Nhiều ý kiến cho rằng, lớp ca sĩ trẻ bây giờ hát nhạc vàng không hay bằng các ca sĩ thế hệ trước như: Thanh Thúy, Phương Dung, Giao Linh, Hoàng Oanh, Chế Linh, Duy Khánh…
Nếu nói ca sĩ trẻ ngày nay hát nhạc vàng chưa có hồn với lý do là họ còn quá trẻ, chưa trải nghiệm cuộc sống thì hoàn toàn không đúng. Hầu như các ca sĩ trước 75 đều thành danh khi còn rất trẻ. Hoàng Oanh, Hương Lan đã đứng trên sân khấu khi còn ở tuổi nhi đồng. Thanh Thúy nổi tiếng với Giọt Mưa sThu khi cô mới tuổi 15-16. Phương Dung nổi tiếng năm 17 tuổi với Nỗi Buồn Gác Trọ…
Hầu hết các ca sĩ nhạc vàng nổi tiếng thế hệ trước năm 1975 đều sinh vào thập niên 1940, và nổi tiếng vào thập niên 1960 khi mới ngoài 20 tuổi.
Hiện nay, có rất nhiều người yêu nhạc vàng tìm tải trên mạng những nhạc phẩm nhạc vàng thu âm trước 1975 của các sĩ thế hệ trước, được ghi âm cách đây 50-60 năm. Khi thu âm các bài hát đó, những ca sĩ như: Giao Linh, Hương Lan, Thanh Tuyền… vẫn con rất trẻ. Cách đây nửa thế kỷ, kỹ thuật ghi âm đĩa nhựa và băng cối còn sơ sài, không thể hiện đại như bây giờ. Nhạc cụ đệm cho các ca sĩ hát cũng đơn giản hơn nhiều.
Vậy tại sao người ta vẫn thích và tìm nghe những bản nhạc vàng thu âm trước 1975?
Trong khi những ca sĩ trẻ hiện nay cũng hát những ca khúc ấy với kỹ thuật ghi âm hiện đại, âm thanh tốt hơn gấp nhiều lần? Đó là vì cái hồn của bài hát được các ca sĩ ngày xưa thể hiện trọn vẹn. Họ hát các ca khúc bằng một cảm xúc rất chân thật.
Tất cả các bài nhạc vàng đều ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh. Các tác giả đã mang nỗi buồn loạn lạc, ly tán vào ca từ, điệu nhạc “bùm chách chách chách”, nội dung bài hát chủ yếu là hoài niệm, nên giọng hát cũng cần sự từng trải.
Ở lứa tuổi đôi mươi, các ca sĩ thế hệ trước phải sống trong hoàn cảnh chiến chinh, lời buồn quê hương đã vương vào lời ca, tiếng hát. Đó là thế hệ ca sĩ đã thể hiện các ca khúc nhạc vàng bằng giọng hát đầy tâm trạng, da diết một cách tự nhiên như vốn có.
Một lý do không kém phần quan trọng là có nhiều bài hát trước 1975 được nhạc sĩ sáng tác kiểu “đo ni đóng giày” cho giọng hát riêng của ca sĩ, nên về sau khó có người khác hát hay hơn. Hơn nữa, thuở xưa ca sĩ thường được nhạc sĩ sáng tác trực tiếp tập cho hát. Ca sĩ được truyền lại ý tứ, nội dung, ca từ bài hát một cách chính xác nhất để thể hiện trọn vẹn bài hát.
Các ca sĩ trẻ hiện nay hát nhạc vàng như cưỡi ngựa xem hoa, thiếu cảm xúc. Thế hệ sau không được sống trong không gian và thời gian lúc các bài nhạc vàng ra đời. Trong dòng nhạc này, muốn hát được có cảm xúc, ca sĩ bắt buộc phải hiểu hết nội dung bài hát, hát đúng lời, nếu biết được luôn hoàn cảnh sáng tác thì càng tốt. Các nhạc sĩ nhạc vàng và ca sĩ nhạc vàng ngày xưa rất khó chịu khi nghe ca sĩ trẻ hát sai lời nhạc vàng. Khi hát sai lời, nghĩa là họ không hiểu gì về bài hát, nên khó mà thể hiện đúng cảm xúc cần có.
