Thursday, April 20, 2023

ĐẠO LÀM THẦY: KIẾN THỨC CHỈ LÀ THỨ YẾU, QUAN TRỌNG NHẤT LÀ DẠY CÁCH LÀM NGƯỜI

Những scandal trong ngành giáo dục giờ đây không còn là chuyện hiếm. Dẫu vậy, đó vẫn là chuyện lạ, khiến người ta không khỏi xa xót khi nghĩ đến danh xưng tôn quý hàng đầu trong văn hoá truyền thống: Người Thầy. Có lẽ mỗi người sẽ có sự lý giải cho riêng mình về những điều phải trái đúng sai. Riêng phần mình, tôi chỉ biết nén tiếng thở dài và thầm nghĩ: “Nếu là cô giáo tôi có lẽ mọi chuyện sẽ khác!”.


Học sư phạm nhưng không dám làm giáo viên

Cô giáo tôi dáng người dong dỏng, khuôn mặt hao gầy. Từ cách hành xử mực thước của cô phảng phất đâu đây nét duyên dáng, ý nhị của những thiếu nữ thời xưa mà tôi thường thấy trong các bộ phim cổ trang. Thời cô thi đại học mà được đỗ vào trường Đại học quốc gia khoa sư phạm quả là một niềm vinh hạnh lớn.

Nhưng kỳ lạ là khi tốt nghiệp ra trường cô lại không theo nghề giáo viên. Cô xin làm ở một doanh nghiệp tư nhân của nước ngoài. Nhưng có lẽ “con người có số” nên cuối cùng, sau biết bao sự tình cờ, cô lại đứng trên bục giảng. Ngay chính bản thân cô cũng phải thốt lên: “Đúng là mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên!”.

Ngày đầu tiên khi đứng trước lớp tôi cô tâm sự: “Cô học ngành sư phạm, nhưng nói thật hồi đầu cô lại sợ làm giáo viên lắm!”. Tụi học trò bên dưới cười ồ lên, và bắt đầu tò mò nhìn cô, nhao nhao hỏi: “Sao lại thế hả cô?”.

Cô mỉm cười: “Cô nghĩ rằng nhà giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề và được cả xã hội tôn vinh. Thầy cô không chỉ là người truyền thụ kiến thức, mà phải luôn trau dồi, tu dưỡng đạo đức của bản thân. Dẫu đứng trên bục giảng hay xuất hiện ngoài cuộc sống đời thường cũng đều phải là tấm gương đạo đức mẫu mực. Nên về kiến thức chuyên môn thì cô tự tin, nhưng cô lại sợ mình làm không tốt, ảnh hưởng tới danh hiệu cao quý ấy. Nhưng có lẽ người tính không bằng Trời tính, nên cô mới có cơ hội đứng trên bục giảng ngày hôm nay”. Chính sự khiêm nhường toát ra từ những lời chân thành ấy đã khiến chúng tôi cảm nhận được sự gần gũi và lương thiện của cô.


Chữ Nhân 人: Con người đều là người thân của nhau, đều đáng được yêu thương và trân trọng

Buổi học hôm ấy cô dùng phấn viết 2 vạch lên bảng thành chữ Nhân rồi nói: “Các em nhìn xem chữ này giống hình gì?”. “Giống người đang đi ạ.” “Cũng đúng đấy nhỉ!”. “Còn ai thấy giống hình gì khác nữa không?”. Mọi người đều lắc đầu. Cô chắp hai tay trước ngực rồi hỏi: “Các em thấy hình gì đây không?”. “Ồ, tư thế hợp thập” (một tư thế chào của Phật gia). Cả lớp ồ lên, nhưng vẫn chưa hiểu cô định nói về điều gì.

Cô từ tốn giải thích: “Chữ Nhân này giống với tư thế hợp thập. Nên trong đó có chứa một phần nội hàm rằng con người là do các vị Thần sinh ra, chứ không phải từ loài khỉ, loài vượn nào tiến hóa mà thành. Trong thần thoại Hy Lạp cổ, con người là do Prô-mê-thê sáng tạo ra. Đối với người Do Thái, chính Thần Giê-hô-va đã làm điều này. Còn trong thần thoại cổ phương Đông lại là Thần Nữ Oa vá trời và tạo ra con người. Phần lời tựa trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên cũng chép rằng: “Nước Đại Việt ở phía nam Ngũ Lĩnh, thế là trời đã phân chia giới hạn Nam–Bắc. Thuỷ tổ của ta là dòng dõi họ Thần Nông, thế là trời sinh chân chúa, có thể cùng với Bắc triều mỗi bên làm đế một phương”. Vậy nên sống giữa trời đất, con người trước tiên phải biết tôn kính các vị Thần linh đã ban cho mình cuộc sống này”.

“Hóa ra là thế! Chữ này tụi em dùng mãi mà hôm nay mới hiểu nó còn có nội hàm thâm sâu như vậy”. Các bạn trong lớp vừa ngạc nhiên vừa tấm tắc khen hay.

Cô ngưng một lát rồi nhìn chúng tôi nói tiếp: “Mỗi dân tộc khác nhau được sáng tạo ra bởi những vị Thần khác nhau. Do vậy mới có chủng người da trắng mắt xanh, da vàng mắt đen hay da đen, da đỏ… Các truyền thuyết xưa nói rằng tất cả các vị Thần đều đã tạo ra con người theo hình dáng của chính bản thân họ. Vậy nên con người đều là con dân của Thần, là người thân của nhau, đều đáng được yêu thương và trân trọng”. Cô đưa mắt nhìn xuống những gương mặt ngây thơ, trong sáng với ánh mắt trìu mến. Bầu không khí trên lớp trở nên thật ấm áp, tụi học trò chúng tôi cũng nhìn nhau, mỉm cười với ánh mắt hiền hòa.

