Hai sắc phong có niên đại cả trăm năm.
Người lưu giữ được hai bức sắc phong này là ông Lương Văn Khuôn (70 tuổi), ở làng Chu, xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa). Hai sắc phong được bảo quản bằng cách cuộn tròn trong một ống nứa có nắp đậy và được đánh véc ni sáng bóng, ống nứa này còn được đặt trong một hộp gỗ chạm trỗ tinh vi.
Theo dịch nghĩa, hai sắc phong cùng được vua ban cho một nhân vật. Sắc thứ nhất được vua Duy Tân ban ngày 8 tháng 6 nhuận niên hiệu Duy Tân năm thứ 5 vào năm 1911 cho Bản cảnh Thành hoàng chi thần thờ phụng tại thôn Châu, châu Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, có công giúp nước an dân, ngầm hiển linh ứng.
Sắc phong thứ hai do vua Khải Định ban ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định năm thứ 9 vào năm 1924. Trong bản dịch, vua Khải Định viết: “Thần có công giúp nước an dân, ngầm hiển linh ứng từng được ban cấp sắc phong và cho phép địa phương thờ phụng. Nay chính lúc Trẫm mừng thọ tuổi 40 nên ban chiếu báu, ban ơn thăng lên một bậc. Gia tặng thêm mỹ tự: Tĩnh hậu Trung đẳng thẩn. Cho phép địa phương thờ phụng để ghi vào điển lễ quốc gia”.
Người dân và gia đình mong chính quyền, cơ quan chức năng làm rõ lai lịch của người được vua sắc phong để có căn cứ phục dựng lại di tích.
Theo ông Khuôn, hai bức sắc phong này được cố nội ông mang về từ một ngôi đền trong làng nằm cạnh bờ sông Âm đã bị tàn phá. Hai sắc phong này đã được gia đình ông Khuôn lưu giữ, bảo quản trong nhiều năm nay.
Có người đã đến hỏi mua hai bức sắc phong này với giá gần 100 triệu đồng nhưng ông Khuôn không bán. Với ông và gia đình thì đây là báu vật của tổ tiên để lại, nếu bán thì con cháu sẽ bị quả báo.
Hai bức sắc phong được gia đình ông Khuôn bảo quản rất cận thận.
Người dân trong làng và gia đình ông Khuôn mong muốn chính quyền và cơ quan chức năng cần quan tâm bảo vệ và làm rõ lai lịch của người được vua sắc phong để có căn cứ phục dựng lại di tích.
Duy Tuyên / Theo: Dân Trí
No comments:
Post a Comment