Để gói bánh ít trần khoai mì, chỉ cần mài củ mì tươi và dùng liền tại chỗ. Củ mì sau khi nhổ lên, đem vào nhà để qua đêm, hôm sau lột vỏ lại ngâm tiếp vào thau nước sạch một ngày. Làm như vậy cho bột mì được “êm”, tức là ráo mủ, tránh ngộ độc.
Khi vớt ra rửa lại cho sạch sẽ, mài bột nhuyễn, tùy vào kinh nghiệm người làm cho bao nhiêu đường cát vào bột thì bánh được ngọt vừa hoặc có thể không cần thêm đường vào vỏ bánh. Trộn đều bột để chừng 1-2 giờ, để bột ngon và dẻo hơn, sau đó má tôi chuẩn bị làm nhân.
Nhân bánh ít trần khoai mì thường là nhân dừa ngọt. Dừa khô nạo sẵn, trộn với lượng đường nhất định, thêm chút muối, cũng cho vào chảo bắc lên bếp trộn đều, đợi các thứ nguyên liệu kết dính nhau, cho thêm gừng cắt sợi, đậu phộng rang cho dậy mùi thơm. Chảo nhân dừa đảo đều tay xong để nguội là có thể nắn bánh.
Má tôi vẫn miệt mài làm bánh gửi cho con cháu ở xa
Tôi luôn đảm nhận công đoạn đơn giản, còn những việc như thoa dầu ăn lên lá chuối, nắn nhân, vỗ bột và nắn bánh, đều là việc của người lớn. Bọn trẻ chỉ xúm quanh cười nói, háo hức chờ đợt bánh đầu tiên, khoảng hơn chục cái, được xếp ngay ngắn vào xửng và bắc lên lò hấp.
Công đoạn làm nước cốt dừa rất quan trọng, nước cốt dừa ngon thì càng làm cho món bánh ít trần khoai mì thêm hấp dẫn.
Giở từng lớp lá chuối của cái bánh nóng hổi, mùi thơm của bột mì, của nhân dừa hình như quyện lấy một hương thơm quen thuộc trong ký ức.
Mùa mưa, chúng tôi giâm xuống đất xốp những thân mì, cứ thế đợi giáp năm là có khoai mì làm bánh ăn. Kỷ niệm về những món ăn bình dị luôn có khoai luộc, khoai nướng, chè khoai, bánh bà ba, bánh da lợn, rồi bánh ít trần khoai mì. Tảng sáng, ăn một hai cái bánh ít cũng đủ dằn bụng, trẻ đi học, người lớn ra đồng. Ai “mạnh” ăn, cứ đem theo vài cái nữa, để dành giữa buổi.
Ai từ quê có dịp lên thành phố, đem cho con cháu xa nhà giỏ bánh mới hấp nóng hổi, ăn mà rưng rưng nhớ hai tiếng “quê nhà”.
Diệp Linh / Theo: PNO
No comments:
Post a Comment