời trong ca khúc đã không còn là tâm sự của riêng thi sĩ hay nhạc sĩ, không chỉ là lời nhắn nhủ của những người đang yêu, mà mang một ý nghĩa rộng lớn hơn, đó là lời của tình thân, của bằng hữu, tình người. Cuộc sống này thật ngắn ngủi, vì vậy nếu cần làm gì thì hãy hành động ngay, đừng hứa hẹn, đừng chờ đợi. Bởi vì biết đâu chỉ cần là một khoảnh khắc thôi thì người đã xa đời, nằm im hơi, mắt khép lại và đã xuôi tay rồi…

Nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ
Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời
Đừng đợi ngày mai đến khi tôi thành mây khói
Cát bụi làm sao mà biết lụy người

Rộn ràng một nỗi đau
Nghẹn ngào một nỗi vui
Dịu dàng một nỗi đau
Ngậm ngùi một nỗi vui


Bốn câu hát được lặp lại này được nhạc sĩ thêm vào dựa theo tựa đề của bài thơ: Rộn Ràng Một Nỗi Vui. Nghe có vẻ là nghịch lý, nhưng đó cũng là thông điệp mà nhạc sĩ muốn nhắn nhủ: Nỗi đau – Niềm vui, có khoảng cách thật mong manh. Nỗi đau rộn ràng, dịu dàng, còn nỗi vui thì lại nghẹn ngào, ngậm ngùi, chỉ cách nhau trong gang tấc, cách nhau chỉ bằng một quyết định của người: Hãy thổ lộ, hãy yêu thương, và hãy hành động, điều đó sẽ thay đổi được ngay lập tức nỗi đau thành nỗi vui, những ngậm ngùi và nghẹn ngào sẽ trở nên dịu dàng và rộn rã.

Đông Kha / Nguồn: nhacxua



No comments: