Dưới đây là câu chuyện nhỏ lưu truyền về một bậc cao tăng khi bất ngờ gặp phải đạo tặc.
Cao tăng và đạo tặc
Trong quãng thời gian tu hành của mình, vị hoà thượng sống một đời thanh bần, cả gia tài của ngài chỉ có một chiếc bát để khất thực. Tuy nhiên trí huệ mà ngài chứng ngộ lại vô cùng cao thâm mà không gì có thể sánh được. Thời ấy các bậc vương tôn, hoàng đế, cũng như các bậc trí giả hầu như đều là học trò của ngài.
Lúc đó có một hoàng hậu vô cùng sùng bái vị hoà thượng. Khi ngài vào thành hồng Pháp, khất thực, hoàng hậu đã cố tình cho người làm một chiếc bát bằng châu báu. Đợi khi ngài vào cung điện thuyết Pháp hoàng hậu nói: “Trước tiên xin ngài hãy đồng ý tặng cho ta một vật”.
Vị hoà thượng đáp: “Bần tăng cả người chẳng có thứ gì ngoài một chiếc bát để đi khất thực, vậy thứ hoàng hậu cần là gì?”.
Hoàng hậu đáp: “Ta chính là muốn cái bát đó của ngài”.
Vị hoà thượng đáp: “Được, xin hoàng hậu lấy đi”.
Hoàng hậu đáp: “Vẫn chưa xong, ta muốn đổi một thứ với ngài, xin hãy nhận chiếc bát của ta”.
Vị hoà thượng đáp: “Được, bát gì cũng được”.
Khi ấy vị hoà thượng hoàn toàn không biết chiếc bát mà hoàng hậu muốn đổi cho mình lại được làm bằng châu báu.
Sau khi vị hoà thượng nhận chiếc bát của hoàng hậu, trên đường trở về ngôi miếu hoang đổ nát để nghỉ ngơi, ông bất ngờ gặp một tên đạo tặc. Tên đạo tặc thấy hòa thượng mặc chiếc áo cũ rách nhưng trong tay lại cầm chiếc bát bằng vàng ngọc lấp lánh, hắn gần như không thể tin vào mắt mình. Hắn nghĩ: “Cái bát này dường như chẳng có chút quan hệ nào với với lão hòa thượng, sớm muộn cũng bị người khác lấy mất. Người khác có thể, vậy sao mình lại không?”.
Vậy là tên đạo tặc liền bám theo vị hòa thượng trở về miếu hoang. Ngôi miếu hoang đó tứ bề trống không, tường không cửa miếu không nóc, như thể đã quá lâu rồi không có người ghé qua.
Trên tường có cái cửa sổ nhỏ, tên đạo tặc thấy vậy liền ẩn ở bên ngoài. Hắn biết người tu Phật ngày chỉ ăn một bữa, ăn xong sẽ đả toạ nghỉ ngơi. Hắn tính đợi đến khi hoà thượng tĩnh tâm đả toạ thì sẽ ra tay, lúc đó chính là thời điểm thích hợp nhất.
Nhưng điều bất ngờ là khi vị hòa thượng này ăn cơm xong lại không hề nâng niu “báu vật” mà cứ tiện tay quăng chiếc bát bằng châu báu đó ra ngoài cửa sổ, cạnh chỗ tên đạo tặc ẩn náu. Điều này khiến tên đạo tặc giật mình sửng sốt, đây quả là điều hắn hoàn toàn không ngờ tới. Nhất thời, hắn cũng chẳng biết phải ứng phó ra sao: “Sao trên đời lại có người như thế nhỉ? Ăn cơm xong lại bỏ luôn cái bát quý giá như thế này, cứ như kiểu nó chẳng có chút giá trị nào cả”.
Quá bất ngờ trước hành động của vị hoà thượng, tên đạo tặc đứng dậy tiến về phía vị hòa thượng nói: “Tôi có thể hỏi ngài một câu được không? Ngài có biết chiếc bát ngài vừa bỏ đi chính là báu vật không?”.
Vị hoà thượng đáp: “Đương nhiên là biết. Ngươi đừng lo lắng, chiếc bát đó giờ là của ngươi, ta cho ngươi, vậy nên lần này ngươi không bị tính ăn trộm, vì đó là quà ta tặng cho ngươi. Ta cả đời sống thanh đạm, chỉ có chiếc bát là tài vật duy nhất để đi khất thực qua ngày. Ta cũng biết rõ chiếc bát này ta chẳng thể giữ được lâu, dù sao ta cũng cần phải ngủ nghỉ, ắt cũng có người lấy đi. Ngươi đã không quản đường xa vất vả, theo ta từ trong thành về tới tận đây, vậy nên ngươi hãy nhận đi”.