Hơn nữa, kỹ thuật thu âm hiện đại ngày nay cũng góp phần làm cho ca sĩ hát nhạc vàng một cách vô hồn giống như trả bài. Kỹ thuật âm thanh tân tiến chỉ phù hợp với các loại nhạc điện tử. Còn nhạc vàng, người ta hát và nghe chủ yếu là bằng cảm xúc, ca sĩ phải hát bằng giọng thật của mình, không có sự trợ giúp của thiết thị điện tử.
Ngày nay hầu như ai cũng có thể làm ca sĩ, có thể tự thu âm bài hát. Trong phòng thu âm, ca sĩ có thế hát đi hát lại nhiều lần một bài hát, hát sai đoạn nào thì bỏ đoạn đó và ghép các đoạn hoàn chỉnh lại với nhau.
Cách đây nửa thế kỷ, ca sĩ trước 75 phải tập luyện nhuần nhuyễn bài hát thì mới có thể thu âm. Khi đã thu âm thì phải hát một lèo từ đầu đến cuối cùng với ban nhạc. Nếu hát sai hoặc va vấp đoạn nào, dù là nhỏ nhất, cũng phải hát lại từ đầu cùng ban nhạc, chứ không thể cắt, ghép, nối đoạn nhạc như hiện nay. Vì khó như vậy nên ca sĩ phải có thực lực, luyện tập không ngừng nghỉ mới có thể thành danh.
Trong các nữ ca sĩ nổi tiếng trước 1975, mỗi người đều sáng tạo ra cách hát luyến láy riêng cho mình để tạo thành nét đặc trưng. Vì vậy khi nghe nhạc, khán giả dễ dàng nhận biết ai đang hát, không giống như hàng tá giọng hát na ná nhau sau này. Điển hình là khi nghe giọng luyến giống như nức nở, nghẹn ngào đặc trưng thì ai cũng nhận ra đó là Thanh Thúy. Khi nghe những tiếng ngâm thơ đầu tiên, người nghe biết Hoàng Oanh, hoặc nghe giọng luyến và ngân rung rung nhẹ, người nghe biết là Phương Dung.
Có nhiều chi tiết trong các tác phẩm nhạc vàng, bây giờ chỉ còn là quá khứ. Xin đơn cử bài hát Yêu một mình của nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân:
Nhà em có hoa vàng trước ngõ.
Tường thật là cao, gió leo cây kín rào.
Nhà anh cuối con đường ngoại ô.
Vách thưa đèn dầu thắp, gió lùa vào từng đêm…
Tuổi em cũng như hoa mới nở,
vạn người thầm mong được đưa đón chân em.
Xót xa anh còn trắng tay hoài,
sách đèn nợ chưa dứt nên lận đận truân chuyên…
Chiều nay pháo bay đầy trước ngõ.
Tạ từ thơ ngây dáng hoa đi lấy chồng.
Đường quen bỗng bây giờ buồn tênh.
Mỗi khi chiều dần xuống thấy lòng mình ngẩn ngơ…
Chắc chắn, các ca sĩ thế hệ 9x chưa bao giờ sống trong cảnh đèn dầu leo lét và được chứng kiến cảnh pháo nổ trong ngày cưới. Vì vậy họ khó thể hiện trọn vẹn được nỗi buồn của chàng thư sinh nghèo yêu thầm cô gái con nhà giàu, cũng như không “bung ra” được hết nỗi buồn của chàng trai khi nhìn xác pháo hồng vương vãi trước cổng nhà người mình yêu… Ca sĩ thế hệ 9X chỉ hát trong trí tưởng tượng, khó bằng các ca sĩ thế hệ trước đã qua sự trải nghiệm thực tế.
Theo: nhacxua