Ồ, thảo nào cô thường hỏi và lắng nghe cảm nhận của các bạn trong lớp về bài giảng của mình. Cô nói làm vậy để có thể tìm được cách phù hợp và dễ hiểu nhất đối với mỗi người chúng tôi. Tụi học sinh chúng tôi cũng ấm lòng vì thấy mình được cô luôn tôn trọng như vậy. Cô cũng ít khi trách mắng, chứ đừng nói gì đến chuyện dọa nạt hay tỏ thái độ lạnh nhạt với chúng tôi. Thay vào đó cô thường lắng nghe và khích lệ, giảng giải đạo lý cho chúng tôi. Chẳng thế mà ngay cả những cu cậu “bướng bỉnh” trong lớp cũng trở nên thuần tính hơn.


Chữ “Ưu” đầy bất ngờ và khác với những gì tụi học trò chúng tôi thường nghĩ

Một hôm khác, cô hỏi chúng tôi: “Các em có muốn sau này trở thành những người giỏi giang không?”.“Có ạ!”. Chẳng ai bảo ai, ai nấy đều hào hứng đồng thanh đáp lời cô. Cô hiền từ nhìn chúng tôi: “Thế các em nghĩ thế nào là một người giỏi giang?”.

Tú giơ tay nói: “Người ấy có tài năng hơn người ạ!”. Phong cũng góp lời: “Người ấy luôn nổi bật và tỏa sáng giữa mọi người như các minh tinh ý ạ!”. “Các bạn khác có đồng ý với ý kiến của 2 bạn không”. “Có ạ!”. Cả lớp đồng thanh trả lời cô.

Cô mỉm cười nhìn chúng tôi: “Đây là chữ “Ưu优” (ưu tú) giản thể hiện đại, có vẻ như rất giống với ý kiến của các em. Chữ này gồm bộ “Nhân đứng 亻”chỉ con người và chữ “Vưu 尤” nghĩa là nổi bật, nổi trội. Như vậy chữ “Ưu 优” giản thể nói với chúng ta rằng ưu tú là những người có tài năng nổi trội hơn người. Do vậy họ sẽ thường so sánh bản thân với người khác và luôn muốn giành vị trí tốt nhất cho mình”.

Cô nhẹ nhàng viết ngay bên cạnh chữ vừa rồi và nói: “Còn đây là chữ “Ưu 優” (ưu tú) chính thể trong văn hóa truyền thống. Chữ này gồm bộ “Nhân đứng亻”, chữ “Bách 百” nghĩa là “một trăm”, chữ “Tâm心” và bộ “Bán văn 攵”. Nhìn vào chữ “Ưu優” chính thể này chúng ta sẽ thấy một quan niệm rất nhân văn của người xưa: Ưu tú, giỏi giang là người đức độ, thường “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ”. Nên khi được khen là người ưu tú họ sẽ ý thức được rằng mình cần có trách nhiệm chăm lo cho nhiều người hơn được hạnh phúc, bình yên. Giống như câu: “Kẻ mạnh không phải là người đứng trên vai người khác, mà là nâng bổng người khác trên đôi vai mình”.

“Ồ!”, “À!”, “Hay thật, hay thật!”. Tụi học trò chúng tôi cứ tròn mắt bất ngờ và thích thú với những quan niệm mới mẻ và nhân văn này. Dũng cười khúc khích: “Nói vậy thì Ngọc học giỏi nhất lớp, vậy là bạn ấy cũng nên giúp đỡ mọi người học giỏi như mình thì mới được gọi là ưu tú cô nhỉ?”. “Dũng nói đúng rồi đấy!”. Cả lớp vỗ tay rào rào hưởng ứng, bầu không khí thật rộn ràng với những tiếng cười vui vẻ và khuôn mặt rạng ngời.

Cô còn giảng giải cho chúng tôi thật nhiều, thật nhiều điều, khiến chúng tôi cứ đi hết từ thú vị này đến thú vị khác. Nhưng chung quy lại tôi cảm nhận được điều cô muốn nhắn nhủ đến chúng tôi, những chủ nhân tương lai của đất nước rằng: Hãy luôn trân trọng, yêu thương và giúp đỡ người khác. Kiến thức và tài năng chỉ là phương tiện để chúng ta làm được điều đó mà thôi.

Tới khi nào tích lũy được một lượng từ mới hòm hòm, tôi cũng sẽ có thể tự mình tìm hiểu những cuốn sách cổ viết bằng Hán tự mà cha ông ta để lại. Chắc hẳn không phải ngẫu nhiên khi xưa chữ Hán lại là ngôn ngữ chính của người Việt suốt chiều dài thế kỷ. Những di sản truyền thống đạo đức của dân tộc chắc hẳn cũng đều được lưu giữ tại nơi đây.

Cứ thế chúng tôi ai nấy đều háo hức chờ đợi những giờ học tiếng Trung của cô. Đó không chỉ đơn thuần là những buổi thu lượm kiến thức và kỹ năng chuẩn bị hành trang cho tương lai sau này. Điều quan trọng hơn là cô luôn mang đến cho chúng tôi bao điều mới mẻ, hướng chúng tôi tới những đạo lý làm người, tới một thế giới quan cao đẹp, đầy trí huệ và nhân văn.

Có lẽ vì vậy mà các bạn lớp khác thường trầm trồ ngưỡng mộ trước tình cảm ấm áp giữa cô trò cũng như các thành viên trong lớp chúng tôi. Tôi thầm mong có một ngày mình cũng giống như cô, là người gieo hạt giống tâm hồn và chắp cánh ước mơ cho những trái tim thánh thiện bay cao bay xa!

Hiểu Mai / Theo: ĐKN

No comments: