Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông
Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng
Thịnh suy, thành bại theo dòng nước
Sừng sững cơ đồ bỗng tay không
Núi xanh nguyên vẹn cũ
Bao độ ánh chiều hồng
Bạn ngư tiều dãi dầu trên bãi
Vốn đã quen gió mát trăng trong
Một vò rượu nếp vui bạn cũ
Chuyện đời tan trong chén rượu nồng
Nguyên văn:
Cổn cổn Trường Giang đông thệ thuỷ,
Lãng hoa đào tận anh hùng.
Thị phi thành bại chuyển đầu không.
Thanh sơn y cựu tại,
Kỷ độ tịch dương hồng.
Bạch phát ngư tiều giang chử thượng,
Quán khan thu nguyệt xuân phong.
Nhất hồ trọc tửu hỉ tương phùng.
Cổ kim đa thiểu sự,
Đô phó tiếu đàm trung.
Bài từ khúc "Lâm giang Tiên" này được chọn làm bài hát chính của phim "Tam Quốc diễn nghĩa" khiến nó càng thêm nổi tiếng. Qua rất nhiều chứng cứ khảo cứu cho thấy, bài từ này do văn hào đời Minh là Dương Thận sáng tác khi ở Lô Châu. Tuy nhiên một số độc giả thắc mắc rằng: "Tam Quốc diễn nghĩa" ra đời trước Dương Thận hơn 100 năm, thế thì làm sao bài từ "Lâm giang Tiên" của Dương Thận lại có thể trở thành bài từ mở đầu "Tam Quốc diễn nghĩa" được? Vậy bài từ "Lâm giang Tiên" mở đầu "Tam Quốc diễn nghĩa" là của La Quán Trung hay của Dương Thận?
Theo tài liệu lịch sử ghi chép, tác giả của "Tam Quốc diễn nghĩa" là La Quán Trung, ông sinh vào năm Chí Thuận thứ nhất đời Nguyên Minh Tông (năm 1330), mất năm Kiến Văn thứ 2 đời Minh Huệ Đế (năm 1400), thọ 71 tuổi. Còn Dương Thận sinh vào năm Hoằng Trị thứ nhất đời Minh Hiếu Tông (năm 1488), mất năm Gia Tĩnh thứ 38 đời Minh Thế Tông (năm 1559), cũng thọ 71 tuổi. Có nghĩa là 88 năm sau khi La Quán Trung qua đời thì Dương Thận mới sinh ra. Từ sự khác biệt tuổi tác của 2 người mà xét thì "Lâm giang Tiên" - bài từ mở đầu "Tam Quốc diễn nghĩa", là La Quán Trung sáng tác mới hợp lý.
Chân dung Dương Thận. (Ảnh: Wikipedia)
Khi đọc các tư liệu có liên quan đến Dương Thận thì phát hiện ra rằng, năm Chính Đức thứ 15 đời Minh Vũ Tông, Dương Thận đắc tội với hoàng đế, bị giáng chức lưu đày đến Vĩnh Xương, Vân Nam, tức trong thời gian lưu đày, Dương Thận đã ở Lô Châu nhiều năm, và đã viết rất nhiều thơ từ, trong đó có bài từ có tính sử luận cực cao là "Lâm giang Tiên - Cổn cổn Trường Giang đông thệ thủy" này. Đây là bài từ mở đầu đoạn thứ 3 "Thuyết Tần Hán" trong "21 sử đàn từ" do Dương Thận sáng tác. Ở phần kết thúc của đoạn này, Dương Thận còn viết một bài từ "Tây giang nguyệt" như sau:
Lạc nhật tây phi cổn cổn
Đại giang đông khứ thao thao
Dạ lai kim nhật hựu minh triêu
Mạch địa thanh xuân quá liễu
Thiên cổ phong lưu nhân vật
Nhất thời đa thiểu anh hào
Long tranh hổ đấu mạn cù lao
Lạc đắc nhất trường đàm tiếu
Tạm dịch:
Mặt trời lặn phía tây cuồn cuộn
Sông lớn chảy về đông dạt dào
Đêm qua ngày mới lại sáng tươi
Bỗng chốc thanh xuân trôi qua mất
Nhân vật phong lưu mấy ngàn năm
Bấy nhiêu anh hào chỉ chốc lát
Long tranh hổ đấu luống nhọc nhằn
Còn lại chỉ trong nói cười suông
Theo nghiên cứu của các nhà sử học, tác phẩm "21 sử đàn từ" của Dương Thận có tên gốc là "Lịch đại sử lược 10 đoạn cẩm từ thoại", sau khi ra đời đã lưu truyền, được hát rộng rãi trong dân gian. Sau khi truyền đến Giang Nam thì đổi tên là "21 sử đàn từ". Tác phẩm "21 sử đàn từ" gồm 2 quyển, chia làm 10 đoạn, trước mỗi đoạn đều dùng bài từ và thơ mở đầu như "Tây giang nguyệt", "Nam hương tử", "Lâm giang Tiên"... sau đó mới dùng tản văn và những câu thơ kiểu 3, 4 câu để đánh giá về mỗi triều đại. Kết thúc mỗi đoạn lại dùng một bài thơ và một bài từ, hình thức này đã trở thành tiên phong sáng tác văn học thông tục cho các văn nhân đời Minh. Sau này có rất nhiều học giả, văn nhân đã bình chú, sửa đổi hoặc viết tiếp.
Như vậy "Lâm giang Tiên - Cổn cổn Trường Giang đông thệ thủy" rõ ràng là của Dương Thận sáng tác, vậy bài từ này sao lại trở thành bài từ mở đầu của tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa" đây? Việc này phải nhờ công của hai cha con Mao Luân, Mao Tông Cương - hai nhà phê bình văn học thời kỳ đầu nhà Thanh.
Hai cha con Mao Luân, Mao Tông Cương đều là nhà phê bình văn học thời đầu nhà Thanh. Mao Tông Cương tên tự là Tự Thủy, hiệu là Tử Am, là một nhà Nho nghèo, sinh vào năm Sùng Trinh thứ 5 đời Minh (năm 1632), mất vào năm Khang Hy thứ 48 đời Thanh (năm 1709). Hai cha con ông khi bình luận "Tam Quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung thì có đọc tác phẩm "21 sử đàn từ" của Dương Thận, đã bị cuốn hút bởi tính sử luận cực cao của bài từ "Lâm giang Tiên - Cổn cổn Trường Giang đông thệ thủy" - bài từ mở đầu đoạn 3 "Thuyết Tần Hán", cảm thấy bài từ này lập luận cao xa, khí thế hào hùng, có tác dụng "vẽ rồng điểm mắt" đối với việc bình luận "Tam Quốc diễn nghĩa". Thế là họ quyết định đưa vào bản "Tam Quốc diễn nghĩa" do Mao Tông Cương bình chú làm bài tử mở đầu. Thế là bài từ "Lâm giang Tiên" trở thành bài từ mở đầu của "Tam Quốc diễn nghĩa" sau khi La Quán Trung chết hơn 100 năm, và được lưu truyền nổi danh thiên hạ.
Cũng khá trùng hợp, bài từ "Niệm Nô Kiều - Xích Bích hoài cổ" của đại văn hào Tô Thức đời Tống cũng có cách nhìn tương tự về thời Tam Quốc:
Sông dài băng chảy về đông
Sóng trào cuốn hết anh hùng xưa nay
Mờ mờ lũy cũ phía tây
Tam phân Xích Bích hùng tài Chu Lang
Sụt mây đá loạn ngổn ngang
Ba đào cuồng nộ tràn lan vỡ bờ
Ngàn ngàn cột tuyết lặng lờ
Bức tranh sông núi như thơ rạng ngời
Bao nhiêu hào kiệt một thời
Tài xưa Công Cẩn tuyệt vời biết bao
Tiểu Kiều mới cưới hôm nào
Anh hùng tư cách ra vào ung dung
Quạt là khăn lụa thong dong
Phá tan giặc mạnh đương trong nói cười
Giặc kia khói diệt tro rơi
Trên sông nước cũ hồn ai trở về
Đa tình cười lão mải mê
Tóc đà sớm bạc còn chê thân già
Đời người như giấc mộng qua
Sông trăng chén rượu gọi là quý nhau
Nhân sinh như mộng, kiếp người ngắn ngủi, trong dòng sông dài lịch sử cuồn cuộn chảy về đông kia, lớp lớp anh hùng hào kiệt ra đời rồi biến mất, họ xuất hiện như những nhân vật trong vở kịch, khi đã diễn xong vai diễn của mình thì lui bước ra khỏi sân khấu, chỉ còn lại dòng sông lịch sử đem theo bao sự tích anh hùng ngàn năm tuôn chảy:
Rào rào lá trút rừng cây thẳm
Cuồn cuộn sông về sóng nước tuôn
Trung Hòa
Theo: KKnews