Tên đạo tặc nghe vậy đáp: “Ngài đúng là bậc thánh nhân, ngài thực sự không để tâm tới cái bát trân quý này sao?”.
Vị hoà thượng đáp: “Từ sau khi ta lĩnh ngộ được chân lý, đối với ta mà nói tất cả mọi thứ đều chẳng chút giá trị nào”.
Tên đạo tặc nói: “Vậy xin ngài hãy tặng cho tôi một điều quý giá hơn: Làm sao để lĩnh ngộ được chân lý mà ngay cả kim tiền cũng chẳng thể so bì?”.
Vị hoà thượng đáp: “Rất đơn giản”.
Tên đạo tặc nói: “Nhưng tôi nói trước, tôi là một tên đạo tặc khét tiếng vùng này”.
Vị hòa thượng nghe vậy không mảy may động tâm nói: “Ai mà không phải chứ? Đừng quá bận tâm những điều nhỏ nhặt không đáng quan trọng đó, mỗi người chúng ta đều là đạo tặc. Tại sao? Bởi từ lúc sinh ra chúng ta đã không ngừng lấy những thứ của người khác, mỗi người đều là đạo tặc, vậy nên đừng quá bận tâm. Ta cũng vì thế mà cả đời áo chỉ sờn vai, sống một cuộc sống thanh bần qua ngày. Bất luận là ngươi làm việc gì, chỉ cần chú tâm làm cho tốt việc đó là được. Hãy ghi nhớ: Trước khi trộm đồ người khác ngươi hãy nghĩ đến cảm thụ của họ và nhận thức của mình, nếu như không thể nghĩ đến cảm thụ của họ vậy thì đừng có lấy. Nguyên tắc chỉ đơn giản vậy thôi”.
Tên đạo tặc nghe xong đáp: “Việc này quá đơn giản. Sau này tôi còn có thể gặp lại ngài không?”.
Vị hoà thượng đáp: “Ta sẽ ở đây hơn chục ngày, trong khoảng thời gian này ngươi đều có thể tìm ta, nhưng mà trước tiên ngươi hãy thử làm theo điều ta nói”.
Vậy là trong mười mấy ngày này tên đạo tặc thử làm theo điều vị hòa thượng nói, anh ta phát hiện rằng đó là việc khó nhất trên đời. Thậm chí có lần anh ta vào hẳn trong hoàng cung, mở hòm vàng bạc kim ngân ra, nhưng… Mỗi khi muốn lấy một món đồ, trong lòng anh ta liền nhớ đến sự nhận thức của mình. Vì để tuân thủ lời hứa, nên mười mấy ngày qua đi, anh ta cũng chẳng lấy được món đồ nào. Anh ta phát hiện khi một người có được nhận thức của mình, ăn cắp đồ của người khác quả là một việc muôn vàn khó khăn. Cuối cùng thì dục vọng trộm đồ trong anh ta cũng dần mất đi.
Anh ta đến tìm vị hoà thượng kia nói: “Cuộc sống của tôi tất cả bị ngài làm cho đảo lộn hết cả rồi, bây giờ tôi không thể ăn trộm được thứ gì nữa cả”.
Vị hòa thượng nói: “Vấn đề là ở anh không phải ở ta, nếu như anh vẫn cứ muốn tạo nghiệp như cũ, vậy thì đem nhận thức đó bỏ đi”.
Tên đạo tặc đáp: “Nhưng mà những khoảnh khắc có được nhận thức đó rất quý giá. Cả đời tôi chưa bao giờ có được những phút giây tự tại như vậy, dù cho có vàng bạc châu báu của cả vương quốc này cũng chẳng thể so bì”.
“Bây giờ tôi đã hiểu được ý nghĩa câu nói của ngài: Sau khi lĩnh ngộ được chân lý thì mọi thứ chẳng đáng giá đồng tiền. Tôi cũng không ngừng lĩnh ngộ được nhận thức mới. Tôi đã được uống qua nước cam lộ, tin rằng ngài nhất định thời thời khắc khắc đều được đắm chìm trong đó. Vậy nên ngài có thể thu nhận tôi làm đồ đệ học theo ngài không?”.
Vị hoà thượng đáp: “Đúng là ta thời thời khắc khắc không đâu là không tham ngộ trong chân lý. Ngay từ lúc đầu anh bám theo ta, ta đã điểm hóa nhận anh làm đồ đệ rồi. Khi đó anh muốn trộm bát của ta, nhưng ta thì lại nghĩ làm sao để ‘trộm’ anh lại, vậy nên chúng ta không hẹn mà hợp”.
Và tên trộm trong câu chuyện trên đây cũng chính là Bồ Tát Long Thụ và quá trình tu đạo của ngài.
Thiền sư Lương Khoan gặp trộm
Thiền sư Lương Khoan ngoài những lúc ra ngoài hoằng Pháp ra thì ngài luôn sống trong một căn nhà nhỏ đơn sơ dưới chân núi. Một lần đi giảng kinh trở về, lúc đó trời cũng đã tối, ngài vừa về đến nơi thì bắt gặp một kẻ đến trộm đồ. Thấy thiền sư trở về, tên trộm lúng túng chẳng biết làm sao, còn thiền sư Lương Khoan thì vẫn điềm nhiên nói: “Tìm không được thứ gì để lấy đúng không? Đây, người hãy cầm chiếc áo trên người ta mà mang đi”.
Tên trộm vội vàng cầm chiếc áo của thiền sư mà chạy một mạch không dám quay đầu lại. Thiền sư nhìn theo bóng dáng tên trộm thở dài mà nói: “Thật tiếc ta không để đem ánh trăng này tặng cho người…”.
Thiền sư Thất Lý gặp đạo tặc
Một hôm Thiền sư Thất Lý đang ngồi đả toạ, một tên tặc khấu cầm dao tiến đến từ phía sau nói: “Mang hết tiền trong tủ ra đây, nếu không ta sẽ lấy mạng ngươi”.
Thiền sư Thất Lý đáp: “Tiền trong ngăn kéo, trong tủ không có tiền, ngươi hãy tự đi mà lấy, tuy nhiên hãy để lại một ít. Gạo trong bếp hết rồi, nếu ngươi lấy đi tất cả thì mai ta phải chịu đói”.
Tên đạo tặc nghe vậy nhưng vẫn cố tình lấy hết số tiền trong ngăn kéo. Khi hắn chuẩn bị bước ra cửa, Thiền sư Thất Lý nói: “Lấy đồ của người khác rồi cũng nên nói một tiếng cảm ơn chứ?”.
Tên đạo tặc đáp: “Cảm ơn”, sau đó rời đi. Trong lòng hắn bỗng cảm thấy trống trải hư không, loại cảm giác này xưa nay hắn chưa từng trải qua, hắn bước đi như một kẻ vô hồn trong đêm tối.
Mấy hôm sau hắn đi trộm đồ nơi khác bị quan phủ bắt được, qua tra khảo hắn khai rằng đã trộm đồ ở chỗ Thiền sư Thất Lý. Quan nha phủ bèn dẫn hắn đến gặp Thiền sư Thất Lý đối chứng. Tuy nhiên Thất Lý Thiền sư đáp: “Hắn không trộm đồ của ta, mà là ta cho hắn, hơn nữa trước lúc đi hắn cũng đã nói lời cảm ơn rồi”.
Tên đạo khấu nghe Thiền sư nói vậy thì cảm động vô cùng, trước lúc bị nha phủ dẫn đi, hắn nhìn Thiền sư mà hai hàng lệ rưng rưng. Sau này đến khi mãn hạn tù đày, hắn trở lại tìm gặp Thiền sư Thất Lý, cầu xin thiền sư thu nhận hắn làm đệ tử. Lúc đầu Thiền sư Thất Lý không muốn nhận, nhưng hắn đã quỳ trước cửa 3 ngày 3 đêm, cuối cùng ngài mới nhận lời.
“Nhân chi sơ, tính bản thiện”, kỳ thực mỗi con người sinh ra đều mang trong mình tấm lòng lương thiện từ bi. Chẳng qua do môi trường giáo dục và sinh sống, những thói hư tật xấu cũng từ đó mà không ngừng lớn lên. Khi cái thiện không thể thắng được cái ác trong tâm hồn thì chính là lúc nó khiến con người trở thành xấu xa. Nhưng nếu chúng ta dùng cái hung tàn để đối xử với cái xấu xa thì kết quả cái xấu cũng chỉ xấu hơn mà thôi.
Phật gia giảng “Thiện căn”, khi chúng ta có thể lấy thiện lương để đối nhân xử thế, dù cho đó là cái xấu đi chăng nữa thì đó cũng chính là lúc chúng ta giúp họ khởi lên thiện niệm, khởi lên lòng trắc ẩn của chính mình, giúp họ quay về với con đường chân chính thiện lương. Cũng như ai đó đã từng nói: “Vị tha không thể thay đổi được quá khứ nhưng lại có thể thay đổi được tương lai”.
An Nhiên / Theo: vandieuhay
No comments:
Post a Comment